Syria trong vòng xoáy mới

Thứ Năm, 01/02/2018, 10:46
Vui mừng chưa lâu, Syria lại có nguy cơ chìm trong làn sóng bạo lực mới khi hàng loạt cuộc giao tranh dữ dội lại diễn ra tại nhiều khu vực từ Đông Ghouta tới Hama, vùng Afrin ở Tây Bắc... Mối bất hòa giữa các lực lượng trong nước đẩy tiến trình hòa bình vào ngõ cụt trong khi những tính toán từ bên ngoài đang góp phần “giúp” Syria quay lại “chảo lửa” nhanh hơn.

Khó nói lời giã từ vũ khí

Ngày 29-1, các cuộc giao tranh dữ dội lại diễn ra khu vực Đông Ghouta chỉ 2 ngày (từ nửa đêm 27-1), sau khi Chính phủ Syria và các phái đoàn của phe đối lập đạt được một lệnh ngừng bắn ở khu vực do lực lượng nổi dậy chiếm giữ này. Cơ quan Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, đã có giao tranh ác liệt, kèm theo các đợt pháo kích và không kích dữ dội sau khi quân nổi dậy tấn công lực lượng chính phủ.

Quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng đã nã hàng chục quả tên lửa và đạn pháo vào Đông Ghouta. Các nguồn tin tại chỗ cho biết, quân đội Syria đã đẩy lùi một cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy tại đây.

Giao tranh ở Đông Ghouta khiến người dân phải sơ tán. Ảnh: TRT World.

Cùng thời điểm, quân đội Syria và các lực lượng vũ trang tình nguyện tiếp tục cuộc tiến công tiêu diệt IS trên vùng nông thôn phía đông bắc tỉnh Hama. Cho đến thời điểm này, Bộ Tư lệnh tối cao quân đội Syria tập trung binh lực chủ yếu trên chiến trường phía đông tỉnh Idlib và phía nam tỉnh Aleppo, hiện đang là khu vực chiến trường trọng điểm.

Trong các lực lượng vũ trang Syria, đơn vị có năng lực tác chiến tốt nhất, sư đoàn Tiger buộc phải chiến đấu trong khu vực sân bay quân sự Abu Al-Duhur. Tham gia cùng với Lực lượng Tiger là lữ đoàn 124 Vệ binh Cộng hòa Aleppo.

Theo nguồn tin từ quân đội Syria, Bộ tổng tham mưu quân đội Syria rất thận trọng khi tấn công các mục tiêu ở Hama vì họ biết năng lực chiến đấu của các nhóm IS trên vùng nông thôn tỉnh Hama vẫn còn rất mạnh.

Trong khi các cuộc giao tranh khốc liệt ở nhiều khu vực đang diễn ra thì cuộc chiến trên bàn ngoại giao cũng vô cùng căng thẳng. Ngày 28-1, chính quyền khu tự trị người Kurd ở Syria tuyên bố sẽ không tham gia vào Đại hội Đối thoại dân tộc, hội nghị hòa bình về Syria do Nga bảo trợ diễn ra tại Sochi vào cuối tháng 1-2018. Phe đối lập chính ở Syria cũng tuyên bố sẽ không tham dự.

Liên quan tới các giải pháp ngoại giao, phát biểu với báo giới sau khi vòng đàm phán thứ 9 do Liên Hiệp Quốc bảo trợ kết thúc tại Vienna, Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria S.de.Mistura thừa nhận cho đến nay các vòng đàm phán vẫn thiếu tiến triển để tìm ra một giải pháp chấm dứt cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 8 ở Syria.

Quân đội Syria vẫn chưa thể buông súng. Ảnh: Alalam News Network.

Nhành Ô-liu “có gai”

Trong khi tình hình nội bộ rối ren, chưa có giải pháp thì các yếu tố bên ngoài càng làm cho tình hình xấu đi. Các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào lực lượng người Kurd tại Syria hay sự ủng hộ của Mỹ với các nhóm vũ trang tại Syria đang làm cho tình hình tại đây thêm rối ren.

Song song với hai chiến dịch tấn công của quân đội Syria, cũng trên đất của Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28-1 đã chiếm được một vị trí chiến lược của lực lượng người Kurd ở Syria, qua đó tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch “Nhành ô-liu” tại quốc gia Trung Đông này.

Bộ chỉ huy chiến dịch “Nhành ô-liu” đã ra tuyên bố nêu rõ, sau vài ngày do tầm nhìn hạn chế vì mưa lớn và sương mù, các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với pháo binh đã tận dụng điều kiện thời tiết tốt lên để đánh chiếm núi Barsaya, gần vùng Afrin do người Kurd kiểm soát ở Tây Bắc Syria. Khu vực này có vị trí quan trọng khi nhìn ra cả các thị trấn Kilis và Azaz, nằm sát biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 28-1 tuyên bố các lực lượng của nước này sẽ quét sạch các phần tử khủng bố ở toàn bộ khu vực biên giới với Syria. Đây là một dấu hiệu cho thấy cuộc tấn công kéo dài 9 ngày qua của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Afrin có thể sẽ được mở rộng thêm nữa. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này có kế hoạch mở rộng chiến dịch quân sự "Nhành ô-liu" tại vùng Afrin theo hướng Đông, sang các thành phố khác ở miền Bắc Syria, tới khu vực biên giới với Iraq, là địa điểm có sự hiện diện của các đơn vị quân sự Mỹ hỗ trợ lực lượng người Kurd ở Syria, nhằm đánh bật lực lượng các tay súng người Kurd tại quốc gia này.

Phát biểu tại Ankara, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục các chiến dịch cho tới khi quét sạch các tay súng người Kurd ra khỏi các khu vực dọc theo chiều dài biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Syria tiếp tục triển khai các chiến dịch quân sự đẩy lui IS. Ảnh: Al-Masdar News.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã lên tiếng chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd ở khu vực Afrin, miền Bắc nước này. Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria dẫn tuyên bố của Tổng thống Assad khẳng định đây là một phần hành động của Ankara nhằm hỗ trợ các nhóm cực đoan. Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Syria cho rằng chiến dịch tấn công Afrin là động thái mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc tấn công chủ quyền của Syria.

Ai Cập cũng lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Syria. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Iran bày tỏ quan ngại về những gì đang diễn ra tại Afrin, đồng thời yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt ngay hành động này.

Pháp đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) họp khẩn để đánh giá toàn bộ nguy cơ khủng hoảng nhân đạo trong bối cảnh giao tranh gia tăng ở Syria. Trong một phát biểu đăng trên trang mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay tại Syria.

Ông cho biết hàng chục nghìn người Syria bị mắc kẹt bên tại các khu vực do phiến quân kiểm soát bên ngoài Damascus, Đông Ghouta, trong khi hàng chục nghìn người khác buộc phải đi sơ tán do giao tranh ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. Do đó, ông kêu gọi ngừng ngay các cuộc xung đột, đồng thời yêu cầu hỗ trợ nhân đạo cho toàn bộ người dân ở những vùng này.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ cần ngừng giao tranh với các tay súng người Kurd ở Syria. Phát biểu trên đài truyền hình France 3, bà Parly cho rằng chiến dịch "Nhành ô-liu" của Ankara có thể ngăn cản lực lượng người Kurd đang đứng về phía liên minh quân sự quốc tế chiến đấu chống các phần tử cực đoan tại Syria.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Afrin, Tây Bắc Syria. Ảnh: Al-Ahram Weekly.

Cú thọc sườn phá âm mưu ẩn chứa bên trong

Mỹ cũng lên tiếng phản đối chiến dịch trên. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với báo giới rằng chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Afrin sẽ không phục vụ cho lợi ích của Ankara cũng như cho sự ổn định của khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố: Thổ Nhĩ Kỳ cần "hành động kiềm chế" và tránh gây thương vong cho dân thường. Mỹ hối thúc các bên liên quan tập trung vào cuộc chiến chống IS, tránh đẩy căng thẳng leo thang. Tuy nhiên sự phản đối của Mỹ không đơn thuần như vẻ bên ngoài.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch trên, Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố đã rút binh sĩ ra khỏi khu vực mà Ankara triển khai chiến dịch quân sự ở Afrin. Tại sao Nga lại dễ dàng rút quân như vậy? Nếu nhìn cả tiến trình sẽ không khó hiểu. Bởi Nga cũng muốn Thổ Nhĩ Kỳ tấn công và tiêu diệt “đứa con hư” YPG do Mỹ dựng lên để khuấy đảo Syria.

Câu hỏi đặt ra là phía sau lá bài mới của Mỹ tại Syria là gì? Phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ đang “nhanh chân” tiêu diệt từ trong “trứng nước” cái gọi là Lực lượng Biên phòng tại Syria với lý do Washington thành lập để duy trì ổn định trong khu vực và ngăn khủng bố thánh chiến tái xuất hiện?

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Afrin, Tây Bắc Syria. Ảnh: The Defense Post.

Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag khuyến cáo Mỹ nên “chấm dứt việc hỗ trợ các phần tử khủng bố” nếu Washington muốn "tránh nguy cơ đối đầu" với Ankara ở Syria. Phó Thủ tướng Bozdag cho biết Ankara đã đẩy mạnh cuộc tấn công nhằm vào các tay súng người Kurd tại Syria, đồng thời ngụ ý những ai ủng hộ tổ chức này (ám chỉ lực lượng người Kurd ở tỉnh Afrin, miền Bắc Syria) sẽ trở thành mục tiêu trong cuộc chiến tại đây.

Đáp lại, Cố vấn an ninh nội địa của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Thomas Bossert cho biết Washington lo ngại nguy cơ căng thẳng leo thang tại Syria trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch "Nhành ô-liu" tại Afrin.

Để hoãn binh và bảo vệ “đứa con hư”, ngày 27-1, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Mỹ đã thông báo sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết đang giám sát chặt chẽ việc cung cấp vũ khí cho YPG và sẽ tiếp tục thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara hối thúc Washington ngừng cung cấp vũ khí cho lực lượng mà quốc gia này liệt vào danh sách khủng bố.

Rõ ràng Mỹ cần bảo vệ lực lượng này khi Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra quá mạnh trước lực lượng non trẻ do Mỹ định dựng lên. Trước đó, liên minh chống khủng bố quốc tế do Mỹ đứng đầu đã thông báo kế hoạch phối hợp với các nhóm vũ trang đối lập ở Syria, chủ yếu là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu, để thành lập một lực lượng an ninh mới dự kiến lên tới 30.000 binh lính hoạt động dọc các khu vực biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, cũng như bên trong Syria.

Các thành viên thuộc đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và YPG là những lực lượng chủ chốt trong SDF được Mỹ hậu thuẫn tại Syria, trong khi Ankara coi lực lượng 30.000 lính này là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là không có cơ sở khi YPG hiện kiểm soát nhiều đô thị quan trọng ở một số vùng Tây Bắc Syria (gần biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ), trong đó có hai thành phố lớn Manbij và Afrin. Cùng với đồng minh Arab, người Kurd tại Syria đã thành lập Liên đoàn Bắc Syria, một thực thể chính trị hoạt động trên các địa bàn do họ kiểm soát. 30.000 người là một con số ấn tượng để Mỹ gây dựng thanh thế và đưa ra các mặc cả chính trị tại Syria; gây dựng nó lớn mạnh hơn nhằm ngăn chặn Iran, Nga cũng như phá hoại sự ổn định của chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad.

Đúng như nhận định của chuyên gia Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Đông tại Đại học Oklahoma: “Bằng cách duy trì một Chính phủ Syria suy yếu và chia rẽ, Mỹ hy vọng bác bỏ những thắng lợi của Iran và Nga. Washington cũng muốn là chính sách ủng hộ người Kurd sẽ tăng thêm ảnh hưởng của Mỹ trong vùng và sẽ giúp đẩy lùi Iran. Trong bối cảnh này, quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ bị vạ lây”.

Theo giới phân tích, khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào lợi ích của Mỹ thì lại ảnh hưởng tới Syria. Nếu tình hình biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tiếp tục diễn ra căng thẳng thì khả năng biến thành cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn là điều có thể xảy ra. Khi đó, không chỉ có Ankara và Damascus, mà còn có cả một số nước khác trong khu vực có thể bị lôi kéo.

Ngoài ra, chiến dịch tấn công mới này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Ankara và Washington tiếp tục leo thang cũng như làm gia tăng quan ngại về bất ổn tại Syria sau 7 năm xung đột.

Hoa Huyền
.
.