Syria - Cuộc chiến còn tiếp diễn

Thứ Hai, 09/04/2018, 14:09
Liên tiếp giành chiến thắng trên chiến trường, quân đội Syria đã giải phóng hoàn toàn khu vực Đông Ghouta, được coi là thắng lợi lớn nhất của Syria trước khủng bố kể từ khi giành lại quyền kiểm soát Aleppo hồi năm 2016 và ngoại vi thủ đô Damascus. Hàng chục nghìn người dân đã về nhà. Song, cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn. Mỹ không rút khỏi Syria, giai đoạn 2 của cuộc chiến dường như đang bắt đầu.

Sạch bóng IS

Giải phóng Đông Ghouta, các lực lượng Syria đã giải phóng hàng chục thị trấn và ngôi làng đồng thời tiêu diệt nhiều phần tử khủng bố, phá hủy nhiều trung tâm chỉ huy và kho chứa vũ khí. Đến ngày 4-4-2018, chính quyền Syria đã kiểm soát hoàn toàn 6 thị trấn thuộc khu vực Rastan, toàn bộ trục phía đông nam tỉnh Hama từ lực lượng nổi dậy ở đồng bằng Al-Rastan thuộc tỉnh Homs.

Theo quân đội Syria, việc giải phóng khu vực trên giúp đảm bảo các tuyến đường trọng yếu kết nối thủ đô Damascus với các khu vực miền Trung, miền Bắc và duyên hải cũng như vùng biên giới phía Đông giáp Iraq. Hàng chục nghìn dân thường vốn bị các phần tử khủng bố sử dụng làm “lá chắn sống” để rời vùng chiến sự đã được trở về nhà.

Đại thắng Đông Ghouta giúp Nga và quân đội Syria giành thêm nhiều cứ địa thánh chiến không tốn một viên đạn. Quân đội Syria đang tập trung binh lực và trí tuệ giải quyết vùng phong tỏa Rastan thuộc Hama và Homs. Trong mấy ngày vừa qua, quân đội Syria phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương NDF và lực lượng của Nga thiết lập quyền kiểm soát hành chính thị trấn Taqsis và các làng lân cận trong Rastan phía bắc tỉnh Homs.

Sau các chiến thắng quan trọng, các nguồn lực của quân đội Syria đạt được thêm những kết quả trong đàm phán với các trưởng lão, thủ lĩnh các lực lượng nổi dậy và chuẩn bị cho những cuộc đàm phán mới với các làng mạc, thị trấn vẫn đang bị các nhóm Hồi giáo cực đoan chiếm giữ.

Tổng thống Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc gặp thượng đỉnh vừa diễn ra để bàn về Syria. Ảnh: Middle East Monitor.

Trong khi dân chúng kéo về các vùng đất được giải phóng, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng xúc tiến việc phá hủy các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học còn lại cuối cùng ở Syria. Phó Cao ủy LHQ về giải trừ quân bị Thomas Markram thông báo các cơ quan liên quan vẫn đang nỗ lực nối lại hoạt động phá hủy 2 cơ sở sản xuất vũ khí hóa học cuối cùng còn lại ở Syria.

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, ông Markram cho biết việc phá hủy các cơ sở trên dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng 2 đến 3 tháng kể từ thời điểm được triển khai. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) sẽ thẩm tra công tác dỡ bỏ. Một phái đoàn của OPCW hiện có mặt tại Damascus để điều tra các cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học ở quốc gia Trung Đông này.

Trước những chiến thắng như chẻ tre của Nga và quân đội Chính phủ Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định IS đã bị tiêu diệt ở Syria. Interfax dẫn lời Tổng thống Nga ngày 4/4 cho rằng, tổ chức IS đã bị đánh bại ở Syria, tuy nhiên tổ chức này vẫn còn khả năng chiến đấu và có thể tấn công các quốc gia trên thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế tại thủ đô Moscow ngày 4-4, Tổng thống Vladimir Putin nói: “Dù IS đã bị đánh bại tại Syria, “nhóm khủng bố này vẫn giữ nguyên tiềm lực hủy diệt mạnh mẽ. Chúng có thể thay đổi chiến thuật và tấn công tại nhiều nước và khu vực trên thế giới”, ông cảnh báo rằng “một số nhóm cực đoan khác cũng đặt ra mối đe dọa to lớn”.

Ông Putin nhấn mạnh: bây giờ cần nghĩ ra các hình thức “hợp tác đa phương”. Nó sẽ cho phép các bên “củng cố thành công” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và “ngăn chặn sự lây lan của mối đe dọa này”.

Bạn - thù cùng bàn

Ngày 4-4, các nhà lãnh đạo của Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran cũng có cuộc gặp thượng đỉnh tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) để bàn thảo tiến trình an ninh và việc thành lập một thể chế mới tại Syria trong thời kỳ hậu chiến. Hội nghị thượng đỉnh ba bên Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran lần thứ hai thảo luận về tình hình Syria diễn ra tại thủ đô Ankara trong bối cảnh các bên liên quan đã phần nào đạt được những mục tiêu đặt ra, và giờ là lúc lãnh đạo 3 quốc gia có vai trò chủ chốt đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria cùng bàn thảo để vạch ra hướng đi tiếp theo trong tiến trình hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.

Cuộc gặp thượng đỉnh đưa 2 nước đồng minh lớn của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là Nga và Iran cùng với một trong những nước đối đầu lớn nhất với chính phủ của ông al-Assad là Thổ Nhĩ Kỳ ngồi vào bàn thảo luận. Theo đánh giá của các nhà lãnh đạo 3 nước, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran mới chỉ là bước đầu, bởi vì trên thực địa, chiến trường Syria đang bị chia nhỏ thành nhiều “mặt trận”.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lên án mạnh mẽ chiến dịch giải phóng Đông Ghouta của quân đội Syria, thì Syria cũng lên án Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch “Nhành ô-liu” nhắm vào lực lượng người Kurd ở Afrin, phía Tây Bắc Syria. Ở góc bên kia, việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố mở rộng chiến dịch về phía Đông và đánh chiếm thị trấn Tel Rifaat đã khiến Iran “nóng mặt”.

Quân đội Syria vừa giành được nhiều chiến thắng quan trọng ở Ghouta. Ảnh: shiitenews.

Vừa là bạn, nhưng cũng là đối thủ của nhau. Một cuộc gặp mặt kỳ lạ bàn thảo tương lai hòa bình của Syria. Giới quan sát cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên này mang tính chất như “điều kiện cần” để giải quyết vấn đề Syria, trong khi “điều kiện đủ” để quyết định tương lai và hòa bình nằm trong tay người Syria.

Dầu mỏ, mục tiêu của Mỹ ở Syria thời hậu chiến

Liên quan tới vai trò của Mỹ tại Syria, các chuyên gia ngay từ đầu đã nhận định, kiểu gì Mỹ cũng sẽ không rút quân. Ngày 2-4, ông Barýs Doster, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh rằng, ít có khả năng Mỹ sớm rút quân khỏi Syria. Hơn nữa, đến nay Mỹ đã đầu tư những khoản tiền lớn vào các đơn vị tự vệ của đảng Liên minh Dân chủ (PYD), mà Mỹ coi là lực lượng bộ binh của họ.

Mỹ đã cung cấp cho các nhóm người Kurd 5.000 xe tải với vũ khí và có kế hoạch sử dụng các nhóm này để thành lập quân đội chính quy lên tới 50.000 người. Bây giờ trên lãnh thổ Syria có 20 căn cứ của Mỹ. Sau khi đầu tư những khoản tiền lớn như vậy, chắc chắn người Mỹ sẽ không rời khỏi Syria trong tương lai gần, ông nói.

Quả đúng như vậy, ngày 3-4 (giờ Mỹ), Tổng thống D.Trump đã tuyên bố trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ tiếp tục duy trì binh sĩ tại Syria. Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 4-4 nêu lý do rằng, người đứng đầu Nhà Trắng muốn bảo đảm tiêu diệt hoàn toàn IS trong khu vực và tạo điều kiện để LHQ tham gia giúp ổn định tình hình tại Syria trước khi rút quân khỏi đây.

Theo đó, Mỹ sẽ không ngay lập tức rút quân khỏi Syria. Ông Trump cho rằng cuộc chiến chống IS chưa thể kết thúc. Ông Trump tuyên bố Mỹ cần duy trì lực lượng tại Syria ít nhất thêm 2 năm nữa.

Tại sao Tổng thống Nga tuyên bố đã sạch bóng IS mà Tổng thống Mỹ lại tuyên bố Mỹ không muốn rút quân để chống IS. Hay đó chỉ là cái cớ để Mỹ ở lại. Nếu vậy, Mỹ ở lại là vì cái gì? Câu hỏi này đã có câu trả lời. Trong Hội nghị An ninh Quốc tế tại Moscow (Nga), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Syria đã cáo buộc Mỹ đang có ý đồ thiết lập kiểm soát đối với các mỏ dầu ở Syria.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Syria Mahmoud al-Shawa nói rằng Mỹ đã “viện ra rất nhiều cớ khác nhau để đảm bảo sự hiện diện bất hợp pháp của các căn cứ và quân đội của mình trên lãnh thổ Syria, nhằm kiểm soát và thống trị các mỏ dầu ở Syria”. Ông cũng nhấn mạnh rằng Washington cũng đang hỗ trợ tổ chức khủng bố IS để giúp đạt được mục đích này. Mỹ đã vi phạm luật nhân quyền quốc tế khi tiến hành chiến dịch quân sự của mình tại Syria.

Ông cho rằng sau khi Nga và Iran đã “giúp chấm dứt tình trạng giao tranh kéo dài”, Mỹ đã đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực phía Bắc Syria. Liên quân do Mỹ đứng đầu đã tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria và Iraq, và mặc dù lực lượng này đã phối hợp với quân đội Iraq, song Chính phủ Syria hay LHQ đều không cho phép Mỹ có mặt tại nước này.

Người núp bóng

Trái với Mỹ, nước Nga có chính danh khi được Tổng thống Assad nhờ giúp đỡ. Nga và Mỹ dường như không muốn gia tăng căng thẳng tại Syria, nhưng cuộc khủng hoảng ở Syria có thể khiến hai cường quốc này đối đầu trực tiếp.

Nếu như Nga muốn giúp Syria giải phóng thì các lợi ích của Mỹ ở Syria nằm ở việc chính thức hóa các thành quả chiến trường của họ bằng một sự dàn xếp đã được đàm phán và sau đó rời khỏi đất nước này. Đối với Mỹ, động lực (và lý lẽ biện minh hợp pháp) cho sự hiện diện của nước này ở Syria là cuộc chiến chống IS, được tiến hành nhằm xóa bỏ nơi trú ẩn an toàn của tổ chức này, làm như vậy sẽ hậu thuẫn cho Chính phủ Iraq và đảm bảo rằng các chiến binh IS không thể âm mưu và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở phương Tây.

Quân đội Syria vừa giành được nhiều chiến thắng quan trọng ở Ghouta và ngoại vi Damacus. Ảnh: VOP Today.

Những tính toán khác biệt của Nga, Mỹ, các nước Arab... khiến hồi kết cho khủng hoảng Syria vẫn còn ở rất xa. Trang mạng Al-monitor phân tích: Tháng 3/2018 đánh dấu tròn 7 năm cuộc khủng hoảng Syria, nhưng cuộc chiến tại đất nước này vẫn chưa có hồi kết. Mặc dù đang ở thế phản công, song Damascus không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng bằng biện pháp quân sự mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài và dường như đang bị ép phải tỏ ra sẵn sàng tìm kiếm giải pháp chính trị.

Những nguy cơ vẫn hiện hữu. Báo Độc lập (Nga) số ra mới đây có bài viết cho rằng Liên bang Nga và các đồng minh của mình sẽ không thể đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Syria, nơi có thể sẽ nổ ra cuộc nội chiến với quy mô lớn. Tham gia cuộc chiến đó, một bên sẽ là chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad với sự hỗ trợ của Nga, Iran và một phần Thổ Nhĩ Kỳ. Bên còn lại sẽ là các nhóm đối lập người Arab và người Kurd được lãnh đạo bởi liên minh do Mỹ dẫn đầu. Sự đối đầu đó là hoàn toàn hiện hữu vì động cơ chính để cả Nga và Mỹ còn ở lại Syria là vấn đề kinh tế.

Moskva và Washington không chỉ đơn giản là chiến đấu vì quyền sở hữu các mỏ dầu khí ở Syria. Nhiệm vụ chính là củng cố các hoạt động quân sự ở “nhà hát” Trung Đông, qua đó tiếp tục vượt xa ra khỏi lãnh thổ Syria và bao gồm Lưỡng Hà, Bán đảo Arab và các vùng lãnh thổ khác có nguồn dầu mỏ phong phú. Mặc dù chính Syria là điểm then chốt trong cuộc chiến này. Để vận chuyển khí đốt từ Trung Đông đến châu Âu thì các mỏ ở Syria là thuận lợi nhất.

Washington đã lên kế hoạch chi tiêu đáng kể để hỗ trợ các vùng lãnh thổ ly khai ở Syria và hình thành ở đó không chỉ các cơ quan chính quyền thay thế cho Damacus, mà còn xây dựng nên các nhóm vũ trang lớn. Các phương tiện truyền thông đã công bố tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó lý giải cho chi phí hỗ trợ các phe nhóm đối lập ở Syria trong ngân sách năm tài khóa 2019.

Lầu Năm Góc đề nghị tiếp tục “chi trả cho các nhóm đối lập đã được thử thách ở Syria” và yêu cầu nguồn kinh phí từ ngân sách chính phủ cho việc này khoảng 80 triệu USD.

Trong tài liệu của Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch tới cuối năm tài khóa 2018 (kết thúc vào ngày 30-9-2018) thì số lượng đại diện “phe đối lập Syria đã qua thử thách” được tài trợ tăng từ 10 nghìn (mức hiện nay) lên 60-65 nghìn người. Trong số này, 30 nghìn lính sẽ “thực hiện nhiệm vụ quân sự hiện tại chống IS”. Khoảng 35 nghìn lính đánh thuê còn lại sẽ hoạt động trong hàng ngũ của lực lượng an ninh nội địa tại các vùng lãnh thổ chiếm được từ tay khủng bố.

Trong khi đó, ngân sách Mỹ không chi cho bất cứ hành động nhân đạo hay chính trị nào nhằm giải quyết tình hình ở Syria và đưa đất nước đến một giai đoạn hòa bình trong khuôn khổ một nhà nước thống nhất.

Huyền Hoa
.
.