Syria tiếp tục nóng trên mọi mặt trận

Thứ Ba, 07/03/2017, 17:25
Vấn đề Syria tiếp tục nóng trên cả bàn nghị sự quốc tế lẫn trên chiến trường. Nga tiếp tục thắng thế về ngoại giao và quân đội Damas đã giành lại được nhiều lãnh thổ quan trọng từ tay phiến quân và khủng bố.

Tin mới nhất từ chiến trường Syria cho thấy tối ngày 1-3-2017, quân đội Damas và các đồng minh đã tiến vào thành phố Palmyra, ở miền trung Syria, sau nhiều trận đánh ác liệt, đánh đuổi các chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo thư ký báo chí điện Kremlin Dmitry Peskov, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã báo cáo với Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga Vladimir Putin về kết quả chiến dịch trên.

Một phóng viên hãng RIA-Novosti cho biết, hiện các chuyên gia quân đội Syria đã bắt đầu hoạt động rà phá bom mìn khu vực Palmyra lịch sử. Công sự ở ngoại ô Palmyra đang được dựng lên để ngăn chặn mọi cuộc phản công của phiến quân IS. "Lá cờ của IS đã bị gỡ bỏ khỏi thành phố Palmyra. Đây được coi là thành quả chung của lực lượng không quân Nga và quân đội Syria. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, toàn bộ lãnh thổ Syria sẽ được giải phóng khỏi những kẻ khủng bố", Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Andrey Krasov cho biết.

Quân đội Syria giải phóng thành công thành phố Palmyra từ tay IS ngày 1-3.

"Việc chiếm lại Palmyra là một biểu tượng mạnh mẽ của quân đội Syria, giúp đất nước sớm trở về với cuộc sống bình thường. Tôi hy vọng, phần lớn các kho tàng của thành phố vẫn còn nguyên vẹn. Những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế sẽ cho phép khôi phục các di sản văn hóa, đã bị tàn phá bởi những kẻ khủng bố", TASS dẫn lời Người đứng đầu Ủy ban quốc tế Hội đồng Liên bang Konstantin Kosachev.

Thành phố Palmyra được coi là chìa khóa đối với việc tiến đánh thành phố Raqqa, thủ phủ của IS ở miền đông Syria. Palmyra từng là thủ đô của đế chế Palmyrene và là một trong những thành phố giàu có nhất của đế quốc La Mã.

Trong vòng 3 năm qua, thành phố này đã 4 lần đổi chủ. IS đã chiếm thành phố Palmyra năm 2015, và phá hủy nhiều ngôi đền nổi tiếng, cùng hàng nghìn di tích. Đến tháng 3-2016, quân Chính phủ Syria và dân quân với sự hậu thuẫn của không quân Nga đã giành lại thành phố này từ tay IS. Sau đó, IS chiếm Palmyra lần thứ hai vào tháng 12-2016.

Thông tin về việc giải phóng Palmyra khỏi IS được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện tia hy vọng phá vỡ thế bế tắc tại cuộc hòa đàm nhằm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột tại Syria đang diễn ra tại Geneve, Thụy Sĩ. Ông Nasr al-Hariri - Trưởng đoàn đàm phán của Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) - một nhóm đối lập chính ở Syria cho biết, hội nghị trên sẽ tập trung thảo luận vấn đề chuyển tiếp chính trị, một trong những vấn đề gây trở ngại lớn nhất tại các vòng hòa đàm giữa các bên liên quan. Đây được xem là tia hy vọng cho tiến trình hòa đàm bế tắc lâu nay.

Tuy nhiên sẽ là viển vông nếu nghĩ rằng Syria sẽ có hòa bình trong nay mai bất chấp việc Damas giành chiến thắng trên chiến trường. Các phe nổi dậy ở Syria đang tham gia đàm phán ở Geneve vẫn tiếp tục được phương Tây chống lưng. Ngày 28-2 vừa qua, Nga đã dùng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ để ngăn chặn nghị quyết về lệnh trừng phạt đối với Syria, đất nước bị cáo buộc là địa điểm sử dụng các loại vũ khí hóa học.

Tài liệu này được 9 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ. 3 thành viên bỏ phiếu chống, trong đó có Nga và Trung Quốc, ngoài ra có 3 nước bỏ phiếu trắng.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Moskva sẽ không ủng hộ lệnh trừng phạt đối với lãnh đạo Syria. Theo lời ông Putin, các biện pháp hạn chế sẽ làm suy yếu quá trình đàm phán về giải pháp ở Syria.

Dự thảo nghị quyết đã được Anh và Pháp chuẩn bị vào cuối tháng 12 năm ngoái. Theo tài liệu, các biện pháp trừng phạt cần được áp dụng đối với 11 cá nhân  người Syria  cùng 10 công ty và tổ chức  Syria có khả năng liên quan đến các cuộc tấn công hóa học. Các biện pháp trừng phạt trù tính trước hết là đóng băng các tài khoản tiền, nhiều tài sản tài chính khác và các nguồn lực kinh tế; ngăn chặn một số cá nhân có tên trong danh sách trừng phạt nhập cảnh hoặc quá cảnh qua lãnh thổ các nước - thành viên của LHQ; lệnh cấm về việc cung cấp, bán trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc chuyển giao cho chính quyền Syria khí clo hoặc các mục quy định trong danh sách của công ước về vũ khí hóa học cũng như tất cả các loại vũ khí, tất cả các loại máy bay trực thăng và trang thiết bị có liên quan với chúng.

Việc bỏ phiếu ở Hội đồng Bảo an LHQ là một trong những đối đầu đầu tiên giữa Nga và Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng 1-2017 và cam kết sẽ tăng cường quan hệ với Moskva.

Các thành viên Hội đồng Bảo an biểu quyết về Syria tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, ngày 28-2-2017.

Chuyển sang cuộc hòa đàm tại Thụy Sĩ. Ngày 28-2, phía Nga đã yêu cầu Mỹ phân định rõ ranh giới giữa những kẻ khủng bố và phe đối lập ôn hòa ở Syria, nhưng Washington đã không đáp lại yêu cầu. Theo người đứng đầu "nhóm Moksva" của phe đối lập Syria Qadri Jamil, ý nghĩa quan trọng của đàm phán là ở chỗ bắt đầu quá trình tách biệt giữa các nhóm, được phân loại trong các nghị quyết quốc tế như là bọn khủng bố và các nhóm cách xa khỏi chúng, và có thể được phân loại như là những nhóm đã sẵn sàng để tiến tới một giải pháp chính trị.

Ngoài ra, vấn đề thành phần tham gia cũng gây tranh cãi trước khi đàm phán diễn ra ở Geneve. Đại diện Liên minh Dân chủ tiến bộ (PDS) của người Kurd, Ebdulselam Eli, nói: Tại đàm phán ở Geneve cần phải có mặt cả đại diện của chính phủ khu tự trị dân chủ người Kurd (khu vực cư trú của người Kurd Syria, mà họ đơn phương tuyên bố là "khu tự trị dân chủ"). Tất cả đều biết rằng lực lượng dân chủ Syria ngày nay đang kiểm soát 22% lãnh thổ của Syria.

Việc chính quyền khu tự trị dân chủ tham gia vào các cuộc đàm phán tại Geneve là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Nếu các đại diện của người Kurd không được mời, có nghĩa là các bên tham đàm phán tại Geneve, trong thực tế, không tìm cách để giải quyết tình hình. Thiếu người Kurd thì không thể có giải pháp”.

Nga và Mỹ hiểu được tầm quan trọng của sự hiện diện của đại diện người Kurd trong quá trình đàm phán tại Geneva, cho nên nhấn mạnh đến yêu cầu đó. Tuy nhiên, vẫn có những lực lượng phản đối, mà trước hết là Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, Ankara nói rằng "ở Geneve có đại diện Hội đồng Quốc gia của người Kurd, là thành phần của phe đối lập Syria".

Trong khi đó, tại Syria, không có khu vực nào Hội đồng Quốc gia của người Kurd thực sự nắm quyền, trái ngược với PDS, liên minh có lực lượng quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ không muốn chấp nhận thực tại như hiện có.

Cuộc đàm phán hòa bình về Syria tại Geneva đặt dưới sự bảo trợ của LHQ, Nga, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần thứ tư LHQ tổ chức đàm phán nhằm tái lập hòa bình cho Syria, nhưng vòng thương lượng lần này diễn ra trong bối cảnh khác hẳn so với trước: Mỹ giảm bớt can thiệp vào Trung Đông, châu Âu có vai trò mờ nhạt vì không còn lá bài tác động đến cuộc khủng hoảng Syria.

Các cường quốc khu vực, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nhảy vào chỗ trống này, nắm lại hồ sơ Syria, tiến hành can thiệp quân sự trên thực địa và tổ chức được cuộc gặp tại Astana, Kazakhstan, giữa Damas và một bộ phận thuộc phe đối lập hồi tháng 1-2017.

Nếu như số phận của Tổng thống Syria vẫn gây bất đồng giữa các bên, thì hiện nay, ông Bachar al Assad đang ở thế mạnh và không có ý định nhượng bộ. Phe đối lập thì ngày càng bị thu hẹp và không còn được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ nữa. Trong lúc đó, lập trường của Mỹ trong hồ sơ Syria vẫn là một ẩn số. Lập trường không rõ ràng, bấp bênh của tân chính quyền Mỹ đe dọa nghiêm trọng cơ may đạt được kết quả trong vòng đàm phán ở Geneve.

Syria bị nhấn chìm vì khủng hoảng và nội chiến gần 6 năm qua và đến nay các cuộc đàm phán vẫn không mang lại kết quả. Bạo lực gia tăng, việc phe đối lập yêu cầu Tổng thống Assad phải ra đi vẫn đang phủ bóng đen lên các nỗ lực mang lại hòa bình cho Syria.

M.T. (tổng hợp)
.
.