Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII:

Sẽ bỏ tử hình với những tội danh nào?

Thứ Sáu, 29/05/2015, 11:39
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã trình Quốc hội dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Trong đó, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội là thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình.

Kiến nghị bỏ tử hình với 7,5 tội danh

Theo ban soạn thảo,  chủ trương hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình là phù hợp với tinh thần các công ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên, đồng thời phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình là đòi hỏi cấp thiết của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự gắn với việc bảo đảm các quyền con người, nhân đạo hóa các biện pháp trừng trị phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và đạo lý của dân tộc, phù hợp yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Điều 38 Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã quy định những điều kiện áp dụng hình phạt tử hình chặt chẽ hơn.

Thứ nhất, về đối tượng và loại tội áp dụng hình phạt tử hình: Điều 39 dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với đối tượng là người tổ chức, cầm đầu, chỉ huy hoặc ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm của một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm tội: các tội xâm phạm an ninh quốc gia; xâm phạm tính mạng con người; tội phạm về ma túy; tội phạm tham nhũng và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Thứ hai, về đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình: bên cạnh quy định hiện hành về việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, Điều 39 dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung thêm một đối tượng nữa không áp dụng hình phạt tử hình đó là người già trên 70 tuổi và người bị kết án tử hình về các tội phạm có mục đích kinh tế nhưng đã khắc phục cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra (trừ tội sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy) thì cũng có thể không áp dụng hình phạt tử hình. Trường hợp này sẽ được giảm xuống tù chung thân.

Dự thảo luật đã quy định bỏ hình phạt tử hình đối với 7,5 tội danh trên tổng số 22 tội danh hiện hành, gồm: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh (các điều 167, 316, 407, 413, 436, 437 và Điều 438) và tội vận chuyển trái phép chất ma túy (tách từ Điều 194 BLHS hiện hành thành Điều 251 dự thảo).

Theo ban soạn thảo, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, không có một nền tư pháp nào trên thế giới có thể bảo đảm chính xác tuyệt đối, không có oan sai và nếu oan sai trong việc kết án và thi hành án tử hình xảy ra thì không còn khả năng khắc phục sai lầm. Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp tục thu hẹp phạm vi hình phạt tử hình và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn loại hình phạt này trong hệ thống hình phạt.

Tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng manh động.

Trong thời điểm hiện nay, việc tiếp tục nghiên cứu đề xuất hạn chế hình phạt tử hình ở nước ta là sự thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013 trong việc ghi nhận và bảo vệ quyền sống của con người, đồng thời tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về giảm hình phạt tử hình trong các nghị quyết của Đảng.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở nước ta còn nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế vì đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về quyền con người, trong đó liên quan trực tiếp đến quyền sống như "Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948"; "Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966" và "Công ước về quyền trẻ em năm 1989".

Các công ước này đưa ra những nguyên tắc cụ thể định hướng cho việc áp dụng cũng như thi hành hình phạt tử hình ở những quốc gia mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ, ví dụ như: chỉ được phép áp dụng án tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện hoặc là không được phép tuyên án tử hình đối với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai.

Ban soạn thảo cho rằng số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, số lượng các bị cáo bị kết án tử hình chủ yếu về tội phạm ma túy. Do đó, dù có bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm nêu trên thì cũng không giảm án tử hình trên thực tế được bao nhiêu, bởi lẽ, thực tiễn cho thấy số án tử hình chủ yếu tập trung vào tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 BLHS hiện hành).

Do vậy, để góp phần giảm án tử hình trên thực tế dự thảo sửa đổi Điều 194 của BLHS hiện hành về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy theo hướng tách riêng thành các tội danh độc lập, đồng thời chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội danh khác thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Vì sao bỏ tử hình với tội vận chuyển; tàng trữ; chiếm đoạt chất ma túy?

Theo ban soạn thảo, quy định này một mặt hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội phạm ma túy chủ yếu về hành vi tàng trữ, vận chuyển chất ma túy đang diễn ra hiện nay, mặt khác, góp phần cá thể hóa các đối tượng phạm tội để bảo đảm chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với những người phạm tội đến mức đáng phải chịu như vậy.

Trường hợp chứng minh được hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy nằm trong quy trình mua bán trái phép chất ma túy có tổ chức, tiếp tay cho hoạt động mua bán trái phép chất ma túy thì người có hành vi này sẽ bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn nếu chỉ đơn thuần là hành vi tàng trữ hoặc vận chuyển thuê chất ma tuý trái phép, nhất là vận chuyển thuê để lấy tiền thì hình phạt tù chung thân đối với người phạm tội là đủ nghiêm khắc.  

Gần đây, tại các địa bàn nóng về ma túy như Hòa Bình, Sơn La, cuộc chiến với tội phạm ma túy ngày càng khốc liệt, có những vụ các đối tượng vận chuyển ma túy sẵn sàng dùng súng quân dụng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng. Đã có những cán bộ chiến sĩ Công an, Biên phòng hy sinh trong khi vây bắt tội phạm vận chuyển ma túy.   

Báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống ma túy nhiều năm qua cho thấy, loại tội phạm này ngày càng được tổ chức tinh vi, chuyên nghiệp hơn.

Theo đó, các công đoạn từ sản xuất, cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ được tổ chức hết sức chặt chẽ. Nếu bỏ quy định hình phạt tử hình đối với người vận chuyển, tàng trữ chất ma túy thì chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh với loại tội phạm này, bởi vì thực tế thời gian qua chủ yếu bắt giữ đối tượng vận chuyển, tàng trữ khối lượng rất lớn chất ma túy, mà khó chứng minh được đối tượng mua bán.

"Việc không bỏ hình phạt tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển chất ma túy đã được Quốc hội cân nhắc thận trọng và quyết định khi thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS (năm 2009). Do vậy, đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong đường dây vận chuyển, tàng trữ chất ma túy thì chưa nên bỏ hình phạt tử hình". 

Phạm tội khi 70 tuổi sẽ không bị tử hình?

Khoản 2 Điều 39 dự thảo luật quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; khoản 3 quy định không thi hành án tử hình nếu người bị kết án từ 70 tuổi trở lên. 

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, người ở độ tuổi 70 nhìn chung vẫn còn khả năng về sức khỏe và là những người có vốn hiểu biết, nhận thức và kinh nghiệm. Thực tế, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm (phạm các tội hiếp dâm, giết người, cầm đầu đường dây buôn bán ma túy,...).

"Nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp không đồng ý với quy định này của dự thảo".

Nguyễn Thiêm
.
.