Súng nhựa từ máy in 3D - Mối nguy hiểm mới cho an ninh toàn cầu

Thứ Ba, 14/05/2013, 16:35

Một nhóm nghiên cứu tự do ở Mỹ đã sản xuất thành công khẩu súng đầu tiên từ một máy in. Tất cả mọi bộ phận của khẩu súng này hoàn toàn làm bằng nhựa – ngoại trừ kim hỏa – là một mẩu kim loại bé tí và điều đó có nghĩa là nó có thể đi qua tất cả mọi máy dò kim loại mà không bị phát hiện.

Ông Cody Wilson, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết, khẩu súng được đặt tên là Liberator – có nghĩa là “Người giải phóng”. Chi phí để sản xuất ra nó là khoảng 1.000 USD.

Kể từ khi máy in được tung ra thị trường, đã có nhiều cảnh báo về sự nguy hại nếu ai đó sử dụng nó để thiết kế các loại vũ khí. Tuy nhiên, những lời cảnh báo này đã bị phớt lờ, bởi lẽ theo các chuyên gia quân sự, cho dù máy in có thể làm ra súng chăng nữa, thì khẩu súng ấy sẽ không thể chịu được các lực tác động nếu bắn bằng đạn thật.

Nhưng, với khẩu "giải phóng" mà Cody Wilson vừa trình làng và bắn thử, thì dự báo của các chuyên gia vũ khí đã hoàn toàn sai. Kết quả của việc bắn thử cho thấy khẩu "giải phóng ngoài tính năng giống như một khẩu súng làm từ kim loại, nó chịu được nhiệt độ cao phát ra bởi thuốc súng mà không bị biến dạng nòng súng ngay cả khi bắn một loạt 9 viên.

Theo ông Wilson, súng gồm 17 chi tiết, trong đó 16 chi tiết làm bằng nhựa chịu nhiệt được đúc từ máy in 3D Stratasys SST. Vẫn theo ông Wilson, trong tuần này ông sẽ đưa lên trang web của mình sơ đồ thiết kế súng để tất cả mọi người - với một máy in 3D cao cấp, có thể tự làm ra vũ khí cho riêng mình.

Kể từ khi ra đời vào đầu năm 1980, máy in 3D được sử dụng trong công nghiệp, xây dựng, y học, hàng không vũ trụ. Lúc ấy, kích thước của nó còn khá lớn và giá tiền cũng rất đắt. Tuy nhiên, từ năm 2010, máy in 3D ngày càng nhỏ, tính năng mạnh hơn và giá bán cũng rẻ hơn. Một máy in 3D Stratasys SST  được dùng để chế tạo  khẩu súng "giải phóng" hiện được bán với giá 8.000 USD.

Các chi tiết của khẩu "giải phóng".

Quy trình sản xuất súng "giải phóng" gồm nhiều bước. Đầu tiên, từ mô hình kỹ thuật số, từng lớp nhựa được đặt lên hình ảnh 3 chiều của từng bộ phận trong  khẩu súng. Tiếp theo, các lớp nhựa được xử lý để chúng liên kết với nhau, tạo ra sản phẩm. Ông Wilson cho biết: "Nói tóm lại, máy in 3D sẽ "in từng lớp"  - thí dụ như nòng súng chẳng hạn - cho đến khi hình thành. Nhưng thay vì in bằng mực thì máy in 3D in bằng nhựa".

Theo các kỹ sư ngành công nghệ thông tin,  với loại máy in 3D "ngay lập tức", sẽ không cần phải in từng lớp nữa, mà các chi tiết của súng sẽ "ra lò" rất nhanh.

Ngay sau khi xem đoạn video clip của Wilson về khẩu súng 3D, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, bang New York đã lập tức tuyên bố, rằng ông sẽ đề đạt một điều luật nhằm nghiêm cấm việc sản xuất các loại súng từ máy in 3D vì theo ông, nó có thể đi qua máy dò kim loại ở sân bay, cửa khẩu, các cơ quan chính quyền một cách dễ dàng. Ông nói: "Chúng tôi đang phải đối mặt với một tình huống mà bất cứ một tên tội phạm hay một nhóm khủng bố nào đó, có thể mở một nhà máy sản xuất súng ngay trong gara của chúng để thực hiện những vụ tấn công mà không sợ bị phát hiện".

Trước đây, luật pháp Mỹ đã có lệnh cấm chế tạo những loại súng khó bị phát hiện bởi máy dò kim loại - nhưng lại chưa có điều khoản nào cấm súng làm bằng nhựa vì nó được coi như một dạng đồ chơi. Nay, với sự phát triển của máy in 3D, thì theo Thượng nghị sĩ Schumer, súng nhựa làm từ máy in 3D sẽ trở thành một mối đe dọa không chỉ an ninh nước Mỹ mà cả toàn cầu 

Hòa Cao (theo Jane's Defence)
.
.