Quan hệ đồng minh Mỹ - châu Âu sứt mẻ

Thứ Bảy, 06/07/2013, 10:40

Chính phủ Obama đang đối mặt với khả năng mất niềm tin nặng nề từ các đồng minh chí cốt ở châu Âu sau khi những bí mật về chương trình theo dõi các văn phòng của Liên minh châu Âu (EU) của Mỹ bị“Người thổi còi” Edward Snowden hé lộ. Tác động trước mắt của việc này có thể khiến tiến trình đàm phán hiệp định mậu dịch tự do (FTA) xuyên Đại Tây Dương bị đổ bể.

"Washington cần phải có những giải thích rõ ràng và sớm nhất". "Một cách hành xử giống như thời Chiến tranh lạnh, giữa các kẻ thù"… Đó là phản ứng chung của nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức sau các tiết lộ của báo chí về việc Cơ quan Tình báo Mỹ đã theo dõi, nghe lén các định chế của EU và cơ quan đại diện nhiều nước đồng minh châu Âu.

Theo tạp chí Đức Der Spiegel trong số ra ngày 29/6, Cơ quan An ninh Quốc gia NSA, phụ trách tất cả các tổ chức tình báo của Mỹ, đã đặt micro nghe lén trong trụ sở của EU tại Washington, thâm nhập vào hệ thống tin học để đọc thư điện tử và các tài liệu nội bộ của châu Âu. Mỗi tháng, có khoảng 500 triệu cuộc gọi điện thoại hoặc trao đổi qua Internet bị nghe lén tại Đức, gần 50 triệu tại Pháp…

Ngay tối 30/6, trang web của báo Anh The Guandian bổ sung thêm: Tổng cộng có tới 38 sứ quán và phái đoàn đại diện ngoại giao là đối tượng do thám của tình báo Mỹ, như bị cài micro trong các thiết bị thông tin điện tử, đấu cáp nghe trộm, thu thập thông tin qua các ăngten đặc biệt.

Vẫn theo tờ báo, ngoài các đối thủ truyền thống do khác biệt về hệ tư tưởng và một số nước nhạy cảm ở Trung Đông, danh sách theo dõi của NSA còn có cả sứ quán Pháp, Ý, Hy Lạp, và một số đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico.

Cựu Giám đốc NSA và CIA, Mike Hayden, nói chuyện trong chương trình "Face the Nation" của đài CBS hôm 30/6, về vụ NSA nghe lén các văn phòng của EU đăng tải trên báo Der Spiegel của Đức.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 30/6 ra thông cáo nhấn mạnh: "Các sự việc trên, nếu được khẳng định, thì không thể chấp nhận được" và đề nghị Mỹ có giải thích sớm nhất. Ngày 1/7, Tổng thống Pháp Francois Hollande yêu cầu Washington chấm dứt ngay lập tức các hoạt động theo dõi, nghe lén các cơ quan đại diện EU. Ông nói: "Không thể chấp nhận kiểu hành xử như vậy giữa các nước đối tác và đồng minh".

Còn theo Bộ trưởng Tư pháp của Đức Sabine Leutheusser Schnarrenberger: "Nếu các tiết lộ trên báo chí là đúng, điều này khiến chúng ta nhớ lại các hoạt động được tiến hành giữa các kẻ thù trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nó vượt quá sức tưởng tượng là các người bạn Mỹ của chúng ta coi châu Âu như kẻ thù".

Vẫn theo vị bộ trưởng này, thì không thể lấy lý do chống khủng bố để biện minh việc theo dõi, nghe lén trụ sở EU tại Washington và Bruxelles.

Các tiết lộ của tạp chí Der Spiegel đang khiến Mỹ rất khó xử. Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn giữ im lặng và cho đến nay, chỉ có một lời bình luận chính thức từ phía Ban lãnh đạo NSA. Trong thông báo, NSA cho biết, chính quyền Mỹ sẽ trả lời một cách thích hợp thông qua con đường ngoại giao và thông qua đối thoại song phương giữa các chuyên gia tình báo Mỹ - châu Âu cũng như qua quan hệ song phương giữa Mỹ với từng nước châu Âu. NSA không hề nói một câu nào về những cáo buộc mà báo chí đưa ra.

Theo giới phân tích, báo chí Đức đã khai thác các tài liệu mà Edward Snowden, nguyên là chuyên gia phân tích tin học tại NSA tiết lộ. Giống như trường hợp Wikileaks, đây là những thông tin khả tín. Do vậy, chính quyền Mỹ đang ở thế rất bị động và buộc phải chơi ván bài lật ngửa. Washington lạnh lùng tuyên bố: "Mỹ thu thập một số thông tin ở nước ngoài, giống như các nước vẫn làm". Nói một cách khác, "lòng vả cũng như lòng sung", tất cả các nước đều theo dõi lẫn nhau. Vấn đề là có bị lộ hay không mà thôi.

Phát biểu trên chương trình "Face the Nation" của Đài CBS ngày 30/6, Michael Hayden, cựu Giám đốc CIA và NSA, cho rằng mọi công dân châu Âu nếu muốn đưa ra các phán xét về hoạt động tình báo quốc tế, thì trước đó, nên xem xét kỹ càng những việc mà chính phủ của họ đã làm.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Chính phủ Mỹ nên xoa dịu công luận bằng cách công khai các chương trình tối mật, nhờ thế "người dân có thể biết được chính xác những gì chúng ta đang làm trong việc cân bằng giữa riêng tư với sự an ninh". Ông Hayden tiếp: "Càng biết nhiều, người ta càng thấy dễ chịu hơn".

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz phản ứng mạnh trước thông tin Mỹ nghe lén EU.

Nhiều giới chức châu Âu thuộc các nước Đức, Ý, Pháp, Luxembourg và ngay EU nói rằng, những tiết lộ mới nhất này có thể làm hỏng việc thương lượng đang diễn ra về một hiệp ước mậu dịch xuyên Đại Tây Dương, mục đích tạo nên việc làm và đẩy mạnh việc trao đổi hàng hóa hàng tỉ đôla mỗi năm, và cũng được xem là khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới.

Viviane Reding, Ủy viên tư pháp EU, nói: "Thành viên đối tác không được do thám lẫn nhau. Chúng tôi không thể bàn bạc về một thị trường xuyên Đại Tây Dương to lớn này một khi có sự hoài nghi, rằng đối tác của chúng ta đang tiến hành hoạt động do thám các văn phòng làm việc của các thương thuyết gia của chúng ta. Chính quyền Mỹ nên lập tức xóa tan những nghi ngại đó". Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, nói ông "hết sức quan ngại và kinh hoàng trước tin Chính phủ Mỹ đang nghe lén tại các văn phòng của EU".

Chương trình theo dõi bí mật này của NSA được cho là nhằm ngăn chặn âm mưu tấn công của các nhóm khủng bố, cực đoan và tội phạm có tổ chức. Từ "đại bản doanh" của NATO ở Bruxelles, tình báo Mỹ đã triển khai các hoạt động nghe lén điện thoại và chặn thu thư điện tử đến hoặc được gửi đi từ tòa nhà Justus Lipsius của EU, nơi đây thường diễn ra các hội nghị thượng đỉnh EU, và cũng là trụ sở của Hội đồng châu Âu.

Báo The Mirror (Anh) cho biết 5 năm trước đây, giới chức an ninh EU từng cảnh báo về những cuộc gọi nhỡ có nguồn gốc từ văn phòng NSA bên trong trụ sở NATO. Vụ việc sau khi vỡ lở đã gây ra những phản ứng gay gắt từ giới chức Đức. Theo The Mirror, bên cạnh những quan chức cao cấp của châu Âu như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso, thì Đức là mục tiêu số 1 của chương trình gián điệp này.

Washington và Bruxelles dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán FTA từ đầu tháng 7/2013 để mở ra một khu vực mậu dịch tự do trị giá hàng trăm tỉ USD. Tuy nhiên, vụ bê bối nghe lén có thể sẽ phủ mây đen lên bàn đàm phán, đẩy lùi nỗ lực tăng cường thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Một quan chức cấp cao ở Bruxelles cho rằng, trước tiên cần phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của vụ bê bối này đối với đàm phán thương mại, bởi không thể tránh được những tranh cãi tại Nghị viện châu Âu và quan hệ song phương Mỹ-EU chắc chắn sẽ lâm vào sóng gió. Theo Robert Madelin, một quan chức Anh tại Ủy ban châu Âu, các nhà đàm phán thương mại EU thường vạch kế hoạch hành động dựa trên những gì họ nghe được từ giới truyền thông.

Theo Guy Verhofstadt, cựu Thủ tướng Bỉ và hiện là lãnh đạo phái tự do tại Nghị viện châu Âu, vụ việc này đã gây ra khủng hoảng niềm tin giữa các nước. Nếu nước Mỹ không có giải thích rõ ràng và có sức thuyết phục, thì “nạn nhân” đầu tiên của việc tiết lộ thông tin của tạp chí Der Spiegel là dự án hiệp định tự do trao đổi mậu dịch Mỹ - châu Âu.

Thỏa thuận khởi động đàm phán FTA được các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) ở Bắc Ailen giữa tháng 6 vừa qua. Hai bên hy vọng có thể gác lại những tranh chấp và mâu thuẫn để thúc đẩy tiến trình đàm phán FTA xuyên Đại Tây Dương đầy tham vọng, từ đó mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch trao đổi mậu dịch.

Tuy nhiên, hy vọng này có nguy cơ tan vỡ khi vụ bê bối nghe lén bị lật tẩy. Các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, vốn hoài nghi về ý đồ của Mỹ giờ đây hoàn toàn có cớ để trì hoãn tiến trình đàm phán FTA

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.