“Quỹ kền kền” đẩy Argentina đối mặt nguy cơ khủng hoảng tài chính mới

Thứ Hai, 30/06/2014, 21:05

Tàn dư của cuộc khủng hoảng nợ công năm 2001 lại tiếp tục đeo bám Argentina và khiến cho nước này đối mặt với nguy cơ tái diễn khủng hoảng nợ lần nữa sau khi một tòa án ở Washington DC (Mỹ), ra phán quyết cách đây vài ngày yêu cầu Chính phủ Argentina phải trả đầy đủ số tiền trái phiếu mà nước này nợ các tỉ phú trong cái gọi là "Quỹ kền kền" (Vulture fund).

Phán quyết của tòa án Mỹ đã khiến cho người dân Argentina hoang mang, lo sợ về khả năng tái diễn khủng hoảng, đặc biệt là khả năng này càng cao hơn khi thời hạn chi trả tiền nợ trái phiếu có thể chỉ trong vòng vài tuần. Argentina từng trải qua những giai đoạn khó khăn về kinh tế, như “trận” lạm phát lên đến 12.000% vào năm 1989, vụ sụp đổ kinh tế năm 1975 và hàng chục năm dưới chế độ độc tài quân phiệt, như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2001-2002 là độc nhất và được đánh giá là "khủng khiếp" nhất.

Khi Chính phủ Argentina tuyên bố phá sản vào cuối tháng 12/2001, bạo loạn đã bùng phát tràn lan khắp đất nước, nạn cướp bóc, hôi của và đụng độ dẫn đến việc cảnh sát bắn chết nhiều tình nguyện viên trẻ đã đẩy đất nước Argentina chìm vào cảnh tang thương. Kèm theo đó là nạn thất nghiệp tràn lan, lạm phát tăng cao vùn vụt.

Để tránh một thảm họa lớn hơn, các tài khoản cá nhân trong ngân hàng bị phong tỏa, đóng băng, không ai được rút tiền. Các câu lạc bộ trao đổi hàng hóa (vì không có tiền để giao dịch) mọc lên khắp nơi như nấm sau mưa; người ta đem quần áo cũ ra để đổi lấy rau quả, tổ chức các cuộc tư vấn tâm lý để cắt giảm thịt cá, tiết kiệm thực phẩm… Kỷ niệm đau buồn đó vẫn còn trong ký ức của nhiều người Argentina và ám ảnh họ mỗi khi viễn cảnh phá sản của đất nước hiện ra trước mắt.

Trong hoàn cảnh Argentina giống như một cái "xác chết" thì các "kền kền" (chim ăn xác chết) đã xuất hiện. Các kền kền trong “Quỹ kền kền” đều là các tỉ phú giàu có do một tỉ phú người Mỹ tên là Kenneth B. Dart thành lập. Đây là một loại quỹ đầu tư trục lợi theo kiểu bóc lột một cách vô nhân đạo những quốc gia đang phát triển đang bị nợ nần bằng cách mua lại các khoản nợ với giá rẻ mạt, vì thế mà người ta gọi nó bằng cái tên của loài chim chuyên ăn xác chết - chim kền kền.

Vào năm 2001, những chú chim “kền kền” trong quỹ đã mua vét các trái phiếu của Chính phủ Argentina với mức giá thấp nhất có thể, chỉ bằng 20% mệnh giá trái phiếu trên thị trường, sau khi quốc gia này tuyên bố vỡ nợ khoản tiền 95 tỉ USD. Thủ đoạn "ăn xác chết" của các tỉ phú kền kền rất thâm độc. Sau khi mua nợ với giá rẻ mạt, các kền kền này sẽ chờ cơ hội để "đòi nợ" thông qua thủ tục pháp lý tại tòa án, thường là tòa án ở Mỹ, vì "Quỹ kền" đặt tại Mỹ và các khoản nợ xấu của Argentina chịu sự chi phối của luật pháp và tòa án Mỹ.

Tờ The Guardian của Anh ngày 18/6 đã có bài phân tích đưa ra 4 phương án có thể xảy ra với Argentina hiện nay. Đó là, nhanh chóng trả hết nợ cho các “chủ nợ kền kền" để tạo thuận lợi cho việc Argentina tiếp tục chi trả các khoản nợ tái cơ cấu nền kinh tế đang tiến hành.

Tuy nhiên, trên thực tế có vẻ Tổng thống Cristina Fernandez Kirchner không mặn mà với phương án này, bởi bà Kirchner hôm 17/6 đã phát biểu rằng, đất nước của bà sẽ tiếp tục chi trả nợ cho các chủ nợ tái cơ cấu, vì họ đã đồng ý cắt giảm bớt số tiền nợ để hỗ trợ Argentina trả nợ, và Argentina không thể và sẽ không chấp nhận chi trả cho các chủ nợ kền kền, bất chấp phán quyết của tòa án Mỹ.

Kịch bản thứ hai là Argentina sẽ tiếp tục đàm phán lại các điều khoản với các chủ nợ kền kền. Tuy nhiên, việc này sẽ gặp phải một số rào cản kỹ thuật, trong đó có điều khoản luật pháp bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tái cơ cấu trước bất kỳ sự gia tăng ưu đãi nào với các chủ nợ kền kền.

Để tránh rào cản này, Argentina có thể đàm phán gia hạn việc giải quyết nợ với các chủ nợ kền kền vào năm 2015, khi điều khoản luật đó hết hiệu lực. Về mặt chính trị, Tổng thống Argentina cũng không muốn chọn phương án này.

Bạo lực, hôi của là nỗi ám ảnh mỗi khi kinh tế Argentina có dấu hiệu tái phát khủng hoảng.

Kịch bản thứ ba là Argentina tiếp tục trả nợ tái cơ cấu, đồng thời từ chối trả nợ cho các chủ nợ kền kền. Đây có vẻ là lựa chọn dễ chấp nhận hơn cho Argentina. Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof phát biểu hôm 17/6 rằng, Chính phủ Argentina sẽ có các bước triển khai việc đưa nợ tái cơ cấu vào luật của Argentina; sau đó Argentina sẽ chuyển các trái phiếu đang chịu điều chỉnh bởi luật pháp Mỹ sang điều chỉnh bởi luật Argentina, từ đó nợ tái cơ cấu sẽ không còn chịu sự chi phối của các tòa án Mỹ.

Tuy nhiên, điều không thể bảo đảm chắc chắn Argentina sẽ tránh được vỡ nợ, do thời gian không còn nhiều, trong khi việc triển khai kế hoạch này sẽ kéo dài quá thời hạn cuối là ngày 30/6, và các chủ nợ có thể sẽ không ủng hộ kế hoạch.

Kịch bản cuối cùng là Argentina sẽ tuyên bố phá sản hoàn toàn đối với mọi khoản nợ. Đây là kịch bản xấu nhất, vì việc từ chối chi trả cho các chủ nợ đã từng ủng hộ Argentina tái cơ cấu sau vụ phá sản năm 2001-2002 bằng cách cắt giảm bớt một phần nợ. Nếu phương án này được triển khai sẽ là một bước lùi đối với Argentina trong nỗ lực tham gia trở lại các  thị trường tài chính quốc tế.

Mặc dù Argentina hiện tại chưa đến nỗi giống như cuộc khủng hoảng cách đây hơn 12 năm, nhưng tình hình kinh tế chậm lại vào năm 2013 đã làm xuất hiện trở lại nạn bạo lực và cướp bóc, hôi của... đà tăng trưởng kinh tế chậm lại, dự trữ ngoại hối trong Ngân hàng Trung ương Argentina sụt giảm, kèm theo lạm phát gia tăng đến 40%, tiêu dùng suy giảm mạnh và đồng tiền peso của Argentina liên tục mất giá so với đồng USD,… đang làm cho dân chúng Argentina lo lắng nhiều hơn

Văn Trương (theo The Guardian)
.
.