Syria không cần thêm tên lửa

Thứ Tư, 18/04/2018, 15:55
Sau 7 năm, cuộc chiến Syria đang ở giai đoạn then chốt khi quân đội chính phủ giành chiến thắng trước phe đối lập và trước đó đã đánh đuổi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi đất nước...

Cơ hội hòa bình đang dần mở ra dưới sự giúp đỡ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran thì bị chặn lại bởi hơn 100 tên lửa của Mỹ và phương Tây không kích nhằm vào Syria hôm 14-4, với cái cớ chính phủ của Tổng thống B.An Assad đã sử dụng chất độc hóa học tại khu vực Douma.

Cuộc tấn công tàn phá toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế

Tổng thống B.An Assad coi các cuộc không kích Syria là hành động gây hấn nhằm vào một cuộc quốc gia có chủ quyền. Trong khi đó, chỉ ra bản chất, các chuyên gia nhận định, đây là cuộc tấn công hạn chế, mang tính chất biểu tượng giúp giải tỏa mâu thuẫn nội bộ của chính các nước phương Tây.

Cuộc tấn công còn được cho là phá hoại tiến trình hòa bình mà Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang xây dựng. Rõ ràng Mỹ và phương Tây đang sợ mất Syria, mất Trung Đông rộng lớn và giàu có.

Theo các chuyên gia, thông điệp của đợt không kích là rất rõ ràng, Nga không thể bỏ qua phương Tây và Mỹ trong bài toán hậu chiến ở Syria. Sự tính toán của Mỹ và phương Tây tại Syria đang tiếp tục đẩy người dân Syria vào cảnh khốn cùng như 7 năm qua họ phải chịu đựng.

Ngày 16-4, hai ngày sau cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria, Tổng thống Nga V.Putin và Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố và gửi thông cáo báo chí tới phóng viên các cơ quan báo chí. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: Ngày 14-4-2018, Mỹ cùng Anh và Pháp vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ), tấn công hơn 100 tên lửa vào lãnh thổ Syria.

Người dân Mỹ biểu tình chống sự can thiệp vào Syria. Ảnh: PressTV.

Những mục tiêu bị tấn công gồm trung tâm nghiên cứu khoa học ở thủ đô của Syria, trụ sở Lực lượng Cảnh sát cộng hòa, cơ sở phòng không, một số sân bay quân sự, các kho tàng của quân đội. Thiệt hại đáng kể về tài sản, trong đó có cơ sở hạ tầng dân dụng.

Theo số liệu của Đại sứ quán Nga tại Damascus, trong số nạn nhân không có công dân Nga. Như công bố của Bộ Quốc phòng Nga, không có tên lửa hành trình nào hướng vào vùng trách nhiệm của các đơn vị phòng không Nga triển khai ở đất nước này. Hành động có tính toán răn đe này được thực hiện dưới cái cớ hoàn toàn sai sự thật cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Syria tại thành phố Duma ngoại ô Damascus 7-4. Các đòn tấn công vào thời điểm, khi các thanh tra của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) được cử đến Douma với nhiệm vụ xác định sự thật.

Trong tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin có đoạn viết: Cuộc tấn công của Mỹ và các đồng minh vào các cơ sở của Syria không có sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, vi phạm Hiến chương LHQ, các quy tắc và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đã thực hiện hành động xâm lược chống quốc gia có chủ quyền đang đi đầu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Nga nghiêm túc lên án cuộc tấn công vào Syria, nơi các binh lính Nga đang giúp chính phủ hợp pháp trong cuộc chiến chống khủng bố. Sự leo thang tình hình hiện nay xung quanh Syria có tác động tàn phá toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế. Hành động xâm lược này đã giáng một đòn mạnh vào những nỗ lực thúc đẩy tiến trình chính trị Geneve trên cơ sở nghị quyết 2254 của HĐBA LHQ, trong đó nhất trí khẳng định cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

“Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay lập tức đường lối cực kỳ nguy hiểm của các nhà lãnh đạo phương Tây làm phá vỡ tất cả các thỏa thuận về con đường giải quyết Syria”, thông cáo viết.

Nước Mỹ đã “hoàn thành nhiệm vụ”?

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14-4 đã sử dụng cụm từ “nhiệm vụ hoàn thành” để miêu tả cuộc tấn công tên lửa do liên minh Mỹ, Pháp, Anh nhắm vào các chương trình vũ khí hóa học của Syria, dù các trợ lý của ông vẫn nhấn mạnh sẽ tiếp tục để quân đội Mỹ can dự vào tình hình Syria và tiếp tục đưa ra các kế hoạch mới nhằm trừng phạt kinh tế đối với Nga vì đã ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley khẳng định Mỹ sẽ không đưa quân đội ra khỏi Syria ngay lập tức, cho rằng sự can dự của Mỹ ở đó “chưa hoàn tất”. Bà nói rằng 3 mục tiêu mà Mỹ đề ra chính là đảm bảo vũ khí hóa học không được sử dụng, đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và quan sát xem Iran đang làm gì.

Tổng thống Trump tuyên bố tấn công chính quyền Syria hôm 14-4. Ảnh Getty.

Đại sứ Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không rời đi cho đến khi chúng tôi biết rằng chúng tôi đã hoàn thành những mục tiêu đó”. Bà Haley nói rằng cuộc tấn công quân sự “đã giáng một cú đánh mạnh vào chương trình vũ khí hóa học của họ” và nhắc lại rằng nếu ông B.An Assad tiếp tục sử dụng khí độc hóa học một lần nữa, “Mỹ đã sẵn sàng tư thế khóa và nạp đạn”.

Về quan điểm của các đồng minh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp muốn khởi động một sáng kiến ngoại giao về Syria, bao gồm các cường quốc phương Tây, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trên truyền hình Pháp BFM và trang mạng trực tuyến Mediapart, ông Macron nhấn mạnh rằng “Cách đây 10 ngày, Tổng thống D.Trump muốn rút khỏi Syria. Chúng tôi đã thuyết phục ông ấy ở lại”. Khi được hỏi về nhận định trên của ông Macron, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nhấn mạnh rằng kế hoạch của ông Trump dành cho khu vực này vẫn không thay đổi.

Trong một tuyên bố, bà Sanders nói: “Tổng thống thể hiện rõ ràng rằng ông muốn các lực lượng Mỹ trở về nhà càng sớm càng tốt”.

Tuy nhiên, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói rằng sẽ không có thêm cuộc tấn công nào được lên kế hoạch nữa. Dana W. White, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, cho biết chiến dịch do Mỹ lãnh đạo đã giành được sự ủng hộ rộng rãi của phương Tây. Tất cả các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều ủng hộ.

Mùa hè rực lửa ở Trung Đông

Sau cuộc tấn công, tại nhiều nước phương Tây, như ở Anh, người ta đã đặt câu hỏi về tính pháp lý khi Thủ tướng Anh T.May ra lệnh tấn công. Ở Mỹ, các cuộc biểu tình đã nổ ra. Trong khi đó, các đồng minh của Syria cũng kịch liệt lên án đợt tấn công này. Rõ ràng vụ tấn công đã trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng gây ra các phản ứng trái chiều của các nước trên thế giới.

Như lời của Lãnh tụ Tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei: “Họ sẽ không được lợi gì (từ vụ tấn công) vì họ đã tới Iraq, Syria và Afghanistan trong những năm qua và đã phạm những tội ác như vậy và không đạt được bất kỳ ích lợi nào”.

Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng các cuộc tấn công của phương Tây nhằm vào Syria sẽ gây ra sự hỗn loạn cho thế giới. Bởi có một thực tế là các cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp chỉ mang tính biểu tượng và càng phản ánh rằng phương Tây không thể ngăn Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiến tới chiến thắng trong cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Người dân Syria đổ ra đường ngay sau khi Mỹ và liên quân kết thúc đợt không kích. Ảnh: SANA.

Tình hình mấy ngày qua cho thấy, quân đội Syria đã hoàn toàn giải phóng Douma sau khi nhóm phiến quân cuối cùng rời đi. Việc giành lại Douma, địa bàn chiến lược về cơ bản đã chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài gần 7 năm ở khu vực lân cận Damascus và đánh dấu chiến thắng quan trọng nhất của Tổng thống Assad từ khi quân đội giành lại thành phố phía Bắc Syria Aleppo vào cuối năm 2016.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đồng minh Nga và Iran, quân đội Syria chắc chắn sẽ tiếp tục cuộc chiến nhằm vào các vùng lãnh thổ mà quân nổi dậy hiện đang chiếm đóng, cụ thể là các khu vực ở phía Nam và phía Bắc Idlib.

Osama Danura, tiến sĩ chính trị học và cũng là chuyên gia chính trị về Syria, nhận định rằng cuộc tấn công quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Syria hôm 14/4 có hiệu quả rất ít trong việc kiềm chế năng lực chiến đấu của các lực lượng Syria. Chuyên gia này cho rằng cuộc tấn công sẽ không thay đổi được gì và cũng không thể đưa phe nổi dậy đã bị thất bại quay trở lại những khu vực từng nằm dưới sự kiểm soát của họ.

Trong khi đó, hãng tin AFP cũng trích dẫn nhận định của giới phân tích cho rằng cuộc tấn công vừa qua chủ yếu chỉ là một biện pháp mang tính “răn đe”, không thể thay đổi cục diện của cuộc xung đột tại Syria.

Giới phân tích dự báo rằng sẽ ít có khả năng xảy ra các vụ tấn công tiếp theo và cũng sẽ không có sự đáp trả hay bất ổn leo thang trong khu vực. “Ý nghĩa duy nhất của vụ tấn công lần này là lời tuyên bố rằng một liên minh quân sự giữa Anh, Pháp và Mỹ muốn kiềm chế và kiểm soát sự mở rộng hiện diện và ảnh hưởng quân sự của Nga và Iran tại khu vực Trung Đông”, Imad Salamay, Giám đốc Viện Công lý xã hội và Giải quyết xung đột thuộc Đại học Mỹ của Liban, nhận định.

Các nhà quan sát đều cho rằng đang tồn tại một khả năng, dù nhỏ, xảy ra một cuộc đối đầu trực diện giữa Nga và Mỹ nếu các cuộc tấn công của Washington đi quá giới hạn. Vụ không kích của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria ngày 14/4 đang được nhìn nhận khó có thể thay đổi “cuộc chơi” giữa các cường quốc tại quốc gia Trung Đông này.

Nước Nga sẽ không để phương Tây vượt qua “giới hạn đỏ”

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhà phân tích nhận định khả năng leo thang hay hạ nhiệt căng thẳng ở Syria phụ thuộc vào phản ứng của Nga và Mỹ trong trường hợp Moskva có phản ứng dữ dội, nguy cơ đối đầu giữa các cường quốc sẽ vượt khỏi phạm vi lãnh thổ Syria. Cho đến nay, phản ứng của phía Nga được đánh giá là khá kiềm chế, và sự thận trọng này là cần thiết một khi Nga muốn giữ gìn những thành quả đã đạt được ở Syria cũng như duy trì tầm ảnh hưởng ở khu vực như đã tạo dựng được thời gian gần đây.

Lịch sử đã chứng minh hậu quả nguy hiểm từ chính sách can thiệp quân sự của các nước phương Tây, từ cuộc chiến tại Iraq năm 2003 hay không kích Libya năm 2011, đều không thể đảm bảo hay mang lại hòa bình cho những nơi này ngoài sự tàn phá và thù hận. Xu thế đối thoại, đàm phán và giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao là điều tất yếu và cần được các bên, nhất là các bên khơi mào cho hành động quân sự, tận dụng khi căng thẳng vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát.

Tên lửa Mỹ trên bầu trời Syria trong cuộc tấn công rạng sáng 14-4. Ảnh: Washingtonpost.

Có thể thấy, trong khi quan hệ giữa các cường quốc như đang được đặt trên một thùng thuốc súng liên quan tình hình Syria, xu thế đối thoại nhằm tháo gỡ những căng thẳng giữa các nước là xu thế tất yếu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên, trong đó có Nga và Iran, để mở đường cho việc chuyển giao chính trị tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá Syria.

Tổng thống Macron đã tái khẳng định cần phải đối thoại để kiến tạo một nền hòa bình lâu dài ở Syria. Ông nhấn mạnh chính sách của Pháp là đối thoại với tất cả các bên, coi đây là điều kiện để đi tới hòa bình. Theo ông, ưu tiên số một của phương Tây (sau vụ không khích Syria) là chuẩn bị cho một “giải pháp chính trị dài hạn, hướng tới chuyển giao trong khuôn khổ hiến pháp”.     

Các nước phương Tây phải thừa nhận Nga là quốc gia cho tới nay đóng vai trò xây dựng và kiến tạo hòa bình ở Syria và sẵn sàng cải thiện quan hệ với phương Tây. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trong phát biểu ngày 15/4 khẳng định Moskva sẽ thực hiện mọi nỗ lực để cải thiện quan hệ chính trị với các nước phương Tây.

Theo ông Ryabkov, Nga sẽ nghiên cứu dự thảo nghị quyết của LHQ về Syria do Mỹ, Pháp và Anh đề xuất, vốn kêu gọi các bên trở lại vòng đàm phán Geneva do LHQ bảo trợ, đồng thời mở cuộc điều tra độc lập về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo tình hình Syria sẽ không thể cải thiện cho đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin cùng phối hợp một cách xây dựng để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ. Thực tế, sau các cuộc không kích Syria, các bên dường như đều đã dịu giọng hơn.

Những gì mà Mỹ cùng 2 đồng minh Anh, Pháp đã thực hiện nhằm vào Syria rõ ràng càng khiến căng thẳng ở quốc gia Trung Đông và mối quan hệ Nga-Mỹ bị đẩy lên cao với mức độ phức tạp hơn. Việc liên quân 3 nước tấn công Syria trong bối cảnh quân đội Syria đang tiếp tục giành lại những vùng lãnh thổ bị phiến quân kiểm soát sẽ tạo điều kiện cho phe đối lập có cơ hội củng cố lực lượng và điều này sẽ khiến tình hình Syria càng trở nên phức tạp.

Sau một giờ “trình diễn” hỏa lực, Mỹ, Anh, Pháp đã khiến nhiều đối tượng “thất vọng” khi cuộc không kích chỉ mang tính biểu tượng, với thiệt hại rất nhỏ, song đó đã là tất cả những gì mà Mỹ và phương Tây có thể làm khi còn muốn nằm trong “giới hạn đỏ” với Nga.

Nguyễn Hòa
.
.