Sự kiện trọng đại của phụ nữ Saudi Arabia: Được phép lái xe!
Việc phụ nữ được phép lái xe đồng nghĩa với một chuyển biến lớn của xã hội
Với sắc chỉ của Vua Salman, sắp tới đây cơ quan chức năng Saudi Arabia sẽ tổ chức cho phụ nữ thi lấy bằng lái xe ôtô. Theo đó, chính phủ thành lập một cơ quan cấp bộ để tham mưu trong 30 ngày việc chuẩn bị thực hiện và sẽ chính thức triển khai cấp giấy phép lái xe ôtô cho phụ nữ từ ngày 24-6-2018. Sắc chỉ nêu rõ, động thái cấp phép cho phụ nữ lái xe phải được "áp dụng và bám sát theo các tiêu chuẩn của Luật Sharia", luật của Hồi giáo.
Khoảng một giờ sau sắc chỉ của Vua Salman được thông báo, Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ, Hoàng tử Khaled bin Salman vui mừng gọi đó là "một ngày lịch sử trọng đại ở Vương quốc Saudi Arabia". Phản ứng chung của nhiều nước trên thế giới là hân hoan chào mừng một "bước đi lớn và đúng hướng" của Saudi Arabia, vì nó mang lại cho phụ nữ thế giới thêm một thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi, bình đẳng giới.
Hoàng thái tử Mohammed bin Salman, người đứng sau các cải cách mạnh mẽ của Saudi Arabia. |
Saudi Arabia, cái nôi của Hồi giáo, lâu nay bị chỉ trích vì là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái xe. Mặc dù trong những năm gần đây Hoàng gia Saudi Arabia đã có nhiều cải cách, tiến bộ trong các vấn đề liên quan đến phụ nữ nhằm tăng vai trò của phụ nữ trong xã hội, và đặc biệt là khai thác nguồn lực lao động nữ của đất nước, nhưng phụ nữ lái xe vẫn là một vấn đề nhức nhối.
Ở Saudi Arabia, quốc gia Hồi giáo áp dụng Luật Sharia nghiêm ngặt nhất, luật pháp quy định phụ nữ phải chịu sự giám sát, bảo vệ của nam giới, họ làm gì cũng phải xin phép và phải được sự đồng ý của người đàn ông bảo vệ họ, kể cả những quyết định mang tính cơ bản nhất trong đời sống của họ. Họ học hành, làm việc, đi du lịch hay trị bệnh đều phải hỏi ý kiến người đàn ông của họ. Vì thế, việc cho phép phụ nữ lái xe là phá vỡ một trong những điều cấm kỵ, là tháo bỏ một trong những "gông xiềng" mà pháp luật Saudi Arabia đã áp đặt cho phụ nữ.
Trong hơn 25 năm, quyền lái xe cho phụ nữ Saudi Arabia đã trở thành một vấn đề xã hội lớn. Việc phụ nữ được phép lái xe đồng nghĩa với một chuyển biến lớn của xã hội đối với nữ quyền. Từ thời Vua Abdullah, vị thế của phụ nữ ở Saudi Arabia đã bắt đầu được cải thiện từng bước. Họ đã được phép tham gia một số hoạt động xã hội cơ bản.
Đến khi Vua Salman lên ngôi năm 2015, phụ nữ tiếp tục được tạo điều kiện rộng rãi hơn, được phép tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn, như chơi thể thao, tham gia thi đấu các giải thể thao trong nước, trong khu vực và thế giới. Không lâu trước khi được phép lái xe, họ còn được phép vào sân vận động để xem các trận đấu thể thao như nam giới.
Trong hoàng gia Saudi Arabia không phải là không có những nhân vật cấp tiến, và có thể nhờ tiếng nói trọng lượng của họ mà sắc chỉ quan trọng này mới được ban hành. Vào tháng 12-2016, Hoàng tử Al-Waleed Bin Talal đã kêu gọi chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm lái xe đối với phụ nữ bởi việc này khiến nền kinh tế đất nước sẽ mất đi hàng tỉ USD.
Bin Talal, một người đã nhiều năm ủng hộ nữ quyền tại Saudi Arabia, cho rằng cần phải bỏ các hạn chế đối với phụ nữ vì sự cấp bách kinh tế cũng như quyền của phụ nữ. Ông Al-Waleed cho biết, hiện trung bình mỗi gia đình Saudi Arabia chi 1.000 USD (3.800 riyal)/tháng cho một tài xế.
Tháng 6-2017, Hoàng tử Faisal Bin Abdullah khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Rotana Khalijia tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, đã phát biểu rằng: "Từ lâu nay phụ nữ bị cấm lái xe, nhưng trước đây phụ nữ đã từng điều khiển những con lạc đà của mình. Phụ nữ cần được trao quyền bởi họ đại diện cho hơn một nửa xã hội".
Hoàng tử Faisal Bin Abdullah từng đồng thời đảm nhiệm chức Bộ trưởng Giáo dục của Saudi Arabia giai đoạn 2009 - 2013 cho rằng, những thay đổi sẽ là "không tránh khỏi". "Thay đổi phải bắt đầu từ bên trong và phụ nữ cần chứng tỏ sự thành công của bản thân cũng như ảnh hưởng tích cực của mình đối với xã hội".
Vị Hoàng tử này khẳng định: "Tôi rất tự hào về phụ nữ Saudi Arabia. Họ là những người mẹ, người vợ, những cô con gái và tôi rất đỗi tự hào về họ và về đức tin, niềm tin cũng như cam kết của họ trong thời đại hiện nay của chúng ta. Phụ nữ Saudi Arabia là nền tảng của xã hội và họ giữ vị trí quan trọng trong nền văn minh Hồi giáo".
Theo Hoàng tử Khaled bin Salman, sắc chỉ của Vua Salman việc cho phép phụ nữ lái xe có nghĩa là họ sẽ không cần phải xin phép "người bảo vệ" khi tự mình tham gia vào các hoạt động trong xã hội. Hơn nữa, không chỉ phụ nữ Saudi Arabia được phép lái xe, mà kể cả phụ nữ ở các nước láng giềng trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi có bằng lái xe ôtô cũng được lái xe ở Saudi Arabia. Quyết định này được đánh giá là một bước tiến bộ lớn, một động thái rõ nét trong chương trình cải cách kinh tế - xã hội mà Hoàng thái tử Mohammed bin Salman đang tiến hành.
Hành trình gian khó cho nữ quyền
Từ trước những năm 1990, Saudi Arabia không có quy định chính thức nào cấm phụ nữ lái xe. Trên thực tế dù không có lệnh cấm này, thì phụ nữ ở Saudi Arabia đã bị cánh đàn ông trong các gia đình "cấm tiệt" chuyện lái xe ngoài đường. Nam giới Saudi Arabia, đặc biệt những người sùng đạo, tin rằng việc để phụ nữ lái xe là sự bắt đầu cho một cuộc sụp đổ về mặt… đạo đức.
Mong ước được ngồi sau vô-lăng của phụ nữ Saudi Arabia sắp thành hiện thực. |
Chưa kể một thực tế khác là dù không bị cấm lái xe, nhưng phụ nữ ở Saudi Arabia không được cấp bằng lái. Tuy nhiên sau một vụ việc 47 phụ nữ lái xe chở gia đình đi chơi, Saudi Arbia đã đưa ra lệnh cấm trên. Chính quyền cho rằng hành động của các phụ nữ này là một sự thách thức. Không chỉ bị bắt giam, sau khi được thả ra họ còn bị mất việc làm, chịu sự giám sát rất nghiêm ngặt.
Hồi năm 2014, chính quyền Saudi Arabia đã thẳng tay bắt giam 2 phụ nữ vì việc hai người này lái xe ôtô đến Saudi Arabia. Loujaina al-Hathloul, 25 tuổi, là người ủng hộ phong trào đòi quyền lái xe cho phụ nữ Saudi Arabia.
Cuối tháng 11-2014, Hathloul đăng tải một đoạn clip ghi cảnh cô lái xe tới Saudi Arabia để kêu gọi người ủng hộ. Tại biên giới, Hathloul đã lập tức bị cảnh sát Saudi Arabia bắt giam. Một ngày sau đó, Maysal al-Amoudi, bạn gái của Hathloul, đã tự lái ô tô mang đồ ăn tới cho bạn mình. Theo chân Hathloul, Maysal al-Amoudi cũng bị "mời" vào nhà giam. Cả hai chỉ được thả sau khi ở trong nhà giam của Saudi Arabia cả tháng trời.
Các nhà hoạt động nữ quyền ở Saudi Arabia đã kiên trì tổ chức chiến dịch vận động cho quyền này. Họ bao gồm những phụ nữ Saudi Arabia can đảm lái xe ra phố để biểu thị sự phản kháng của mình, bất chấp việc họ có thể bị bắt giam và tuyên án tù. Họ viết đơn thỉnh nguyện gửi lên Vua Saudi Arabia và quay video phụ nữ lái xe gửi cho các cơ quan truyền thông đăng tải để gây ấn tượng, tạo sự chú ý trong dư luận. Nhà hoạt động nữ quyền Manal al-Sherif từng bị bắt giam vào năm 2011 vì lái xe phản kháng trên phố đã viết trên Twitter những dòng suy nghĩ phấn khởi sau thông báo sắc chỉ của Vua Salman.
Đương nhiên thành phần bảo thủ trong Hội đồng Shura và trong Hoàng gia Saudi Arabia không tán thành quyết định của Vua Salman. Một số người đã lên mạng xã hội Twitter để bày tỏ sự bất bình, cho rằng quyết định cho phép phụ nữ lái xe là một việc làm "bẻ cong luật Sharia".
Đầu năm 2016, Thái tử hàng kế vị thứ hai Mohammed bin Salman đã bác bỏ đề xuất sớm bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe và cho rằng, Saudi Arabia chưa sẵn sàng cho việc này. Một số giáo sĩ có quyền lực mạnh ở Saudi Arabia lập luận rằng, phụ nữ không thể lái xe một mình ngoài xã hội, vì việc đó có thể dẫn đến việc họ sẽ dễ dàng chung chạ với những người đàn ông lạ mặt, không phải "người bảo vệ" của họ, do đó họ sẽ vi phạm các quy tắc về giới trong luật Hồi giáo.
Vào năm 2016, đại giáo sĩ Abdulaziz bin Abdullah al-Sheikh đã tuyên bố: cho phép phụ nữ lái xe là một "vấn đề nguy hiểm và không được phép". Trước đó, vào năm 2013, giáo sĩ Saleh al-Lohaidan từng đưa ra tuyên bố gây chấn động khi cho rằng phụ nữ lái xe có nguy cơ bị tổn thương buồng trứng!
Mặt khác, quyết định cho phép phụ nữ lái xe của Hoàng gia Saudi Arabia cũng tạo ra ảnh hưởng nhất định về mặt kinh tế. Latifa al-Shaalan, một thành viên Hội đồng Shura, thì cho rằng phụ nữ được phép lái xe sẽ giúp gia tăng cơ hội việc làm cho họ ở khu vực tư nhân. Khi đi làm việc, họ sẽ không cần người đưa đón, có thể tự mình đi đến nơi làm việc.
Do đó, những dịch vụ nhằm phục vụ cho các hoạt động xã hội của phụ nữ lâu nay sẽ có nguy cơ biến mất hoặc giảm thu nhập, như dịch vụ taxi Uber và Careem. Cần biết rằng, phương tiện giao thông công cộng ở Saudi Arabia không nhiều lắm, lại thường xảy ra chuyện tài xế taxi quấy nhiễu hành khách nên loại xe dịch vụ như Uber rất được dân chúng hưởng ứng.
Giờ khi người phụ nữ có quyền lái xe thì loại hình dịch vụ này không sớm thì muộn sẽ rơi vào cảnh "chợ chiều", nhưng đổi lại, sự gia tăng quyền tự do cho phụ nữ cũng đồng nghĩa với những thay đổi trong xã hội theo hướng tích cực hơn, từ đó tác động, thúc đẩy cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn.
Saudi Arabia là một trong những nước bảo thủ nhất thế giới, xưa nay vẫn chủ trương "nam nữ thụ thụ bất thân". Trước đây, phụ nữ nước này không được đi bầu cử và ứng cử. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Nghị viện các cấp (Local Council) ngày 12-12-2015, phụ nữ Saudi Arabia không những được đi bầu, mà còn có quyền ra ứng cử. Có thể nói, được đi bầu cử hoặc ứng cử là biến đổi bước đầu trong quyền bình đẳng giữa nam và nữ ở Vương quốc Hồi giáo Saudi Arabia.
Luật sư Sarah Leah Whitson, người Mỹ, Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nhận xét: Phụ nữ Saudi Arabia có quyền ứng cử và bầu cử là bước tiến lớn trong một vương quốc vốn do nam giới thống trị. Tuy phụ nữ Saudi Arabia được quyền bầu cử và ứng cử, nhưng vẫn không được bỏ chung thùng phiếu với nam cử tri. Thêm vào đó, người phụ nữ không được phép lái xe, khiến cho cử tri nữ gặp rất nhiều khó khăn.
Đợt bầu cử đó, Công ty taxi Uber cùng Hội Phụ nữ Từ thiện Al-Nahda hợp tác đưa đón miễn phí cho những nữ cử tri muốn đi đến trạm bỏ phiếu. Tổ chức phụ nữ này hy vọng, việc làm này có thể thúc đẩy nữ quyền ở Saudi Arabia. Mặc dù vậy, đa số người dân ở nước Hồi giáo bảo thủ này vẫn chịu ảnh hưởng của tư tưởng "phụ nữ không nên xuất đầu lộ diện".
Họ cho rằng, phụ nữ không nên ra ứng cử, hoặc đi bầu cử. Cử tri Maitai nói: "Vai trò phụ nữ không phải ở chỗ đó, điều họ nên làm là công việc nội trợ, nuôi dưỡng con cái. Nếu cho phụ nữ gánh vác công việc xã hội, ai là người trông coi công việc trong gia đình". Tuy vậy, cuộc bầu cử hôm 12-12-2015 đã gửi tín hiệu mạnh mẽ tới xã hội Saudi Arabia rằng, phụ nữ đang tiếp tục cuộc hành trình tham gia nhiều hơn nữa vào đời sống cộng đồng.