Sự cố bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử ở Nigeria

Thứ Năm, 09/04/2015, 15:30
Trong cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống ở Cộng hòa Liên bang Nigeria diễn ra vào ngày 28/3 vừa qua, đã phát sinh nhiều trở ngại làm cho thời gian bầu cử buộc phải kéo dài thêm một ngày nữa, khiến cử tri hết sức bất bình, trong đó có Tổng thống Goodluck Jonathan.

Nhằm tránh nạn gian lận phiếu bầu có thể xảy ra, bắt đầu từ cuộc tổng tuyển cử lần này Ủy ban Độc lập về Bầu cử Quốc gia (INEC) của Nigeria đã áp dụng một cách thức hoàn toàn mới.

Theo đó, tất cả công dân trưởng thành đều được cấp thẻ cử tri sinh trắc học, để nhân viên thuộc INEC có thể kiểm tra nhân thân người đi bầu trước khi cho họ vào phòng bỏ phiếu. Nhưng trong ngày đầu tiên đã liên tiếp xảy ra các trục trặc không đáng có.

Theo thống kê sơ bộ ở 300 điểm bầu cử trên toàn quốc, có tới 109 điểm máy đọc thẻ gặp sự cố kỹ thuật, không thể đọc được các dữ liệu sinh trắc trong thẻ cử tri. Còn tại 100 điểm bầu cử khác hệ thống máy đọc thẻ hoạt động chập chờn, do nguồn năng lượng vận hành bằng pin quá yếu.

Tổng thống G. Jonathan trình thẻ cử tri sinh trắc học để nhân viên INEC kiểm tra.

Ngay bản thân Tổng thống G. Jonathan cũng lâm vào tình trạng "dở khóc dở cười", khi cùng Đệ nhất phu nhân Patience Jonathan đi bầu tại điểm bầu cử tại làng Otuoke, ngoại vi thị trấn Ogbia, bang Bayelsa, là nơi sinh trưởng của Tổng thống Jonathan.

Lúc đầu máy đọc thẻ không thể nhận dạng được vợ chồng vị nguyên thủ quốc gia, đến lần thứ 2 cũng vậy buộc Tổng thống Jonathan phải kiên nhẫn đứng chờ, đợi cho "máy vận hành ổn định trở lại" như nguyên văn lời nhân viên tổ bầu cử thuộc INEC.

30 phút sau, tuy máy đọc được hết các dữ liệu sinh trắc trên thẻ cử tri của Tổng thống Jonathan như hình ảnh, giới tính, màu mắt, nhóm máu, nghề nghiệp… nhưng lại không thể nhận dạng được dữ liệu then chốt là dấu vân tay.

Cuối cùng Tổng thống Jonathan và phu nhân buộc phải áp dụng theo cách thức bầu cử trước đây, là trình chứng minh thư cá nhân để nhân viên INEC xác định ảnh trên đó trước khi nhận được phiếu bầu.

Máy đọc thẻ không thể nhận biết dấu vân tay của vị nguyên thủ quốc gia.

Đứng trước thực trạng đáng phê phán nêu trên, ông Kayode Idowu, phát ngôn viên thay mặt INEC đã quyết định kéo dài cuộc bầu cử sang cả ngày 29/3, tạo điều kiện để cử tri có thể thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ của mình theo cả 2 phương thức là dùng thẻ sinh trắc học và chứng minh thư cá nhân.

Trong chiến dịch tranh cử trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử bầu tân Quốc hội và tân Tổng thống, đảng Dân chủ Nhân dân (PDP) của ông G. Jonathan đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích về cách thức bầu cử, đồng thời cảnh báo khả năng nhầm lẫn rất dễ xảy ra ở các điểm bỏ phiếu, do nhân viên INEC chưa quen vận hành các thiết bị mới.

Đúng ra cuộc bầu cử lần này dự định tiến hành vào ngày 14/2, nhưng bị đình hoãn tới 6 tuần lễ sau vì lý do an ninh do các hoạt động đe dọa của nhóm phiến quân Boko Haram.

Theo danh sách của INEC, 68,8 triệu cử tri trong tổng số 174,5 triệu người Nigeria có quyền tham gia bầu cử. Họ sẽ bầu ra 109 thành viên Thượng viện và 360 thành viên Hạ viện, từ hơn 1.000 ứng viên của 25 đảng phái chính trị khác nhau.

Tổng thống G. Jonathan vẫn đứng liên danh với Phó tổng thống Namadi Sambo của đảng PDP đương quyền, đối lại với liên danh "nặng ký" của đảng Đại hội Liên minh Tiến bộ (APC) là ứng viên Tổng thống Muhammadu Buhari và ứng viên Phó tổng thống Yemi Osinbajo, vốn được Liên minh Các lực lượng đối lập (FAC) bao gồm nhiều đảng phái có thực lực hậu thuẫn.

Tân Tổng thống M. Buhari vẫy chào người hâm mộ trước kết quả bầu cử.

Đây là cuộc tổng tuyển cử dân chủ lần thứ 5 ở Cộng hòa Liên bang Nigeria, kể từ khi thể chế độc tài quân sự sụp đổ năm 1999. Trước khi diễn ra cuộc bầu cử, chính quyền Nigeria đã quyết định đóng cửa đường biên giới trên đất liền và trên biển kể từ ngày 25/3 đến khuya ngày 29/3, để bảo đảm an ninh cho cuộc tổng tuyển cử.

Theo giới quan sát chính trị, thì đảng PDP của Tổng thống Jonathan không dễ gì giành được thắng lợi vang dội như 4 lần bầu cử trước đây. Nạn tham nhũng lan tràn khiến đảng PDP cầm quyền dần mất uy tín trong mắt cử tri.

Song hành là giá dầu sụt giảm khiến đồng nội tệ naira (NGN) của Nigeria, một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mất giá khiến chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.

Còn theo số liệu chính thức của Liên Hiệp Quốc, đa số dân chúng tại Cộng hòa Liên bang Nigeria cũng là đất nước đông dân nhất ở châu Phi, có mức thu nhập dưới mức tối thiểu là 2USD/ngày.

Kết quả bầu cử đã được INEC chính thức công bố vào ngày 1/4 vừa qua, cho thấy ứng viên M. Buhari 73 tuổi của APC đã về nhất với tỷ lệ 53,95% số phiếu cử tri ủng hộ, so với 44,96% của đương kim Tổng thống G. Jonathan.

Đồng thời, ông M. Buhari cũng giành được trên 25% số phiếu tại 24 bang trong tổng số 36 bang của Nigeria, đạt tỷ lệ quá bán theo luật định trở thành tân Tổng thống, chấm dứt sự thống trị của PDP trên chính trường suốt 2 thập niên qua.

Đa phần cử tri hy vọng ông M. Buhari vốn là một tướng lĩnh quân đội dày dạn kinh nghiệm, sẽ có sách lược đối phó hữu hiệu với tổ chức khủng bố Boko Haram. Bằng chứng là ngay tại bang Borno - là nơi Boko Haram đang hoạt động ráo riết-đã có tới 94% số phiếu bầu ủng hộ ứng viên M. Buhari.

Tân Tổng thống M. Buhari sẽ chính thức nhận bàn giao nhiệm sở từ người tiền nhiệm G. Jonathan vào ngày 29/5 tới đây.

Quang Long (tổng hợp)
.
.