Quan hệ Pháp - Đức: Khó khăn lộ rõ bất đồng

Thứ Ba, 22/06/2010, 22:45
Là đầu tàu kinh tế và chính trị trong khối Liên minh châu Âu (EU) nhưng quan hệ giữa Pháp và Đức đang lộ rõ những bất đồng xuất phát từ khó khăn tài chính tại một số nước thành viên khối EU. Theo các nhà phân tích, những khác biệt giữa hai thành viên chủ chốt này nếu không được thu hẹp thì cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng euro sẽ còn kéo dài.

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại Berlin ngày 14/6, lãnh đạo hai nước đã đạt được đồng thuận về sự cần thiết phải có một chính phủ kinh tế ở cấp độ châu Âu, tránh tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính, như trường hợp Hy Lạp. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đằng sau sự đồng thuận hình thức này, Pháp và Đức còn có nhiều bất đồng.

Thực vậy, hiện nay ParisBerlin có những khác biệt khá lớn về quan niệm và chính sách trong lĩnh vực kinh tế và tài chính trong EU và khu vực đồng euro. Trong khi Đức luôn tỏ ra thận trọng trong chính sách giải quyết thâm hụt ngân sách của các nước hội viên trong khu vực đồng euro, thì Pháp lại tỏ ra dễ dãi hơn với việc giúp đỡ các nước thành viên đang gặp khủng hoảng tài chính.

Trường hợp của Hy Lạp trước đây, ngay cả việc hai bên Pháp và Đức tuy vừa thỏa hiệp lập chính phủ kinh tế trong EU, nhưng đó mới chỉ là thỏa hiệp trên nguyên tắc còn trên thực tế vẫn còn những khác biệt căn bản. Chẳng hạn vai trò của Ngân hàng Trung ương EU sẽ tiếp tục độc lập như phía Đức đòi hỏi hay phải chịu quản lý của một chính phủ kinh tế trong tương lai như Pháp đề nghị.

Ngay cả việc liệu có nên thành lập một số cơ cấu mới cho chính phủ kinh tế EU hay không cũng đang có những khác biệt căn bản giữa Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel. Ông Sarkozy muốn thành lập một cơ cấu mới trong khi bà Merkel muốn duy trì cơ cấu sẵn có của EU. Chính phủ Pháp không muốn đưa ra những chính sách thắt lưng buộc bụng nên Bộ trưởng Tài chính Pháp Lagarde đã chỉ trích các biện pháp giảm chi tiêu của Nhà nước Đức mà chính phủ của bà Merkel vừa ban hành hồi tuần trước.

Ngoài những khác biệt trên, cá tính và thái độ của hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp hiện nay cũng có nhiều điểm không hòa đồng. Trong khi bà Merkel kín đáo và thận trọng thì ông Sarkozy lại hay bốc đồng và rất năng động. Tại cuộc họp khẩn về đồng euro ở Bruxelles, Bỉ, cách đây không lâu, Tổng thống Sarkozy đã trình diễn như là một thành quả riêng của ông, thì Thủ tướng Merkel đã vội vã bay sang Moskva để tham dự lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức.

Ngày 15/6, tờ Zeitung của Đức cho biết ngày 7/6, điện Élysée đã yêu cầu hoãn cuộc họp đến ngày 14/6 nhưng sau đó Chính phủ Pháp lại cho biết việc này là do phía Đức yêu cầu. Hai ví dụ trên cho thấy quan hệ giữa bà Merkel và ông Sarkozy không được nồng thắm như những người tiền nhiệm trước đây của Pháp và Đức.

Nhìn xa hơn, sự khác biệt giữa cơ cấu chính trị Pháp và Đức cũng đã tạo ra những khó khăn hơn để đạt tới một sự đồng thuận giữa hai nước trên một số vấn đề quan trọng liên quan đến châu Âu. Tuy cùng là hai nước theo chế độ dân chủ đa nguyên, nhưng Pháp và Đức lại khác nhau khá lớn về cơ cấu tổ chức chính trị.

Trong khi Pháp theo chế độ tổng thống chế, quyền hành của chính quyền trung ương rất lớn, nhất là tổng thống thì Đức lại theo chế độ đại nghị liên bang. Trong đó, Quốc hội liên bang có rất nhiều quyền. Chính phủ Liên bang Đức không những phải hỏi ý kiến của Quốc hội mà còn phải tham khảo ý kiến của các chính phủ tiểu bang.

Thủ tướng Merkel (trái) và Tổng thống Pháp tại Berlin ngày 14/6.

Trước đây, khi chính phủ của bà Merkel tìm cách trì hoãn các giải pháp của EU trong việc giúp Hy Lạp giải quyết khủng hoảng nợ công thì lúc đó một cuộc bầu cử Quốc hội tại tiểu bang lớn nhất nước Đức là Rheinland-Westfalen Bắc (NRW) diễn ra. Khi ấy bà Merkel sợ biện pháp giúp Hy Lạp sẽ khiến đảng của bà mất cảm tình của cử tri và khiến đảng của bà ở thất bại tại tiểu bang này và vì thế chính phủ liên hiệp sẽ mất thế đa số trong Thượng viện. Khi đó Pháp và một số chính phủ khác trong EU đã chỉ trích rằng Đức thiếu quyết đoán.

Mặt khác, hiện nay chính phủ liên hiệp của bà Merkel, vừa được thành lập vào cuối năm 2009, đang gặp những khủng hoảng rất lớn. Nội bộ giữa các đảng cầm quyền công khai chống đối lẫn nhau và thái độ thiếu cương quyết của Thủ tướng Merkel đang khiến chính phủ của bà mất uy tín rất mạnh.

Thêm vào đó, việc Tổng thống Đức Horst Koehler bất ngờ từ chức hai tuần trước và ứng viên tranh cử tổng thống của phe chính phủ liên hiệp, ông Christian Wulff, có thể gặp khó khăn trước ứng cử viên của đảng đối lập. Hiện nay dư luận Đức dự đoán là nếu ông Christian Wulff thất cử thì có thể chính phủ liên hiệp của bà Merkel cũng sẽ sụp đổ theo.

Một khác biệt nữa đang gây mâu thuẫn giữa Đức và Pháp trong lĩnh vực tài chính và ngân sách. Đó là hiến pháp Đức quy định nguyên tắc quân bình ngân sách chính phủ giữa chi và thu. Cho nên mới đây, chính phủ Đức đã đưa ra một loạt chính sách cắt giảm chi tiêu. Việc này cũng phản ánh tâm lý của đa số người Đức đã chi tiêu tằn tiện nhưng các biện pháp này của Đức đã bị chính phủ Pháp chỉ trích.

Có thể nói cơ cấu chính trị của Đức và những khó khăn thời sự rất lớn của Đức đã cản trở các hoạt động và quyết định của Thủ tướng Merkel trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao thời gian vừa qua, đặc biệt là trong EU và qua đó thấy rõ sự khác biệt giữa Pháp và Đức. Với những điều kiện như thế thì giả sử Thủ tướng Merkel muốn nhượng bộ hay đi nhanh hơn cũng không thể được

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.