Quan hệ Thổ-EU nhìn từ cuộc khủng hoảng Hà Lan-Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Hai, 20/03/2017, 15:35
Khác xa phản ứng thường thấy với Nga, lãnh đạo EU lúng túng trước những lời thóa mạ của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sau khủng hoảng ngoại giao giữa Thổ và Hà Lan. Vì sao có sự khác biệt này và những căng thẳng Thổ-EU hiện nay cho thấy điều gì?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang làm lợi cho Chủ tịch đảng Tự do cực hữu Hà Lan Geert Wilders khi không ngừng thóa mạ giới lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là Hà Lan? Câu hỏi này nghe có vẻ vô lý vì Wilders là người dẫn đầu chống đối mối quan hệ gần gũi giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ, về vấn đề di cư, đặc biệt là vấn đề Hồi giáo ở châu Âu. Nhưng rõ ràng sự cố ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan xảy ra hồi cuối tuần trước khi Hà Lan không cho máy bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh và ngăn một bộ trưởng khác vào lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Rotterdam (Hà Lan), kết thúc bằng lời đe dọa trả đũa của chính quyền Ankara, lại vô hình trung làm lợi cho ông Geert Wilders.

Nếu sự việc tương tự xảy ra với Nga, châu Âu sẽ mạnh mẽ cáo buộc chính quyền Putin âm mưu phá hoại châu Âu dưới sự giúp đỡ của các phe phái cực hữu, như cách mà họ đã nói cả ngàn lần trong những năm gần đây. Chẳng hạn như họ vẫn đang cố móc nối những liên quan giữa Nga và phong trào cực hữu ở Pháp.

Bộ trưởng các chính sách xã hội và Gia đình Thổ Nhĩ Kỳ Sayan Kaya (giữa) họp báo tại sân bay Istanbul sau khi bị Hà Lan trục xuất ngày 12-3-2017.

Có lẽ ngay từ đầu, ông Wilders đã có ý đồ muốn lợi dụng cuộc tranh cãi này để lôi kéo lá phiếu của những người theo đường lối dân túy như ở Anh và Mỹ. Chính quyền Hà Lan muốn ngăn cản sự xuất hiện của một nữ bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì cô sẽ thực hiện bài diễn văn để vận động người dân Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Hà Lan bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý của Ankara vào tháng 4 tới.

Nhà lãnh đạo đảng Tự do đã thu hút sự chú ý của người Hà Lan về sự hiện diện của lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình trên khắp đường phố Rotterdam, để thấy rằng những người đến từ Thổ Nhĩ Kỳ không chịu sống hòa nhập tại Hà Lan. Với ông, người dân có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ không phải là công dân của Hà Lan. Thêm vào đó là việc Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Hà Lan là "thủ đô của phát-xít" sau khi máy bay của ông bị từ chối hạ cánh, chắc chắn sẽ khích lệ người dân Hà Lan ủng hộ cho Wilders trong cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 15-3 (nhưng kết quả là ông không thắng đậm như Tổng thống Mỹ theo đường lối dân túy Donald Trump mà vẫn thua chút ít trước Thủ tướng mãn nhiệm Mark Rutte).

Sự tương phản rõ rệt giữa một Erdogan đầy giận dữ - đe dọa Hà Lan sẽ phải "trả giá đắt" và lời khiêu khích rằng "chủ nghĩa phát-xít vẫn đang tồn tại ở phương Tây", với một Putin - người chưa bao giờ hết là đối thủ của châu Âu và Mỹ. Những cụm từ như là "đối tác châu Âu" hay "đối tác Mỹ" vẫn thường xuất hiện trong lời nói của Tổng thống Putin hay Ngoại trưởng Nga Lavrov và tất cả mọi người đều hiểu đó là một lối nói châm chọc. Còn Tổng thống Erdogan lại "khá thẳng thắn", mới đây ông cũng đã gọi Đức là độc tài phát-xít.

Điều này cho thấy các nhà lãnh đạo của Nga luôn thận trọng trong lời nói của mình, và dù có gặp khó khăn với những biện pháp trừng phạt thì Nga vẫn lạc quan tin rằng mọi chuyện xấu sẽ qua và họ vẫn tiếp tục trò chuyện một cách văn minh. Đây cũng là điểm khác biệt với Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Ankara dường như muốn triệt để phá bỏ những cầu nối quan hệ với châu Âu, một lần cho mãi mãi, xóa sạch mọi khả năng hòa giải nếu có trong tương lai.

Hơn thế nữa, sự tương phản còn ở việc Thổ Nhĩ Kỳ là ứng cử viên xin gia nhập vào EU từ năm 1964, và đã ký kết cả chục "chương" đàm phán với Bỉ. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên một liên minh thuế quan EU, thành viên NATO, và sở hữu sức mạnh quân sự chỉ thua Mỹ. Mối quan hệ với EU có thể sẽ khó mà hàn gắn lại được, như chính vực thẳm đang chia cắt ranh giới giữa Ankara và các nước châu Âu.

Nói cách khác, EU đang bị chịu ràng buộc với Thổ Nhĩ Kỳ (mặc dù đã bị lên án là phát-xít) thông qua một số lượng lớn những thỏa thuận chính trị, quân sự và kinh tế, trong khi khoảng cách với Nga (luôn giữ hòa nhã trong lời nói giao tiếp) thì vẫn tiếp tục gia tăng.   

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lao vào cuộc đọ sức với châu Âu.

Thậm chí, những tuyên bố từ phía chính quyền Erdogan còn mạnh mẽ hơn sau chuyến thăm tới Nga để bàn về vấn đề Syria. Trước đó vào năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy cuộc nội chiến ở Syria bằng việc cung cấp vũ khí và chỗ ở cho các phiến quân. Nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ thì đã không có cuộc nổi loạn của Hồi giáo.

Độc giả sẽ tìm thấy trên tờ The Guardian (Anh) một trong những bài phóng sự thực tế viết về: vị trí trung tâm hậu cần (Military Operations Centre) của cuộc nổi loạn nằm ở Adana (Thổ Nhĩ Kỳ); việc sử dụng lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ như một cơ sở hậu phương cho cuộc nổi loạn; tuyên bố của thánh chiến Hồi giáo "Nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar thì chúng tôi sẽ chẳng có gì".

Sự thay đổi của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria, chuyển sang phe của Nga và hăng hái xúc tiến quan hệ chính trị của 2 nước, đã để lại các nước châu Âu đơn độc trong kế hoạch của mình. Toàn thể châu Âu đều chống lại Syria, và dĩ nhiên là chống lại Nga.

Về phía Syria, những trừng phạt đến từ châu Âu và Mỹ là một trong những khó khăn lớn nhất với họ từ trước đến nay, cuộc sống người dân trở nên hết sức khốn khổ nhưng không vì thế mà làm cho chính quyền Syria chịu thay đổi. Các nước Pháp, Anh, và Đức đã dẫn đầu trong việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria từ năm 2012. Nhưng hiện tại, châu Âu dường như đang bị bỏ rơi, trong đó có cả Mỹ, bởi cuộc thương lượng về phối hợp quân sự giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã đạt được hồi tuần trước tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đã đến thăm Moskva để thảo luận về tình hình tại Syria, qua đó cho thấy tầm ảnh hưởng của Nga đã trở nên lớn mạnh. Châu Âu chỉ còn lẻ loi một mình.

Sau những sự việc vừa qua, lãnh đạo châu Âu vẫn tiếp tục tự hỏi tại sao cử tri lại từ bỏ các đảng phái truyền thống, vốn cầm quyền trong nhiều năm liền để đi bỏ phiếu cho các đảng theo đường lối dân túy. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã không thực thi một chính sách thực dụng, thể hiện qua những quyết định có mục đích không phù hợp với tình hình thực tế hoặc thiếu cân nhắc, mà lại chỉ là hình thức. Họ xem mình là tốt nhất và mạnh nhất, từ đó xem thường các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hay Mỹ.

Nhưng thực tế đã phản ánh tất cả sự thật bằng một loạt thất bại trong vấn đề kinh tế, ngoại giao và di cư. Thời hoàng kim của các đảng phái thống trị châu Âu đã qua nhưng họ vẫn mãi chìm trong ảo tưởng sức mạnh của mình.

M.T. (tổng hợp)
.
.