Syria: Cú đấm sấm sét

Thứ Tư, 01/08/2012, 14:55

Cuộc xung đột "nội chiến" tại Syria dường như đang bắt đầu sang một giai đoạn mới sau vụ đánh bom liều chết hôm 18/7 làm chết 3 quan chức cấp cao của Chính phủ Syria. Cùng với đó, chiến sự đã bất ngờ chuyển hẳn vào thủ đô Damascus trong suốt tuần qua, làm dấy lên lo ngại cuộc nội chiến sẽ lan rộng và vượt ngoài tầm kiểm soát. Liệu chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ tiếp tục trụ vững trước đà tấn công của phe đối lập?

Theo thông tin báo chí, vụ đánh bom kinh hoàng diễn ra vào giờ họp buổi sáng ngày 18/7 tại trụ sở an ninh Syria. Ít nhất 3 quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Syria thiệt mang tại chỗ gồm Bộ trưởng Quốc phòng Daoud Rajha, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hassan Turkmani, nay phụ trách Cơ quan An ninh quốc gia, và Assef Shawkat, anh rể Tổng thống Assad, Phó tham mưu trưởng quân đội Syria. Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ Mohammad Ibrahim al-Shaar và Trung tướng Hisham Bakhtiar bị thương. Kẻ thực hiện vụ đánh bom được cho là người của lực lượng đối lập Quân đội Syria tự do (FSA) cài vào, nhưng cũng có thông tin cho rằng, thủ phạm là một lính cận vệ của Bộ trưởng Rajha làm việc bên trong tòa nhà.

Khỏi phải nói, tổn thất đối với chính quyền của Tổng thống Assad là không hề nhỏ, nhất là tổn thất về con người. 3 quan chức an ninh, quân đội tử nạn là những nhân vật chủ chốt phụ trách việc ứng phó với biểu tình bạo loạn trong Cơ quan chỉ huy trung tâm được lập ra từ năm ngoái, trong đó Bộ trưởng Daoud là người phụ trách chính, Turmani và Shawkat là 2 cánh tay đắc lực, kiến trúc sư và là người giám sát chính việc triển khai chính sách cứng rắn chống biểu tình bạo động. Vì thế, việc mất 3 nhân vật này được thế giới đánh giá là sẽ gây khó khăn tạm thời cho chính quyền Damascus trong việc triển khai các kế hoạch dẹp loạn sắp tới. Hơn nữa, Shawkat không chỉ là cánh tay đắc lực trong việc bảo đảm an ninh quốc gia mà còn là anh rể của Tổng thống Assad - mối quan hệ gia đình, thân cận.

Vụ đánh bom còn cho thấy phiến quân FSA đã có kế hoạch chuẩn bị rất chu đáo. Malik Kurdi, phát ngôn viên của FSA cho báo chí biết, kế hoạch tấn công vào trụ sở an ninh Syria đã được vạch trước cả 2 tháng qua. 4 ngày sau khi chiến sự được đưa vào Damascus, phe đối lập đã có cơ hội tiếp cận khu vực an ninh nhất Damascus và ra tay. Rõ ràng, để làm được việc này, phe đối lập đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ các tướng tá chỉ huy quân đội đào ngũ trong mấy tuần qua. Ý nghĩa của làn sóng đào ngũ ở cấp cao trong quân đội Syria đang phát huy tác dụng.

Tổng thống Assad nói chuyện với tân Bộ trưởng Quốc phòng Fahd Jassem al-Freij, một ngày sau vụ đánh bom.

Ngày 19/7, một ngày sau khi vụ đánh bom, Tổng thống Assad đã xuất hiện trên truyền hình trong lễ bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng, xua tan mọi lời đồn đoán độc địa rằng "Tổng thống Assad đã chạy trốn bằng trực thăng". Trong khi đó, tình hình giao tranh càng diễn ra ác liệt hơn ở các khu dân cư xung quanh thủ đô Damascus khi quân đội chính phủ phản công trả đũa vụ đánh bom.

Ở ngoài biên giới xa xôi, tình hình cũng căng thẳng không kém. Báo chí hôm 20-7 cho biết, phiến quân FSA đã tiến hành các cuộc tấn công dọc biên giới Syria-Iraq và đã chiếm giữ tất cả 4 đồn biên phòng sau khi giết chết hàng chục binh sĩ biên phòng Syria. Tình hình này cho thấy, FSA đang triển khai chiến dịch bao vây khép kín dần dần từ bên ngoài, dựa vào sự hỗ trợ của nước ngoài để khép chặt dần vòng vây đánh chiếm Damascus.

Cũng trong ngày 19/7, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp để thảo luận thông qua Nghị quyết mới về Syria. Một lần nữa, Mỹ và các đồng minh phương Tây tiếp tục dồn ép chính quyền Syria và Tổng thống Assad, đổ lỗi cho ông Assad vì tình trạng bạo lực đang dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Cũng như các lần trước các nghị quyết của HĐBA đều bị Nga và Trung Quốc dứt khoát phủ quyết. Nghị quyết mới này cũng vậy. Lập luận của Nga là nước ngoài không thể can thiệp quân sự vào Syria, cũng không thể đơn phương yêu cầu Chính phủ Syria chấm dứt bạo lực, vì bạo lực xuất phát từ cả 2 phía.

Cuộc chiến tại Syria được giới chuyên gia nhìn nhận là cuộc chiến giữa "phe đào ngũ" và "phe trung thành" với chính phủ, cho nên có thể nói là rất khó chấm dứt nếu chỉ một phía ngừng chiến. Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng. Điều đáng nói là, tình hình bạo lực đã bất ngờ gia tăng đột biến ngay sau khi Tổng thống Assad có cuộc làm việc đầy tích cực với đặc phái viên Kofi Annan, cam kết tiếp tục thực thi kế hoạch hòa bình của ông. Sau đó ông Annan cũng nhận được sự ủng hộ của Iran và Nga đối với việc thực thi kế hoạch hòa bình cho Syria. Tuy nhiên, kế hoạch hòa bình dường như đã không được phe đối lập tiếp nhận như ông Annan dự tính, có lẽ vì phe đối lập Syria đã trù tính kế hoạch tấn công mới rồi chăng?

Sau vụ đánh bom, thế giới nhìn nhận cuộc nội chiến Syria đang bước vào một giai đoạn mới - giai đoạn đối đầu trực diện giữa quân đội chính phủ với phiến quân FSA. Chiến sự căng thẳng ngay tại thủ đô Damascus, vốn được xem là "ốc đảo an toàn" trong nhiều tháng qua, cho thấy phiến quân FSA đang ngày càng mạnh lên, khả năng tác chiến ngày càng được cải thiện, và với sự hỗ trợ từ bên ngoài, cộng với quyết tâm "giải phóng Damascus", sẽ khó lòng cho quân đội Syria đẩy lùi phiến quân FSA ra khỏi các khu vực đang giao tranh ở Damascus và các thành phố, thị trấn mà FSA chiếm giữ bấy lâu nay

Văn Trương (tổng hợp)
.
.