Sự trở lại của Iran trong nền kinh tế toàn cầu: Còn nhiều hoài nghi và lo lắng?

Thứ Năm, 28/01/2016, 12:10
Sau nhiều năm bị cô lập và gánh chịu các biện pháp trừng phạt, sự trở lại của Iran trên thị trường thế giới được kỳ vọng là động lực cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang ngóng đợi tin tốt lành trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc chững lại. Tuy nhiên, việc mở cửa nền kinh tế tại quốc gia Hồi giáo - diễn ra sau khi các biện pháp trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này được gỡ bỏ hồi cuối tuần trước - lại vấp phải nhiều hoài nghi và lo lắng.


Quan ngại lớn nhất có lẽ là sự trở lại của Iran sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng dư thừa nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi tham gia thị trường nước này do tình trạng nợ nần trong hệ thống tài chính.

Hẳn nhiều người đều biết, kể từ khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được áp dụng giai đoạn 2011-2012, Iran đã sản xuất được trung bình 3 triệu thùng dầu/ngày, mặc dù nước này chỉ có thể xuất khẩu chưa đầy một nửa con số này  và theo kế hoạch Tehran sẽ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu thêm 500.000 thùng/ngày.

Con số này có thể không nhiều trong một thế giới vốn tiêu thụ đến hơn 90 triệu thùng xăng và dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng bổ sung dự kiến này của Iran đến vào thời điểm không phù hợp.

Sản lượng dầu đá phiến lớn của Mỹ trong những năm qua và nguồn cung không ngừng của các nước cung cấp dầu mỏ lớn như Saudi Arabia đã khiến kho dự trữ xăng dầu ngày một tăng lên. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, lượng cung dầu mỏ trên toàn thế giới đã vượt quá mức tiêu thụ khoảng 1,5 triệu thùng/ngày tính đến cuối năm 2015. Lượng hàng tồn kho dư thừa này được dự đoán sẽ tăng lên mức trung bình 2 triệu thùng/ngày do sự trở lại của Iran.

Gary Hufbauer - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson - cho rằng với đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng hiện đại, Iran có thể thúc đẩy các lĩnh vực đang "già hóa" của họ một cách nhanh chóng và có thể xuất khẩu thêm tới 1 triệu thùng dầu/ngày trong vòng một năm.

Vì vậy, theo giới phân tích, chính sự trở lại của Iran bổ sung yếu tố khó đoán khác vào thị trường chứng khoán vốn đang rất lo ngại về tăng trưởng bất ổn ở Trung Quốc và đồng USD đang rất mạnh. 18 tháng trước, một thùng dầu thô được giao dịch với giá hơn 100 USD, song kể từ đó, giá dầu đã giảm xuống chưa đầy 27 USD, và giá dầu trong tương lai sẽ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003.

Trong tương lai gần sự tự do kinh tế mới của Iran có thể sẽ chỉ tác động hạn chế tới Mỹ, mặc dù nhiều người nhìn nhận Iran là một trong các nền kinh tế lớn nhất cuối cùng được mở cửa. Nhưng việc gỡ bỏ trừng phạt sẽ giúp Tehran tiếp cận hàng chục tỷ USD tài sản từng bị phong tỏa cho các khoản đầu tư cần thiết để cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản. Và chắc chắn rằng tiềm năng của thị trường là rất lớn vì Iran có nền kinh tế đa ngành nghề với dân số 80 triệu người.

Mặc dù vậy, Mỹ có thể sẽ không quá vội vàng chìa tay với Iran. Bên cạnh các quan ngại về kinh doanh và chính trị, các công ty và cá nhân Mỹ - trừ vài trường hợp ngoại lệ - vẫn đang bị cấm giao dịch với Iran hoặc chính phủ nước này, theo lệnh cấm vận thương mại của Mỹ áp đặt năm 1995. Đầu những năm 90, xuất khẩu của Mỹ sang Iran đạt mức 600 triệu USD, song những năm gần đây, các mặt hàng xuất khẩu - đặc biệt là ngũ cốc - chỉ đạt mức chưa đầy một nửa con số trên. Thậm chí, các công ty không phải của Mỹ cũng bị cấm giao dịch hoặc có các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ từ Mỹ sang Iran.

Theo ông D.E. Wilson, luật sư làm việc tại Công ty Venable và từng là người đứng đầu bộ phận pháp lý của Bộ Tài chính Mỹ, điều đó đồng nghĩa rằng trong ngắn hạn, dù "giải thưởng độc đắc" mà sự trở lại của Iran mang đến là gì đi chăng nữa, thì nó cũng bị chia sẻ giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu và châu Á.

Đề cập về sự thổi phồng các cơ hội kinh doanh mới ở Iran, ông nói: "Mọi người có vẻ cho rằng thế giới hiện đã thay đổi. Nhưng đối với người Mỹ thì không phải như vậy".

Từ góc nhìn khác, giới phân tích nhận định con đường hội nhập phía trước của Iran cũng không hoàn toàn dễ dàng. Xét về khía cạnh các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra rất thận trọng khi tham gia thị trường Iran bởi hệ thống ngân hàng nước này đang chìm trong nợ nần, hệ thống pháp luật lạc hậu, bên cạnh đó là tình trạng tham nhũng, quan liêu, thị trường lao động thiếu linh hoạt. Do bị cấm vận và cô lập trong nhiều năm, Iran cũng rơi vào tình trạng bị thụt lùi về công nghệ tiên tiến.

Điều khiến các nhà đầu tư quan ngại nhất chính là nguy cơ Iran bị trừng phạt trở lại nếu nước này vi phạm hiệp ước hạt nhân. Một khi kịch bản đó xảy ra, mọi nỗ lực và công sức của các bên sẽ trở nên vô ích.

Hơn thế nữa, sự nghi kị và dè chừng lẫn nhau giữa Iran và Mỹ không thể dễ dàng xóa bỏ. Bằng chứng rõ nhất là việc chưa đầy 24 giờ sau khi lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran được dỡ bỏ, Mỹ ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia này.

Theo lý giải của chính quyền Tổng thống Obama, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là một mối lo ngại lớn đối với an ninh khu vực toàn cầu và động thái cứng rắn này là nhằm cản trở tham vọng hạt nhân của Iran. Một mặt "chìa cành ô liu" với Iran, song mặt khác Washington vẫn muốn răn đe Tehran không nên mạo hiểm.

Quan hệ giữa Iran và phương Tây bước đầu đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, những diễn biến trong thời gian qua cho thấy mối quan hệ này sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, kể cả từ mâu thuẫn trong nội bộ Iran và Mỹ. Vì thế, các bên cần phải nỗ lực hơn nữa và có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa thỏa thuận lịch sử đã đạt được.    

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.