“Sói đơn độc” đang đe dọa châu Âu

Thứ Năm, 18/08/2016, 09:25
Liên tục nhiều vụ tấn công đơn lẻ đang khiến cả châu Âu lo lắng. Kể từ sau vụ tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở Paris, Pháp, tháng 1-2015, đến những vụ tấn công ở Brussels, Bỉ, và gần đây nhất là loạt tấn công ở Đức, Pháp làm nổi lên vấn đề khủng bố đơn lẻ do những “sói đơn độc” thực hiện. Và, chúng hoặc là do Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) làm cho cực đoan hóa, hoặc là tự cực đoan hóa tại chỗ.

Cảnh sát Bỉ cho biết vừa ngăn chặn thành công một âm mưu khủng bố của một “sói đơn độc” sau khi lục soát nhà riêng của một người đàn ông tên là Nourredine H, 33 tuổi, ở vùng Wallonia. Cuộc lục soát diễn ra vào chiều tối ngày 29-7. Với những chứng cứ có được, Nourredine H bị buộc tội âm mưu khủng bố. Vụ khủng bố hụt này một lần nữa cho thấy bạo lực và khủng bố đang trở thành nỗi ám ảnh đối với châu Âu hiện nay.

Liên tục trong khoảng thời gian hơn hai tuần lễ gần đây, châu Âu rúng động bởi loạt vụ tấn công làm gần trăm người chết. Đầu tiên là vụ tấn công bằng xe tải vào ngày Quốc khánh Pháp 14-7 tại thành phố Nice, 84 người chết. Trong một tuần sau đó, ngày 18, 22 và 24-7, liên tục 4 vụ tấn công bằng súng, dao, rìu và bom xảy ra ở Wurzburg, Munich, Ansbach thuộc bang Bavaria và Reutlingen thuộc bang Baden-Wurttemberg (Đức).

Và gần đây nhất, gây chấn động cả nước Pháp, là vụ một thanh niên 19 tuổi tên Adel Kermiche dùng dao cắt cổ cha xứ Jacques Hamel ở nhà thờ giáo xứ St-Etienne-du-Rouvray thuộc vùng Normandy hôm 26-7.

Một số hung thủ trong các vụ tấn công này lấy cảm hứng từ thánh chiến; 4 vụ IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Nhưng các vụ khác thì không mang thiên hướng tư tưởng hay động cơ nào khác ngoài việc chỉ muốn giết người và giết người. Hầu hết các vụ tấn công này đều không có mối liên hệ rõ ràng nào với nhóm hung thủ gây ra các vụ tấn công ở Paris vào tháng 1 và tháng 11-2015 – những vụ tấn công này đều được tổ chức chặt chẽ, có kế hoạch và được thực hiện bởi một ổ nhóm khủng bố quy mô lớn, bao gồm những chiến binh thánh chiến từng tham gia chiến đấu với IS ở Syria hoặc Iraq.

Hình ảnh những nạn nhân khủng bố ở Pháp.

Thành phần hung thủ gây ra các vụ tấn công từ những tên mang tư tưởng khủng bố cho đến những kẻ có vấn đề về tâm lý và sức khỏe tâm thần không ổn định. Tất cả khiến cho tình hình an ninh chung của châu Âu ngày càng trở nên căng thẳng và gieo rắc nỗi lo sợ trong cộng đồng dân cư.

Trong vụ tấn công bằng xe tải ở Nice, IS đã nhanh chóng lên tiếng xác nhận hung thủ tên Mohamed Lahouaiej-Bouhlel là “chiến binh” của mình, nhưng các công tố viên cho rằng y không có mối liên hệ rõ ràng nào với IS và cũng không hề có cảm tình gì với Hồi giáo. Lahouaiej-Bouhlel thực ra có một lịch sử bạo lực bắt đầu từ khi y còn nhỏ tuổi, sinh sống ở Tunisia và đã từng được điều trị bệnh tâm thần và phải dùng thuốc giảm loạn thần.

Trong vụ một thanh niên di cư dùng dao và rìu tấn công hành khách trên tàu hỏa ở Wurzburg, Đức, cảnh sát khám xét căn hộ của hung thủ và tìm thấy hình lá cờ IS y vẽ trong quyển sổ tay. Vụ này IS cũng lên tiếng nhận trách nhiệm. Khi thực hiện vụ tấn công, hung thủ mặc chiếc áo thun có biểu tượng của IS và hô to “Allahu akbar” (Thượng đế vĩ đại).

Giới chức an ninh cho rằng điều đáng lo nhất chính là tốc độ cực đoan hóa cực nhanh của hung thủ và nghi ngờ rằng y bị đẩy đến cực đoan hóa do cái chết gần đây của một người bạn thân.

Adel Kermiche.

Đối với Ali David Sonboly, thiếu niên người Đức gốc Iran đã dùng súng bắn chết 9 người ở thành phố Munich rồi tự sát, thời đi học y bị bắt nạt ở trường, đã từng phải điều trị các rối loạn về tâm lý và đặc biệt yêu thích cảnh giết chóc, bạo lực, các vụ bắn giết ở trường học, nhất là hâm mộ sát thủ cực hữu người Na Uy, Anders Behring Breivik.

Trong vụ dùng dao cắt cổ cha xứ Hamel ở St-Etienne-du-Rouvray, hung thủ Kermiche từng tìm cách sang Syria để gia nhập IS. Theo hồ sơ cảnh sát Pháp, Kermiche từng bị bắt hai lần vì tìm cách trốn sang Syria; lần thứ nhất y bị cảnh sát Đức chặn bắt vào tháng 3-2015.

Lần thứ hai là vào tháng 5-2015 y tìm cách vào Syria qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, bị chặn bắt và đưa trở về Pháp. Tháng 3-2016, y được thả ra với điều kiện đeo thẻ điện tử để theo dõi.

Cách thức tiến hành không giống nhau, động cơ không rõ ràng của loạt vụ tấn công gần đây đã khiến cho cơ quan chức năng rất khó phản ứng. Tính chất không thể đoán trước của các vụ tấn công, cuộc sống đơn độc, nhiều vấn đề rắc rối của những kẻ tấn công khiến cho chúng trở nên rất khó ngăn chặn.

Thiếu niên 17 tuổi gây ra vụ tấn công hành khách tàu hỏa ở Wurzburg, Đức.

Từ thực tế 3 trong 4 vụ tấn công gần đây ở Đức là do những người nhập cư thực hiện, chính sách đối với dân di cư của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang bị chỉ trích nặng nề hơn bao giờ hết. Hơn nữa, 3 trong 4 vụ tấn công lại xảy ra ở bang Bavaria, nơi đã tiếp nhận người nhập cư nhiều nhất nước Đức trong năm 2015, và nơi có sự phản đối chính trị mạnh mẽ nhất đối với chính sách nhập cư của bà Merkel, càng khiến cho bà khó xử hơn, nhất là khi bước vào cuộc bầu cử Quốc hội vào năm tới.

Những vụ tấn công đã khiến cho dân chúng địa phương lo sợ, trong khi bà Thủ tướng Merkel tiếp tục lảng tránh vấn đề. Từ đó giới chức chính quyền bang Bavaria phải tự mình tăng cường kiểm soát người nhập cư, bổ sung thêm lực lượng cảnh sát để tuần tra, kiểm soát đường phố.

Ở Pháp, tình hình cũng tương tự. Cả nước Pháp đã xích lại gần nhau hơn kể từ sau vụ tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo tháng 1-2015 và loạt vụ tấn công tháng 11-2015 làm 130 người chết. Còn hiện nay, công chúng đang ngày càng có thái độ giận dữ đối với chính phủ vì họ cho rằng chính phủ đã không đủ năng lực để bảo vệ an toàn cho công chúng.

Cha xứ Jacques Hamel.

Tổng thống Francois Hollande cũng đối mặt với khó khăn, thách thức tương tự như Thủ tướng Merkel của Đức, và ông sẽ bước vào cuộc bầu cử đầy khó khăn năm tới để bảo vệ chiếc ghế tổng thống của mình trong tình thế khủng bố ngày càng diễn ra nhiều hơn.

Một câu hỏi đang được đặt ra: “Tại sao hầu hết các vụ tấn công khủng bố kể từ sau vụ Charlie Hebdo xảy ra ở Pháp, một số vụ gần đây là ở Đức, rồi Bỉ?”. Phải chăng đây là những quốc gia quá dễ dãi trong việc quản lý người nhập cư cho nên thành phần khủng bố mang mầm mống IS ung dung hành động?

Riêng tại Pháp, tính từ vụ Charlie Hebdo đến nay đã có đến 11 vụ tấn công, với số người chết trên 200 người. Người ta nghi ngờ có mối liên hệ nào đó giữa gốc gác châu Phi, Trung Đông của những kẻ gây ra các vụ tấn công tại châu Âu nói chung, và đặc biệt là các thuộc địa cũ của Pháp.

Nhưng suy cho cùng, vấn đề đáng quan tâm nhất vẫn là ảnh hưởng về tư tưởng của IS, cộng với những bất ổn trong lòng xã hội châu Âu nói chung đã khiến cho một bộ phận thanh thiếu niên nhập cư tự cực đoan hóa hoặc bị ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền của IS rồi cực đoan hóa.

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.