Syria: Phương Tây quyết châm dầu vào lửa

Chủ Nhật, 30/06/2013, 22:05

Hội nghị của nhóm 11 quốc gia Những người bạn của Syria (FOS) tại Doha hôm 22/6 đã đạt được điều mà nước Mỹ mong muốn: Các quốc gia trong khu vực Trung Đông đã nhất trí hợp tác cùng với Mỹ và các nước đồng minh phương Tây cung cấp thêm các loại vũ khí hạng nặng cho phiến quân đối lập chống chính phủ nhằm hy vọng lật ngược thế cờ trên mặt trận.

Thoả thuận giữa 11 nước FOS tham gia Hội nghị Doha không nói rõ các loại vũ khí sẽ cung cấp cho phiến quân FSA ở Syria là loại vũ khí gì, nhưng trên thực tế, giới chức ngoại giao cho rằng, trước mắt Arập Xêút và Qatar sẽ tiếp tục cung cấp cho phiến quân FSA các loại tên lửa vác vai chống máy bay và tên lửa chống tăng. Đây cũng là những loại vũ khí trong chuyến hàng vũ khí hạng nặng đầu tiên mà phiến quân đối lập Syria nhận được vài ngày trước đó, sau khi Nhà Trắng công bố quyết định trực tiếp cung cấp vũ khí sát thương cho phiến quân Syria.

Tuyên bố của Nhà Trắng đánh dấu bước chuyển mới trong chính sách của Mỹ đối với Syria. Mặc dù Mỹ chưa thể cung cấp vũ khí ngay cho phiến quân Syria, nhưng tuyên bố của Nhà Trắng đã phát đi tín hiệu cho các quốc gia đồng minh trong khu vực Trung Đông phải hành động ngay.

Số vũ khí đó một phần xuất phát từ các kho vũ khí ở Libya, bao gồm các loại súng trường tấn công như AK-47 và các loại lựu đạn ném tay, lựu đạn phóng, và một số tên lửa xuất phát từ Arập Xêút và Qatar như nêu trên. Việc cung cấp vũ khí này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng các lãnh đạo nhóm FOS tại hội nghị Doha hôm 22/6.

Một nguồn thông tin trên tờ báo Los Angeles Times cho biết, từ vài tháng trước khi Chính phủ Mỹ quyết định trực tiếp cung cấp vũ khí, CIA đã đi trước một bước, bí mật mở các khóa huấn luyện kỹ thuật quân sự cho phiến quân Syria trên lãnh thổ nước láng giềng Jordan. Nguồn tin cho biết, mỗi khóa huấn luyện như thế kéo dài 2 tuần, với khoảng 20-45 tay súng phiến quân tham dự. Các khóa huấn luyện đã bắt đầu từ tháng 11/2012.

Các tay súng phiến quân được học cách sử dụng các loại súng trướng tấn công 14.5mm chống tăng, tên lửa chống tăng và súng bắn máy bay 23mm. Đây là những loại vũ khí được phiến quân lấy từ các kho vũ khí cũ của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.

Phát biểu tại cuộc họp với một số lãnh đạo các nước phương Tây, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, hôm 22/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo. Việc cung cấp vũ khí cho phiến quân đối lập chống chính phủ ở Syria là một hành động cần phải cân nhắc thận trọng. Khi cung cấp vũ khí cho phiến quân đối lập, Mỹ và phương Tây sẽ không thể kiểm soát được số vũ khí đó rốt cuộc sẽ rơi vào tay thành phần nào trong số hàng trăm nhóm phiến quân phức tạp khác nhau, có cả những nhóm cực đoan có liên quan đến khủng bố Al-Qaeda, như Jabhad Al-Nusra.

Phải chăng Mỹ và các nước phương Tây muốn cung cấp vũ khí cho những kẻ giết người từng mổ bụng moi nội tạng của nạn nhân ra ăn trước ống kính quay phim phát tán trên mạng?

Ông Putin tái khẳng định, giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng tại Syria là một hội nghị hòa bình quốc tế mà Nga và Mỹ đang ra sức vận động để tổ chức. Hội nghị này dự kiến đã được tổ chức tại Geneva từ cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2013, nhưng chính những động thái trái ngược của Mỹ và các đồng minh trong vài tuần qua đã đẩy tình hình đi theo chiều hướng khác, làm cho việc tổ chức hội nghị trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù có thông tin cho rằng hội nghị dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 tới nhưng với những động thái mới, Mỹ và đồng minh cung cấp vũ khí cho phiến quân đối lập Syria, xem chừng hội nghị hòa bình mà Mỹ hứa cùng với nước Nga vận động tổ chức để tìm giải pháp hòa bình cho Syria sẽ không bao giờ xảy ra.

Trong khi đó, ngọn lửa nội chiến Syria tiếp tục cháy lan sang láng giềng Liban. Loạt vụ đụng độ tại thị trấn Sidon, miền Nam Liban, liên tục trong nhiều ngày giữa quân đội Chính phủ Liban với các tay súng dân quân theo ủng hộ giáo sĩ Sunni Sheik Ahmed al-Assir đã làm chết hàng chục người, trong đó có 15 binh sĩ quân đội Liban. Giáo sĩ Assir là người chống đối Hezbollah quyết liệt, và là một trong những người cổ động thành phần Sunni ở Liban chống lại Hezbollah, theo dòng Shiite và ủng hộ Tổng thống Syria Assad.

Kể từ khi Hezbollah được cho là đã trực tiếp tham gia hỗ trợ quân đội Chính phủ Syria đánh bật phiến quân đối lập Syria cách đây vài tuần, những cuộc đụng độ giữa những người thuộc hai phái Hồi giáo Shiite và Sunni ở Liban đã bắt đầu bùng phát ngày càng quyết liệt hơn. Phiến quân đối lập Syria từng tuyên bố "cảnh báo" Hezbollah sẽ trả đũa lực lượng này ngay trên đất Liban, và Assir được cho là một trong những người ủng hộ, tiếp tay cho phiến quân Syria tấn công trả đũa Hezbollah.

Xung đột tại Syria đang khiến cho Trung Đông ngày càng chia rẽ giữa 2 phái Hồi giáo Shiite và Sunni. Hành động cung cấp vũ khí để phiến quân Syria tiếp tục "hồi sinh", để cuộc nội chiến tiếp tục diễn biến phức tạp, được xem là hành động "châm dầu vào lửa" làm cho đám cháy tiếp tục lan rộng hơn nữa

An Châu (tổng hợp)
.
.