Syria dùng chiến lược tiêu Thổ tại Aleppo

Thứ Tư, 24/02/2016, 14:00
Hàng chục ngàn người dân Syria đã bỏ chạy khỏi khu vực để hướng đến Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) trước cuộc tấn công quy mô của quân chính phủ, có sự hỗ trợ của Không quân Nga và các chiến binh nước ngoài.

Từ ngày 4-2, vùng nông thôn dẫn đến biên giới TNK ở phía đông thành phố Aleppo và vùng phụ cận do phe nổi dậy kiểm soát đã bị cắt đứt. Có từ 15.000-20.000 người tị nạn hiện đang ách tại biên giới TNK. Quân đội chính phủ gồm vài ngàn người, có sự trợ lực của 1.000 chiến binh Hezbollah Liban và hàng trăm người Iraq và Afghanistan được tuyển mộ và huấn luyện bởi các quân nhân Iran.

Cảnh hoang tàn ở Aleppo.

Còn phe nổi dậy đa số thuộc các nhóm địa phương tập hợp dưới lá cờ Jabhat Al Chamiya thành lập năm 2014 mà một số thành viên là cựu chiến binh của Đạo quân Syria Tự do (ASL). Cũng có cả các nhóm còn ở lại ASL và nhóm Hồi giáo Ahrah El-Cham.

Trước cuộc chiến, thủ phủ kinh tế cũ của Syria có 3 triệu dân. Giờ đây thành phố đã bị chia cắt làm đôi. Năm 2012, tầng lớp trung lưu và bình dân chiếm khoảng 1/3 vùng phía đông và vùng nông thôn lân cận thuộc quyền kiểm soát của phe nổi dậy. Vì không thể chiếm lại được nên từ mùa hè 2012 quân chính phủ đã thực hiện những cuộc không kích đầu tiên rồi đến việc thả các thùng thuốc nổ. Những tiệm bánh mì, trường học và bệnh viện bị nhắm đến nhằm mục đích khiến cho cuộc sống trở nên "khó thở".

Hiện Aleppo có nhiều trung tâm y tế và trường học dã chiến được dựng lên ngầm dưới đất. Từ 2 triệu dân vào năm 2012, dân số của khu vực bị phe nổi dậy kiểm soát chỉ còn 200.000 người. Rất nhiều người dân đã bỏ vùng nông thôn, một số đi đến TNK, số khác lại tìm chỗ náu thân tại khu vực Aleppo do quân chính phủ chiếm đóng để tránh thương vong.

Cậu bé bị mất cha mẹ sau trận không kích.

Mới đây, Mỹ đã gây áp lực cho các quốc gia hỗ trợ phe nổi dậy, như TNK và các quốc gia vùng Vịnh, để hạn chế việc cung cấp vũ khí cho phe này nhằm chuẩn bị cho "các điều kiện thành công của Thỏa ước Geneva 3". Trong khi đó Nga và Iran đã gia tăng sự viện trợ vũ khí đồng thời can thiệp trực tiếp trên chiến trường. Phe nổi dậy không muốn ngồi vào bàn đàm phán, họ bị các cường quốc phương Tây buộc phải có nhiều sự nhượng bộ trong khi họ mong muốn dỡ bỏ những cuộc bao vây, ngừng oanh kích và trả tự do cho các tù nhân.

Thất bại khi đưa ra những yêu sách này, họ cảm thấy như bị phản bội. Chiến lược của Chính phủ và các đồng minh Nga và Iran là một chiến lược tiêu thổ giống như tại Chesnia trước đây. Nếu họ đè bẹp được phe nổi dậy, đó sẽ là một chiến thắng trên một vùng đất hoang tàn, không bóng dân cư.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.