Sứ mệnh khó khăn của bà Angela Merkel

Thứ Sáu, 05/01/2007, 08:30
Phải nói rằng việc lựa chọn Mỹ là điểm đến đầu tiên của bà Angela Merkel trong thời điểm quan hệ EU - Mỹ dần dần phai nhạt, thậm chí đôi lúc còn đối đầu nhau là khá khôn ngoan.

Năm 2006 đã khép lại với hàng loạt  bất đồng và mâu thuẫn ngày càng dâng cao giữa hai bên. Từ những khúc mắc trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, quan hệ kinh tế giữa EU và Mỹ cũng giảm đáng kể. Trong khi đó, so với bình diện chung trên thế giới, nền kinh tế EU và Mỹ vừa là hai nền kinh tế lớn đối chọi nhau lại vừa là hai khu vực trụ cột chính để dẫn tới một khu vực kinh tế tự do và sự thành công của vòng đàm phán Doha.

Có lẽ vì thế mà khi trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Tài chính, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhấn mạnh rằng, tại cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 4 giữa EU-Mỹ sắp tới, các bên sẽ cùng thảo luận về sự hợp tác vĩnh cửu, toàn diện về kinh tế với những giá trị chung. Điểm ưu tiên hàng đầu là thị trường tài chính bởi từ đây, những vấn đề khác trong lĩnh vực kinh tế mới được tháo gỡ, gợi mở.

Thêm vào đó, 27 thành viên của EU  có nhiệm vụ phải thắt chặt mối thâm tình hơn nữa với người Mỹ bởi như thế họ mới có thể có đủ sức mạnh để đối mặt với sự cạnh tranh đầy quyết liệt của các nền kinh tế châu Á và châu Mỹ Latinh đang trỗi dậy. Tất nhiên, khi củng cố mối quan hệ với Mỹ, người đứng đầu EU cũng không quên thắt chặt tình nghĩa láng giềng với Nga, đặc biệt là trong vấn đề cung cấp năng lượng, khí đốt.

Vấn đề Trung Đông sẽ là chủ điểm thứ 2 được bà Angela Merkel nhắc tới trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ George Bush. Quan điểm của Thủ tướng Đức là cho dù đã thừa nhận chút ít về những sai lầm trong việc bình ổn Iraq nhưng Nhà Trắng cũng không nên quá can thiệp sâu vào chuyện nội bộ ở Trung Đông và rằng EU cần phải khẳng định hơn nữa vị trí, vai trò và tiếng nói của mình với một số quốc gia như Israel, Iran, Syria, Lebanon. Trước mắt, Đức vẫn đảm nhiệm nhiệm vụ tại Lebanon, còn EU-3 thì lo tổ chức các cuộc đàm phán với Iran sao cho những nhạy cảm trong vấn đề hạt nhân không trở thành ngòi nổ chính trị.

Quay lại trong phạm vị nội bộ EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel còn cho biết quyết tâm của Hội đồng châu Âu là phải giải quyết việc thông qua Hiến pháp EU trong khoảng thời gian từ tháng 6/2007 đến khi tổ chức bầu cử Tổng thống Pháp năm 2008. Và với đà phát triển như hiện nay, chắc chắn EU sẽ còn mở rộng, ưu tiên các quốc gia vùng Balkan

Huyền Chi
.
.