Hội nghị Thượng đỉnh G-8 Hokkaido (Nhật Bản):

Rất nhiều bài toán không có lời giải

Thứ Hai, 14/07/2008, 14:00
Cuộc họp Hội nghị Thượng đỉnh G-8 tại hòn đảo phía bắc Hokkaido của những nguyên thủ các quốc gia có ảnh hưởng hàng đầu thế giới này sẽ khó có khả năng đạt được những kết quả đáng kể nào, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước vô số những thách thức nghiêm trọng về kinh tế, cũng như những vấn đề chính trị phức tạp cần phải giải quyết...

Hàng loạt những đơn vị máy bay tiêm kích, tàu chiến, thợ lặn và khoảng 20.000 cảnh sát với chó nghiệp vụ đã được Chính phủ Nhật Bản triển khai rầm rộ để bảo vệ an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh G-8 tại hòn đảo phía bắc Hokkaido (diễn ra từ ngày 7 đến 9/7/2008).

Tuy nhiên, cuộc họp của những nguyên thủ các quốc gia có ảnh hưởng hàng đầu thế giới này (với quỹ thời gian vỏn vẹn có 2 ngày) sẽ khó có khả năng đạt được những kết quả đáng kể nào, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước vô số những thách thức nghiêm trọng về kinh tế, cũng như những vấn đề chính trị phức tạp cần phải giải quyết...

Trên bình diện toàn thế giới, Hội nghị Thượng đỉnh G-8 – với sự tham gia của nguyên thủ nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu là Anh, Italia, Canada, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật – cùng với Nga, luôn được coi là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất mỗi năm. So với bối cảnh thế giới vào dịp diễn ra Hội nghị G-8 một năm trước đây, tình hình rõ ràng đã có những biến chuyển theo chiều hướng bất lợi.

Ngoài một loạt những điểm nóng về chính trị vẫn chưa có nhiều biến chuyển, kinh tế thế giới đang phải gồng mình và chao đảo trước những cơn bão giá về giá dầu và lương thực, cùng với nạn lạm phát đang diễn ra tại một loạt các quốc gia. Đó là lý do khiến ngoài những vấn đề thảo luận đã được dự kiến đặt ra từ trước, các nguyên thủ tại Hội nghị G-8 lần này sẽ phải tranh thủ thời gian để bàn bạc và tìm ra những biện pháp giải quyết một loạt các vấn đề hóc búa khác cả về kinh tế và chính trị.

Theo chương trình nghị sự được công bố từ khá lâu trước thời điểm khai mạc, hội nghị lần này được coi là cơ hội để soạn thảo một kế hoạch cụ thể chống lại tình trạng khí hậu nóng lên trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh văn bản ràng buộc pháp lý duy nhất trong lĩnh vực này – Hiệp ước Kyoto – sẽ chính thức hết hạn vào năm 2012.

Lực lượng an ninh Nhật Bản bảo vệ Hội nghị Thượng đỉnh G-8.

Nước chủ nhà Nhật Bản đã chuẩn bị một loạt những sáng kiến liên quan đến chủ đề này như xác định mức trách nhiệm công bằng và hợp lý đối với từng quốc gia về mức giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhật cũng đề xuất xây dựng một cơ cấu hỗ trợ tài chính mới để phối hợp các hành động bình ổn khí hậu cho các nước đang phát triển với khoản chi ban đầu khoảng 10 tỉ USD.

Chủ đề quan trọng thứ hai (nhưng theo đánh giá của nhiều người là quan trọng nhất tại hội nghị lần này) chính là vấn đề kinh tế thế giới. Nền kinh tế toàn cầu vào thời điểm hiện tại rõ ràng đang phải vật lộn với một loạt những khó khăn và thử thách nghiêm trọng.

Đầu tiên phải kể tới tình trạng bất ổn nghiêm trọng của hệ thống tài chính toàn cầu, nguyên nhân hàng đầu được bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tín dụng tại Mỹ. Hậu quả của cuộc khủng hoảng này đã khiến cho các thị trường chứng khoán trên toàn cầu lâm vào tình trạng tụt dốc, khiến nhiều tập đoàn và tổ chức tài chính thiệt hại nhiều tỉ USD.

Cho dù tình hình bất ổn trên thị trường tài chính đã phần nào được cải thiện trong vài tháng qua nhờ những nỗ lực của Mỹ, nhưng bối cảnh hiện tại vẫn đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và hậu quả khôn lường.

Ngay như cuộc họp chuẩn bị của các Bộ trưởng Tài chính thuộc nhóm G-8 trước đó, tất cả đều thống nhất đưa ra lời kêu gọi phải ổn định thị trường tài chính, trong đó đặc biệt là khắc phục tình trạng mất giá của đồng đôla Mỹ.

Theo các nhà quan sát, các nước thành viên G-8 trong hội nghị lần này khó có thể đưa ra được một chính sách tiền tệ hợp lý chung, xuất phát từ đặc điểm quyền lợi kinh tế riêng của mỗi quốc gia, cũng như tác động tai hại từ làn sóng tăng giá thực phẩm và nhiên liệu.

Bài toán khó thứ hai trong lĩnh vực kinh tế tại hội nghị lần này chắc chắn phải là vấn đề giá nhiên liệu. Chỉ tính riêng từ đầu năm nay, giá dầu mỏ đã tăng tới 40% lên tới mức kỷ lục 140 USD/thùng (còn nếu so với thời điểm diễn ra Hội nghị G-8 vào năm ngoái, giá dầu đã tăng lên gấp đôi).

Đà phi mã về giá cả của loại nhiên liệu chủ chốt này đã tác động tai hại đến một loạt các lĩnh vực khác của kinh tế thế giới, làm nhiều quốc gia phải giảm bớt hoặc từ bỏ hẳn chính sách trợ giá nhiên liệu, khiến đời sống của người dân trở nên khó khăn hơn.

Cho tới giờ, biện pháp giải quyết chính được các nhà lãnh đạo G-8 nêu ra vẫn chỉ dừng ở mức độ kêu gọi các nước trong khối OPEC tăng thêm sản lượng khai thác. Trong khi thực tế cho thấy, sản lượng và khả năng khai thác của các nước OPEc cũng khó có khả năng cải thiện đáng kể tình hình cung ứng đầu cho thị trường.

Ngay trước thời điểm khai mạc Hội nghị G-8, tờ The Guardian của Anh đã đưa ra một thông tin “gây sốc” từ báo cáo mật của Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó khẳng định 75% tỉ lệ giá cả lương thực leo thang trên toàn thế giới bắt nguồn từ việc sản xuất nhiên liệu sinh học, hiện đang là một chính sách được ưu tiên của nhiều quốc gia phương Tây.

Trong khi từ trước đó, các quan chức Mỹ vẫn giải thích đà tăng giá thực phẩm chủ yếu là do nhu cầu tăng nhanh tại thế giới thứ ba (trước tiên là Trung Quốc và Ấn Độ), cũng như từ hành vi của những kẻ đầu cơ. Đó là lý do khiến nhiều người lo ngại về cơ hội tìm ra những giải pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu tại hội nghị lần này, khi mà một số “thủ phạm” lại là thành viên nhóm G-8

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.