Syria: Tổng thống Assad vẫn kiểm soát tình hình

Chủ Nhật, 20/01/2013, 16:05

Cuộc nội chiến đẫm máu tại Syria có lúc tưởng chừng sắp "hạ màn" do những tổn thất của quân đội Syria và việc phiến quân FSA giành thắng lợi tại một số mặt trận. Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy, Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đang kiểm soát đất nước và tiếp tục duy trì sự trung thành của quân đội, mọi hoạt động của Nhà nước vẫn tiến hành bình thường tại thủ đô Damascus.

Thông tin về cuộc nội chiến tại Syria trong thời gian qua có vẻ đang "rối loạn", khó kiểm chứng. Báo chí quốc tế chủ yếu là phương Tây và thân phương Tây tích cực tuyên truyền cho chính sách chống Tổng thống Assad của các chính quyền phương Tây nên đều đưa thông tin bất lợi cho Syria. Cụ thể, báo chí Mỹ đưa đậm nét tin phiến quân FSA tiếp tục đà tiến quân, đánh chiếm các thị trấn gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là đánh chiếm căn cứ quân sự Taftanaz ở tỉnh Idlib vào ngày 11/1.

Trước đó, báo chí Mỹ cũng thông tin về cuộc giao tranh quyết liệt ở thành phố chiến lược Aleppo, Bắc Syria, và phiến quân đã nắm quyền kiểm soát một phần sân bay chiến lược ở thành phố này. Nếu được xác nhận thì đây là những thắng lợi quan trọng có thể xoay chuyển tình thế, đẩy quân đội trung thành với Tổng thống Assad vào thế chống đỡ.

Tuy nhiên, thông tin ở chiều ngược lại cho thấy một tình hình khác: quân đội Syria với sức mạnh không quân đã lấy lại một số thị trấn gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và đang tiến công xoay ngược lại tình thế. Loạt tấn công bằng máy bay hôm 13/1 ở khu vực ngoại ô Damascus cũng góp phần củng cố lại uy lực của quân đội Syria, dập tắt những "tuyên bố" nhiễu loạn trên báo chí.

Trong khi đó, kênh truyền hình CNTV của Trung Quốc hôm 14/1 cho biết, Quốc hội Syria tại hiên họp thường kỳ đã ra tuyên bố ủng hộ sáng kiến hòa bình do Tổng thống Assad đưa ra hồi tuần trước nhằm nỗ lực giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng đẫm máu kéo dài gần 2 năm qua. Kế hoạch hòa bình đã nhận được sự ủng hộ từ Iran và Nga.

Tờ Washington Post hôm 13/1 đúc kết một câu như sau: "Mặc dù ông Assad không thể thắng phiến quân, nhưng ông cũng không thua", có nghĩa là cuộc nội chiến đang trong thế giằng co giữa lực lượng phiến quân ngày càng mạnh do được bổ sung bởi làn sóng đào tẩu với một bên là lực lượng quân đội trung thành tuyệt đối với Tổng thống Assad.

Mong muốn lớn nhất của phương Tây là làm sao để Tổng thống Assad cảm thấy mình không còn khả năng chiến thắng hay đè bẹp phiến quân bằng sức mạnh quân sự mà chấp nhận đàm phán theo hướng ông Assad từ bỏ quyền lực và những người trung thành với ông phải đối mặt với những đòn trả thù của phiến quân đối lập, y hệt như tại Libya(?) Tuy nhiên, điều mong muốn đó hiện nay xem ra rất khó thực hiện.

Xuất hiện tại cuộc họp Quốc hội tuần trước, ông Assad vẫn tỏ ra rất tự tin rằng mình đang kiểm soát tốt tình hình. Sự tự tin của ông Assad là có cơ sở, trong khi niềm tin vào một "chiến thắng tất yếu" của phiến quân FSA mà các thế lực chống Syria lâu nay tuyên truyền là thiếu cơ sở.

Đặc phái viên Lakhdar Brahimi (giữa) cùng Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ (phải) và Nga sau cuộc họp không kết quả tại Geneva hôm 11/1.

Giới phân tích nhìn nhận, phe đối lập, và cả các đồng minh của họ ở phương Tây, ngay từ đầu đã đánh giá sai về Assad cho nên không thể thắng ông ấy. Mặc dù không thể phục hồi quyền kiểm soát hoàn toàn tại nhiều địa phương trên cả nước, nhưng muốn tước quyền kiểm soát đất nước khỏi tầm tay ông Assad cũng là điều rất khó, có thể đòi hỏi thời gian rất lâu với cái giá rất đắt.

Một số nhà phân tích nhận định: Trong canh bạc lớn này, Assad là người chơi thông minh hơn nên giành được ưu thế hơn. Riêng chuyện ông đứng vững trước sức ép từ phiến quân đối lập lẫn từ các thế lực bên ngoài cũng đã là một thắng lợi. Khi ông Assad tuyên bố tự tin trong bài phát biểu của mình tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công kích ông là "lạc hậu tình hình". Kỳ thực, kẻ "lạc hậu tình hình", theo nhận định của giới phân tích, lại chính là Washington, còn Assad lại là người nắm rất chắc tình thế của mình ra sao và khả năng chiến thắng của phiến quân đối lập là bao nhiêu phần trăm nên mới dám tự tin.

Chỉ cần phân tích: hơn 2 triệu người Hồi giáo Alawite (theo dòng Shiite) chắc chắn sẽ quyết liệt bảo vệ Assad, vì nếu để ông ấy thất bại, phiến quân theo dòng Sunni lên nắm quyền, tình thế sẽ vô cùng khó khăn, có thể sẽ là một cuộc thanh trừng giáo phái đẫm máu. Cho dù phiến quân đối lập chiếm được các địa phương khác, thì Damascus cũng sẽ là cứ điểm cố thủ vô cùng vững chắc với đầy đủ hỏa lực phòng thủ. Muốn lật đổ ông Assad phải lấy được Damascus, khi đó cái giá sẽ vô cùng đắt.

Sự bế tắc trong “cuộc chiến trên mặt đất Syria” cũng phản ánh sự bế tắc ở các cuộc đối thoại tầm cao giữa các cường quốc trong Hội đồng Bảo an LHQ. Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn tình hình, đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập Lakhdar Brahimi đã có cuộc họp với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns hôm 11/1 tại Geneva nhằm tìm kiếm một giải pháp khả thi, nhất là tìm kiếm sự đồng thuận về một tương lai dành cho ông Assad. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khó nhất trong toàn bộ các vấn đề ở Syria, vì thế Brahimi đã không thể thúc đẩy được gì, các đại diện Nga và Mỹ vẫn không thể "gặp nhau" trong vấn đề "số phận Assad".

Sau loạt thông tin hồi tháng 12/2012 từ chính ông Bogdanov và Tổng thống Nga V.Putin khiến phương Tây hiểu nhầm rằng, Nga đang muốn "bỏ rơi" Assad, giờ đây Moskva đã khẳng định lại lập trường quan điểm không lay chuyển là "không ủng hộ giải pháp Assad ra đi", khiến cho Washington thất vọng. Và sự không nhất trí trong vấn đề Syria sẽ làm rối thêm vấn đề gút mắc cho quan hệ Nga - Mỹ, càng làm cho chính đối ngoại nhiệm kỳ II của ông Obama thêm nhiều khó khăn

Văn Trương (tổng hợp)
.
.