Syria - “miếng bánh” trên miệng núi lửa Trung Đông

Thứ Tư, 28/06/2017, 13:27
Cuộc chiến tại Syria đang ở những thời điểm vô cùng nhạy cảm. Quân đội Chính phủ giành được nhiều chiến thắng quan trọng trước các nhóm khủng bố khiến cục diện đang thay đổi nhanh. Chiến thắng trên chiến trường càng lớn, nguy hiểm bởi toan tính của các bên tham chiến càng tăng.

Bên nào cũng muốn “phần thưởng”. Song, thật khó để giành được “miếng bánh” mà không vấp phải sự tính toán của bên kia. Tình thế của Syria lúc này đúng như miếng bánh đặt trên miệng núi lửa.

Cái cớ cho một cuộc leo thang?

Trong một động thái mới nhất, ngày 24-6, hãng tin Anh, Reuters cho biết, quân đội Israel đã không kích một cứ điểm quân sự của Syria sau khi quân đội nước này cho rằng, khu vực cao nguyên Golan mà quân đội Israel đang kiểm soát bị pháo kích từ phía Syria.

Theo nguồn tin trên, một máy bay của Israel ngày 24-6 tiến hành không kích vào Syria để trả đũa. AFP dẫn lời một người phát ngôn cho biết, Không quân Israel đã tiêu diệt hai xe tăng và ụ súng máy của lực lượng Chính phủ Syria ở khu vực phía bắc Cao nguyên Golan. Hãng RIA Novosti của Nga cũng xác nhận vụ tấn công trên.

Quân đội Syria truy kích các nhóm IS. Ảnh: Alalam News Network.

Trong khi đó, về phía Syria, Thông tấn xã Syria SANA xác nhận vụ không khích của Israel khiến một số người thiệt mạng. Theo SANA, "quân đội Israel đang hậu thuẫn phe nổi dậy chống chính phủ" ở tỉnh Quneitra ở Cao nguyên Golan.

Truyền thông Syria cho biết thêm, thời điểm cuộc tấn công xảy ra cùng lúc quân đội Syria đang phải chống lại các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan tại tỉnh Quneitra của Syria, nằm sát khu vực Cao nguyên Golan. Một nguồn tin trong quân đội Syria khẳng định đã có dân thường thiệt mạng vì cuộc không kích này.

Phía Syria cho biết, có thể  do giao tranh ác liệt xảy ra giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe nổi dậy tại Quneitra, 10 quả pháo hoặc tên lửa đã bay sang lãnh thổ Israel nhưng không có báo cáo thương vong. Tuy nhiên, phía Israel cho biết, không chấp nhận cách giải thích này, họ cho rằng, đó là hành động “vi phạm chủ quyền quốc gia không thể chấp nhận được”. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo Israel sẽ đáp trả mọi hành động gây hấn từ bất kỳ phe nào trong xung đột Syria.

Các nguồn tin tình báo nhận định, sở dĩ cuộc tấn công xảy ra trong chớp nhoáng vì phía Israel nhận định cuộc tấn công trên là do Hezbollah, lực lượng đang giúp quân đội Syria gây ra. Chính vì thế, việc quân đội Israel tấn công trả đũa vào các cứ điểm của chính quyền Syria đã được Tel Aviv xác định là phản ứng “chuẩn” đối với bất kỳ tình huống nào được nhận nhận diện đó là nơi Hezbollah có thể gây nguy hiểm cho nhà nước Do Thái. Israel cho rằng, sự lớn mạnh của Hezbollah đang mang tới những “lo ngại” cho Israel.

Tuy nhiên có một thực tế, rất khó để Israel có thể tấn công trực diện vào Hezbollah. Bởi sự trợ giúp của Hezbollah chỉ là sự trợ giúp của một tổ chức đối với một nhà nước. Song việc Israel quyết định tấn công vào Syria trả đũa hay trừng phạt Hezbollah có thể diễn ra một cách dễ dàng. Có thể thấy rõ, việc tấn công vào Syria đã được Tel Aviv “chuẩn bị kỹ càng”, và quân đội Isarel sẽ tấn công Hezbollah bất cứ lúc nào khi có một cái cớ.

Một cuộc chiến trong một cuộc chiến lớn hơn

Hành động tấn công Syria của Không quân Israel diễn ra sau hàng loạt sự kiện Mỹ tấn công quân Chính phủ Syria đặc biệt là vụ bắn hạ Su-22. Giới phân tích nhận định, những hành động của Mỹ dường như đã mở lối cho Israel có những hành động quân sự tại Syria.

Nguy hiểm hơn, nay Lầu Năm Góc đã xem mọi ý định thù địch và hành động thù địch của Syria và các đồng minh là đe dọa Mỹ và đối tác của Mỹ tại Syria nên đều có thể bị trừng phạt, khiến mức độ leo thang trong hành động của Mỹ tại Syria sẽ gia tăng.

Theo chuyên gia phân tích, việc Mỹ bắn hạ máy bay được phía Syria coi là một phần trong kế hoạch liên tục leo thang của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này, nhằm ngăn cản đà chiến thắng của quân đội Syria trên khắp các mặt trận. "Cuộc tấn công trắng trợn là âm mưu nhằm phá hoại các nỗ lực của quân đội, vốn là lực lượng hiệu quả duy nhất, trong cuộc chiến chống khủng bố trên khắp lãnh thổ của đất nước”, tuyên bố của Syria có đoạn.

Tại Syria không chỉ có các cuộc chiến bên lề như kiểu của Israel “lấy cớ” tận diệt Hezbollah mà xâm phạm lãnh thổ một nước như Syria, mà các nhóm vũ trang người Kurd, lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, Iran... đặc biệt là việc tăng cường giành ảnh hưởng của Nga và Mỹ đang làm tăng nguy cơ một cuộc chiến tranh lớn hơn. Một cuộc chiến tranh được bắt nguồn từ một cuộc chiến tranh.

Quân đội Syria tấn công các nhóm IS ở Deir Ezzur. Ảnh: Al-Masdar News.

Tác giả Mary Dejevsky có bài bình luận trên tờ The Guardian của Anh, cho rằng, sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Cuộc chiến này có thể bùng phát do hậu quả của một sự cố ngẫu nhiên nào đó. Những dự báo trên không phải không có cơ sở khi nước Mỹ vốn đang sa lầy trong cuộc xung đột Syria chưa đưa ra được một chiến lược cụ thể nào.

Trong khi đó, một số nhà bình luận nhận định, cuộc nội chiến ở Syria với nhiều nhóm giao tranh trong mọi trường hợp sẽ chẳng hay ho gì. Vì nếu Nga tích cực can thiệp vào cuộc xung đột, Mỹ sẽ có nguy cơ đụng độ với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí là chính Nga. Chỉ cần một hành động thiếu cẩn trọng của một bên, Trung Đông có nguy cơ thổi bùng cuộc chiến tranh với quy mô lớn hơn so với cuộc xung đột Syria hiện nay.

Theo hai nhà phân tích an ninh Trung Đông thuộc trung tâm An ninh Mỹ mới, ông Ilan Goldenberg và Nicholas A. Heras, khi mà Mỹ thiếu một chiến lược thực sự thì leo thang xung đột đa quốc gia ở Syria có thể nhanh chóng mất kiểm soát, điều này có thể dẫn tới một cuộc chiến với Iran.

Khi Mỹ đang có khả năng trượt vào một cuộc chiến, một điều bất thường là không có lời giải thích công khai nào từ các cấp cao nhất Chính phủ Mỹ và hầu như thiếu sự giám sát của Quốc hội nước này. Trong khi đó, thực tế trên chiến trường cho thấy, Liên minh Mỹ ở Syria đang trong thế thua không thể gỡ.

Trước khi Nga can thiệp Syria, đến ngày 30/9/2015 tình thế của Syria là “ngàn cân treo sợi tóc”. Lực lượng nguy hiểm nhất hay đối tượng tác chiến nguy hiểm nhất của chính quyền Assad không phải là IS mà là nhóm phiến quân hay như Mỹ đặt tên là “đối lập ôn hòa”.

Nay, trước một thế trận phòng ngự chắc, tấn công sắc bén của Nga-Syria-Iran thì cục diện thắng thế đang lộ rõ theo từng tuần. Bằng thỏa thuận giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran trong tháng 12-2016 và được bổ sung vào tháng 5-2017, trong đó thành lập khu vực vùng an toàn “de-confliction”, ngày 7-5-2017 thỏa thuận chính thức có hiệu lực, Nga tuyên bố “nội chiến Syria đã kết thúc”.

Vậy có khả năng nảy sinh xung đột từ khoảng trống quyền lực IS để lại ở Syria? Khi IS tiếp tục lao đao tại Syria và Iraq, các cường quốc khu vực và quốc tế đang "đi trên dây" để hỗ trợ các đồng minh khu vực của họ trên thực địa nhằm tái chiếm những vùng do IS kiểm soát mà không khuấy động xung đột trực tiếp. Ban đầu, IS chiếm giữ khoảng 1/3 diện tích tại Syria.

Mặc dù diện tích các vùng lãnh thổ do IS chiếm đóng đã giảm khoảng 50% sau 3 năm cộng đồng quốc tế tiến hành các hoạt động quân sự chống khủng bố, song những khu vực này vẫn có giá trị chiến lược đối với tất cả các bên liên quan.

Theo chuyên gia an ninh, Thiếu tướng Abdullah al-Jubouri, mỗi bên đều sử dụng mọi lý lẽ để nhấn mạnh đến yếu tố địa chính trị ở Syria nhằm đảm bảo lợi ích của chính họ. Hầu hết các quốc gia phương Tây và các cường quốc khu vực đều muốn tuyển mộ lại các chiến binh IS để giành lợi thế trong cuộc chiến chống lại chế độ Assad nhất là khi các lực lượng đối lập đã chịu thất bại nặng nề ở Aleppo.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo giới khu vực, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại nói rằng Paris không còn muốn thúc đẩy sự ra đi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chuyên gia Abdullah al-Jubouri nhấn mạnh thêm rằng, sự thay đổi đột ngột trong chính sách của Pháp đối với Syria và cuộc khủng hoảng giữa Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh sau khi Saudi Arabia cắt đứt quan hệ với Qatar có thể góp phần làm tiêu tan những nỗ lực của Phương Tây trong xây dựng một liên minh rộng lớn ở Syria.

Khó gỡ rối “mớ bòng bong” Trung Đông

Vài năm trở lại đây, việc Mỹ hỗ trợ cho các lực lượng người Kurd ở Syria đã làm bùng lên những tranh cãi. Nhóm du kích người Kurd được coi là đồng minh quan trọng của lực lượng liên quân do Mỹ lãnh đạo trên thực địa. Trong khi đó, Damascus và đồng minh lại coi tất cả các lực lượng đối lập chống chế độ Assad là các nhóm khủng bố.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), từ lâu đã bày tỏ lo ngại về lực lượng người Kurd được bố trí ở dọc biên giới phía Nam của họ với lập luận rằng sự hiện diện ngày càng nhiều của người Kurd ở Syria là bất hợp pháp và các chiến binh người Kurd đều là thành viên của tổ chức khủng bố.

Ngược lại, Ankara đặc biệt lo ngại rằng sự hình thành một khu vực tự trị của người Kurd ở Bắc Syria có thể là tiền lệ cho gần 20 triệu người Kurd ở nước này đồng thời kích lệ chủ nghĩa phân lập của người Kurd ở trong nước.

Người dân Syria ở một số khu vực được giải phóng đã về nhà. Ảnh:Sputnik International.

Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ những khác biệt trong vấn đề người Kurd và có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn nếu các lực lượng người Kurd mở rộng ảnh hưởng của họ sau khi IS bị "tống khỏi" Raqqa. Ngoài ra, khu vực tự trị người Kurd, vốn được cho là đã mở rộng thêm lãnh thổ sau khi họ giành lại được các vùng đất do IS chiếm giữ, đã quyết định sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập của mình vào tháng 9 tới. Động thái này đã vấp phải sự phản đối của các nước gồm Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria - vốn đang có khoảng 30 triệu người Kurd định cư.

Theo nhà phân tích chính trị Ibrahim al-Ameri, bốn quốc gia này sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra bởi họ coi đó là "những mối đe dọa đối với vấn đề toàn vẹn lãnh thổ". Còn các chuyên gia thì cho rằng sự lớn mạnh của các lực lượng người Kurd có thể làm bùng lên các cuộc xung đột trong toàn khu vực sau khi "kẻ thù chung" IS đã bị đánh bại.

Ngoài nguyên nhân trên, nhiều người còn lo ngại Syria nguy cơ thành tâm điểm cuộc xung đột Mỹ - Nga - Iran. Những mối lo ngại về một cuộc đối đầu đã trở nên hiện hữu vào ngày 18-6 khi Mỹ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Syria bị Lầu Năm Góc cho là đang ném bom vào các khu vực gần một khu dân quân người Kurd Syria mà Mỹ đang hỗ trợ ở tỉnh Raqqa.

Giống như Iran, Nga đã can thiệp quân sự vào cuộc chiến kéo dài 6 năm qua để hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và cũng đã lên tiếng đe dọa sẽ nhắm mục tiêu vào các máy bay chiến đấu của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu hoạt động ở khu vực phía Tây sông Euphreates.

Ngày 19-6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã tuyên bố Moskva sẽ coi tất cả máy bay của Mỹ và lực lượng đồng minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đang tiến hành các chiến dịch tại phía Tây Syria, nơi có sự hiện diện của các lực lượng Nga và chính quyền Damascus, là mục tiêu.

Giới phân tích cho rằng sự leo thang này là tất yếu. Cuộc tranh giành lãnh thổ nguy hiểm này nhằm quyết định ai sẽ nắm quyền kiểm soát Raqqa, một phần thưởng mang tính biểu tượng bởi nó vốn là thành trì quan trọng nhất của IS, và nằm trên biên giới Syria - Iraq.

Chiến dịch của Mỹ tại Syria là một phần trong chính sách của Mỹ đối với Iran mà đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố trong chuyến thăm của mình tới Saudi Arabia và Israel, những nước vốn không “mặn mà” với Iran. Quan điểm và cách hành xử của Mỹ đã gây ra sự bất ổn hơn nữa cho cả khu vực này, vốn đang căng thẳng sau khi Riyad cùng với Ai Cập và Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến hiện hữu hơn khi Iran tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu của IS tại thành phố Deir el-Zour của Syria. Cuộc tấn công của Iran nhằm trả đũa cuộc tấn công khủng bố xảy ra hồi đầu tháng này làm 18 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương, và IS đã tuyên bố tiến hành, song thực tế cuộc tấn công bằng tên lửa này của Iran nhằm phát đi một thông điệp lớn hơn.

Tướng Ramazan Sharif, người đứng đầu lực lượng Vệ binh cách mạnh Hồi giáo Iran, tuyên bố Saudi Arabia và Mỹ chính là “đích đến của bức thông điệp này”.

Nguyễn Hòa
.
.