Sau hai vụ binh sĩ Anh và Pháp bị sát hại trên đường phố: Nguy cơ bùng nổ bạo lực

Thứ Tư, 12/06/2013, 17:45

Vụ việc binh sĩ Anh bị chém tới chết ngay trên đường phố London sầm uất hôm 22/5 còn đang khiến cả thế giới chưa hoàn hồn thì lại đến vụ một binh sĩ Pháp bị đâm trọng thương tại Paris, Pháp. Vụ việc không chỉ khiến an ninh của hai quốc gia hàng đầu ở cựu lục địa bị đặt vào tình trạng báo động, mà còn làm dấy lên mối nghi ngờ về động cơ của những kẻ giết người. Nguyên nhân của hành động dã man này được cho là có liên quan đến các phần tử khủng bố thánh chiến, trả thù việc Chính phủ Anh, Pháp tham gia chiến tranh chống người Hồi giáo.

Sát hại binh sĩ để trả thù chính phủ

Vụ tấn công xảy ra lúc 14h20' (giờ địa phương) hôm 22/5 tại phố John Wilson thuộc khu vực Woolwich, London. Nạn nhân được giới chức Anh xác định là Drummer Lee Rigby (25 tuổi) từ Tiểu đoàn số 2 thuộc Bộ binh Hoàng gia Anh. Các nguồn tin cho biết, Rigby gia nhập quân đội vào năm 2006 và từng phục vụ tại Afghanistan, Đức và đảo Síp.

Anh này được miêu tả là một "ông bố rất yêu con trai Jack", đóng vai trò là "người anh cả" đối với tất cả mọi người và có thể làm bất kỳ điều gì cho bất kỳ ai. Truyền thông Anh cũng đưa tin khi bị sát hại, nạn nhân mặc áo sơ mi có gắn biểu tượng của cơ quan nhân đạo quân sự Anh "Help for Heroes", chuyên giúp đỡ các cựu binh Anh.

BBC dẫn lời một số nhân chứng có mặt tại hiện trường vụ án cho hay, nạn nhân đã bị hai kẻ lạ mặt dùng xe đâm thẳng vào người, rồi chúng lạnh lùng bước từ trong xe ra, tiếp tục dùng dao đâm và chém liên tiếp vào đầu nạn nhân cho đến chết. Sau đó, thủ phạm kéo lê nạn nhân trên đường, đưa đến góc phố đông đúc, có ánh đèn, sát với doanh trại quân đội. Dường như sau khi gây án, hai kẻ thủ ác không hề có ý định bỏ chạy mà thậm chí còn nhởn nhơ tại hiện trường để yêu cầu những người qua đường chụp ảnh và quay phim. Trong đó, một số nhân chứng kể lại rằng bọn chúng dường như đang tìm cách moi nội tạng của nạn nhân.

Những đoạn video về vụ việc được đăng tải trên báo chí và truyền hình cho thấy một trong hai thủ phạm, tay cầm con dao vấy máu, hét vang "Allahu Akbar" (Thượng đế vĩ đại) và thề rằng sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu với chính loài người. Tên này thậm chí còn đưa ra hàng loạt tuyên bố nhuốm màu chính trị, trong đó nói rằng, lý do duy nhất khiến chúng giết người đàn ông vô tội này là để trả thù cho việc Chính phủ Anh tham gia chiến tranh chống lại người Hồi giáo, đồng thời kêu gọi người dân Anh lật đổ chính phủ.

"Tôi giết hắn vì hắn đã giết người Hồi giáo và tôi quá chán những kẻ giết người Hồi giáo ở Afghanistan. Con mắt phải trả bằng con mắt, một chiếc răng phải trả bằng răng. Tôi thật sự xin lỗi vì những gì mà phụ nữ đã phải chứng kiến ngày hôm nay, nhưng trên mảnh đất của chúng tôi, phụ nữ phải chứng kiến những cảnh tương tự. Các bạn sẽ không bao giờ được an toàn, hãy lật đổ chính phủ vì họ chẳng quan tâm gì đến các bạn".

Theo các nguồn tin, hai nghi phạm Michael Adebolajo (28 tuổi) và Michael Adebowale (22 tuổi) là các công dân Anh gốc Nigeria theo đạo Hồi. Cơ quan tình báo đối nội Anh MI-5 đều biết cả hai người này trong suốt 8 năm vì hai nghi phạm đã có tên trong vài cuộc điều tra của giới chức những năm gần đây. Riêng cái tên Michael Adebolajo có vẻ thu hút được sự chú ý từ phía cơ quan điều tra.

Theo các nguồn tin của BBC, Adebolajo xuất thân từ một gia đình Cơ Đốc giáo nhưng đã cải sang đạo Hồi sau khi rời trường đại học vào năm 2001. Tên này từng là thành viên tổ chức cực đoan Al-Muhajiroun, tham gia một cuộc biểu tình Hồi giáo vào tháng 4/2007, cầm một tấm biển có dòng chữ "Cuộc viễn chinh chống lại những người Hồi giáo".

Michael Adebolajo, một trong hai nghi phạm của vụ án, yêu cầu quay phim lại quá trình giết người và hét vang "Allahu Akbar" (Thượng đế vĩ đại), thề rằng sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu với chính loài người.

Vài ngày sau khi hai nghi phạm bị bắt, một người bạn của Michael Adebolajo tiết lộ tên này từng được MI-5 yêu cầu làm việc cho họ khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, kẻ sát hại binh sĩ Drummer Lee Rigby đã từ chối. Người bạn này nhận thấy Adebolajo có những thay đổi kể từ sau khi bị giới chức an ninh bắt giữ trong chuyến đi tới Kenya vào năm 2012. Nghi phạm từng bị lạm dụng tình dục, bị đánh đập trong khi bị thẩm vấn ở một nhà tù tại quốc gia châu Phi này.

Theo tiết lộ, Michael Adebolajo bị MI-5 theo dõi, thậm chí các nhân viên tình báo thường xuyên quấy rầy hắn trong gần một năm. Trong đoạn video về vụ sát hại binh sĩ Anh, Michael Adebolajo đã nói: "Họ đang nghe lén tôi. Họ sẽ không để tôi yên". Theo giới chuyên gia Anh, không có gì là bất thường khi cơ quan an ninh tiếp cận người nào đó để hỏi thông tin hoặc thậm chí là mời làm việc ngầm cho họ.

Nguy cơ gia tăng bạo lực và khủng bố

Nhiều giờ sau khi vụ việc xảy ra, người dân quanh khu vực Woolwich vẫn chưa hết hoảng loạn và sợ hãi. Chính quyền Anh cũng đã huy động lực lượng an ninh tăng cường giám sát khu vực và tất cả các doanh trại quân đội ở London, vì lo ngại có thể sẽ xuất hiện những vụ tấn công khác. Trong một diễn biến có liên quan, hai người khác gồm một người đàn ông và một phụ nữ (đều 29 tuổi) đã bị bắt giữ vì bị tình nghi thông đồng với vụ án mạng.

Có thể nói, việc hai thủ phạm tấn công một binh sĩ quân đội Anh và những lời lẽ mang tính chính trị mà chúng đưa ra sau khi gây án là cơ sở để nhiều người tin rằng đây không phải là một vụ án mạng thông thường. Hơn thế nữa, vụ sát hại binh sĩ vừa xảy ra không phải là chuyện hiếm thấy ở Anh. Chính phủ nước này trước đây cũng đã từng phát hiện một số âm mưu tấn công khủng bố vào các lực lượng vũ trang.

Thủ tướng Anh David Cameron đã gọi vụ tấn công là "thực sự kinh hoàng tới mức đáng báo động toàn quốc" và có nhiều dấu hiệu liên quan tới khủng bố.

Vụ án mạng lần này mang dáng dấp của một vụ tấn công thánh chiến Hồi giáo. Nói cách khác, đây có thể là lời tuyên chiến của các tín đồ thánh chiến Hồi giáo với quân đội Anh và một số nước phương Tây do sự tham gia của họ trong cuộc chiến tại Afghanistan và những nơi khác trên thế giới. Hai quan chức cấp cao khác trong Chính phủ Anh cho rằng vụ giết người dường như được tổ chức bởi những kẻ Hồi giáo cực đoan. Bộ trưởng Nội vụ Anh Therasa May cũng nhấn mạnh, mặc dù cảnh sát đang điều tra vụ việc, nhưng có dấu hiệu rõ ràng cho thấy đây là một hành động khủng bố.

Trong khi đó, Hội đồng Hồi giáo ở Anh đã bác bỏ điều này và tuyên bố đây là một hành động thật sự man rợ mà không có cơ sở nào trong đạo Hồi cho phép. Ngay cả Thị trưởng London Boris Jhonson cũng tuyên bố vụ tấn công khủng bố không liên quan tới tôn giáo và chính sách đối ngoại của Anh, đồng thời kêu gọi người dân Anh bình tĩnh và đoàn kết trong bối cảnh hiện tại, tránh bị lôi kéo vào các hoạt động bạo lực trên đường phố.

Nạn nhân Drummer Lee Rigby và hình ảnh chiếc xe của thủ phạm.

Các cơ quan chức năng đã nâng mức cảnh báo lên mức nghiêm trọng vì lo ngại có thể sẽ xảy ra những vụ tấn công khác. Các địa điểm giờ đây cần được nâng cao cảnh giác là Phủ thủ tướng và các cơ sở quân sự quan trọng. Theo BBC, kể từ khi các lực lượng Anh tham gia vào cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, họ và gia đình đã ý thức được rằng họ có thể trở thành mục tiêu ở quê nhà.

Ngay sau khi vụ án diễn ra đã xuất hiện một vài "sự cố" được cho là lấy cảm hứng từ vấn đề Hồi giáo. Một người đàn ông 43 tuổi bị bắt ở Braintree, đông London, sau khi được cho là đã mang dao và một số thiết bị gây cháy vào một nhà thờ Hồi giáo. Trong khi đó, một người đàn ông khác bị bắt giam ở Gillingham, vì bị tình nghi gây ra thiệt hại cũng tại một nhà thờ Hồi giáo.

Chiều ngày 23/5, khoảng 250 người ủng hộ Liên đoàn Bảo vệ Anh chống Hồi giáo (EDL) đã tụ tập tại nhà ga Woolwich Arsenal. Họ ném chai lọ và có những vụ va chạm nhỏ với cảnh sát. Nhưng sau đó họ đã giải tán và không ai bị bắt. Lãnh dạo EDL Tommy Robinson cũng tham dự cuộc biểu tình, và giải thích rằng EDL chỉ muốn thể hiện rằng công chúng Anh đã giận dữ thế nào trước vụ việc này.

"Thế hệ tiếp theo của chúng ta đang được dạy tại trường học là Hồi giáo là tôn giáo hòa bình. Nhưng không phải vậy. Chưa bao giờ như vậy. Những gì chúng ta chứng kiến hôm nay là Hồi giáo", Tommy Robinson nói: "Mọi người đã chịu đựng đủ rồi. Phải có phản ứng, chính phủ phải lắng nghe, cảnh sát phải lắng nghe để hiểu công chúng Anh giận dữ như thế nào".

Khi mà động cơ chi tiết của vụ giết người kinh hoàng tại London chưa được làm rõ, vụ việc có thể sẽ châm lửa cho tình trạng thù địch chống lại người Hồi giáo. Ngoài ra, án mạng tại Woolwich chắc chắn cũng sẽ làm gia tăng lo ngại về tình hình an ninh cũng như các mối đe dọa đối với quân nhân Anh trong thời gian tới…

Một binh sĩ Pháp bị đâm trọng thương

Khoảng 18h ngày 25/5 (giờ địa phương), một binh sĩ Pháp bị đâm vào cổ trọng thương khi đang tuần tra tại một khu buôn bán sầm uất ở phía tây thủ đô Paris. Nạn nhân 23 tuổi mặc đồng phục và được trang bị vũ khí, đang tuần tra trong chương trình giám sát chống khủng bố Vigipirate mà Pháp triển khai tại các khu du lịch, mua sắm và trung tâm trung chuyển lớn trên khắp thủ đô.

Các nhân chứng cho biết kẻ lạ mặt đã tiếp cận từ phía sau, bất ngờ đâm vào cổ người lính rồi nhanh chóng lẩn vào đám đông trốn thoát. Camera an ninh đã quay được vụ tấn công và cảnh sát đang mở chiến dịch truy lùng gắt gao trong khi người dân nước Pháp hết sức hoang mang. Theo lời một số nhân chứng, hung thủ là một người Bắc Phi, tầm 30 tuổi và ăn mặc kiểu Arập. Tuy nhiên, cảnh sát không xác nhận thông tin nhận dạng này và mô tả hắn cao khoảng 1,9 m, để râu, mặc áo len, quần tây đen.

Theo một nguồn tin tại văn phòng công tố Paris, vụ tấn công đang được coi là một vụ khủng bố. Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết tất cả các khả năng đang được nghiên cứu, nhưng chưa có thông tin cho thấy vụ tấn công này liên hệ tới vụ sát hại binh sĩ ở London, Anh hôm 22/5 vừa qua. Ông cũng tuyên bố Pháp luôn mạnh tay tiếp tục cuộc chiến "không đội trời chung" với chủ nghĩa khủng bố.

Trên thực tế, Pháp đang được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi xuất hiện những lời đe dọa tấn công của một nhóm khủng bố ở Bắc Phi có liên hệ với mạng lưới Al-Qeada, hòng trả đũa sự can thiệp quân sự của nước này vào Mali hồi tháng 1/2013.

Trần Quân - Thùy Dương (tổng hợp)
.
.