Kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khóa XIII:

Sẽ đổi mới toàn diện chương trình và sách giáo khoa phổ thông

Chủ Nhật, 26/10/2014, 20:05

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nhiều vấn đề đã được đặt ra với mục tiêu xây dựng được một chương trình, sách giáo khoa phù hợp thực tế dạy và học hiện nay…

I- Lâu nay, chuyện học hành luôn là mối quan tâm lớn của cả xã hội và mỗi gia đình, bởi nhà nào cũng có con, cháu đi học. Một trong những phàn nàn nhiều nhất của các bậc phụ huynh những năm qua là chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở ta hiện nay quá nhiều kiến thức hàn lâm và nặng khiến cho học sinh, nhất là các thành phố, đều phải đi học thêm. Chuyện học sinh từ lớp 1 đã phải đi học thêm không còn là chuyện lạ, thậm chí đã trở thành phổ biến ở các thành phố.  

Theo đánh giá của Chính phủ, chương trình và sách giáo khoa hiện hành còn những hạn chế. Đó là:

Chưa đáp ứng tốt yêu cầu về hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; quan điểm thống nhất tích hợp và phân hóa chưa được quán triệt đầy đủ, các môn học được xây dựng theo các lĩnh vực khoa học, hạn chế khả năng tích hợp kiến thức; một số nội dung của một số môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản, còn nhiều kiến thức hàn lâm, nặng và chưa thiết thực với học sinh; một số cuốn sách giáo khoa chưa cân đối giữa yêu cầu khoa học và yêu cầu sư phạm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải trong dạy học.

Mới chú trọng việc truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; chương trình còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, nặng về dạy chữ nhẹ về dạy người, hướng nghiệp. Chương trình còn nghiêng về trang bị kiến thức lý thuyết; chưa coi trọng kỹ năng thực hành, kỹ năng vận dụng kiến thức, phát triển khả năng sáng tạo, tự học của học sinh…

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khóa XIII.

Trong thiết kế chương trình, chưa xây dựng thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp; nội dung giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu về tính thiết thực, tinh giản, hiện đại; việc thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục còn phiến diện, lạc hậu, chưa đáp ứng các yêu cầu về mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng, phát triển khả năng sáng tạo, tự học để học tập suốt đời. Hình thức tổ chức giáo dục chủ yếu là dạy học trên lớp, chưa coi trọng việc tổ chức các hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm; phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục nhìn chung còn lạc hậu; việc tổ chức, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện chương trình còn thiếu tính hệ thống. Một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế về năng lực sư phạm, năng lực quản lý…

II- Vì vậy, điều mà cả xã hội đang chờ đợi là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sẽ được thực hiện như thế nào để phù hợp với thực tế?

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận, nguyên tắc của lần đổi mới này là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực để phát triển phẩm chất và năng lực người học; chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống; nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo, ý thức tự học. Chú trọng và tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đảm bảo tiếp nối, liên thông giữa chương trình cấp học, lớp học, giữa các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Đặc biệt, một điểm rất mới là sẽ khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa (sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ GD&ĐT tạo phê duyệt, sử dụng thống nhất trong toàn quốc.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này sẽ đổi mới toàn diện cả mục tiêu giáo dục; nội dung, phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức giáo dục; hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục tới quản lý quá trình xây dựng và thực hiện chương trình. Đặc biệt là sẽ thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa.

Theo đó chuyển từ mục tiêu tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang mục tiêu hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa "dạy chữ", "dạy người" và định hướng nghề nghiệp; tạo điều kiện để học sinh phát triển hài hòa cả thể chất và tinh thần.

Nữ sinh trung học phổ thông. (Ảnh minh họa).

Chương trình được xây dựng thành một chỉnh thể, nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12. Thiết kế chương trình theo hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông).

Tích hợp cao các lĩnh vực giáo dục, các môn học ở tiểu học và trung học cơ sở để giảm tải, giảm kiến thức hàn lâm, giảm số lượng môn học bằng cách lồng ghép những nội dung gần nhau của nhiều môn học vào cùng một lĩnh vực hoặc bổ sung, phát triển môn học tích hợp đã có trong chương trình hiện hành  tạo thành môn học mới. Nội dung các môn học tích hợp được thiết kế theo hướng vẫn giữ các nội dung chính của các môn học hiện nay nhưng lựa chọn, lồng ghép, sắp xếp và bố trí các chủ đề, đề tài gần nhau của các môn học này để dễ bổ sung, làm sáng tỏ cho nhau trong quá trình dạy và học; hình thành các chủ đề dạy học liên môn. Ở cả ba cấp học đều thực hiện tích hợp trong nội bộ môn học, trong đó tích hợp cả các chủ đề liên quan đến thực tiễn đời sống.

Phân hóa mạnh ở trung học phổ thông bằng hình thức dạy học tự chọn theo định hướng: kết thúc cấp trung học cơ sở là học sinh đã hoàn thành giáo dục cơ bản; lên trung học phổ thông học sinh được học phân hóa mạnh gắn với định hướng nghề nghiệp. Mỗi học sinh chỉ học ít môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, còn lại tự chọn môn học và chuyên đề học tập theo sở trường và nguyện vọng của cá nhân trong giới hạn khả năng đáp ứng của nhà trường. Các chuyên đề học tập tự chọn nhằm đáp ứng hiểu biết nâng cao hoặc mở rộng kiến thức các môn học; cung cấp những hiểu biết và kỹ năng ban đầu như là nhập môn các khoa học hoặc ngành nghề; giúp học sinh có những thông tin để định hướng và tiếp cận nghề nghiệp sau trung học phổ thông. Hướng tới việc tổ chức dạy học theo tín chỉ; xét kết quả, chuyển đổi giữa các bậc học, các chương trình giáo dục bằng cách tích lũy tín chỉ.

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này sẽ đổi mới toàn diện cả mục tiêu; nội dung, phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức giáo dục. (Ảnh minh họa).

Đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại; đa dạng hóa hình thức tổ chức học tập, đồng thời coi trọng cả dạy học trên lớp và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Chú ý các hoạt động xã hội và tập dượt nghiên cứu khoa học của học sinh.

Thực hiện đa dạng phương pháp và hình thức đánh giá; đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Tổng kinh phí dự kiến là 462 tỉ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa (bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa); xây dựng, thẩm định chương trình; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; thẩm định sách giáo khoa (dự kiến 4 bộ); nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình; tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kĩ thuật tổ chức tập huấn qua Internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Ngoài việc đánh giá năng lực của các cá nhân học sinh, bổ sung thêm các hình thức đánh giá chất lượng giáo dục ở cấp quốc gia, cấp địa phương và tham gia các kỳ đánh giá của quốc tế để kiến nghị các chính sách, giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục.

Dựa trên mục tiêu, chuẩn và nội dung chương trình thống nhất toàn quốc, đảm bảo quyền linh hoạt của các địa phương và nhà trường. Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng chương trình giáo dục phổ thông trong đó có quy định chuẩn đầu ra, những nội dung cốt lõi và yêu cầu bắt buộc (phần cứng) đồng thời dành thời lượng (khoảng 20%) để các địa phương (Sở GD&ĐT) bổ sung những nội dung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương, các nhà trường được xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình.

Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông để sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Dựa trên chương trình thống nhất toàn quốc, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều bộ/cuốn sách giáo khoa khác nhau. Bộ GD&ĐT ban hành các quy định về cấu trúc và tiêu chí đánh giá sách giáo khoa, biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định sách giáo khoa; ban hành quyết định công nhận các bộ/cuốn sách giáo khoa được phép lưu hành dựa trên kết quả của việc thẩm định.

Theo đề án này, việc thực hiện sẽ chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 và 2 (1/2015 - 6/2018) là giai đoạn chuẩn bị các điều kiện để xây dựng, điều chỉnh, thẩm định; hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; thực hiện bán đấu giá bản quyền một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn…

Giai đoạn 3 (7/2018 - 12/2021): từ năm học 2018 - 2019, triển khai áp dụng chương trình mới; tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đánh giá, điều chỉnh, ban hành văn bản chương trình mới.

Theo chương trình, ngày 20/11 tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Nguyễn Thiêm
.
.