Syria và cuộc chiến “thế chân vạc”

Thứ Năm, 13/08/2015, 13:35
Syria hiện tại được giới phân tích đánh giá là đang bị phân rã trên thực tế với những vùng chiếm đóng của phiến quân đối lập chống chính phủ và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đan xen với vùng do chính phủ kiểm soát. Không bên nào có khả năng giành chiến thắng quyết định, cuộc chiến “chân vạc” đang ở thế giằng co. Ai sẽ được lợi từ cục diện này?

Theo ARA News, IS vừa giành thêm một lợi thế sau cuộc đụng độ với phiến quân đối lập Syria vào sáng sớm ngày 9/8 vừa qua tại ngôi làng Umm Housh, thành phố Aleppo (miền Bắc Syria) giết chết và bắt làm con tin hàng chục tay súng phiến quân và buộc họ rời bỏ ngôi làng này rút chạy về phía thành phố Aleppo. Sự kiện này tiếp tục kéo dài chuỗi giao tranh giữa 3 bên, gồm quân đội Chính phủ Syria, phiến quân đối lập và IS.

Trước đó vào đầu tháng 8/2015, phiến quân đối lập đã giành một thắng lợi nhỏ trước quân đội chính phủ, đánh chiếm một ngôi làng ở miền Nam, gần biên giới với Israel và buộc quân đội Chính phủ phải rút quân về vị trí kiểm soát ở thành phố Deraa.

Nhìn trên bản đồ hiện nay, Syria đang bị chia cắt thành nhiều vùng trong đó 4 lực lượng chia nhau kiểm soát đất nước gồm chính phủ kiểm soát Damascus và các vùng phụ cận Damascus, mở rộng ra đến thành phố Deraa, Suweida đến biên giới Jordan ở miền Nam và kéo dài lên đến thành phố Hama và Homs ở miền Trung, tỉnh Latakia ở miền Tây (quê hương của Tổng thống Assad), đến thành phố Aleppo ở miền Bắc và một phần Deir Ezzor ở sa mạc miền Đông (giằng co với IS). Phiến quân đối lập kiểm soát phần lớn thành phố Deraa và các vùng lân cận dọc biên giới phía nam, một vài địa điểm gần Damascus, miền Trung và toàn bộ tỉnh Idlib ở tây bắc.

Lực lượng người Kurd kiểm soát hầu như toàn bộ khu vực ở miền Bắc giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ (trừ một phần do IS chiếm giữ). Và một hành lang rộng lớn kéo dài từ biên giới Iraq, qua Deir Ezzor, Raqqa, dài đến tận biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả thành phố cổ Palmyra và một vùng xung quanh thành phố này là phần lãnh thổ do IS kiểm soát.

Tổng thống Bashar al-Assad phát biểu trước Quốc hội Syria cuối tháng 7/2015 đánh giá về thực trạng quân đội Chính phủ Syria.

Phần lớn các cuộc đụng độ lớn gần đây cũng đều diễn ra trong vùng lân cận hành lang này do IS đang mưu đồ mở rộng vùng lãnh thổ chiếm  đóng nhằm bành trướng ảnh hưởng, từng bước tiến tới thực hiện kế hoạch xây dựng một Caliphate hoàn chỉnh vào năm 2020.

Tổng thống Bashar al-Assad cũng đã thừa nhận tại một cuộc họp với Quốc hội Syria hồi cuối tháng 7 vừa qua rằng quân đội chính phủ hiện đang gặp một số khó khăn do quân số thiếu hụt, dàn trải mỏng để đối đầu cùng lúc 2 lực lượng là phiến quân đối lập và IS.

Trong khi đó, sự trợ giúp của phong trào Hezbollah từ Liban dường như đã đến giới hạn và không thể trông cậy là lực lượng hỗ trợ lâu dài với nguồn lực vô tận. Sự thiếu hụt lực lượng là yếu tố hàng đầu khiến cho quân chính phủ phải chịu một số thất bại trên chiến trường vừa qua và buộc phải thu quân lại, không thể hiện diện dàn trải trên khắp đất nước.

Quân đội Chính phủ Syria hiện đang chiến đấu chật vật để cố duy trì kiểm soát những vị trí chiến lược đang bị tấn công bởi phiến quân đối lập lẫn IS. Từ thành phố Deir Ezzor trong vùng sa mạc miền Đông xa xôi cho đến thành phố Aleppo ở miền Bắc và Deraa ở miền Nam, quân chính phủ đang cố hết sức để củng cố sự kiểm soát các vị trí đứng chân. Cho đến nay về cơ bản quân Chính phủ Syria vẫn giữ vững được các cơ quan quản lý chính quyền và cố gắng tránh đối đầu trực tiếp trong các cuộc tấn công quy mô lớn của đối phương nhằm bảo toàn lực lượng.

Theo đánh giá chung, mặc dù bị mất các thành phố Idlib ở miền Bắc vào tay phiến quân đối lập và Palmyra ở miền Trung vào tay IS, nhưng Chính phủ Syria vẫn còn nắm giữ các căn cứ quân sự chiến lược bao gồm sân bay ở Deir Ezzor, căn cứ T4 ở phía đông thành phố Homs, căn cứ Tha’ala gần Deraa ở miền Nam.

Phiến quân Al Nusra ở thành phố Aleppo.

Việc rút quân đội khỏi các khu vực do phiến quân và IS nắm quyền kiểm soát được cho là chiến thuật nhằm bảo toàn lực lượng và gom quân bảo vệ các vùng đang kiểm soát trong tình thế đang khó khăn về lực lượng. Những khu vực nào đã rút quân, không còn quân đội hiện diện, quân đội Chính phủ Syria sử dụng lợi thế về không quân để tăng cường oanh tạc các khu vực lãnh thổ bị phiến quân chiếm giữ.

Trong khi đó ở miền Bắc, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai kế hoạch lập vùng đệm an toàn dài khoảng 90 km dọc biên giới với Syria trong đó “không có bóng phiến quân IS”. Ankara và Washington tuyên bố kế hoạch vùng đệm là nhằm tạo điều kiện hỗ trợ phiến quân Syria, nhưng thực chất mục đích của cái gọi là vùng đệm này không chỉ nhằm ngăn chặn IS mà cả lực lượng người Kurd ở Bắc Syria, vì người Kurd cũng đang ôm mộng lập quốc trong đó bao gồm cả một phần lãnh thổ ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 10/8 vừa qua, nhóm phiến quân liên quan Al-Qaeda là Mặt trận Nusra đã tuyên bố rút quân khỏi khu vực được cho là vùng đệm này. Trong tuyên bố, Mặt trận Nusra không đồng tình với kế hoạch vùng đệm. Tuy nhiên, ngay sau khi Mặt trận Nusra rút quân đi, các nhóm phiến quân khác lập tức thế chỗ. Do vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc chiến và lập ra vùng đệm vẫn chưa chứng minh được mục đích tích cực, nhưng đồng thời càng làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn.

Sự thiếu đoàn kết, thống nhất của các lực lượng phiến quân đối lập Syria đã khiến cho các lực lượng này không thể giành ưu thế rõ rệt trong lúc quân đội chính phủ đang gặp khó khăn trong khi họ vẫn phải chiến đấu một cách vất vả chống IS. Chưa ai có thể đánh giá cục diện này sẽ còn tiếp diễn được bao lâu, liệu quân đội Chính phủ Syria lẫn phiến quân đối lập có đủ nguồn lực cầm cự cuộc chiến trước tổ chức IS như con quái vật còn đang rất sung mãn.

An Châu (tổng hợp)
.
.