Saudi Arabia - Qatar: Cửa khẩu biên giới duy nhất trên đất liền bị đóng cửa

Thứ Hai, 25/12/2017, 15:26
Đầu tháng 6-2017, cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh bùng phát khi 4 nước Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Qatar cũng như cắt đứt mọi liên lạc đường biển, đường bộ và đường không với quốc gia này.

Lý giải cho lệnh trừng phạt, chính phủ các nước trên gần như “đồng lòng” cáo buộc Qatar ủng hộ khủng bố và có quan hệ gần gũi với Iran.

2  tuần sau sự kiện đó, cửa khẩu Salwa - cửa khẩu duy nhất nằm trên biên giới đất liền giữa Saudi Arabia với Qatar - bị đóng cửa tạm thời. Đến tháng 8, cửa khẩu Salwa được mở cửa trở lại để phục vụ những người hành hương về thánh địa Mecca và duy trì hoạt động từ đó đến giữa tháng 12 “vì những lý do tín ngưỡng và nhân đạo”.

Tuy vậy, theo như thông tin của tờ Aljazeera, Tổng cục Hải quan Saudi Arabia đã ra quyết định đóng vĩnh viễn cửa khẩu này từ đêm 18-12. Cần biết rằng, hầu hết lương thực nhập khẩu bằng đường bộ của Qatar đi qua cửa khẩu Salwa.

Hồi tháng 6, việc vận chuyển hàng hóa đã bị tê liệt, ảnh hưởng đến tới 40% nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu cần thiết cho các dự án hạ tầng trị giá khoảng 200 tỷ USD liên quan đến việc Qatar đang chuẩn bị cho World Cup 2022.

Tình hình có vẻ không làm nhà chức trách Qatar nao núng. Giới chức nước này mạnh dạn tuyên bố rằng, họ có đủ lương thực trong vòng 1 năm, dù nguồn cung trên bộ bị đóng thì Qatar sẽ phải phụ thuộc vào đường hàng không và đường biển và sẽ làm tăng chi phí. Nguồn cung cấp lương thực của Qatar thường thông qua biên giới với Saudi Arabia đã bị đóng cửa, nhưng hàng lương thực cũng có thể được vận chuyển trực tiếp qua cảng Doha. Hoạt động xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ không bị ảnh hưởng, vì nguồn nhiên liệu này được vận chuyển qua eo biển Hormuz để tới Nhật Bản và Đông Nam Á.

Việc cửa khẩu Salwa được tạm thời mở cửa vào tháng 8 là kết quả của những tranh cãi quanh các chuyến bay của Saudi Arabia thực hiện chuyên chở khách hành hương từ Doha đến thánh địa Mecca. Trong tháng 7, chính quyền Doha đã cáo buộc Saudi Arabia gây trở ngại cho việc tham gia cuộc hành hương tới thánh địa Mecca ở Saudi Arabia (còn gọi là lễ hành hương Hajj) của công dân Qatar.

Lễ hành hương Hajj là một trong những chuyến đi phải thực hiện ít nhất một lần trong đời đối với hầu hết người Hồi giáo. Một trong các động thái xuất hiện trong căng thẳng ngoại giao là chính quyền Saudi Arabia từ chối việc người hành hương Qatar đi trực tiếp từ Doha trên các chuyến bay của hãng hàng không Qatar Airways vốn không được phép bay qua không phận của Riyadh sau lệnh phong tỏa bầu trời áp dụng từ đầu tháng 6. Thay vào đó, Saudi Arabia sẽ chủ động bay đến Doha đón khách.

Để đáp trả, Qatar đã ngăn chặn không cho các máy bay Saudi Arabia điều sang Doha để chở người hành hương được hạ cánh. Hãng tin chính thống của vương quốc Saudi Arabia (SPA) khẳng định các nhà chức trách Qatar đã không cho phép các máy bay của Saudi Arabia hạ cánh vì không có “giấy phép chuẩn”, mặc dù các giấy tờ đã được xuất trình trước đó ít ngày.

Cửa khẩu Salwa.

Ngày 17-8, những tưởng đã dấu hiệu đầu tiên trong các nỗ lực giảm căng thẳng khi Saudi Arabia quyết định mở lại cửa khẩu biên giới Salwa để cho phép người Hồi giáo Qatar hành hương tới Mecca. Chính quyền Doha đã hoan nghênh quyết định này của Riyadh, song lên án việc “chính trị hóa” sự kiện tôn giáo này của Saudi Arabia. Nhưng vào đầu tháng 12, Hội nghị thượng đỉnh hằng năm của 6 nước thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã không đưa ra được giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước “anh lớn” trong vùng.

Saudi Arabia với vai trò dẫn đầu của nhóm nước Vùng Vịnh trừng phạt Qatar yêu cầu tất cả người Qatar phải rời khỏi nước họ. Dù vậy, chính quyền Qatar đã không áp đặt các hạn chế tương tự đối với công dân của các quốc gia Ảrập. Và lần này, cửa khẩu Salwa bị đóng vĩnh viễn đồng nghĩa với việc đường bộ duy nhất để Qatar đến với các quốc gia Vùng Vịnh tiếp tục bị phong tỏa.

Trước đây, Qatar phụ thuộc khá lớn vào Saudi Arabia và UAE để nhập khẩu đến hơn 1/3 nhu cầu lương thực trong nước. Họ cũng nhập vật liệu xây dựng chủ yếu từ hai nước này. Giờ đây, họ phải chuyển hướng sang các nguồn khác, như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đồng thời cũng phải chi trả nhiều hơn cho lương thực và thuốc men. Cuộc khủng hoảng từ tháng 6 đã gây sức ép lên tiền tệ của Qatar, khiến họ phải dùng đến dự trữ quốc gia để giữ giá đồng riyal so với USD.

“Tỷ giá đã biến động đáng kể suốt từ tháng 6. Nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao này tiếp tục, không biết chính quyền Qatar sẽ tiếp tục cầm cự đến bao giờ”, Alexander Kuptsikevich - nhà phân tích tại FxPro nhận xét.

Lệnh đóng cửa khẩu Salwa vĩnh viễn được xem là đòn trừng phạt mới nhất mà Riyadh áp đặt với Qatar vì dưới áp lực của các lệnh trừng phạt, Doha không những không nhượng bộ mà còn quyết định thành lập Ủy ban Phụ trách đòi bồi thường hàng tỉ USD do “thiệt hại bởi lệnh phong tỏa của Riyadh và các đồng minh” cùng với việc Bộ Ngoại giao Qatar ra thông báo: Đại sứ Qatar tại Iran sẽ trở lại Tehran để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sau hơn 20 tháng được triệu hồi về nước.

Theo giới quan sát, “sự ương ngạnh” của Doha có thể làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh vẫn đang ở tình trạng bế tắc, mà quan hệ giữa Qatar với Iran là một trong những nguyên nhân chính khiến khởi phát cuộc khủng hoảng.

Q.H. (tổng hợp)
.
.