Sự liều mạng của tài xế Mỹ

Thứ Hai, 28/06/2010, 17:35

Sự coi thường luật lệ giao thông ở Mỹ đã lên tới mức báo động, khiến nhiều bậc phụ huynh không dám cho con cái tự đi đến trường mà họ thường đích thân đưa đón chúng.

Một thực tế thường thấy ở New York hay Chicago,  Los Angeles hoặc Philadelphia, cũng như tại một loạt các thành phố lớn khác là các bác tài thoải mái rẽ phải khi đèn đỏ mà không thèm... giảm ga tí nào. Tuy Luật Giao thông ở nhiều tiểu bang của Mỹ cho phép giới tài xế được phép bẻ cua sang phải mỗi khi có tín hiệu đèn đỏ tại các giao lộ; nhưng trước hết họ phải dừng xe lại và quan sát xem có ảnh hưởng tới người đi bộ cùng chiều, cũng như nhỡ có xe theo chiều được ưu tiên (đèn xanh) từ bên trái đang phóng tới không đã?

"Thực tế bây giờ là chỉ có khoảng 50% tổng số người cầm lái chịu dừng xe khi đèn đỏ - ngài Robert McGier, Thanh tra giao thông cao cấp thuộc Tòa thị chính New York, cho biết - Khi chúng tôi phối hợp với cảnh sát thực hiện chiến dịch theo dõi 17 giao lộ đông đúc nhất trong thành phố, số tiền phạt vì vượt đèn đỏ đã tăng hẳn tới 47% so với cùng kỳ tháng trước". Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Boston (tiểu bang Massachusetts).

"Tôi cảm thấy rằng, chưa có nơi nào mà người ta vượt đèn đỏ và rẽ tứ tung như ở Boston", cô giáo dạy bộ môn địa lý Hidi Forman thuộc một trường trung học địa phương, than thở. Những người khác thì quả quyết, rằng điều luật cho phép rẽ phải khi đèn đỏ, đã tạo điều kiện khiến nhiều tài xế trở nên coi thường cái tín hiệu quy ước nghiêm ngặt nhất này.

Người ta thường... thất vọng đến ngỡ ngàng, khi mục kích nhiều kiểu lái khác người trên đường phố. Như ở Chicago (tiểu bang llinois) cảnh sát đã bắt gặp có kẻ vừa lái vừa... đọc tiểu thuyết, hay thậm chí cả vừa điều khiển vô lăng lại vừa... cạo râu (!). Còn tại xa lộ ven thủ đô Washington D.C, chỉ trên một đoạn đường chừng 1,5 km, có tài xế đã 5 lần lấn sang luồng đường khác và cuối cùng thì... gây tai nạn.

Sự va chạm giữa các tài xế thường không chỉ dừng lại ở mức đấu khẩu. Như dân chúng ở Houston (tiểu bang Texas) gọi một giao lộ trên phố Westheimer là "ngã tư xô xát", bởi tại đây luôn xảy ra những cuộc đánh lộn giữa cánh tài xế. Điển hình là một vụ xảy ra vào giữa tháng 5 mới đây, với hậu quả là 1 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương. Don Smerec, cầu thủ dã cầu nổi tiếng của Đội tuyển Mỹ từng bị thương vì đạn súng lục 38 ly, bởi trong khi đang tranh cãi về đường ưu tiên, anh đã thò tay ra đấm thình thình lên nóc mui của xe kế bên, khiến viên tài xế lái chiếc xe ấy "tức điên" lên và... móc súng ra.

Lái xe khỏi cần...cầm vô lăng(!).

Cũng xảy ra cả trường hợp tài xế dám tấn công cảnh sát. Như ở Texas, một kẻ đã bắn người cảnh sát đứng điều tiết lưu thông giữa đường, vì sự kẹt xe... quá lâu (!). Dọc các con đường thuộc tiểu bang Texas cảnh sát thường đặt các tấm biển ghi "Hãy lái xe với tình bằng hữu!". Còn nhà tâm lý học hình sự nổi tiếng người Houston William Berker thì đề nghị các tài xế khi có va chạm trên đường, nên cư xử với thái độ lịch thiệp tối đa.

Con số các nạn nhân thuộc giao thông đường bộ ở Boston lại bắt đầu tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại New York thì đã tăng gấp đôi, bất chấp trong cả năm 2009 cảnh sát thành phố này đã ghi biên lai phạt tới 1 triệu vụ vi phạm Luật Giao thông. Riêng ở Los Angeles (tiểu bang California) sự "tông nhau" giữa xe ôtô và người đi bộ tăng cao chưa từng thấy.

Thực trạng này đòi hỏi những sự thay đổi mới. Dân chúng thuộc một loạt các thành phố trong vùng nam California muốn cảnh sát đặt thêm nhiều biển báo "Stop" dọc theo các tuyến đường hơn nữa, cũng như dựng các chướng ngại vật nhân tạo trên mặt đường, khiến giới tài xế buộc phải giảm tốc độ. Còn ở San Francisco, Tòa đô chính thành phố đòi tăng mức phạt cho tội vượt đèn đỏ, hoặc coi thường ký hiệu "Stop" từ 50 lên 100USD.

Ở New York, dân chúng đòi tăng thêm quân số của lực lượng Cảnh sát giao thông. "Chúng ta có quá nhiều đường cắt và giao lộ, mà lại có quá ít cảnh sát", một nữ tài xế phàn nàn cũng như cho biết là mỗi khi bà dừng xe trước đèn đỏ, lập tức dòng xe phía sau bóp còi thúc inh ỏi...

Nhưng cảnh sát lại bị chi phối bởi sự cắt giảm ngân sách. Tại Boston người ta vừa sa thải 500 nhân viên Cảnh sát giao thông trong vòng nửa năm qua, và như vậy các nhân viên đại diện cho công lực chỉ tiến hành phạt được có 18 nghìn vụ trong 6 tháng qua, thay vì 24 nghìn vụ của cùng thời kỳ trước đó. Kinh phí eo hẹp không cho phép các đô thị chấn chỉnh lại tình hình đường sá của mình, khiến nạn tắc nghẽn giao thông luôn xảy ra, kéo theo là sự phẫn nộ của giới cầm lái. Vấn đề kinh tế cũng ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý của người tài xế.

"Một người đang điều khiển xe mà mải suy nghĩ về một việc khác, đương nhiên là anh ta đã mất hẳn sự tập trung về quãng đường trước mặt" - Art Conrad, nhà tâm lý học nổi tiếng người Chicago quả quyết. Riêng Thanh tra cao cấp R.McGier nhìn nhận sự  việc một cách bàng quan: "Đơn giản là mọi người bây giờ thích làm bất cứ điều gì mà họ muốn, không câu nệ đó là tiêm chích thuốc phiện, chôm chỉa trộm cắp trong các siêu thị, hay lao qua đèn đỏ giữa ngã tư! Cũng vậy thôi!"

Thu Hường (theo The Observer)
.
.