Syria chào năm mới bằng thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm phiến quân

Thứ Ba, 03/01/2017, 14:55
Ngày 29-12, Chính phủ Syria và các nhóm phiến quân đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình.

Tổng thống Nga Putin, “nhà bảo trợ quyền lực nhất” cho thỏa thuận cuối năm này tuyên bố có 3 văn bản đã được 2 phe ở Syria ký kết gồm thỏa thuận ngừng bắn, các biện pháp giám sát lệnh ngừng bắn và thỏa thuận bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Lệnh ngừng bắn dự kiến có hiệu lực từ 0 giờ ngày 30-12.

Lệnh ngừng bắn được thông báo bao gồm cả khu vực Đông Ghouta gần Damascus mà các phiến quân nắm giữ, vốn là một điểm khó khăn trong các cuộc đàm phán. Tổng thống Nga mô tả những thỏa thuận trên tuy có thể "mong manh" nhưng đây là kết quả nỗ lực của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga với các đối tác của Moscow tại Trung Đông.

Thỏa thuận trên không áp dụng cho 2 trong số các nhóm phiến quân chính ở Syria là Nhà nước Hồi giáo (IS) và Jabhat Fateh al-Sham (trước đây là Mặt trận Al-Nursa). Ông Putin còn tuyên bố sẽ cắt giảm các lực lượng của Nga ở Syria sau khi chính quyền Damascus và phiến quân ký thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời khẳng định Moscow sẽ tiếp tục hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad.

Phát ngôn viên của phe đối lập lớn nhất Syria, Liên minh Quốc gia, nói với các hãng tin rằng họ ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn. "Liên minh Quốc gia bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận này và thúc giục tất cả các bên tuân theo", Ahmed Ramadan nói với hãng tin AFP.

Hồi đầu tháng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về lệnh ngừng bắn ở thành phố Aleppo giúp hàng chục nghìn phiến quân và dân thường sơ tán khỏi thành phố. Các đề xuất ngừng bắn trước đó do Liên Hiệp Quốc  (LHQ) hay Mỹ và Nga làm trung gian đều nhanh chóng sụp đổ. Ngoại trưởng Nga S. Lavrov cho rằng, làm việc trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ trong thỏa thuận mở đường cho phiến quân đối lập tiến tới thương thảo với Chính phủ Syria đã mang lại hiệu quả nhiều hơn “những lần hợp tác không có kết quả với Mỹ”.

Ông Lavrov dẫn chứng: Những đối tác trong nhóm Hỗ trợ quốc tế dành cho Syria (ISSG) - do Nga và Mỹ thành lập và dẫn dắt từ năm 2015 - chỉ làm được mỗi việc là “ban hành nhiều văn bản” mà không thể hiện được trên thực tế (tức nói nhiều hơn làm) vai trò của mình trong việc thực thi các quyết định quan trọng về Syria.

Ông Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu trong cuộc họp về Syria tại điện Kremlin.

Gần đây nhất là vào tháng 9-2016, Nga và Mỹ đã đạt được một số thỏa thuận về Syria, nhưng Washington đã không thể xác nhận mình chắc chắn tham gia thực hiện những gì đã thỏa thuận. Khi các lực lượng quân Chính phủ Syria và các đồng minh đánh bật phiến quân đối lập ra khỏi các vị trí quan trọng ở Aleppo, Nga đưa ra đề xuất các cuộc đàm phán hòa bình mới tại Kazakhstan để thay thế các cuộc đàm phán ở Geneva do LHQ bảo trợ.

Một lệnh ngừng bắn theo đề xuất của Nga và Mỹ đã đổ vỡ chỉ sau một tuần thực thi kể từ ngày 12-9. Sự thiếu tin tưởng giữa Washington và Moscow luôn là nguyên nhân khiến bao thỏa thuận trước đó về Syria không đi đến kết quả mong đợi. Lần đó, 2 nhà đưa ra sáng kiến mải loay hoay tiến hành xác định đâu là quân đối lập của chính quyền Damascus và đâu là quân khủng bố.

Ở Syria có đến hàng chục nhóm đối lập và khủng bố, trong đó có 2 nhóm do Mỹ bảo trợ, 2 nhóm bị Nga, Mỹ và LHQ liệt vào loại khủng bố gồm IS và Front al-Nosra. Trong suốt thời gian ngừng bắn, chính quyền Damascus đã tố bị phe nổi dậy tấn công 300 lần. Nga buộc tội Mỹ không “khuyên bảo” đồng minh của họ ở Syria ngừng bắn.

Ngày 14-9, tức 2 ngày sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Phó trưởng Ban Chỉ huy Bộ Tổng tham mưu Nga, Trung tướng Victor Poznihir cho biết quân đội Chính phủ Syria đã ngừng bắn hoàn toàn, trong khi đó, một số nhóm vũ trang đối lập ôn hòa đã thực hiện nhiều vụ tấn công bất chấp lệnh ngừng bắn. Mỹ lại tỏ ra lưỡng lự trong việc không kích nhóm thánh chiến Jabhat al-Nusra (JN). JN là nhóm thánh chiến số 1 tại Syria và được cho là nhóm có khả năng nhất để đánh bại quân đội chính phủ, do đó gần đây nhóm này đã thay tên đổi họ nhằm che giấu bản chất khủng bố của mình.

Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: “Tôi đã hỏi Kerry (Ngoại trưởng Mỹ) rằng có phải Mỹ đang tìm cách để che đậy cho JN không thì ông Kerry nói Mỹ không làm như vậy”. Thế nhưng, Mỹ lại không chịu vào cuộc tiêu diệt JN, thậm chí Nga hỏi Mỹ “JN ở đâu?”, Mỹ cũng không trả lời. Theo ông Lavrov thì Mỹ đã mất hàng năm trời để xác định xem ai là khủng bố, ai là thánh chiến, ai cộng tác với khủng bố, ai ôn hòa thật sự... nhưng tới giờ thì vẫn nhập nhằng.

Những mâu thuẫn gay gắt của các bên trong cuộc xung đột, đặc biệt là những toan tính khác nhau của các cường quốc khu vực và thế giới đối với quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng tại Trung Đông này khiến cho người dân nơi đây phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc. Hơn 5 năm trôi qua, ít nhất gần 300.000 người được cho là đã thiệt mạng trong cuộc chiến tiếp sau cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad từ hồi tháng 3-2011; trong đó có trên 80.000 dân thường, 4 triệu người chạy trốn khỏi đất nước để tìm nơi ẩn náu ở các nước lân cận hoặc châu Âu, gây ra không ít thảm cảnh trong cuộc khủng hoảng di dân khiến các nước châu Âu cận kề hoặc có chung đường biên giới phải chật vật đối phó.

Làn sóng di cư và tị nạn từ điểm nóng Syria đổ vào châu Âu khiến cựu lục địa rơi vào cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai nó không chỉ gây tổn thất về kinh tế cho châu Âu, mà còn gây ra các nguy cơ an ninh, trong đó những phần tử cực đoan tìm cách trà trộn trong các dòng người tị nạn.

Trên khía cạnh kinh tế, theo báo cáo mới đây của tổ chức nhân đạo World Vision và hãng tư vấn Frontier Economics, xung đột kéo dài 5 năm qua đã khiến Syria thiệt hại khoảng 275 tỷ USD. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính xung đột đã khiến thị trường chứng khoán Syria bốc hơi 70-80 tỷ USD tính đến giữa năm 2014.

Ngoài ra, nhiều thành phố lớn như Aleppo, Daraa, Hama, Idlib và Latakia, cũng như hầu hết di sản văn hóa thế giới của Syria được UNESCO công nhận, trong đó có thành cổ Palmyra, đã bị hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn.

M.Q. (tổng hợp)
.
.