“Quên” lời hứa với Thổ Nhĩ Kỳ, EU đối mặt “bão nhập cư”
Thế nhưng, sau một năm, lời hứa đã không được giữ. EU nói không với Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ dọa sẽ mở cửa để người di cư tràn vào EU.
Đóng băng “lời hứa”
Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ tối 29/11/2015 ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhấn mạnh sẽ không thể có một giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng người tị nạn nếu như không có sự hợp tác giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng tại hội nghị này, EU nhất trí sẽ đẩy nhanh quá trình xem xét cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập vào liên minh này, cũng như sớm nới lỏng thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào các nước EU với dự kiến dỡ bỏ thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 10/2016.
Tổng thống Erdogan vô cùng tức giận chỉ trích Nghị viện châu Âu. Ảnh: factsonturkey.org. |
Về phần mình, Ankara sẽ thực thi các điều khoản đã cam kết với EU về người di cư, tị nạn, đồng thời kiểm soát tốt hơn đường bờ biển của nước này và chống lại các đường dây buôn người. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (thời điểm 2015) tuyên bố đây là “một ngày lịch sử” mở đường cho sự khởi đầu mới của quan hệ hai bên.
Một năm sau, Ngày 26/11/2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã vô cùng tức giận khi tuyên bố Nghị viện châu Âu (EP) cần hành xử phù hợp với vị trí của mình và ngừng can thiệp công việc chính trị nội bộ của nước này. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi EP thông qua kiến nghị ủng hộ đóng băng tiến trình đàm phán giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ về việc kết nạp Ankara.
Phát biểu trong một hội nghị tại Istanbul, ông Erdogan tuyên bố, EP cũng như người dân các nước châu Âu khác không có trách nhiệm trong công việc nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Sở dĩ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có tuyên bố trên là bởi trước đó, ngày 24/11/2016, với 479 phiếu ủng hộ, EP đã nhất trí đóng băng tạm thời tiến trình đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này gia nhập EU.
Quyết định không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý này được thông qua trong bối cảnh căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU tăng cao sau khi EU chỉ trích gay gắt chiến dịch trấn áp của chính quyền Ankara sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi trung tuần tháng 7 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo đó, các nhóm chính trị chủ chốt trong EP ngày 22/11 đã tuyên bố, Ủy ban châu Âu (EC) cần tạm thời “đóng băng” các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được coi là một đề xuất chính thức đầy bất ngờ.
Nghị sĩ Manfred Weber, người đứng đầu đảng Nhân dân châu Âu thuộc phe trung hữu, cho biết: “Thông điệp của chúng tôi muốn gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ là rất rõ ràng. Lãnh đạo đảng Xã hội châu Âu - đảng lớn thứ hai trong EP, ông Gianni Pittella cũng kêu gọi ngừng các cuộc đàm phán này. Các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU của nước này cần phải bị ngừng ngay lập tức”.
Ông Weber cũng nhấn mạnh rằng nếu như Thổ Nhĩ Kỳ tái áp dụng án tử hình thì EU phải làm cho họ hiểu được rằng quốc gia này không thể trở thành thành viên của EU.
Thổ Nhĩ Kỳ từng bỏ án tử hình vào năm 2004 như một biện pháp để thúc đẩy khả năng trở thành thành viên của EU. Tuy nhiên, sau khi đập tan vụ đảo chính vừa qua, Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ khôi phục án tử hình và vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, tuy cũng có những nghị sĩ có thái độ ôn hòa với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng số này không nhiều. Người đứng đầu nhóm Những người bảo thủ và cải cách châu Âu (ECR) tại EP Syed Kamall kêu gọi EU cần có một quan hệ mới và thành thật hơn với Thổ Nhĩ Kỳ. Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Tổng thống Erdogan là một thành viên liên kết của ECR.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tới thăm một khu trại tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 4/2016. Ảnh: rferl.org. |
Theo ông Syed Kamall, EU phải tính đến các yếu tố địa chính trị rộng hơn và do vậy cần phải tập trung hơn nữa trong việc xây dựng một mối quan hệ đối tác tin cậy với Thổ Nhĩ Kỳ thay vì cố gắng tạo ra áp lực đối với ông Erdogan. Còn đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini kêu gọi cần phải cẩn trọng.
Bà Federica Mogherini nhấn mạnh: “Nếu như chấm dứt thủ tục gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, thì chúng ta sẽ ở trong một kịch bản mà tất cả các bên đều là người thua cuộc”.
Bình luận về kiến nghị của EP, Tổng thống Erdogan một lần nữa kêu gọi EU nên biết giới hạn của họ. “Chính phủ và quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ có thể kéo dài tình trạng khẩn cấp. Điều này có ý nghĩa gì với các vị? Nghị viện châu Âu nắm quyền ở đất nước này hay Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ? Hãy biết giới hạn của các vị”, ông Erdogan nói.
Nhấn mạnh về các quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đi con đường riêng của mình”.
Khi mọi cánh cửa được mở...
Ngày 25/11, Tổng thống Erdogan đã đe dọa mở cửa biên giới cho người di cư tràn sang châu Âu, nhằm trả đũa việc EP ủng hộ ngừng các cuộc đàm phán về quy chế thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần thứ hai ông Erdogan chỉ trích cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu. Rất có thể trong ít ngày nữa, khi mà EU và Thổ Nhĩ Kỳ không thể “đàm phán” về những vấn đề của mỗi bên, khi đó Thổ Nhĩ Kỳ mở hết mọi “cánh cửa”, dòng người tị nạn hàng triệu người sẽ tràn vào châu Âu. EU sẽ lại một lần nữa “lao đao” vì vấn đề người nhập cư.
Quan điểm cứng rắn của Tổng thống Erdogan cũng nhận được sự ủng hộ của các thành viên lãnh đạo nước này. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nhấn mạnh đối với Ankara, việc các nghị sĩ EU nhất trí đóng băng tạm thời tiến trình đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ là không có ý nghĩa gì. Ông Binali Yildirim bác bỏ cuộc bỏ phiếu của EP, đồng thời cho rằng hành động này là “vô nghĩa” và “thiếu tầm nhìn”.
Theo ông Binali Yildirim, EU cần hiểu và lựa chọn quyết định liên minh này muốn định hướng tương lai với Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Ông Yildirim cảnh báo châu Âu rằng không có sự giúp đỡ của Ankara, làn sóng người di cư có thể sẽ tràn vào châu lục này. “Việc cắt đứt các cuộc đàm phán sẽ khiến EU thiệt hại nhiều hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi là người nuôi 3,5 triệu người di cư ở đất nước này. Các vị đã phản bội lời hứa của các vị, nếu các vị còn đi xa nữa, cửa biên giới sẽ được mở”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Rõ ràng, cho dù “không mặn mà” với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng EU vẫn cần đến sự hợp tác của Ankara trong việc hạn chế số lượng người di cư tràn vào châu Âu qua đường bờ biển của nước này. Hơn 1,3 triệu người đã đến châu Âu vào năm ngoái, làm dấy lên những mâu thuẫn trong nội bộ EU về cách thức giải quyết bài toán nhập cư nan giải này.
Trong phản ứng đầu tiên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa mở cửa biên giới cho người di cư tràn vào châu Âu, ngày 25/11, Chính phủ Đức cho rằng những lời đe dọa “không giúp ích” cho thỏa thuận về vấn đề người di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Ulrike Demmer, nữ phát ngôn viên của Thủ tướng Đức, khẳng định việc EU và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận về vấn đề người di cư là thành công của cả hai phía, và tiếp tục thực hiện thỏa thuận này là vì lợi ích của cả hai bên. Bà Ulrike Demmer nhấn mạnh EU sẵn sàng thực hiện những cam kết theo thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, do vậy những lời đe dọa của bất cứ phía nào cũng đều không giúp ích.
Một khu tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: The New York Times. |
Dự cảm xấu và “tiêu chuẩn kép”
Chuyện EU không muốn Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh này đã âm ỉ từ lâu. Gần đây nhất, vào tháng 8/2016, một tháng sau khi xảy ra vụ chính biến, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã cáo buộc EU “đang làm bẽ mặt” Ankara sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ trích chính quyền Ankara “thanh lọc” hàng chục nghìn người, gồm các tướng lĩnh, binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán, công tố viên và nhân viên nhà nước.
Ankara tuyên bố, đã không có lãnh đạo một nước EU nào bày tỏ chia sẻ với Thổ Nhĩ Kỳ sau chính biến vừa qua, trong khi lại chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về những biện pháp mà nước này áp đặt sau vụ chính biến, bao gồm cả việc ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tại thời điểm cách đây 3 tháng, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng yêu cầu EU đưa ra các quyết định về quy chế miễn thị thực cho công dân nước này trong khoảng tháng 9-10/2016. Tuy nhiên, đáp lại “nguyện vọng” trên là sự “lo lắng” từ các nhà lãnh đạo châu Âu. EU nhiều lần bày tỏ “lo ngại” về các vụ bắt giữ và cách Thổ Nhĩ Kỳ xử lý những đối tượng làm cuộc chính biến.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể gia nhập EU dù là trong ngắn hạn hay dài hạn, thậm chí mọi cuộc đàm phán về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU sẽ bị đình chỉ ngay lập tức nếu Ankara tái áp dụng án tử hình đối với các đối tượng bị nước này bắt giữ sau cuộc đảo chính ngày 15/7.
Cũng trong tháng 8/2016, những dự cảm xấu đã xuất hiện trong bài trả lời phỏng vấn của hãng tin Nga TASS với Tổng thống Erdogan, khi ông này tuyên bố rằng, EU đã không thực hiện những lời hứa với Thổ Nhĩ Kỳ và “đánh lừa” Ankara suốt 53 năm qua.
Theo ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sự chân thành của mình và chờ đợi điều tương tự từ EU. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng EU cần từ bỏ chính sách “tiêu chuẩn kép” của mình.
Khó vượt qua hố ngăn
Ngờ vực nhau là yếu tố then chốt khiến hai bên không thể xích lại gần nhau. Trang mạng “Euobserver.com” đăng bài phân tích của chuyên gia Amanda Paul thuộc Nhóm nghiên cứu EPC và Demir Murat Seyrek thuộc Quỹ vì dân chủ của châu Âu tại Brussels (Bỉ) chỉ rõ, quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Cuộc họp mới đây giữa các Ngoại trưởng EU và Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik tại thủ đô Bratislava (Cộng hòa Slovakia) đã không mang lại kết quả như mong đợi trong việc giải quyết những tranh chấp gai góc giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc Ankara phải điều chỉnh luật chống khủng bố.
Trên thực tế, châu Âu đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ “giảm nhẹ” luật chống khủng bố nhưng câu trả lời của Bộ trưởng Celik ở Bratislava là “không thể khi mối đe dọa khủng bố vẫn tồn tại”. Báo “Le Monde” của Pháp cho rằng, thái độ ngờ vực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU khiến cho hai bên khó tìm được tiếng nói chung để giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực vốn đang cần sự hợp tác của họ.
Đã đến lúc châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ tìm ra một tiếng nói chung. Các chuyên gia cho rằng, quá nhiều hồ sơ quan trọng phụ thuộc vào cuộc đối thoại giữa hai bên: cuộc chiến Syria, ngăn chặn dòng người nhập cư, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố... và cả tấn thảm kịch người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ, cả hai bên cần chứng tỏ cần phải là một bên đối thoại thực sự.
Có nhiều lý do để EU tiếp tục duy trì đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó phải kể đến việc có muốn ngưng tiến trình đàm phán về việc gia nhập EU của Ankara, là không hề dễ dàng.
Theo Điều 238, Hiệp ước Lisbon, tiến trình này cần phiếu ủng hộ của ít nhất 55% tổng số thành viên chiếm 65% dân số EU. Yêu cầu đối với tỉ lệ ủng hộ sẽ cao hơn, lên tới 72% tổng số thành viên của Hội đồng châu Âu, chiếm 65% dân số EU, nếu đề xuất này không do Ủy ban châu Âu hoặc cơ quan đối ngoại của liên minh đệ trình.
Thêm vào đó, những diễn biến gần đây trên chính trường khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng giành được nhiều thắng lợi ở cả Iraq và Syria cho thấy ảnh hưởng của nước này là không hề nhỏ trong cuộc chiến ngăn chặn khủng bố và dòng người di cư từ “tận gốc”. Ngoài ra, EU còn lo sợ hai yếu tố cực kỳ quan trọng đó là Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xích lại gần Nga, đối thủ và cũng là đối tác của EU.
Trong khi đó, EU cũng lo ngại mất đi một đồng minh nhưng lại “rước” thêm một đối thủ khi mới đây Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rằng, không nên “lưu luyến” việc gia nhập EU, cần cân nhắc lại ý định gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).