Sắc lệnh mới của Mỹ có chống khủng bố?

Thứ Hai, 06/02/2017, 16:05
Tân Tổng thống Mỹ trong những ngày vừa nhậm chức hừng hực quyết tâm thể hiện mình là con người “đã nói là làm” và một khi đã làm thì… bất chấp hậu quả! Thông điệp mà ông D.Trump từng đưa ra trong suốt chiến dịch tranh cử là sẽ đặt an toàn của nước Mỹ lên trên hết, nhưng cái cách ông đặt ưu tiên an toàn cho đất nước cờ hoa khiến thế giới sửng sốt và nổi giận.

Những câu hỏi được đặt ra, đây là biện pháp chống khủng bố hay là cách phân biệt đối xử?

Sắc lệnh gây hại quan hệ đồng minh, đánh mất đối tác chống khủng bố...

Ngày 27-1, trong chuyến thăm Bộ Quốc phòng Mỹ, Tổng thống Trump tuyên bố: “Nước Mỹ sẽ tạo ra hệ thống giám sát mới để ngăn những kẻ Hồi giáo cực đoan tràn vào Mỹ. Tôi không muốn những kẻ khủng bố ở đây, không muốn những mầm mống nguy hiểm tràn vào nước Mỹ”.

Sau tuyên bố này, ông ký sắc lệnh “Bảo vệ đất nước khỏi những vụ tấn công khủng bố gây ra bởi người nước ngoài” cấm mọi công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Sắc lệnh này là hành động hiện thực hóa những lời đồn đoán do trước đó, vào hôm 24-1, tờ Guardian công bố một bản dự thảo trong đó khẳng định ông Trump sẽ cắt giảm số người nhập cư từ 117.000 xuống 50.000 người/năm.

Theo tinh thần sắc lệnh này, công dân 7 nước gồm Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, Yemen và Iran không được cấp visa.  Những người tị nạn gốc Syria sẽ không được phép định cư ở Mỹ vĩnh viễn. Lệnh có hiệu lực tức thì, mọi biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt sẽ được thực hiện để ngăn người nhập cư tràn vào Mỹ, chấm dứt tiếp nhận người tị nạn Syria vô thời hạn và cấm người Iran cùng 6 nước còn lại vào Mỹ trong 90 ngày, kể cả những người có thị thực còn thời hạn và được trao quyền tị nạn hợp pháp. Thời gian xét thị thực đối với tất cả người tị nạn sẽ nâng lên 4 tháng.

Người dân Mỹ biểu tình chống sắc lệnh về tị nạn mà Tổng thống Trump vừa ký. Ảnh: New York Daily News và PBS.

“Tôi muốn nói rõ ràng, đây không phải lệnh cấm người Hồi giáo như truyền thông đưa tin sai lệch. Sắc lệnh này không nhằm vào tôn giáo mà nhắm vào bọn khủng bố, đảm bảo an toàn cho đất nước. Có hơn 40 nước khác nhau trên thế giới có người theo đạo Hồi chiếm đa số nhưng không bị ảnh hưởng vì sắc lệnh này. Chúng tôi sẽ nối lại việc cấp thị thực đối với tất cả các nước khi chúng tôi hoàn thành việc xem xét và áp các chính sách an ninh cao nhất trong 90 ngày tới” - ông Trump nói.

Cách đây 50 năm, Quốc hội Mỹ từng bác bỏ một đạo luật phân biệt chủng tộc và người nhập cư vì nó trái với hiến pháp nước này. Thời điểm đó, Mỹ muốn cấm cửa mọi công dân từ các quốc gia châu Á, châu Phi và mở cửa để người Tây Âu tới Mỹ. Thậm chí người Đông Âu cũng không được phép nhập cư. Trump rất muốn thực hiện việc cấm cửa người Hồi giáo vì ông cho rằng phần lớn trong số này là “Hồi giáo cực đoan”.

Tuy nhiên, Đạo luật Quốc tịch và Nhập cư năm 1965 đã loại trừ tất cả các sắc lệnh phân biệt chủng tộc như lệnh Trump vừa ký. Thời điểm ký đạo luật mới, Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố “xóa bỏ hoàn toàn sự bất công với chế độ cấp quốc tịch”.

Dù vậy, Trump nói rằng ông vẫn có quyền thực hiện sắc lệnh vừa ký vì một đạo luật năm 1952 cho phép tổng thống có quyền bãi bỏ mọi quy định được cho là “phương hại tới lợi ích của Mỹ”. Theo tờ New York Times, ông Trump quên mất rằng, đạo luật năm 1965 khẳng định “không ai, kể cả tổng thống, được phép phân biệt chủng tộc vì lý do giới tính, quốc tịch, nơi ra đời và cư trú”.

Khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật năm 1965, mục đích lớn nhất là bảo vệ người nhập cư và cả những công dân Mỹ kết hôn với vợ hoặc chồng là người nước ngoài, điều này giúp họ không bị phân biệt chủng tộc trên chính đất Mỹ. Trường hợp ngoại lệ duy nhất chỉ áp dụng khi Quốc hội Mỹ thông qua là với trường hợp người Cuba xin tị nạn sau khi Mỹ cấm vận hoàn toàn đối với Cuba.

Nhiều nhà phê bình cho rằng, sắc lệnh này đã không được thông báo rõ ràng với các cơ quan chịu trách nhiệm thực thi nên hậu quả là liên tiếp trong các ngày cuối tháng 1, khoảng 50 người đã bị giữ tại sân bay quốc tế Dallas-Fort Worth, bang Texas, tờ USA Today dẫn lời Alia Salem, Giám đốc Điều hành Hội đồng Quan hệ Mỹ - Hồi giáo cho biết.

Tại sân bay quốc tế Philadelphia, bang Pennsylvania, 2 gia đình Syria hôm 28-1 bị giữ sau khi đi từ Qatar tới và bị gửi trả về 3 giờ sau đó. Thông tin cho biết, gia đình này có thị thực và thẻ xanh hợp pháp từ trước đó vài tháng. Trong số 12 người bị giữ tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York, mới có một người được thả.

Trong hai ngày cuối tuần qua, có 348 người đã bị cấm lên các chuyến bay tới Mỹ, hơn 200 người hạ cánh xuống Mỹ nhưng không được nhập cảnh. Bên cạnh đó, 735 người đã bị hải quan Mỹ giữ lại để thẩm tra, trong đó có 394 người mang thẻ xanh, tài liệu nội bộ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) cho biết.

Ngay sau khi sắc lệnh được ký, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia. Phát biểu ngày 28-1 tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nói: "Quyết định này chỉ có thể làm chúng ta lo lắng. Việc tiếp nhận người tị nạn trốn chạy khỏi chiến tranh là một phần nhiệm vụ chúng ta".

Tại thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, hàng trăm người xuống đường biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Trump về việc "cấm cửa" người di trú, những người đang phải chạy trốn chiến tranh, và cho rằng đó là một sự vi phạm quyền cơ bản của con người. Cũng như nhiều thành phố khác tại châu Âu, hàng chục nghìn người tại ít nhất 30 thành phố trên khắp nước Anh đã xuống đường biểu tình.

Ngay chính bản thân Thủ tướng Anh Theresa May cũng bày tỏ “không đồng tình” với các biện pháp hạn chế nhập cư do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt và tuyên bố sẽ can thiệp nếu những biện pháp này ảnh hưởng đến các công dân "xứ sở sương mù".

Tại nhiều nước Nam Mỹ, ngày 31-1, Tổng thống Ecuador Rafael Correa cảnh báo những chính sách nhập cư mới được ban hành của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các nước Mỹ Latinh và tương lai khu vực sẽ rất khó khăn. Tổng thống Bolivia Evo Morales, Ngoại trưởng Uruguya Rodolfo Nin Novoa, Bộ Ngoại giao Brazil cũng chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump...

Còn tại nước Mỹ, các cuộc biểu tình phản đối vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cho đến nay, thẩm phán tại ít nhất 5 bang đã có các động thái ngăn cản việc thực thi sắc lệnh trên. Các cuộc biểu tình ở thủ đô Washington DC, New York, bang Ohio giờ đang lan sang nhiều thành phố khác. Tại Washington DC, những người biểu tình, bao gồm nhiều nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, đã tập trung trước trụ sở Tòa án Tối cao.

Tại thành phố Columbus, bang Ohio, cảnh sát thậm chí đã phải sử dụng hơi cay để giải tán nhóm người biểu tình tìm cách gây cản trở giao thông. Biểu tình còn diễn ra tại sân bay John F.Kenedy, công viên Battery của New York, quảng trường Copley của Boston...

Không chỉ có vậy, CNN đưa tin, gần 1.000 nhân viên ngoại giao Mỹ, những người rất hiểu sự tác động cũng như mặt trái của sắc lệnh trên đã ký vào bản ghi nhớ phản đối hạn chế nhập cư và được gửi tới các quan chức cấp cao. Bản ghi nhớ này cảnh báo: chính sách nhập cư mới không chỉ không giữ nước Mỹ được an toàn, mà còn gây hại tới những nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố.

Người dân Mỹ biểu tình chống sắc lệnh về tị nạn mà Tổng thống Trump vừa ký. Ảnh: New York Daily News và PBS.

"Bằng cách làm cho họ giận ghét, chúng ta mất con đường tiếp cận tin tức tình báo và các nguồn tin cần thiết để truy diệt tận gốc khủng bố ở nước ngoài, trước khi các cuộc tấn công xảy ra ở Mỹ", CNN trích dẫn nội dung bản ghi nhớ. Các nhân viên ngoại giao cũng cho biết sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump "đối lập với bản chất của Mỹ và các giá trị thuộc hiến pháp mà các nhân viên liên bang đã tuyên thệ và gìn giữ".

Sắc lệnh "khó hiểu" đặt ra nhiều câu hỏi

Các quan chức, các vị nguyên thủ nổi  tiếng thế giới như Thủ tướng Đức, Thủ tướng Anh, cựu Tổng thống Mỹ B.Obama cũng đã lên tiếng rằng, nước Mỹ và tân Tổng thống Mỹ không thể biện minh cho việc cấm nhập cảnh bằng lý do chống khủng bố. Ngày 30-1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ trích Washington không công bằng khi nhắm đến những người Hồi giáo thông qua việc ra sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân của 7 quốc gia.

Phát biểu trước báo giới, bà Merkel nói: "Cuộc chiến thiết yếu và cương quyết chống chủ nghĩa khủng bố không thể biện minh cho việc nghi ngờ tất cả những người theo một đức tin cụ thể, ở đây là những người theo đạo Hồi, hoặc những người có một lai lịch nhất định nào đó".

Ông Obama phá lệ để lên án sắc lệnh đang gây “sóng gió” của Tổng thống Trump. Đây là lần đầu tiên ông Obama lên tiếng chỉ trích đương kim Tổng thống Trump kể từ khi ông rời nhiệm sở hôm 20-1, phá vỡ quy tắc bất thành văn rằng các tổng thống mãn nhiệm hạn chế chỉ trích chủ nhân hiện thời của Nhà Trắng.

Ngày 29-1, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain cho rằng, quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc cấm nhập cảnh đối với người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo là "khó hiểu" và đặt ra nhiều câu hỏi. Trả lời phỏng vấn kênh CBS, ông McCain cho rằng ở một số khía cạnh, quyết định của ông Trump có thể tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Hãng AP cho biết một đơn kiến nghị được đăng tải trên trang mạng của Chính phủ Anh, trong đó kêu gọi cấm Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm nước này, đã nhận được hàng triệu chữ ký và đủ điều kiện để được đưa ra thảo luận trước Quốc hội. Chủ tịch Công đảng Anh Jeremy Corbyn cho rằng chuyến thăm cấp nhà nước tới Anh của ông Trump cần phải bị hoãn cho đến khi Tổng thống Mỹ bãi bỏ quyết định cấm nhập cảnh nói trên.

Hãng thông tấn SABA của Yemen dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao nước này cho rằng, lệnh cấm công dân một số nước Hồi giáo, trong đó có Yemen, nhập cảnh Mỹ thực chất đang cổ xúy những kẻ cực đoan. Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ Thụy Sĩ tại Tehran để phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran trích dẫn nội dung nêu trong công hàm trao cho Đại sứ Thụy Sĩ (nước đại diện cho các lợi ích của Mỹ tại Iran do Washington không thiết lập quan hệ ngoại giao với Tehran), trong đó cho rằng quyết định của ông Trump "dựa trên những lý lẽ sai lầm và phân biệt đối xử, đồng thời vi phạm các quy định về nhân quyền". Sudan cũng đã triệu đại biện lâm thời Mỹ tại Khartoum để phản đối quyết định cấm nhập cảnh của ông Trump.

Cảnh sát Mỹ bảo vệ trước tòa tháp Trump. Ảnh: Getty Images.

Trong khi đó, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Iraq đã kêu gọi đưa ra một lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Mỹ, xem như là cách "ăn miếng trả miếng". Liên đoàn Arập bao gồm 22 nước đã nêu bật một số điểm phi lý trong sắc lệnh này; Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) gồm 57 quốc gia ngoài việc phản đối sắc lệnh của ông Trump mà còn chỉ ra rằng, đây chỉ là một động thái gây kích động ý hướng cực đoan trong thế giới Hồi giáo, tạo cơ sở cho các hoạt động khủng bố.

Phát biểu với Tân Hoa Xã, Bashir Abdel-Fattah, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chính trị và chiến lược Al-Ahram tại Cairo, nói: “Những gì ông Trump thực hiện là một hành động thiếu thận trọng và không phản ánh chính sách thực sự của Mỹ trong vấn đề này”.

Hassan Nafaa - giáo sư ngành chính trị học tại Đại học Cairo, phát biểu: “Ông Trump có quyền thực thi các biện pháp cần thiết để chống khủng bố, nhưng ông ta không có quyền coi tất cả các công dân đến từ những nước Hồi giáo nói trên là các phần tử khủng bố”.

Trong khi đó, các chuyên gia Mỹ cho rằng sắc lệnh mới ký kết của ông Trump có thể phản tác dụng và gia tăng nguy cơ các vụ tấn công khủng bố ở Mỹ. Nội dung cảnh báo này cũng được Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhắc lại vào hôm 31-1 là sẽ “kích động sự lo lắng và giận dữ có thể có lợi cho chiến dịch tuyên truyền của các tổ chức khủng bố mà chúng ta đang muốn chống lại”.

Nguyễn Hòa – Quốc Hùng
.
.