RCEP bứt phá và cán đích?

Thứ Hai, 04/11/2019, 17:03
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang trong giai đoạn “nước rút” và hy vọng sẽ “cán đích” trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 đầu tháng 11 này tại Thái Lan.

“Cú huých” từ xung đột thương mại Mỹ - Trung

Thái Lan, Chủ tịch luân phiên ASEAN 2019, cho biết tính đến tháng này, các cuộc đàm phán về tiếp cận thị trường đã hoàn tất 80,4% và các thành viên đã nhất trí 14/20 chương của Hiệp định.

RCEP có thể tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 16 nước thành viên, chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu và gần 50% dân số thế giới.

Kể từ khi được bắt đầu năm 2012, các cuộc đàm phán RCEP gần như không đạt được tiến bộ do sự bất đồng giữa các nước thành viên, chẳng hạn như Ấn Độ lo ngại về nguy cơ tràn ngập hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tham gia hiệp ước còn có các quốc gia thành viên ASEAN, Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Có thể thấy, những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra “cú huých” cho Hiệp định RCEP, do vậy, tốc độ thảo luận của những vấn đề còn tồn tại đã được đẩy nhanh trong năm nay.

Theo thống kê, các thành viên của RCEP đều có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và thực tế này khiến Tổng thống Donald Trump lo lắng. Quan hệ thương mại Mỹ-Thái Lan đã rơi vào tình trạng căng thẳng, với việc Washington đình chỉ ưu đãi thương mại đối với 1,3 tỷ USD hàng hóa của Thái Lan hôm 25-10 với cáo buộc nước này không bảo vệ quyền của người lao động.

Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á có trụ sở tại Singapore nhận định: “Những căng thẳng thương mại là dấu hiệu cảnh báo cuối cùng cho thấy các nước châu Á cần phải có một diễn đàn tập thể và một nơi để gắn kết trong các vấn đề kinh tế”. Theo ông Elms, nếu các nhà lãnh đạo không thể tuyên bố RCEP thành công trong cuộc họp tới đây tại Bangkok, coi như một “cơ hội lớn đã bị bỏ lỡ”.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha chủ trì phiên họp toàn thể Hội nghị thượng đỉnh Asean tại khách sạn Athenee ở Bangkok.

Ông Tang Siew Mun, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Yusof Ishak ở Singapore cho rằng đã thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm” và đây là một đường hầm ngắn... Hiện nay, các chính trị gia đã có động lực để hoàn tất nó (RCEP).

RCEP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại khu vực. Ngoài ra, RCEP còn được coi là có tầm quan trọng mang tính biểu tượng trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump không “mặn mà” các hiệp định thương mại đa phương.

Phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh hôm 28-10, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương nói: “Việc hoàn tất đàm phán RCEP càng sớm càng tốt là một trong những điều quan trọng nhất giúp khu vực có được sự ổn định lâu dài, thịnh vượng và phát triển. Các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn nước rút cuối cùng”.

Những nhân tố then chốt

Không chỉ với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Nhật Bản cũng rất “năng nổ” trong việc thúc đẩy RCEP. Tokyo hiện đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc hạ thấp yêu cầu đối với Ấn Độ trong quá trình đàm phán RCEP nhằm đảm bảo để Ấn Độ dễ chấp nhận hơn. Nút thắt Ấn Độ từ trước tới nay vẫn là khá khó gỡ trong đàm phán RCEP.

Hồi đầu tháng này tại cuộc họp của các Bộ trưởng Thương mại diễn ra ở Bangkok, Thái Lan, Ấn Độ đã đưa ra những phản đối mạnh mẽ vào phút cuối đối với Hiệp định RCEP khi mà tất cả các thành viên còn lại được cho là đã giải quyết được những khác biệt và đạt được thỏa thuận về mọi vấn đề.

Bộ trưởng Công thương Ấn Độ Piyush Goyal đột nhiên đưa ra lập trường cứng rắn đối với một số vấn đề và yêu cầu nhiều biện pháp bảo vệ hơn so với sự sẵn sàng của các thành viên. Ấn Độ cũng đưa ra nhiều yêu cầu bao gồm cơ chế kích hoạt thuế tự động và quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn. Sự e ngại của nhiều ngành công nghiệp và nông dân Ấn Độ về việc hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường khi giảm thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc là một trong những lý do đằng sau quan điểm cứng rắn của Ấn Độ trong các cuộc đàm phán.

Hy vọng RCEP sẽ có được kết quả tốt đẹp tại khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 35 tới đây.

Nhật Bản có lẽ đã nhận ra rằng Ấn Độ sẽ không nhất trí với RCEP nếu Trung Quốc không hạ thấp yêu cầu Ấn Độ phải miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu. Với tâm lý “mong mỏi” RCEP, Nhật Bản sẵn sàng làm cầu nối để Bắc Kinh và New Delhi có thể thỏa hiệp.

Hiện nay, phía Trung Quốc cũng đã tỏ ra khá tích cực với tinh thần hợp tác trước những nỗ lực có được RCEP. Vừa qua, Ông Lý Thành Cương, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh: “Việc sớm hoàn tất đàm phán về RCEP sẽ góp phần vào sự ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực”.

Ông Thành Cương nêu rõ: “Từ đầu năm nay, sau khi đạt được sự đồng thuận trong cuộc họp lần thứ 2 của các nhà lãnh đạo, chúng tôi đã nỗ lực không ngừng để tiến hành nhiều cuộc đàm phán tương ứng và các bên đã đạt được tiến bộ đáng kể”. Theo ông, hiện tại, chỉ còn một vài vấn đề mà các bên chưa đạt được sự đồng thuận cuối cùng.

Ông giải thích: “Đây là những vấn đề khá phức tạp và chúng tôi đang nỗ lực để nhanh chóng đạt được thỏa thuận, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này”.

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, vai trò của ASEAN trong thúc đẩy RCEP cũng rất quan trọng. Cựu Phó Tổng Thư ký của Ban Thư ký ASEAN Suthad Setboonsarng cho rằng, ASEAN nên nỗ lực hơn nữa để kết thúc các cuộc đàm phán về RCEP. Theo ông Suthad, ASEAN nên tìm kiếm những cách thức để xử lý tác động từ tình trạng quá bão hòa của các thị trường ở các nước phát triển.

Để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững trong thập niên tới trên khắp châu Á, ông Suthad cho rằng cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu nhằm giúp các thị trường kết nối nhiều hơn với nhau và RCEP là chìa khóa, vì đây là một khuôn khổ sẽ điều tiết thương mại và đầu tư trong khu vực.

Các Bộ trưởng Thương mại RCEP dự kiến sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 2 và 3-11 tại Bangkok để xem xét liệu một thông báo về việc ký kết thỏa thuận có thể được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo RCEP vào ngày 4-11 như kế hoạch hay không.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.