Syria gia nhập Công ước cấm vũ khí hoá học: Khói lửa sẽ tan?

Thứ Ba, 24/09/2013, 15:25

Nếu như thoả thuận Nga - Mỹ về giải pháp vũ kí hoá học Syria được coi như là việc tháo ngòi nổ cho quả bom Syria thì vấn đề hiện nay cộng đồng quốc tế đang muốn biết là liệu giao tranh tại quốc gia này có chấm dứt hay không?

Thỏa thuận Nga - Mỹ đạt được về vũ khí hóa học của Syria gồm 6 nội dung chính: 1/ Đánh giá chung về khối lượng và chủng loại của các loại vũ khí hóa học Syria; 2/ Chế độ Assad có một tuần (cho đến ngày 21/9) phải nộp một danh sách đầy đủ - bao gồm tên, chủng loại, số lượng chất độc hóa học, các loại vũ khí hóa học lưu trữ ở trong và ngoài nước, các cơ sở sản xuất và nghiên cứu phát triển; 3/ Các thanh tra phải có mặt trên thực địa trong tháng 11/2013 và việc phá hủy vũ khí hóa học phải được hoàn tất vào giữa năm 2014; 4/ Syria phải tạo điều kiện ngay lập tức cho các thanh tra tự do truy cập các địa điểm liên quan đến vũ khí hóa học của nước này; 5/ Tất cả các vũ khí hóa học tàng trữ ở trong và ngoài lãnh thổ Syria cần phải bị phá hủy tại chỗ hoặc ở nước ngoài, nếu cần thiết; và cuối cùng là việc không tuân thủ thỏa thuận khung này sẽ dẫn đến việc phê chuẩn Điều 7 của Hiến chương LHQ, cho phép trừng phạt quân sự hoặc phi quân sự có tính ràng buộc pháp lý .

Phía chính quyền Syria đã chấp thuận các điều khoản trên với động thái đầu tiên của họ là gửi đơn xin gia nhập Công ước cấm vũ khí hóa học. Theo thông báo ngày 15/9, LHQ đã nhận được từ Damascus tất cả các tài liệu cần thiết. Công ước về cấm vũ khí hóa học sẽ có hiệu lực ở Syria vào ngày 14/10 tới.

Ngay sau thông báo đạt được thỏa thuận với Nga về vấn đề giải giáp vũ khí hóa học của Syria, Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry đã phải tức tốc bay sang Israel.

Từ trái qua: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Đặc sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói chuyện tại một cuộc họp báo sau phiên họp.

Bởi vì, qua các kênh ngoại giao, các giới chức Israel bày tỏ sự nghi ngờ về tính khả thi của thỏa thuận này, nhưng quan trọng hơn hết, họ sợ rằng phản ứng yếu đuối của thế giới đối với Syria sẽ khuyến khích Iran đẩy mạnh hơn nữa chương trình nguyên tử của mình. Ðể trấn an phía Israel, ông Kerry nói rằng thỏa thuận với Nga chỉ là một cái khung và tất cả tùy thuộc vào Syria, cho hay mối đe dọa vũ lực vẫn còn đó.

Sở dĩ ông Kerry chọn Israel làm điểm dừng chân đầu tiên để trấn an các đồng minh là vì Israel là láng giềng thù hận của chính quyền Tổng thống Assad, vốn được chính quyền Tehran ủng hộ. Thỏa thuận giữa Nga và Mỹ về Syria được chính quyền Tel Aviv hiểu là một sự "hèn nhát" của Washington. Chính suy nghĩ này đã khiến họ cảm thấy lo lắng khi hai nước láng giềng Syria và Iran không hề hấn gì trước sự đe dọa của Mỹ và phương Tây.

Sau khi thăm Jerusalem, ông Kerry lên đường đi Paris, gặp ngoại trưởng các quốc gia Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xêút, tất cả đều là đồng minh của Mỹ ủng hộ kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria.

Từ trái qua: Chuyên gia Ake Sellstrom, chỉ đạo cuộc điều tra của LHQ về việc dùng vũ khí hóa học tại Syria, trao bản báo cáo cho Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, ngày 15/9; Ngoại trưởng John Kerry (trái) gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem hôm 15/9.

Mặc dù ca ngợi thỏa thuận đạt được ngày 14/9 tại Geneva giữa Nga và Mỹ nhưng Pháp vẫn nhất quyết cho rằng, yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad phải bị xét xử về các tội ác chiến tranh sẽ vẫn nằm trong chương trình nghị sự quốc tế vốn đang có nhiều biến động. Các nhà ngoại giao cho biết điều này được phản ánh tính chất "hai mặt" của ngoại giao Pháp. Chính phủ Pháp thẳng thắn ủng hộ hành động quân sự nhằm đáp lại điều mà họ cho là sự kiện mang tính bước ngoặt trong cuộc nội chiến tại Syria. Tới nay, quan điểm của Pháp về một giải pháp chính trị cho Syria tập trung vào việc tăng cường ủng hộ phe đối lập để giúp cán cân quân sự nghiêng về phía lực lượng này.

Cách tiếp cận này được phản ánh qua thực tế rằng Pháp công nhận phe đối lập Syria là một chính phủ lưu vong và thực hiện chiến dịch vận động châu Âu nới lỏng lệnh cấm vận chuyển vũ khí tới Syria. Mặc dù ngày càng rõ rằng Pháp và Mỹ không còn chung quan điểm đối với vấn đề Syria, song các quan chức Pháp khẳng định rằng chính việc họ quyết tâm theo đuổi một quan điểm cứng rắn đã giúp tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria đi tới thỏa thuận Geneva vừa qua.

Ngày 16/9, báo cáo của các thanh tra quốc tế về việc sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công ngày 21/8, ở ngoại ô Damascus, Syria, đã được trình bày trước Hội đồng Bảo An LHQ trong một cuộc tham vấn kín. Mặc dù báo cáo chỉ nói tới việc có hay không việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Báo cáo rất được mong đợi này giờ đã mất đi tính quan trọng bởi thỏa thuận Nga - Mỹ đã gần như vô hiệu hóa được khả năng tấn công quân sự của phương Tây vào Syria, có chăng nó chỉ góp phần vào việc gia tăng áp lực thực thi những cam kết đối với chính quyền Damascus.

Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận Nga - Mỹ về việc xóa bỏ vũ khí hóa học của Syria có thể là một bước đột phá, song nó chưa mở lối cho việc giải quyết xung đột đẫm máu ở đất nước này. Sau thỏa thuận trên, Nga và Mỹ đồng ý sẽ sớm tổ chức một hội nghị hòa giải giữa các phe phái tại Syria.

Khattar Abou Diab, giáo sư quan hệ quốc tế của Trường đại học Paris-Sud, nói: Chúng ta đang đứng xem thảm kịch này tiếp diễn dưới dạng này hay dạng khác, khi mối quan tâm đang tập trung vào vấn đề vũ khí hóa học". Thỏa thuận mà ông Abou Diab cho là "mong manh" này đặt ra khuôn khổ để Damascus chuyển giao kho vũ khí hóa học của mình, song không nêu cụ thể làm cách nào để các bên tham chiến có thể vượt qua những bất đồng.

Hơn một năm trước, Mỹ và Nga đã thỏa thuận chuẩn bị một hội nghị tại Geneva nhằm đưa các đại diện của quân nổi dậy và chính quyền Syria ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, sáng kiến này đã gần như đã dừng lại giữa hàng loạt những bất đồng cơ bản, nhất là về việc ai có thể đại diện cho các bên tham chiến tại cuộc hội đàm. Liên minh Dân tộc của phe đối lập chính khăng khăng rằng chế độ của ông Assad không được có đại diện tại Hội nghị Geneva II này, trong khi phía Damascus cho rằng ông Assad sẽ vẫn nắm giữ quyền lực cho đến khi các cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2014 được tổ chức.

Giáo sư Abou Diab nhận định: "Thiếu sự nhất trí của Liên minh Dân tộc và những người ủng hộ họ trong khu vực và quốc tế thì không thể có giải pháp chính trị cho vấn đề Syria". Nhà phân tích này cũng cho biết ngay cả khi kho vũ khí hóa học của Damascus được chuyển giao đúng thời hạn, thỏa thuận này không phải là cầu nối cho các quan điểm hòa giải của chính quyền Assad, phe đối lập và những nước ủng hộ lực lượng này trong khuôn khổ Hiệp định Geneva II.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao Syria nói rằng thỏa thuận này chỉ đưa Damascus trở lại tiến trình hòa bình nếu nó đi kèm với một hiệp định ngừng cung cấp vũ khí cho phe đối lập được nước ngoài ủng hộ. Còn phe đối lập không chấp nhận, đồng thời cảnh báo thỏa thuận này sẽ không giúp chấm dứt xung đột

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.