Sữa thiếu chất đạm và lòng tin của người tiêu dùng

Thứ Ba, 17/02/2009, 21:25
Từ đầu tháng 2 trở lại đây, người tiêu dùng ở TP HCM nói riêng và nhiều địa phương khác trong cả nước nói chung, đã vô cùng kinh hoàng trước những thông tin về một số chủng loại sữa bột bày bán trên thị trường, có hàm lượng chất đạm còn thua cả một… củ khoai mì.

Tuy nhiên, điều đáng nói là Sở Y tế TP HCM đã biết rõ các loại sữa thiếu chất đạm này từ tháng 10/2008 qua các đợt kiểm tra, xử phạt. Nhưng vì sao thông tin về những loại sữa ấy lại bị giữ kín suốt gần 5 tháng trời?

Từ việc kiểm tra...

Tháng 9/2008, khi cơn bão “sữa có chứa chất melamine” xuất xứ từ Trung Quốc, lan đến Việt Nam thì Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (TCBVNTDVN) đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 19 mẫu sữa bột bày bán trên thị trường TP HCM, cùng một mẫu bán ở tỉnh Bình Dương rồi sau đó, Hội TCBVNTDVN gửi các mẫu đến Trung tâm Kỹ thuật 3 để yêu cầu phân tích hàm lượng chất đạm (protein) trong từng mẫu.

Kết quả thật kinh ngạc, 10 trong tổng số 20 mẫu sữa được phân tích thì hàm lượng đạm thực tế có trong sữa, lại khác hẳn với hàm lượng đạm ghi trên nhãn mác.

Điều đáng nói trong những loại sữa ấy, có khá nhiều loại lâu nay được người tiêu dùng tín nhiệm, cụ thể là “sữa bột béo Hà Lan” do Công ty TNHH Tân Thanh Ngọc, trụ sở đặt tại 918 đường Nguyễn Chí Thanh, phường 13, quận 11 đưa ra thị trường, hàm lượng đạm chỉ có 0,5% trong lúc trên nhãn mác, chất đạm được công bố là  24%.

“Sữa bột béo Hà Lan” do cơ sở Phước Tài, địa chỉ 208/16 đường Bà Hom, phường 13 quận 6 đóng gói, trên nhãn mác không thấy ghi hàm lượng đạm nhưng qua kiểm tra thực tế, đạm chỉ đạt 1,6%. Sữa “Holland Gold” hàm lượng đạm ghi 20%, kiểm tra chỉ có 1,2%. Sữa “Gold” hàm lượng đạm 26%, kiểm tra chỉ 1,8%...

Ngày 4/10/2008, khi nhận được kết quả từ Trung tâm Kỹ thuật 3 về hàm lượng đạm có trong 20 mẫu sữa, ông Nguyễn Nam Vinh, Trưởng đại diện Văn phòng Hội TCBVNTDVN tại TP HCM đã làm công văn gửi Sở Y tế TP HCM, trong đó nhấn mạnh: “...Nếu như ngành chức năng không khảo sát hàm lượng đạm trong sữa, thì đến khi nào người tiêu dùng mới hết bị lừa?”.

Hoang mang trước một rừng sữa.

Tuy nhiên, hơn hai tháng sau - ngày 15/12/2008, Sở Y tế TP HCM mới có báo cáo gửi Hội TCBVNTDVN về việc xử lý 5 cơ sở nhưng tất cả những thông tin này đều không được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng mà lý do là trong thời điểm sữa có chất melamine đang là vấn đề nóng bỏng, thì việc công bố sẽ gây thêm tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.

Cần nói thêm rằng trước đó, từ tháng 4 đến tháng 11/2008, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM (VSYTCC) cũng đã chủ động giám sát 99 mẫu sữa bột các loại bán trên thị trường TP HCM, và đã phát hiện 37 mẫu không đạt chất lượng (hàm lượng đạm thực tế thấp hơn hàm lượng ghi trên bao bì  từ 1 đến 30 lần) và đã gửi kết quả về cho Sở Y tế.

Tháng 7/2008, Sở Y tế TP HCM nhận được Công văn của Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an TP HCM, đề nghị Sở thanh tra chất lượng sữa do Công ty TNHH Hùng Lâm, và Công ty TNHH Lâm Hằng ở quận Bình Tân.

Một bác sĩ chuyên về dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, nói: “Đã gọi là sữa thì hàm lượng đạm không thể dưới 10%. Ngay cả củ khoai mì hàm lượng đạm còn là 3%, gạo 8%, bắp (ngô) 9%, thì sữa dưới 10% đạm là sữa giả”.

Sữa thiếu đạm sẽ gây ra hậu quả gì?

Sữa là một trong những loại thực phẩm tác động trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của cơ thể con người – nhất là trẻ sơ sinh và người già. Thành phần quan trọng nhất của sữa chính là chất đạm (protein) bởi lẽ ở trẻ sơ sinh và nhiều người già, không thể cung cấp chất đạm bằng cách cho ăn thịt, cá, trứng...

Theo quy chuẩn, những loại sữa bột được coi là đạt yêu cầu khi hàm lượng đạm trong 100 gr sữa từ 18 đến 30%. Hàm lượng đạm càng thấp sẽ làm trẻ chậm phát triển, suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng về chiều cao và cân nặng kém, suy giảm khả năng miễn dịch, dễ mắc các bệnh cơ hội (viêm phổi, viêm phế quản, các bệnh về đường tiêu hóa). Một thời gian dài nếu ăn sữa thiếu chất đạm, về hình thể bên ngoài thì trẻ thường bị phù, vận động thụ động.

Với những người già hoặc bệnh nhân mà thức ăn chính được chỉ định là sữa, thì sữa thiếu chất đạm sẽ làm tăng thêm mức độ suy kiệt, làm chậm thời gian bình phục.

Tiến sĩ Y – Sinh học Đào Đại Cường, giảng viên Trường Đại học Y Dược TP HCM cho biết: “Trẻ dưới 2 tuổi, sữa chiếm từ 40 đến 60% khẩu phần ăn, còn trẻ dưới 6 tháng tuổi thì 100% khẩu phần ăn là sữa. 100 gr  sữa mà chỉ có 1,6 gr chất đạm thì sữa ấy còn thua cả củ... khoai mì vì trong 100 gr củ khoai mì, hàm lượng đạm là từ 2,8 đến 4,2 gr” (khoai mì – hay còn gọi là sắn, được xếp vào loại thực phẩm nghèo chất đạm vì độ đạm bình quân trong 100 gr khoai mì chỉ là 3,3%). Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có khả năng các nhà sản xuất đã áp dụng công thức “sữa bột + bột xác sữa (bột whey) + đường cát xay nhuyễn”.

Sở dĩ có công thức ấy là vì trong quá trình chế biến các sản phẩm từ sữa, sữa tươi sau khi tách hết chất béo thì phần lớn lượng đạm không hòa tan (casein), một số vitamin cũng đi theo chất béo này. Phần nước sữa còn lại chỉ gồm đạm hòa tan cùng chất khoáng. Xử lý bằng cách cho bay hơi, người ta thu được “xác sữa” (hay còn gọi là bột whey thô), có hàm lượng đạm tối đa là từ 8 đến 12%. Trước đây, bột whey thô chỉ dùng để nuôi gia súc, bán với giá khoảng từ 5 đến 6.000 đồng/kg. Sau này, một số nhà sản xuất đã dùng nó trộn với đường cát để cho ra những loại sữa giả và lượng đường pha vào càng nhiều, thì hàm lượng đạm càng xuống thấp.

Theo báo cáo của Viện VSYTCC TP HCM, trong 99 mẫu sữa bột bán lẻ trên thị trường được Viện lấy để xét nghiệm, thì 37 mẫu có hàm lượng đạm thấp hơn so với con số ghi trên nhãn mác, trong đó sữa nhập khẩu là 19 mẫu, còn lại là sữa sản xuất trong nước mà cụ thể là 13 sản phẩm đựng trong hộp giấy loại 400 gr của các cơ sở  Hoàng Ngọc, Thực phẩm F&N Việt Nam, Tuấn Cường, Đài Hoa, AIDA, Đồng Tâm, Hoàng Lan, Vinacali Co.Ltd, Công ty Hancofood..., 17 loại sữa đựng trong bịch nylon loại 400 và 500 gr của các doanh nghiệp Bích Cơ, Tuấn Cường, Tân Thanh Ngọc, Công ty Vietnam Milk, Hahfood PTE, Hoàng Kim Ngân, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm sài Gòn, Công ty Việt Úc..., 18 sản phẩm sữa đựng trong hộp thiếc loại 400 và 500 gr  của các công ty Hancofood, Camoina, Hoàng Khang, Hoàng Lan, Nông sản thực phẩm, thương mại Đà Lạt, Đài Hoa, Công ty TNHH TP và Công ty NGK Duch Lady...

Vì sao chậm công bố các loại sữa thiếu chất đạm?

Trở lại với chuyện sữa thiếu chất đạm, có thể thấy từ đầu tháng 10/2008, khi Hội TCBVNTDVN gửi văn bản đến Sở Y tế TP HCM để thông báo về một số chủng loại sữa bán trên thị trường không đạt chất lượng, thì Sở đã tiến hành kiểm tra và sau đó, đã xác định nhiều mẫu sữa có hàm lượng chất đạm không đúng như nhà sản xuất, đóng gói đã công bố, cụ thể là các loại sữa của Công ty Hùng Lâm như Food Milk phát triển trí não, Food Milk tăng trưởng chiều cao, Food Milk dành cho người gầy..., tỉ lệ đạm chỉ có từ 1,33 đến 1,62 gr/100 gr.

Sữa bột Maylac của Cơ sở Như Trang, lượng đạm in trên nhãn mác là 34%, nhưng thực tế chỉ có 14,97%, Sữa Holland Gold của Công ty Tuấn Cường thì kết quả kiểm nghiệm của Sở Y tế cho thấy lượng đạm chỉ là 6,69% so với 20% trên nhãn mác, và Sở đã tiến hành xử phạt, buộc tiêu hủy.

Tuy nhiên, các kết quả này đã không được công bố ngay cho người tiêu dùng, mà ngày 15/12/2008, Sở Y tế chỉ gửi văn bản cho Hội TCBVNTDVN.

Cũng cần nói thêm rằng không chỉ Sở Y tế TP HCM đã im lặng trong suốt thời gian dài, mà Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng có thái độ bàng quan không kém. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm từ tháng 4 đến tháng 11/2008, Viện VSYTCC TP HCM đã lập một danh sách các sản phẩm sữa không đạt độ đạm, gửi Cục VSATTP nhưng nơi đây không có ý kiến gì.

Bên cạnh đó, Hội TCBVNTDVN còn có văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công thương mà trong đó, mới chỉ Bộ Công thương có văn bản trả lời, còn Bộ Y tế và Bộ Khoa học công nghệ thì chưa.

Chỉ đến ngày 6/2/2009 - hai ngày sau khi Hội TCBVNTDVN cho công bố 10 mẫu sữa mà hàm lượng đạm quá thấp, thì Cục VSATTP mới tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin về công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sữa tại thị trường TP HCM, và cũng chỉ đến lúc ấy, đại diện Cục VSATTP mới đưa ra những báo cáo của Hội TCBVNTDVN gửi từ nhiều tháng trước.

Từ trước đến nay, một sản phẩm sữa muốn lưu hành trên thị trường Việt Nam phải qua rất nhiều khâu mà đầu tiên, nhà sản xuất phải làm thủ tục công bố tiêu chuẩn (không được thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam). Tiếp theo, sản phẩm phải có phiếu kiểm nghiệm về các chỉ tiêu sinh hóa, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận kinh doanh phù hợp với ngành nghề đã đăng ký. Với sữa nhập khẩu, phải qua cơ quan kiểm tra Nhà nước về thực phẩm nhập khẩu và phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thì mới được phép lưu hành.

Thế nhưng, trước những hàng rào nghiêm ngặt như vậy, mà cả chục chủng loại sữa có lượng đạm rất thấp, vẫn cứ nhởn nhơ bày bán công khai trong suốt thời gian dài, thì người tiêu dùng tự hỏi phải chăng kịch bản “nước tương chứa 3MCPD” đang được lập lại, và con lạc đà vẫn có thể dễ dàng chui qua lỗ kim?

V.C.
.
.