Sức sống mãnh liệt của hòn đảo Tự do

Thứ Ba, 03/04/2012, 11:20

Chiều ngày 26/3 (giờ địa phương), Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã bắt đầu chuyến thăm 3 ngày đến Cuba. Chuyến thăm của người đứng đầu Thiên Chúa giáo La Mã đến hòn đảo Tự do gây chú ý mạnh mẽ trong dư luận thế giới, bởi nó diễn ra đúng vào lúc đất nước Cuba đang chuyển mình mạnh mẽ.

Thời gian gần đây, hòn đảo Tự do đã tiến hành một loạt cải cách nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Cuba, và người ta cho rằng, chuyến thăm của Đức Giáo hoàng sẽ tác động vào tiến trình cải cách theo hướng tích cực.

Chuyến công du khu vực Mỹ Latinh của Đức Giáo hoàng gồm 2 điểm dừng chân: Mexico và Cuba; một nước có tới 90% dân số theo đạo Thiên Chúa, còn một nước có tới 50% dân số vô thần. Tuy nhiên, tâm điểm chuyến thăm của Đức Giáo hoàng lại nằm ở đất nước có 50% dân vô thần. Bởi thế, báo chí không đưa tin nhiều về 3 ngày lưu lại Mexico của Đức Giáo hoàng, mà dành khá nhiều thời gian cho chuyến thăm Cuba bắt đầu vào thứ hai 26/3 (giờ địa phương).

Ngay từ hôm 23/3, tức 3 ngày trước chuyến thăm, khoảng hơn 100 phóng viên báo đài quốc tế đã đến La Habana để chuẩn bị đưa tin. Thành phố Santiago de Cuba là nơi Đức Giáo hoàng đặt chân đến đầu tiên và ngay trong chiều tối ngày 26/3, đám đông những người theo đạo Thiên Chúa tề tựu đến đón Đức Giáo hoàng.

Sáng thứ ba 27/3, Đức Giáo hoàng tổ chức lễ cầu nguyện tập thể, lễ Mass, tại quảng trường trung tâm thành phố Santiago de Cuba trước khi lên đường đi La Habana để hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro và nguyên Chủ tịch Fidel Castro. Ngày 28/3, Đức Giáo hoàng đứng vào vị trí của lễ Mass trước hàng ngàn người Cuba theo đạo tại Quảng trường Cách mạng ở trung tâm thủ đô La Habana.

Chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Benedict XVI được xem là một sự tiếp nối cho chuyến thăm lịch sử của Đức Giáo hoàng John Paul II vào năm 1998. Đó là chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu Giáo hội Thiên Chúa giáo đến hòn đảo Tự do, là kết quả của một động thái rất quan trọng của nguyên Chủ tịch Fidel Castro khi ông lần đầu tiên đến thăm Tòa thánh Vatican vào tháng 11/1996, tức 2 năm trước khi Đức Giáo hoàng John Paul II đến Cuba, nhân dịp ông đến Roma dự một hội nghị của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO).

Cho đến bây giờ, người ta còn nhớ câu nói nổi tiếng của Đức Giáo hoàng John Paul II: "Xin Cuba, với tiềm năng to lớn, hãy mở cửa ra thế giới, và xin thế giới hãy mở rộng cửa đón Cuba". Và chuyến thăm đó của Đức Giáo hoàng John Paul II đã tạo điều kiện nối lại bang giao giữa Tòa thánh Vatican với Cuba. Đất nước Cuba dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba từ sau cuộc cách mạng Cuba năm 1959 với hàng trăm linh mục vẫn được phép tổ chức lễ cầu nguyện và phụng sự Thiên Chúa. Sau chuyến thăm của Đức Giáo hoàng John Paul II, Cuba mới chính thức có ngày lễ Giáng sinh. 

Kể từ sau chuyến thăm của Đức Giáo hoàng John Paul II, Cuba đã thực hiện thêm một số cải cách. Ngay khi ông Raul Castro chính thức thay anh mình là nguyên Chủ tịch Fidel Castro lãnh đạo Cuba từ năm 2008, một số động thái cải cách đã được khởi động. Chủ tịch Raul đã nói đến việc Cuba sẽ dần dần mở cửa kinh tế, thực thi kinh tế thị trường. Chủ tịch Raul đã dần dần nới lỏng kiểm soát, lần đầu tiên cho phép hình thức kinh tế tư nhân hoạt động. Những người làm nghề lái taxi, hay trông nom nhà cửa,… bắt đầu được hành nghế để kiếm sống.

Đến Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Cuba vào tháng 4/2011, một chương trình cải cách kinh tế - xã hội quy mô đã chính thức được thông qua. Ngay trong năm đầu tiên cải cách, nửa triệu công chức, viên chức nhà nước đã buộc phải tinh giản biên chế để giúp Nhà nước tiết kiệm ngân sách và tiến hành cải cách tiền lương. Những người tinh giản biên chế này sẽ được phép ra mở doanh nghiệp tư nhân làm ăn. Người Cuba bây giờ đã bắt đầu được phép sở hữu, mua bán ôtô, bất động sản và truy cập mạng Internet để mở mang tầm nhìn. Những bước cải cách đó đã tạo đà để kinh tế Cuba bắt đầu có những khởi sắc. Cùng với hàng loạt dự án khai thác khoáng sản (nickel), dầu mỏ và khí đốt, nền kinh tế Cuba với mũi nhọn là du lịch đang tiếp tục hồi sinh để tạo thế và lực cho những tăng trưởng trong tương lai.

 Hiện nay Cuba nhận dầu với giá chiết khấu từ Venezuela. Đồng thời Barazil đang chi 480 triệu euro để mở rộng cảng Mariel, phía tây Havana, nơi Cuba sẽ phát triển khu kinh tế đặc biệt.

Đến nay, những người được hưởng lợi từ sự bùng nổ của Cuba chủ yếu là châu Âu, Mỹ Latinh, Canada và Trung Quốc, do “người dân Cuba thanh toán đúng hẹn bằng tiền mặt và ngoại tệ”, một doanh nhân người Đức sinh sống ở Havana trong nhiều năm, cho biết. “Bất kỳ ai muốn kinh doanh ở Cuba đều phải kiếm đồng CUC” (đồng tiền peso chuyển đổi, khi USD không còn là tiền tệ chính thức ở nước này), anh Perez, chủ một cửa hàng ở Havana giải thích. Đồng CUC có thể mua được tất cả hàng hóa: từ dầu gội Brazil, thịt bò Argentina đến Coca-Cola từ Mexico.

Những cải cách từng bước của Cuba không thể làm hài lòng các thế lực diều hâu chống phá Nhà nước Cuba, đứng đầu là Mỹ. Các thế lực phản động chống phá chính quyền lưu vong đang muốn lợi dụng chuyến thăm của Đức Giáo hoàng để can thiệp vào chuyện nội bộ của Cuba. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói không cần giấu giếm rằng: "Mỹ muốn thấy Đức Giáo hoàng kêu gọi Chính phủ Cuba thả các tù nhân chính trị". Những kiểu chọc ngoáy, gây áp lực như thế đã quá cũ và lỗi thời, không thể phù hợp với xu thế thời đại. Đương nhiên, Cuba không chấp nhận sự can thiệp đó.

Một số tổ chức người Cuba ở nước ngoài cũng không ủng hộ việc lợi dụng chuyến thăm của Đức Giáo hoàng để gây sức ép chính trị nhằm phá hỏng thánh ý tốt đẹp của Đức Giáo hoàng được khởi xướng từ chuyến thăm đầu tiên của Đức Giáo hoàng John Paul II cách đây 14 năm. Bản thân Đức Giáo hoàng cũng không muốn mình bị các thế lực chống Cuba lợi dụng, làm hỏng sứ mệnh trọng đại của chuyến thăm. Ủng hộ chương trình cải cách từng bước của Cuba là quan điểm duy nhất của Đức Giáo hoàng khi đến Cuba. Sau 50 năm bị Mỹ cấm vận, hòn đảo Tự do vẫn chứng minh một sức sống mãnh liệt không gì có thể khuất phục

Văn Trương - Tuyết Hạnh (tổng hợp)
.
.