Quan hệ thương mại Mỹ - Trung trong năm 2018: Nước Mỹ trên hết

Thứ Sáu, 05/01/2018, 14:06
Chính quyền Mỹ đang chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để công bố những chính sách kinh tế cứng rắn đối với Trung Quốc ngay đầu năm 2018 này, từ đó tiến gần hơn đến trạng thái xung đột căng thẳng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại gây tốn kém lớn cho giới doanh nghiệp.

Một số quan chức và giới phân tích chính sách kinh tế của chính quyền Mỹ đưa ra dự báo Tổng thống Donald Trump có hành động cụ thể đối với một loạt tranh chấp thương mại với Trung Quốc trong vòng vài tuần đầu năm 2018.

Cụ thể, vào cuối tháng 1-2018, Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định đầu tiên nhằm đáp ứng kiến nghị của các công ty Mỹ đòi áp thuế hoặc hạn ngạch nhập khẩu đối với sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, máy giặt sản xuất tại Trung Quốc và các nước láng giềng.

Người ta vẫn chưa rõ các hành động của chính quyền Mỹ sẽ được triển khai với quy mô như thế nào. Cho đến nay, những lời hứa trong lúc tranh cử của ông Trump, được ông lặp đi lặp lại nhiều lần sau khi nhậm chức, về các chính sách “trả đũa kinh tế” đối với Trung Quốc vẫn chưa chuyển hóa thành hành động cụ thể.

Ngay trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 11-2017, ông Trump cũng nói tránh đi, đổ lỗi cho những người tiền nhiệm để cho tình trạng thâm thủng mậu dịch song phương kéo dài, chứ không nói thẳng nguồn gốc vấn đề từ phía đối phương.

Và mặc cho tuyên ngôn “Nước Mỹ trên hết” của Trump, lỗ hổng thâm hụt mậu dịch đó vẫn cứ dãn rộng ra kể từ khi ông lên làm Tổng thống Mỹ (trong 10 tháng đầu năm 2017, thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc tăng lên 309 tỉ USD so với 289 tỉ USD trước đó 1 năm).

Trong vài tuần gần đây, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump có ý định hành động thật sự. Trong chiến lược an ninh quốc gia công bố vào trung tuần tháng 12-2017, Tổng thống Trump đã gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” và tuyên bố rằng Mỹ “sẽ không tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi vi phạm, gian dối hay gây hấn về kinh tế”.

Trước đó chưa đầy một tháng, Mỹ cũng chính thức tuyên bố trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường theo các tiêu chuẩn của tổ chức này. Trong một tranh chấp cách đây vài tháng, cả EU và Mỹ đã đồng loạt kết luận rằng ở Trung Quốc, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế vẫn quá lớn, từ đó khó xác định tính chất điều tiết của thị trường trong nền kinh tế. Một khi không phải là nền kinh tế thị trường, Trung Quốc sẽ phải chịu các mức thuế chống phá giá cao hơn, theo luật của Mỹ.

Trong một phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, Việt Nam, đầu tháng 11-2017, ông Trump cũng nói rằng Mỹ mong muốn “các đối tác kinh tế tuân theo một cách chặt chẽ các quy tắc thương mại” giống như nước Mỹ.

Các quan chức chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc không thực hiện các thỏa thuận đã ký khi gia nhập thành viên WTO. Họ cho rằng, việc tự do hóa thị trường đã bị chậm lại hoặc thậm chí bị đảo ngược. Các doanh nghiệp nhà nước, vốn được nhà nước cấp vốn hoạt động và hưởng đặc quyền trong hoạt động kinh doanh vẫn nắm ưu thế tuyệt đối, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài trong cạnh tranh thị trường.

Một khảo sát mới đây của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung cho kết quả 57% công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc nói rằng chưa cảm nhận được tác động nào từ gói cải cách kinh tế quy mô lớn mà Chính phủ Trung Quốc công bố cách đây 4 năm.

Sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời giá rẻ của Trung Quốc nhập ồ ạt vào Mỹ.

Trước tình hình đó, trong vài tuần tới, Tổng thống Trump sẽ phải đưa ra các quyết định thương mại liên quan một loạt vấn đề, như: sự đổ bộ ồ ạt sản phẩm Trung Quốc giá rẻ vào thị trường Mỹ (như tấm pin năng lượng mặt trời), nạn đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật kinh doanh, và tổn thất kinh tế do sản lượng dư thừa của Trung Quốc ở một số hàng hóa chủ chốt như thép.

“Cần có một sự thay đổi căn bản, có hệ thống và một sự cam kết mở cửa thị trường thực thụ từ phía Trung Quốc. Chúng tôi muốn Trung Quốc giữ đúng cam kết của mình và không làm méo mó hệ thống thương mại quốc tế” - một quan chức chính quyền Mỹ nhấn mạnh.

Tổng thống Trump đang tỏ ra thận trọng trong việc quyết định có nên hay không và nên phản ứng như thế nào đối với các vấn đề cần giải quyết trong các vụ việc kéo dài. Chính quyền Mỹ đã hoãn việc điều tra về tác động an ninh quốc gia từ việc gia tăng nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc, vì còn phải cân nhắc các lợi ích cạnh tranh của các công ty sản xuất và các công ty sử dụng các loại nguyên liệu đó.

Chẳng hạn, trong trường hợp tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt, Tổng thống Trump được yêu cầu phải áp “mức thuế phòng vệ” cao nhằm bảo vệ các công ty Mỹ trước sự cạnh tranh từ bên ngoài. Trong các trường hợp thuế chống phá giá hoặc chống trợ cấp, luật không đòi hỏi chính quyền Mỹ phải chứng minh việc nhập khẩu ồ ạt xuất phát từ một hành động thương mại không công bằng. Giải pháp phòng vệ cũng không giới hạn ở các sản phẩm của chỉ một quốc gia.

Khả năng nhiều nhất là Mỹ sẽ tiến hành điều tra thương mại đối với cáo buộc Trung Quốc lấy cắp tài sản trí tuệ và việc Bắc Kinh yêu cầu một số công ty nước ngoài phải giao nộp các bí mật công nghệ để được phép thâm nhập thị trường 1,4 tỉ người của Trung Quốc.

Đa phần dự báo cho rằng cuộc điều tra sẽ đưa ra kết luận Trung Quốc đối xử không công bằng với các công ty Mỹ, từ đó có thể dẫn đến những biện pháp chế tài nhằm hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghệ cao của Mỹ. Ngoài ra, các quan chức chính quyền Mỹ cũng không loại trừ việc áp dụng các giải pháp đơn phương khác, bất chấp vi phạm cam kết của Mỹ với WTO.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc đương nhiên sẽ đáp trả lại bất cứ hành động nào từ phía Mỹ, với các biện pháp có thể gây tác động cả về mặt chính trị, như hủy bỏ việc mở cửa thị trường cho thịt bò Mỹ. Trước nguy cơ tiềm ẩn “chiến tranh thương mại” Mỹ - Trung như trên, các thành viên WTO thống nhất ý kiến cho rằng trước hết nên đưa các khiếu nại thương mại ra hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức này.

An Châu (tổng hợp)
.
.