Quan hệ Nga - Đức nồng ấm trở lại

Thứ Sáu, 28/08/2009, 06:00
Cuối tuần qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa có chuyến công du chớp nhoáng chỉ trong một ngày tới Nga. Chuyến đi của bà Merkel được coi là một bước ngoặt mới giúp hâm nóng lại mối quan hệ truyền thống Nga - Đức, vốn đã bị nguội lạnh đáng kể một năm về trước từ những bất đồng về chính trị.

Dù thời gian gặp gỡ người đồng nhiệm Dmitri Medvedev không nhiều, nhưng cả hai bên đã có những cuộc hội đàm tích cực và hiệu quả, tập trung vào những lợi ích kinh tế quan trọng hàng đầu của hai nước.

Kể từ khi Liên Xô tan rã, Đức luôn được nhìn nhận là một trong những cường quốc phương Tây có quan hệ thân thiện nhất với nước Nga. Tuy nhiên chỉ gần một năm trước đây, khi hai nguyên thủ Angela Merkel và Dmitri Medvedev cùng xuất hiện trước các phóng viên tại Sochi, bầu không khí đã được báo chí nhắc tới chẳng khác gì một "cuộc chiến tranh lạnh".

Ấn tượng có từ cuộc gặp này đã khiến nhiều người nghĩ rằng, quan hệ Nga - Đức đã chuyển sang một giai đoạn nguội lạnh mới, đặc biệt là chỉ vài ngày sau đó, bà Merkel công khai lên tiếng hứa hẹn với Tổng thống Mikhail Saakashvili về khả năng Gruzia sẽ được xét kết nạp vào NATO.

Những phát biểu trên ngay lập tức đã gây ra phản ứng quyết liệt từ phía Moskva. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn chỉ chưa đầy 12 tháng sau, khi hai nguyên thủ đã thể hiện sự hòa hợp hiếm thấy trong cuộc gặp tại Sochi lần này, thậm chí còn hơn cả tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - Đức diễn ra tại Munich 4 tuần trước đó.

Nguyên nhân của bước ngoặt này, theo ý kiến của đông đảo các nhà quan sát, một phần xuất phát từ những thay đổi trong chính sách của chính quyền mới tại Washington đối với Nga. Nhưng yếu tố quyết định vẫn là những lợi ích kinh tế mà hai bên sẽ được hưởng lợi nếu hợp tác chặt chẽ với nhau, được coi là có ý nghĩa sống còn trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay. Đức đang hy vọng nguồn vốn đầu tư của Nga sẽ giúp vực dậy ngành công nghiệp sản xuất xe hơi và đóng tàu của mình. Đối với nền kinh tế Đức vốn dựa chủ yếu vào xuất khẩu, thị trường nước Nga đang có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong giai đoạn khủng hoảng.

Kết quả thăm dò công luận cũng cho thấy, phần lớn người dân Đức đều lo ngại về cái gọi là "cuộc chiến tranh lạnh mới" xuất phát từ những bất đồng với Nga. Ngay cả những nhà ngoại giao kỳ cựu dưới thời Helmut Kohl cũng lên tiếng chỉ trích chính sách trong thời gian qua của bà Merkel đối với Nga.

Đối đầu với Moskva không chỉ được coi là một nguy cơ tiềm ẩn trong quan hệ đối ngoại, mà còn là một "chiến thuật mạo hiểm" trong giai đoạn tranh cử nước rút hiện nay của phe cầm quyền tại Đức. Ngược lại, giá nhiên liệu sụt giảm đáng kể trong năm qua cũng gây ra nhiều khó khăn cho Nga, làm tăng thêm sự phụ thuộc của quốc gia này vào nền kinh tế phương Tây. Hợp tác chặt chẽ với một cường quốc về kinh tế tại phương Tây như Đức sẽ đem lại những lợi ích không nhỏ mà Moskva khó có thể chối từ.

Trên quan điểm như vậy, dù Thủ tướng Đức có mặt tại Sochi chỉ đúng một ngày, nhưng đã tham dự tới 3 cuộc hội đàm với Tổng thống Nga. Có rất nhiều vấn đề được cả hai bên đưa ra bàn bạc trong cuộc gặp khẩn trương này. Theo như Tổng thống Medvedev tuyên bố trong cuộc họp báo ngay sau đó, hai bên đã cùng thảo luận về chủ đề đảm bảo an ninh toàn cầu, kể cả những vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên. Hai bên cũng khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong tương lai nhằm giải quyết vấn đề Afghanistan.

Giới quan sát cũng đặc biệt chú ý tới những quan điểm ủng hộ của bà Merkel đối với Nga trong vấn đề Kavkaz, bất chấp điều này được coi là không nhận được sự đồng tình của nhiều chính trị gia tại Đức.

Chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh G-20 sẽ diễn ra tại Pittsburg vào tháng 9 tới, hai nguyên thủ cũng dành nhiều thời gian bàn về những dự án cải tổ hệ thống tài chính quốc tế. Nga hiện đang ủng hộ tích cực cho sáng kiến của Thủ tướng Đức về một Hiến chương quốc tế về phát triển bền vững, trong đó đưa ra những nguyên tắc thống nhất điều hành các thị trường thế giới nhằm giúp ngăn chặn những cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai. 

Tất nhiên, những quan tâm đặc biệt của hai nguyên thủ được dành cho những dự án hợp tác song phương cụ thể.

Đối với Thủ tướng Merkel, vấn đề thu hút nguồn vốn đầu tư của Nga vào các xí nghiệp Đức đang gặp khó khăn vì khủng hoảng có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm nước rút của chiến dịch tranh cử Quốc hội hiện nay. Hai bên ngay từ đầu đã công khai khẳng định, vấn đề đầu tư của Nga vào Đức sẽ là nội dung thu hút quan tâm nhiều nhất trong các cuộc hội đàm, do những dự án đầu tư này có ý nghĩa giải quyết khủng hoảng đối với cả hai nước.

Có thể kể tới một vài dự án đầu tư được coi là có ý nghĩa quan trọng đối với bà Merkel như kế hoạch của Sberbank (Nga) và Hãng Magna của Canada mua cổ phần của Tập đoàn xe hơi Opel; Tập đoàn Gazprom mua lại hệ thống xưởng đóng tàu Wadan Yards (Nga dự kiến đầu tư khoảng 40,5 triệu euro) hay các kế hoạch đầu tư của tập đoàn đầu tư tài chính "System" nhằm cứu nguy cho nhà sản xuất chip vi xử lý Infineon của Đức.

Liên quan đến các dự án trên, Thủ tướng Merkel khẳng định sẽ bật đèn xanh và tạo điều kiện hết sức cho các nhà đầu tư Nga. Còn Tổng thống Medvedev cũng cam kết giám sát các nhà đầu tư, đồng thời khẳng định những dự án trên sẽ giúp cải thiện cơ cấu kinh tế của Nga

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.