Sóng gió lại đến với chính trường Italia

Thứ Năm, 16/12/2010, 15:35
Ngày 11/12 vừa qua, theo lời kêu gọi của đảng Dân chủ Italia, hàng nghìn người đã biểu tình trên các đường phố Roma để phản đối chính sách của Thủ tướng Silvio Berlusconi. Cuộc biểu tình diễn ra 3 ngày trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng Italia tại Quốc hội lưỡng viện vào ngày 14/12. "Hãy ủng hộ nước Italia thay đổi", đây là khẩu hiệu chủ yếu của cuộc tuần hành.

18 chuyến tàu đặc biệt, 1.500 xe ca và 2 chiếc thuyền được huy động để chuyên chở những người tham gia. Cuộc biểu tình do đảng Dân chủ Italia lãnh đạo đã nhận được sự ủng hộ của đảng Những giá trị nước Italia. Bên cạnh đó là sự tham gia của một đoàn ủng hộ nghề làm bánh mỳ, một khu vực kinh tế với 550.000 việc làm, đang bị chính sách cắt giảm ngân sách mới đây đe dọa. Những người về hưu cũng có mặt đông đảo trong cuộc tuần hành.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau cuộc biểu tình trên, ngày 12/12, nhiều cuộc tuần hành do đảng Nhân dân tự do lãnh đạo đã được tổ chức tại các thành phố Italia để ủng hộ ông Berlusconi. Báo chí Italia đưa tin: Hàng nghìn người ủng hộ đã tập trung tại Roma, xem một thông điệp qua truyền hình của Thủ tướng Berlusconi, trong đó ông chỉ trích các đối thủ, nhất là phía ly khai của cựu đồng minh cũ và hiện là Chủ tịch Hạ viện Gianfranco Fini, đã sử dụng những lời dối trá, vu khống nhằm chống lại ông. Các cuộc tuần hành tương tự nhằm ủng hộ Thủ tướng Berlusconi cũng diễn ra tại khoảng 100 thành phố và thị trấn của Italia.

Thủ tướng Berlusconi, 74 tuổi, đã chấp nhận thách thức bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Đây là đề xuất của đồng minh cũ là ông Gianfranco Fini. Trong trường hợp số người không ủng hộ chiếm đa số, chính phủ của ông Berlusconi sẽ phải giải tán, sau hai năm rưỡi cầm quyền. Cả hai viện của Quốc hội Italia sẽ bỏ phiếu cùng một lúc. Tại Thượng viện, phe của Thủ tướng Italia, với sự ủng hộ của Liên minh phương Bắc, nắm đa số áp đảo, trong khi đó, tại Hạ viện, phe của ông Fini với 35 nghị sĩ có khả năng làm cán cân nghiêng về phía đối lập. Tuy nhiên, phần thất bại chưa hẳn là sẽ rơi vào phía ông Berlusconi.

Trên sân khấu chính trị ở Italia, chuyện khủng hoảng nội các tính ra thì cũng là "chuyện thường ngày ở huyện": Kể từ sau Thế chiến II đến nay, Italia có tất cả là 61 chính phủ và nếu không tính ngoài nội các hiện nay  thì trong 60 chính phủ vừa qua tuổi thọ trung bình của các nội các là 360 ngày, tức là chưa đủ tuổi "thôi nôi". Do đó, nguy cơ khủng hoảng nội các của chính phủ của ông Berlusconi không phải là chuyện lạ, mà chuyện lạ chính là ở chỗ nguy cơ khủng hoảng đến ngay từ trong nội bộ liên minh đa số của chính phủ, hay có thể nói tệ hơn nữa là khủng hoảng đến ngay từ trong nội bộ đảng của chính đương kim Thủ tướng và là đảng lớn nhất hiện nay trong phe đa số ở Quốc hội.

Điều càng ngạc nhiên hơn, nhất là đối với những ai không sống ở Italia, là nguy cơ khủng hoảng xảy ra chỉ sau hơn hai năm kể từ khi liên minh của Thủ tướng Berlusconi đã thắng cử vẻ vang hồi tháng 4/2008 với đa số trong lưỡng viện Quốc hội. Chính ngay kỳ bầu cử cấp vùng hồi tháng 3/2010, phe liên minh cánh hữu của Berlusconi vẫn còn thắng lớn. Thế mà chỉ trong vòng trên dưới 8 tháng, cả một liên minh hùng hậu như thế trong chốc lát bỗng tan tác.

Vì sao mà từ một tình hình chính trị rực rỡ như thế mà nội các của Thủ tướng Berlusconi lại nhanh chóng đi vào "quỹ đạo" khủng hoảng? Thông thường thì nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng của chính phủ thường đến từ phía đối lập, nhưng trong trường hợp của chính phủ của ông Berlusconi hiện nay thì nguyên nhân của khả năng khủng hoảng lại đến ngay từ trong nội bộ của chính đảng của ông Berlusconi.

Trong những tháng gần đây công luận đã chứng kiến những căng thẳng trầm trọng diễn ra công khai trước quần chúng giữa Thủ tướng Berlusconi và đồng thành viên sáng lập đảng, đương kim Chủ tịch Hạ viện ông Gianfranco Fini. Thậm chí có những cuộc đấu khẩu ngay trên diễn đàn của những buổi hội thảo do đảng tổ chức trước mặt bao nhiêu đảng viên.

Những căng thẳng nói trên thực ra chỉ là "bề nổi" của những mâu thuẫn trong nội bộ đảng, chỉ là những "giọt nước làm tràn ly". Trên thực tế, những khác biệt sâu sắc về quan niệm chính trị và cung cách hành xử quyền lực nhà nước đã ngày càng gây mâu thuẫn sâu sắc giữa hai vị đồng sáng lập viên của đảng.

Thêm vào đó trước tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong khi chính phủ các quốc gia khác trên thế giới đang ngày đêm đầu tư sức lực để tìm ra phương hướng giải quyết, thì Chính phủ Berlusconi lại hoàn toàn bị tê liệt vì mọi nỗ lực của chính phủ hiện nay chỉ nhắm vào việc đưa ra các đề luật nhằm giải cứu riêng cá nhân của Thủ tướng Berlusconi trong những vụ án về tham nhũng, hối lội, trốn thuế. Tình hình xã hội Italia do đó ngày một thêm bế tắc, nạn thất nghiệp gia tăng, ngân quỹ nhà nước thâm hụt lớn, các hoạt động về phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế ngày càng bị cắt giảm.

Trước những khó khăn hiện nay của chính phủ, các lực lượng chính trị đối lập đã lớn tiếng kêu gọi Thủ tướng Berlusconi từ chức và giải tán nội các ngay lập tức. Nhưng Thủ tướng Berlusconi đã nhất quyết từ chối yêu cầu từ chức và giải tán chính phủ, và ông đã gây áp lực với Quốc hội để cơ quan này phải dời thời gian bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm nội các đến trung tuần tháng 12. Với quyết định nói trên, Thủ tướng Berlusconi hy vọng sẽ có thời gian để "lấy lòng" một số đại biểu để có thể tránh bị quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Các lực lượng chính trị đối lập thì muốn giải tán nội các của Thủ tướng Berlusconi để lập ra một "nội các lâm thời" quy tụ tất cả các lực lượng đối lập để Quốc hội có đủ thời gian thay đổi luật bầu cử, bởi vì luật bầu cử hiện nay là luật bầu cử do chính phe của Thủ tướng Berlusconi đưa ra, và với luật này thì chưa chắc gì trong lần bầu cử tới phe đối lập có thể thắng cử và cũng có khả năng là ông Berlusconi có thể trở lại cầm quyền, dù rằng khả năng này không lớn lắm.

Đó là những tính toán của các lực lượng chính trị. Điều đáng chú ý là dù rằng, phe liên minh của Thủ tướng Berlusconi đang trong thời khủng hoảng trầm trọng nhưng phe đối lập cũng vẫn bị phân hóa và vẫn phải tiếp tục "án binh bất động", thay vì phải mở một cuộc tiến công nắm bắt lấy thời cơ để sớm kết thúc một giai đoạn đen tối của Italia

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.