Scotland sẽ tách khỏi Vương quốc Anh?

Thứ Tư, 16/05/2007, 11:17

Scotland sẽ nhanh chóng tách ra khỏi Vương quốc Anh - đó là lời hứa hẹn đối với các cử tri của đảng Dân tộc Scotland (SNP - Scottish National Party), phe chính trị vừa giành được thắng lợi tại cuộc bầu cử Quốc hội Scotland vừa qua.

Theo đó, một cuộc trưng cầu dân ý về khả năng Scotland tách khỏi Anh đã được lập kế hoạch tổ chức trước thời điểm 2010. Cuộc bầu cử lần này cũng là một bằng chứng nữa cho thấy, uy tín của Công đảng nắm quyền tại Anh đang giảm sút.

Kết quả cuộc bầu cử địa phương được tổ chức vào ngày 3/5 vừa qua đã có tác dụng thay đổi đáng kể bức tranh tương quan chính trị tại Anh. Tại Scotland, Đảng dân tộc lần đầu tiên sau 50 năm đã giành được 47 ghế tại Quốc hội, tức là nhiều hơn cả của Công đảng cầm quyền. Thủ lĩnh Alex Salmond của SNP đã tuyên bố về thắng lợi lịch sử này: “Scotland đã thay đổi vĩnh viễn theo chiều hướng tốt nhất”.

Kết quả kiểm phiếu cho thấy, SNP đã giành được 47 ghế trong nghị viện Scotland, tức là nhiều ghế hơn Công đảng cầm quyền, cho dù mức độ chênh lệch là không đáng kể (đúng 1 ghế). Tổng số 129 ghế trong Nghị viện Scotland sẽ được phân chia như sau: SNP (47 ghế), Công đảng (46 ghế), Bảo thủ (17 ghế), Dân chủ tự do (16 ghế) và đảng Xanh (2 ghế).

Trên danh nghĩa, thủ lĩnh SNP sẽ trở thành Thủ tướng Scotland với tư cách người đứng đầu phe đa số trong Quốc hội, cho dù SNP sẽ còn phải nỗ lực đàm phán với các đảng phái khác để có thể thành lập được một liên minh cầm quyền. Theo Hiến pháp Scotland, thủ tướng mới sẽ được chỉ định trong vòng 28 ngày kể từ sau khi có kết quả bầu cử, tức là với thời hạn chót là ngày 30/5.

Câu hỏi giờ đây được đặt ra sau bầu cử chính là, Scotland sẽ phát triển theo hướng nào? Cần nhớ là trong quá trình tranh cử, các quan chức của SNP đã tuyên bố, sẽ đưa ra vấn đề tách Scotland khỏi Anh nếu họ thắng cử. Giờ đây, các thành viên đảng Dân tộc đã khẳng định, cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này sẽ diễn ra trong vòng 3 năm nữa.

Một sự kiện trùng hợp là những người ủng hộ cho nền độc lập của Scotland đã giành chiến thắng vào năm 2007, đúng vào dịp kỷ niệm 300 năm ngày sáp nhập Anh và Scotland thành Vương quốc Anh.

Trước những phát biểu trên của SNP, Công đảng đang cầm quyền tại Anh ngay lập tức đã lên tiếng phản đối kịch liệt về khả năng chia rẽ đất nước: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép phe Dân tộc đánh lừa mọi người bằng những tin đồn chia cắt nước Anh” – đó là phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown, người sắp tới sẽ kế nhiệm Thủ tướng Tony Blair.

Tuy nhiên, những kết quả bầu cử vừa qua đã cho thấy, Công đảng đang có chỉ số uy tín sa sút nghiêm trọng trong dân chúng, không chỉ tại Scotland nói riêng mà cả nước Anh nói chung.

Ý kiến của đa phần các nhà quan sát đều cho rằng, tình trạng sụt giảm uy tín của Công đảng có nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ cuộc chiến Iraq cũng như vụ bê bối mua bán tước vị trong chính quyền Tony Blair.

Thắng lợi bất ngờ của SNP tại Scotland vào đúng thời điểm nhạy cảm chuyển giao quyền lực tại Anh chắc chắn sẽ là những đám mây u ám trên đầu Gordon Brown trong những tháng đầu tiên trên cương vị là thủ tướng mới

Kim Lai (Tổng hợp)
.
.