Rạn nứt quan hệ đồng minh...

Thứ Hai, 17/02/2020, 15:22
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, ngày 13-2, tuyên bố sẽ không có thêm bất cứ cuộc diễn tập quân sự chung nào giữa quốc gia Đông Nam Á này và Mỹ được tiến hành sau khi Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) chấm dứt vào tháng 8 năm nay.

Được ký năm 1998, VFA được coi là khuôn khổ pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines và cho phép hai nước tiến hành hàng trăm cuộc tập trận chung thường niên, cũng như hỗ trợ nhân đạo. Việc chấm dứt VFA cho thấy một sự rạn nứt sâu sắc trong quan hệ đồng minh lâu đời giữa hai nước.

Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nêu rõ: “Một khi quyết định chấm dứt được thực hiện, chúng tôi sẽ ngừng các hoạt động diễn tập với họ (Mỹ)... Các hoạt động diễn tập quân sự chung theo kế hoạch với Mỹ sẽ được tiến hành như dự định trong 180 ngày VFA còn hiệu lực”.

Tuy nhiên, ông Lorenzana cho biết “những người đồng cấp Mỹ có thể lựa chọn không tiếp tục các hoạt động diễn tập theo kế hoạch trước khi khoảng thời gian 180 ngày trên kết thúc”.

Lính thủy đánh bộ Mỹ trong một cuộc tập trận với quân đội Philippines. Ảnh: Reuters.

Quyết định trong cơn nóng giận?

Hôm 11-2 vừa qua, Chính phủ Philippines cho biết đã chính thức thông báo với phía Mỹ về việc chấm dứt VFA giữa quân đội hai nước. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte giải thích rằng Tổng thống Duterte quyết định hủy VFA để tạo điều kiện cho Philippines độc lập hơn trong quan hệ với các quốc gia khác và “Tổng thống sẽ không xem xét bất cứ đề xuất nào của Chính phủ Mỹ về việc cứu vãn VFA”. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó cũng tuyên bố việc chấm dứt VFA với ông là “bình thường” và sẽ giúp Mỹ tiết kiệm được một khoản tiền khổng lồ.

Dường như ông Duterte bị kích động bởi việc có nhiều thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi trả tự do cho nhân vật chỉ trích gay gắt ông là Thượng nghị sĩ Leila de Lima và việc thu hồi thị thực của một trong những đồng minh chính trị mạnh mẽ nhất của ông Duterte, Thượng nghị sĩ Ronald “Bato” dela Rosa. Ông này từng là người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Quốc gia Philippines đồng thời là người chỉ đạo cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi do ông Duterte phát động.

Quan hệ giữa Mỹ và Philippines dưới thời ông Duterte liên tục xuống cấp trong bối cảnh Washington thường xuyên chỉ trích chiến dịch chống ma túy của Manila. Trong khi đó, Tổng thống Duterte liên tục chỉ trích các chính sách an ninh của Mỹ và tỏ ra sẵn sàng ngả về phía Trung Quốc hoặc Nga, bất chấp mối quan hệ lịch sử chặt chẽ của quân đội Philippines với đối tác Mỹ.

Tuy nhiên, chắc chắn chính quyền của ông Duterte hiểu rõ rằng một khi VFA bị hủy bỏ, Philippines là bên chịu thiệt hại nhiều hơn. Chính Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin, trong phiên điều trần của Thượng viện Philippines hồi tuần trước, cũng cảnh báo rằng động thái này có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng các hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ với Philippines, đó là chưa kể đến việc quan hệ kinh tế giữa hai bên có nguy cơ trở nên lạnh nhạt.

Đồng thời, phía Mỹ cũng có thể tìm cách sửa đổi, thậm chí hủy nhiều thỏa thuận quân sự song phương, bao gồm Hiệp ước Phòng thủ chung hay Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng cũng như ngừng các hoạt động tập trận, huấn luyện chung với quân đội Philippines. Ngoại trưởng Locsin còn cảnh báo rằng việc hủy VFA sẽ làm suy yếu an ninh của Philippines và các diễn biến bất ổn ở khu vực Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Thomas Esper và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tại Manila, tháng 11-2019.

Rạn nứt nhưng chưa đổ vỡ

Liên minh Mỹ-Philippines dựa trên 3 tài liệu cơ bản: Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) ký năm 1951, Thỏa thuận về các lực lượng thăm viếng (VFA) ký 1998 và Hiệp định Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) năm 2014.

MDT là thỏa thuận “mẹ” vốn đề ra khuôn khổ và nền tảng pháp lý cũng như mục đích chung của quan hệ liên minh. VFA đề ra những điều khoản và điều kiện để cho phép các lực lượng Mỹ hiện diện tại Philippines.

Theo đó, tàu chiến, máy bay và hàng nghìn binh lính Mỹ được luân phiên đồn trú tại Philippines, tham gia các cuộc tập trận quân sự, huấn luyện và hoạt động hỗ trợ nhân đạo. nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến chung và các hoạt động phòng vệ song phương hướng tới các chiến dịch an ninh quốc gia. Có khoảng 300 hoạt động như vậy mỗi năm, bao gồm cả các chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ. Điều 9 của VFA quy định quá trình chấm dứt VFA có thể được khởi động sau khi một bên đưa ra thông báo chấm dứt đối với bên còn lại.

Việc chấm dứt VFA có thể đem lại những hệ quả pháp lý kèm theo đối với EDCA vì Tòa án Tối cao Philippines hồi năm 2016 quy định rằng EDCA là thỏa thuận thực thi của VFA.

Việc Philippines đơn phương hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ có thể làm suy giảm các lợi ích của Washington tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, quyết định này cũng hạn chế sự tiếp cận của Philippines đối với các hoạt động huấn luyện và đào tạo của Mỹ trong việc đối phó với lực lượng Hồi giáo cực đoan, thảm họa thiên nhiên và các mối đe dọa an ninh hàng hải khác.

Đối với Mỹ, nước đang muốn thúc đẩy Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương, đây là một động thái đáng báo động bởi ngay cả trong một khu vực mà Mỹ được cho là có nhiều ảnh hưởng, vẫn có những quốc gia không đồng tình với chính sách đối ngoại của Washington. Hơn nữa, những quốc gia này còn chịu ảnh hưởng của đối thủ Trung Quốc. Cuộc chạy đua cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định hiện vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng trong việc chấm dứt thỏa thuận này. Việc hủy thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong 180 ngày sau khi Philippines thông báo chính thức. Trong thời gian này, chắc chắn sẽ diễn ra nhiều cuộc họp giữa các nhân vật cao cấp trong quân đội Mỹ và Philippines. Tổng thống Duterte tuyên bố chấm dứt VFA nhưng một số phương tiện truyền thông đưa tin Ngoại trưởng Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng và những sĩ quan cấp cao trong quân đội Philippines có ý kiến khác về điều này.

Trong nhiều năm liền, liên minh quân sự Mỹ-Philippines đã có một cơ sở vững chắc trong xã hội Philippines. Phe đối lập có quan điểm thân Mỹ và phương Tây ở Philippines vẫn rất mạnh. Tổng thống Duterte từng tuyên bố Philippines cần có một chính sách độc lập trong lĩnh vực quốc phòng nhưng trên thực tế sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ là rất lớn, vì vậy trong ngắn hạn, liên minh Mỹ-Philippines sẽ khó có thể đổ vỡ hoàn toàn.

Nam Sơn
.
.