Sự thật về ngải ăn thịt: Huyền thoại từ ngôi đền cổ Đế Thiên

Thứ Hai, 30/12/2013, 07:30

Không chỉ riêng Tư Ẩn, hầu hết giới pháp sư Việt đều săn lùng loại Huyết ngải độc thần tướng được cho là chúa tể trong thế giới ngải. Tuy nhiên, giới kiểm lâm khẳng định rằng, ở Việt Nam loại ngải này đã tuyệt chủng từ lâu. Giới tà thuật không đồng ý điều đó. Họ cho rằng, loại ngải đó vẫn tồn tại đâu đó trong vườn nhà một cao thủ tà thuật hoặc ẩn náu nơi nào đó trong rừng sâu, núi thẳm. Có nhiều lý do để giới tà thuật tin điều đó. Lý do cơ bản nhất là căn cứ vào… giai thoại.

Nuôi ngải như nuôi con so

Theo nhiều bậc kỳ lão, ngày xưa ở vùng rừng Bảy Núi (An Giang) và vùng Tây Nguyên, loại ngải chúa này mọc hoang rất nhiều. Khi còn mọc hoang, ngải chỉ là cây cỏ bình thường. Pháp sư dùng bùa chú "rước" ngải về vườn nhà "nuôi" rồi "luyện" để ngải có linh hồn. Khi được một pháp sư cao tay ấn "nuôi" và "luyện", ngải sẽ có linh hồn bất diệt. Linh hồn ngải sẽ bám theo pháp sư để bảo vệ như vệ sĩ vô hình.

Khi pháp sư chết đi, "linh hồn" loại ngải chúa tể ấy sẽ bỏ đi lang thang vào trong rừng sâu trú ẩn mặc dù thân xác tàn lụi. Nó chờ đợi gặp một pháp sư "có duyên" trục về.

Chỉ cần nuôi được một cây "huyết ngải" là pháp sư đã chứng minh mình thuộc đẳng cấp siêu hạng trong giới tà thuật. Bởi theo lời đồn, người "yếu cơ" sẽ không "trục" được ngải về nhà khiến nó sẽ chết.

Các tài liệu "bí kíp" chép tay lưu truyền và lời kể của các pháp sư đang "hành nghề" cho biết, phép "trục" huyết ngải rất nhiêu khê. Khi phát hiện một "ông" ở rừng, pháp sư phải chờ đến đúng 0 giờ mới tiến hành bứng ngải.

Đầu tiên, pháp sư phải đốt nhang rồi vái lạy 4 phương trời, 10 phương Phật rồi tay bắt ấn quyết trừ vong để các vong hồn ma quỉ không nhập vào thân ngải. Cùng lúc đó, pháp sư phải đọc câu thần chú thỉnh ngải "Ohm bok chau bon thum xa…".

Xong thủ tục lễ, pháp sư dùng máu của mình rưới lên hoa để ngải "no bụng". Chờ ngải "ăn" xong, pháp sư dùng 1 củ ngải đen (đã ếm chú, thổi bùa yêu từ hàng tháng trước) phất xung quanh cây huyết ngải để nó bị mùi hương mê hoặc.

Chờ cho huyết ngải bị "lú lẫn" vì bùa yêu, pháp sư mới dùng tay bới nhẹ nhàng xung quanh gốc. Lúc này, pháp sư phải liên tục đọc nhiều bài thần chú cao cấp để ngải hôn mê. Suốt thời gian "trục ngải" pháp sư không được để trong người bất cứ món đồ kim loại nào. Nếu không "mộc khắc kim" sẽ làm ngải chết.

Bứng xong, pháp sư cho cây ngải vào chậu chứa sẵn một loại đất. Để có loại đất này, pháp sư phải dùng đất sét nặn thành ông táo bếp nấu cơm. Sau khi ông táo đã hoàn thành nhiệm vụ nấu cơm suốt 3 tháng, pháp sư giã nhuyễn thành đất mịn cho vào chậu đất nung để trồng ngải.

Khi về đến nhà, pháp sư để nguyên chậu tiếp tục nuôi hoặc chuyển ngải vào vườn nhà. Đất trồng ngải phải là loại đất giã nhuyễn từ ông táo nấu cơm trộn với cát, tuyệt đối không để trộn lẫn rác, phân.

Anh Luong và tác giả.

Trong 7 ngày đầu, cách 1 giờ, pháp sư phải đọc thần chú cho ngải nghe. Kết thúc ngày thứ 7, lúc 0 giờ, pháp sư bắt đầu cho ngải ăn bữa đầu tiên bằng máu gà có pha máu người "nuôi". 

Đến 0 giờ ngày thứ 99, nếu ngải vẫn còn sống thì xem như cuộc "trục" ngải thành công. Nếu ngải chết sau ngày thứ 99, linh hồn ngải vẫn bám theo pháp sư để bảo vệ hoặc tấn công người khác theo lệnh. Tuy nhiên, "công lực" của loại ngải "chết non" ấy không "mạnh". Ngải từ 3 năm tuổi trở lên mới đủ trí khôn luyện thành những cao thủ vô hình.

Ngải càng lớn tuổi, sức học càng mạnh, công lực càng cao. Tuổi của ngải trở thành thước đo công lực phép thuật của người nuôi ngải. Người yếu phép thuật, ngải chỉ sống đến 1 năm. Pháp sư bậc trung nuôi ngải được 3 năm. Pháp sư cao cường sẽ nuôi ngải sống trường thọ bằng tuổi mình.

Đem được về vườn nhà trồng là một chuyện, nuôi dưỡng để "huyết ngải" tươi tốt là chuyện khác và luyện để ngải có linh hồn lại là chuyện khác nữa.

Bí truyền luyện ngải

Giới tà thuật cho rằng, ngải được "nuôi" sẽ có linh hồn như con người. Ngải dưới 3 tuổi có tính tình giống một đứa trẻ, cũng giận, hờn, đùa giỡn, hay phá phách và không biết vâng lời.

Để ngải vâng lời, pháp sư phải dạy dỗ bằng những phương thuật ếm, chú gọi là "luyện ngải". Với các loại ngải khác, họ dùng củ để luyện nhưng với huyết ngải, họ dùng hoa.

Mỗi đài hoa huyết ngải luôn có những giọt nước như giọt sương gọi là "thủy tử". Pháp sư chờ ngày trăng tròn, dùng 1 cái lọ thủy tinh hớt từng giọt thủy tử. Lọ thủy tinh chứa thủy tử được đặt trên bàn thờ tổ dưới 1 ngọn lửa nến. Hàng ngày pháp sư phải niệm chú vào lọ thủy tử.

Đến ngày thứ 49, thủy tử trở thành một loại nước đặc sệt dưới đáy lọ thủy tinh. Lúc này, pháp sư lại dùng lọ thủy tử "bẻ răng" rết 49 lần và rắn 49 lần. "Bẻ răng" là cách gọi của việc chiết nọc độc từ 2 con vật này. Lọ thủy tử có chứa nọc rết và rắn lại được để lên bàn thờ tổ hong nến và nghe niệm chú 49 ngày nữa cho cô đặc như hắc ín. Pháp sư se chất độc đó thành một viên thuốc tễ gọi là Khalamay.

Mỗi khi có đám ma, thầy Ba Cao Lãnh xin vào cúng rồi lén nhét Khalamay vào tay tử thi để ngải hút sinh khí người chết. Sau 5 lần hút sinh khí, Khalamay sẽ được nhét vào miệng con rắn độc. Sau khi rắn chết, thầy Ba Cao Lãnh mổ bụng rắn lấy nguyên dạ dày có chứa Khalamay ra phơi thật khô rồi tán nhuyễn thành bột cất vào lọ thủy tinh nhỏ hoặc đổ vào chai dầu gió.

Để thử công năng của ngải, pháp sư "thư ếm" một con chó. Nếu chó lăn ra chết hoặc không hề hấn gì thì ngải đã bị luyện sai, phải đào hố chôn. Ngải luyện đúng bài nạn nhân không được chết ngay mà phải chết dần mòn.

Muốn “thư ếm” ai, pháp sư chỉ cần nhúng móng tay út vào bột Khalamay rồi bắt ấn quyết, miệng niệm thần chú. Thủ pháp bắt ấn có nhiều động tác búng ngón tay út về phía đối thủ nghe tí tách. Hồn ngải nghe tiếng tí tách này nhập vào đối thủ. Người bị thư ếm không chết ngay mà những ngày sau sẽ bị thổ huyết, tay chân lở loét, bụng trướng, nói lảm nhảm như ma nhập, bệnh nặng dần rồi chết. Người bị "trúng" Huyết ngải độc thần tướng phải đến pháp sư xin tội, cúng lễ "trục" ngải.

Để "trục ngải", pháp sư phải dùng một loại ngải khác vẽ bùa trên giấy rồi đốt thành tro hòa nước lã cho bệnh nhân uống.

Rất nhiều bậc kỳ lão sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã từng tận mắt chứng kiến nạn nhân bị trúng huyết ngải và cả pháp sư trục ngải. Họ khẳng định, người bị thư ếm, chỉ cần uống bùa của pháp sư cao tay ấn là tỉnh táo ngay. Đó là lý do tà thuật tồn tại đến ngày nay.

Liệu những huyền thuật về loại ngải độc này có thật?--PageBreak--

Lời nguyền huyết ngải ở chùa Đế Thiên, Campuchia

Để tìm sự thật về những chuyện huyễn hoặc của loại Huyết ngải độc thần tướng, chúng tôi đã tìm gặp rất nhiều pháp sư ẩn cư ở khu vực phía Nam. Chúng tôi cũng từng theo chân họ đến các vùng núi hẻo lánh ở Campuchia để tìm gặp những vị "tà sroc" (tạm dịch nghĩa là thánh sống ở một cụm dân cư hoặc pháp sư).

Chúng tôi may mắn gặp được Tà Voong - một pháp sư 89 tuổi, sinh sống gần chùa Phước Long Tự ở Votleap, xã Chomka Somrong, thành phố Battambang, Campuchia. Tà Voong vẫn còn lưu giữ một tài liệu chép tay của sư phụ về nguồn gốc Huyết ngải độc thần tướng.

Sư phụ ông Voong dịch và chép lại từ một thư tịch cổ của một nhà sư ở ngôi chùa Angkor Vat mà người Việt gọi là chùa Đế Thiên. Tài liệu này kể rằng, vào đầu thế kỷ XIX có một con cọp trắng đã tu luyện thành tinh thường xuyên vào làng chùa Đế Thiên bắt người ăn thịt. Sư cả mời các thợ săn giỏi nhất về đánh bẫy nhưng tất cả đều bị cọp vồ chết.

Vào một đêm năm 1812, sư cả chùa Đế Thiên nằm mộng gặp một vị thần. Vị thần cho biết, ở một địa danh có tên T'ruong Cua Lo ở phía đông bắc, một tiều phu bị cọp vồ ăn thịt nhưng chừa lại trái tim. Dân làng chôn trái tim người xấu số nơi cửa làng.

Một thời gian sau nơi ngôi mộ trái tim mọc lên một cây chỉ có hoa màu máu chuyên ăn thịt người. Vị thần trong mơ gọi cây hoa đó là Neap Pen và bảo vị sư cả hãy đi tìm cây đó về luyện thành thuốc độc để diệt trừ cọp dữ, kể cả những thế lực khác gây họa cho dân làng. Vị thần trong mơ còn hướng dẫn phép thuật để di dời cây đó về chùa.

Lúc này vị sư cả đã 97 tuổi, sức khỏe không đủ để đi truy tìm giống cây Neap Pen nên truyền phép cho Chanh Tha - một chàng trai mồ côi cha mẹ do cọp trắng vồ. Chanh Tha mang trong tim lời nguyền giết cọp trả thù cho cha mẹ nên nhận lời.

Rừng cây ăn thịt trên núi Koh Pov, Campuchia.

Sau một thời gian dài học hết các phép thuật "trục" cây, Chanh Tha vượt rừng băng suối tìm đến một địa danh có tên là Bor Trak thì gặp dân làng. Dân làng chỉ cho anh tìm đến ngôi mộ có cây hoa máu.

Anh đem cây Neap Pen về chùa Đế Thiên cho sư phụ luyện thuốc độc trị cọp. Vị thuốc độc này có tên gọi là Khalamay.

Để giết cọp, Chanh Tha đứng trên chảng 3 cây trước đầu gió dụ cọp. Khi con cọp đánh hơi người tiến tới, Chanh Tha dùng móng tay búng chất bột xuống mặt cọp. Vừa búng bột, Chanh Tha vừa thét to những lời nguyền rủa con cọp (Lời nguyền rủa ấy trở thành một phần câu chú độc sát của các pháp sư hiện nay khi sử dụng Khalamay).

Cọp bị say thuốc chạy quáng quàng vào rừng cắn nát nhiều gốc cây to rồi chết. Chanh Tha cũng bị trúng độc nhưng nhờ sư phụ dùng một loại củ giải độc. Tiếc công đi truy tìm, Chanh Tha không đốt chết cây mà lén đem về một vùng núi sâu ở Campuchia trồng.

Tà Voong cho biết, Bor Trak là một địa danh thuộc miền Trung Việt Nam. Chúng tôi vạch bản đồ cho cụ xem. Cụ chỉ ngón tay vào một điểm. Đó là… Bố Trạch, Quảng Bình.

Theo sự hướng dẫn của cụ Voong, chúng tôi tìm gặp cháu cụ là anh Luong - một sĩ quan quân cảnh Hoàng gia Campuchia đã từng làm cảnh sát kiểm lâm ở Koh Pov để nhờ đưa đi núi Koh Pov. Anh Luong khẳng định, huyết ngải Neap Pen chính là cây ăn thịt có tên khoa học là Nepenthes.

Sự thật về huyết ngải

Theo anh Luong, cách nay hơn 10 năm, khu rừng trên ngọn Koh Pov vẫn còn rất nhiều cây Neap Pen - huyết ngải. Khi bứng cây, anh không cần dùng phép thuật gì cả, chỉ việc dùng xẻng đào bới xung quanh gốc rồi cho vào chậu đất pha cát. Những nhà giàu ở Campuchia xem huyết ngải là loại cây kiểng đem lại sự may mắn, thường trồng làm cảnh trong vườn nhà.

Luong cho biết, huyết ngải chỉ sống trong môi trường ẩm ướt và đất bạc màu. Để có dưỡng chất nuôi thân, hoa của chúng tiết giọt sương tạo mùi. Khi chạm vào, chúng sẽ có cơ chế cử động giống như lá của cây mắc cỡ để "ôm" lấy con mồi rồi tiết những "giọt sương" có chứa vi khuẩn và thành phần hóa học phân hủy chất hữu cơ tạo thành dưỡng chất nuôi cây.

Những cây non dưới 3 năm tuổi chỉ có thể bẫy côn trùng nhỏ như ruồi, gián. Cây trên 3 năm tuổi thường cao khoảng 0,5 mét, thân cành chằng chịt rối rắm thành một bụi lùm có thể bắt chim chóc, chuột sóc. Những cây trên 5 năm tuổi tạo thành một bụi lùm bằng cái bàn ăn cơm sẽ bắt được những động vật lớn hơn như gà, chồn.

Khi hỏi về chuyện khả năng ăn thịt người của cây Neap Pen, anh Luong bật cười: "Nếu con người chui vào bụi nằm im nửa ngày, cây mới đủ thời gian giết chết. Cây tóm được gà là do những cành chằng chịt tạo thành một tấm lưới quấn cuộn. Sức gà không đủ sức thoát ra. Nếu muốn bắt con người thì cây phải to bằng cái nhà và cành cây phải to bằng cổ tay mới tóm nổi.

Tuy nhiên, khi bứng cây phải cẩn thận với những giọt sương của nó. Khi chạm vào da, những giọt axít ấy không đủ làm phỏng ngay nhưng qua ngày sau phần da sẽ bị đỏ ửng. Khi bị dính sương cây Neap Pen chỉ cần dùng cồn y tế xoa vào để diệt khuẩn rồi dội nước để rửa sạch chất a xít là không hề hấn gì". Bản thân anh Luong đã bứng hàng trăm cây Neap Pen nhưng không hề hấn gì

Nông Huyền Sơn
.
.