Syria: Kịch bản xâm lược Iraq đang tái hiện

Thứ Ba, 03/09/2013, 15:35

Một màn khua chiêng gióng trống rầm rộ nhất kể từ cuộc chiến tranh xâm lược Iraq cách đây 10 năm rưỡi đang được lặp lại đối với Syria. Mỹ và nhiều nước phương Tây đang tiến đến rất gần với việc triển khai hành động quân sự chống Syria với lý do "sử dụng vũ khí hóa học".

Liên minh quân sự chông chênh, nội bộ rối ren

Những ngày này không khí chiến tranh ngột ngạt chưa từng có ở khu vực Trung Đông kể từ sau cuộc chiến Iraq. Kịch bản được lặp lại y hệt thời chiến tranh Iraq: Một vị ngoại trưởng phát biểu trước báo giới với khuôn mặt đanh thép về việc một nguyên thủ quốc gia sử dụng vũ khí giết người hàng loạt (gồm các loại vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học); rồi Nhà Trắng hứa hẹn sẽ có thông tin tình báo trong đó cung cấp đủ bằng chứng về vũ khí giết người hàng loạt; thêm nữa là những nỗ lực quyết liệt xây dựng một liên minh tham gia cuộc chiến; và không thể thiếu là lực lượng thông tin tuyên truyền, báo chí thông tấn đưa tin dồn dập, rầm rộ, với hàng đống ngồn ngộn thông tin "cứ như là thật" cuốn mọi người theo chiều hướng "chiến tranh sắp xảy ra".

Điều lạ ở cuộc chiến lần này là, nếu như trước đây Tổng thống George W. Bush năm lần bảy lượt sử dụng các thủ đoạn, kể cả dựng bằng chứng giả, để có cớ đánh Iraq vì vũ khí hạt nhân, thì lần này, Tổng thống Barack Obama không cần làm nhiều việc như thế, mà chỉ cần một vụ tấn công vũ khí hóa học bị tố cáo, nhưng chưa biết do ai gây ra, là đã có những động thái quyết liệt chuẩn bị cho hành động chiến tranh.

Có thể, vụ việc vũ khí hóa học lần này là cái cớ tốt nhất để Mỹ và các đồng minh phương Tây quyết định can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria, và mục tiêu chủ yếu mà lực lượng Mỹ và đồng minh nhắm đến là Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhưng, như cảnh báo của cộng đồng quốc tế, nếu một cuộc chiến như thế được triển khai, nước Mỹ của Tổng thống Obama sẽ lãnh đủ trách nhiệm cho những hậu quả khó lường do mình gây ra.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Obama cho đến nay vẫn chỉ dừng lại ở việc cân nhắc, xem xét mọi vấn đề, khả năng, trước khi đưa ra quyết định "chiến tranh". Nguyên nhân được cho là ở "bằng chứng" để chứng minh việc sử dụng vũ khí hóa học ở Ghouta hôm 21/8 là quân đội của Chính phủ Syria gây ra. Giống như vụ việc hồi tháng 3/2013, vụ tấn công hóa học lần này cũng không thể xác định rõ ràng bên nào ở Syria gây ra.

Hôm 26/8, sau khi xem những đoạn video cảnh các nạn nhân có triệu chứng hít phải khí độc đăng trên Yuotube, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phát biểu: "Tất cả những hình ảnh này cho thấy đây đều là sự thật, rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria". Cái khác ở đây giữa phát ngôn của ông Kerry với Ngoại trưởng Colin Powell cách đây hơn 10 năm là ông Powell đưa ra bằng chứng cụ thể, rõ ràng, với những hình ảnh vệ tinh, ghi âm nghe lén các cuộc điện đàm, và chất bột màu trắng để thuyết phục Hội đồng Bảo an LHQ. Còn ông Kerry thì cho đến nay vẫn chưa thể trưng ra được bằng chứng xác thực nào để buộc quân đội của Tổng thống Assad là thủ phạm gây ra vụ tấn công.

Tất cả mới chỉ là những lời tố cáo, những đoạn video không xác thực, và những lời tuyên bố, kết luận bừa, không cần chứng minh, không cần đúng sai. Trong khi đó, những "thông tin tình báo" can thiệp cuộc gọi điện thoại trong những ngày qua vẫn không rõ ràng, và trong nội bộ cộng đồng tình báo Mỹ cũng đang xuất hiện mối ngờ vực về việc liệu ông Assad có ra lệnh cho quân đội Syria thực hiện vụ tấn công hóa học đó hay không, và vấn đề lực lượng nào đã tiếp cận các kho vũ khí hóa học ở Syria,…

Tàu USS Barry có trang bị tên lửa điều khiển là 1 trong 4 chiếc tàu khu trục Mỹ được lệnh tiến về phía hải phận Syria.

“Một cuộc chiến vội vàng với liên minh chưa được thiết lập vững chắc sẽ là đòn tự sát của Mỹ”. Nói như Tổng thống Syria Assad trong bài phỏng vấn đăng trên nhật báo Al-Akhbar của Liban ra ngày 29/8 là, nước ông sẽ thắng Mỹ. Thực tế, một liên minh quân sự cần thiết để giúp Mỹ tấn công Syria hiện vẫn chưa thể hình thành.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm 29/8 tuyên bố "nước Pháp sẵn sàng đợi lệnh xuất quân", nhưng nước Anh thì nội bộ chính trị vẫn đang "rối bời", bên thuận, bên chống việc can thiệp vào Syria, khiến cho khả năng ủng hộ một cuộc chiến can thiệp của Mỹ ngày càng mờ dần. Đa phần các quốc gia còn lại ở châu Âu thì ra tuyên bố, bất kỳ hành động nào can thiệp vào Syria cũng đều phải trong khuôn khổ luật pháp của LHQ. Liên đoàn Arập thì bày tỏ quan điểm "tránh xa" cuộc chiến can thiệp quân sự vào Syria.

Người đứng đầu Ủy ban đặc biệt của LHQ về vũ khí hóa học: Phiến quân Syria là thủ phạm sử dụng vũ khí hoá học

Các chuyên gia vũ khí hóa học của Liên Hiệp Quốc đang ráo riết làm việc tại Syria.

Trong mục "Tagesschau" (Tin nóng)  phát bằng tiếng Đức - ngôn ngữ có đông người sử dụng ở Thụy Sĩ vào 7h30' sáng ngày 28/8 vừa qua, Đài Truyền hình SRF của Liên bang Thụy Sĩ đã dành toàn bộ thời lượng dài nửa tiếng đồng hồ cho buổi phỏng vấn trực tiếp bà Carla Del Ponte, đương kim Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của LHQ về vũ khí hóa học (UNSCW) về thực trạng ở Syria.

Mở đầu cuộc trả lời phỏng vấn, Chủ tịch C. D. Ponte nhấn mạnh: "Tôi phải đường đột xuất hiện trên màn ảnh nhỏ hôm nay, bởi đứng trước thực tế thúc bách là Mỹ và liên quân phương Tây chuẩn bị tấn công Syria. Họ rắp tâm làm suy yếu chính thể hợp pháp của Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad, đồng thời tạo ra một cuộc chiến quy mô đa quốc gia mới, như châm thêm dầu vào "lò lửa" Trung Đông vốn căng thẳng suốt nhiều thập niên qua".

Kế đến, Chủ tịch UNSCW cho biết là ngay sau khi hay tin vũ khí hóa học đã được đem ra sử dụng tại khu vực Ghouta, UNSCW đã tức tốc cử các chuyên viên của mình tiếp xúc với các nhân chứng là những công dân Syria chạy sang lánh nạn ở nước Liban  láng giềng.

"Tất cả các nhân chứng đều khẳng định, rằng lực lượng quân nổi dậy chống Tổng thống Al-Assad là thủ phạm sử dụng vũ khí hóa học tràn lan, hòng ngăn cản quân chính phủ đang tấn công mãnh liệt và sắp làm chủ khu vực", Chủ tịch C. D. Ponte nêu dẫn chứng; đồng thời cho biết nội dung các báo cáo đầu tiên gửi về Văn phòng UNSCW đặt tại Geneva (Thụy Sĩ), sau khi chính quyền Damascus cho phép các thanh sát viên LHQ vào Syria với công việc đầu tiên là tiến hành chất vấn các bác sĩ và chuyên gia y tế từ các bệnh viện dã chiến, được dựng lên quanh khu vực giao tranh để cấp cứu các nạn nhân.

Với câu hỏi chất hóa học sử dụng có phải là sarin, như vụ giáo phái Aum từng tiến hành trong đường tàu điện ngầm ở Tokyo (Nhật Bản) vào  năm 1995? Chủ tịch UNSCW đáp: "Điều nực cười là trong khi các thanh tra viên LHQ đang xúc tiến thu thập các bằng chứng, Washington đã hấp tấp kết luận đó là chất sarin cực độc được nhồi lẫn trong đầu nổ, do quân đội Chính phủ Syria bắn vào vùng Ghouta.

Máy bay thám báo Mỹ trên đường đến đảo Sip.

Trong thực tế là các tay súng bắn tỉa thuộc lực lượng phiến quân đã nhắm bắn phái đoàn của UNSCW, hòng cản trở công việc của chúng tôi bất chấp thỏa thuận trước đó để bảo đảm an toàn cho các nhân viên LHQ". Ở câu hỏi tiếp theo của phóng viên Đài Truyền hình SR, rằng, vì sao chưa có kết luận của UNSCW mà quân Mỹ và đồng minh vẫn quyết "gây hấn" với Syria?

Chủ tịch C. D. Ponte khảng khái trả lời: "Việc Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry hùng hồn tuyên bố Chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng vũ khí hóa học, dọn đường cho việc tấn công nước này một cách hợp pháp chẳng khác gì kịch bản soạn sẵn hơn một thập niên trước, khi tướng 4 sao Colin Powell cũng là Ngoại trưởng Mỹ lúc ấy, đã đưa ra "bằng chứng đáng thuyết phục" trên diễn đàn LHQ, khẳng định chính thể Sadam Hussein ở Iraq tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt(?!). Còn sự thật sau đó thì ai cũng biết đó là bằng chứng ngụy tạo.

Điều khác biệt lần này là họ đã qua mặt Tổ chức LHQ, bất chấp sự ngăn cản của 2 thành viên khác trong Hội đồng Bảo an là Nga và Trung Quốc. Thậm chí chỉ mới vào tối hôm qua đây thôi, Ngoại trưởng J. Kerry còn ngang nhiên đánh giá là các kết quả từ UNSCW "chưa chắc đã tin cậy được…".

Trong phần cuối buổi trả lời phỏng vấn, Chủ tịch C. D. Ponte giãi bày quan điểm của mình: "Sự kiện đáng buồn hơn nữa là đích thân ông Barack Obama, cũng là Tổng thống Mỹ thứ 3 được trao giải Nobel Hòa bình 4 năm trước sau các Tổng thống Theodore Roosevelt (1858-1919) và Jimmy Carter. Tôi không tin là ông ấy lại đơn phương quyết định một hành động phi hòa bình, gây tổn hại nghiêm trọng cho giải thưởng quốc tế danh giá này; hay nói một cách khác là giải Nobel Hòa bình thường niên đã bị chính trị hóa, không còn xứng đáng với tôn chỉ đặt ra ban đầu".

Được biết, trước khi luật sư nổi tiếng C. D. Ponte, cựu Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Thụy Sĩ trở thành Chủ tịch UNSCW, bà đã đảm nhiệm chức vụ Công tố viên trưởng của 2 cơ quan tố tụng hàng đầu của LHQ là Tòa án Hình sự quốc tế về Liên bang Nam Tư cũ (ICTY) và Tòa án Hình sự quốc tế về Rwanda (ICTR), nhằm xét xử các tội danh diệt chủng và gây tội ác chống lại loài người đều diễn ra tại trụ sở Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague (Hà Lan). Sau đó, bà C. D. Ponte được cử làm Đại sứ Thụy Sĩ tại Cộng hòa Argentina trong một nhiệm kỳ từ năm 2008 đến 2011. Vào tháng 3/2013, cũng chính bà D. Ponte đưa ra các bằng chứng cáo buộc phiến quân là thủ phạm tấn công vũ khí hóa học, khiến cho Mỹ và phương Tây không nhắc tới vụ việc đó nữa.

Ngay trong lòng nước Mỹ, việc tấn công Syria hay không cũng đang là vấn đề chia rẽ từ trong giới chính trị cho đến thường dân. Có gần 60% dân chúng Mỹ không thấy có lợi ích gì khi tấn công Syria, và khoảng 40% hoàn toàn chống lại một cuộc chiến vô bổ nữa (sau Iraq, Afghanistan).

Ở Quốc hội, Tổng thống Obama đang đối mặt với một "cuộc chiến" nhằm thuyết phục các nghị sĩ thuộc cả 2 đảng đồng ý cho can thiệp quân sự vào Syria. Yêu cầu hàng đầu của các nghị sĩ là "bằng chứng đâu", "lợi ích gì" khi can thiệp vào Syria. Cái giá phải trả cho 2 cuộc chiến Iraq và Afghanistan kéo dài 10 năm đầu thế kỷ XXI là một nước Mỹ suy kiệt nguồn lực, nợ nần ngập đầu đang là nỗi ám ảnh khiến cho ngay cả một số cái đầu diều hâu cũng phải suy nghĩ lại liệu thêm một cuộc chiến nữa có thật sự cần thiết hay không?

Khí tài quân sự dàn trận xung quanh Syria, dân Israel nhốn nháo

Theo thông tin báo chí phương Tây, ngày 29/8, Không quân Anh đã điều thêm 6 chiếc chiến đấu cơ Typhoon đến căn cứ không quân Akrotiri ở đảo Síp để "chờ lệnh". Trong khi đó, Mỹ hiện đang có 4 chiếc khu trục hạm có trang bị tên lửa điều khiển neo đậu ở khu vực Đông Địa Trung Hải, gồm: USS Gravely, USS Barry, USS Ramage và USS Mahan. Các tàu này chứa khoảng 96 tên lửa Tomahawk có tầm bắn xa 1.600km.

Hải quân Mỹ cũng khởi động 2 chiếc tàu sân bay là chiếc USS Harry S. Truman hiện đang đậu ở Bắc biển Arập và chiếc USS Nimitz đang đậu trong vùng Vịnh Persic. Các tàu sân bay này có dàn chiến đấu cơ có thể sẵn sàng xuất kích tham chiến khi cần thiết. Ngoài ra, Hải quân Mỹ còn có một số tàu ngầm lảng vảng trong vùng biển Đông Địa Trung Hải, có khả năng tham chiến.

Ngày 29/8, Mỹ đã điều thêm 1 máy bay thám báo đến căn cứ không quân Akrotiri ở đảo Síp để chuẩn bị cho hành động đơn phương (vì chiều ngày 29/8, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu không tham gia cuộc chiến tại Syria). Trong khi đó, Hãng tin Interfax hôm 29-8 cho biết, nước Nga đang phái thêm một tàu chiến chống tàu ngầm và một tàu khu trục mang tên lửa hành trình thuộc Hạm đội Biển Đen đến Địa Trung Hải, một dấu hiệu của sự đáp trả những hành động leo thang chiến tranh của phương Tây.

Tại Israel, thông tin về việc Mỹ can thiệp vào Syria khiến người dân đổ xô đến các trung tâm cấp phát để nhận mặt nạ phòng hơi độc, tạo nên bầu không khí hoảng loạn chưa từng có. Chính quyền Israel cũng đang lên phương án phòng vệ cần thiết trong trường hợp bị tấn công trả đũa từ phía các nước đồng minh với Syria.

Trương Hùng - Kim Dung (tổng hợp)
.
.