TT Hàn Quốc thăm Mỹ: Tìm kiếm chiếc ô hạt nhân

Thứ Năm, 25/06/2009, 20:25
Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện đang khiến dư luận Hàn Quốc hoài nghi về hiệu quả chiếc ô hạt nhân của Mỹ. Đây cũng là chủ đề chính tại cuộc gặp song phương đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng nhiệm Hàn Quốc Lee Myung-bak tại Nhà Trắng hôm 16/6 vừa qua.

Trước tình hình căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên, báo chí Hàn Quốc đồng loạt nêu câu hỏi: Cái ô hạt nhân của Mỹ còn hữu hiệu nữa hay không? Tờ Korea Herald (15/6) mở đầu một bài viết bằng việc nhắc lại câu: "Hàn Quốc được chiếc ô hạt nhân của Mỹ bảo vệ". Đây là câu nói mà người Hàn Quốc đã thấy và tin tưởng từ thời Chiến tranh lạnh, thời mà Đông và Tây đối đầu với nhau, triển khai hàng nghìn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở những địa điểm chiến lược cho đến những năm 80 thế kỷ XX.

Người Hàn Quốc trước đây không lo lắng gì về một cuộc tấn công hạt nhân, mà chỉ lo ngại một cuộc tấn công với vũ khí quy ước từ phía bắc. Khi chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên trỗi lên vào thập niên 90, Hàn Quốc mới bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến chiếc ô hạt nhân của  đồng minh Mỹ.

Nhưng sau hai cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng trong không đầy 3 năm, kèm theo những vụ bắn thử tên lửa, thì người Hàn Quốc bắt đầu đặt câu hỏi: làm sao họ có thể được bảo vệ với những vũ khí hạt nhân nằm trong tay một quốc gia bên ngoài? Chiếc ô có thể hoạt động như một lá chắn hữu hiệu chống lại một kẻ thù dám tấn công bằng vũ khí nguyên tử hay không? Đây là câu hỏi mà họ nêu lên trong những ngày này và cảm thấy khó nhận được một câu trả lời đáng tin cậy.

Theo Korea Herald, cho đến khi CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006, chiếc ô hạt nhân chỉ được Hàn Quốc và Mỹ đề cập đến một cách chung chung. Sau vụ thử nghiệm hôm 25/5, thông cáo chung đưa ra trong cuộc họp lần thứ 38 giữa Washington và Seoul mới giải thích là Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ, trả đũa y như là đối với một cuộc tấn công vào lãnh thổ Mỹ, sử dụng nào là tên lửa đạn đạo, bom chiến lược... và phá hủy tên lửa thù địch trước khi nó đến mục tiêu. Do vậy, chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lần này tới Mỹ với mục đích chính là tìm kiếm lời khẳng định của ông chủ Nhà Trắng đối với chính sách bảo vệ của Washington với Seoul.

Xuất hiện bên cạnh người đồng nhiệm Lee Myung-bak, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ thái độ kiên quyết đối với  CHDCND Triều Tiên. Ngoài cam kết nỗ lực tiến tới việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ còn khẳng định cam kết bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc, đặt nước này dưới chiếc ô hạt nhân của mình, đồng thời cho biết ông sẵn sàng nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng.

Nhưng ông cũng cho rằng những động thái gần đây của CHDCND Triều Tiên đe dọa tới các nước láng giềng sẽ vấp phải những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Ngày 15/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Robert Gates đã cam kết sẽ bảo vệ Hàn Quốc "với tất cả mọi phương tiện cần thiết, kể cả sử dụng lá chắn hạt nhân".

Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra Nghị quyết số 1847 để xiết chặt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng vì đã tiếp tục vụ thử hạt nhân vào hôm 25/5, CHDCND Triều Tiên ngày 15-6 đã phản ứng bằng cách tổ chức một cuộc míttinh tập hợp khoảng 100.000 người để phản đối. Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ tái lập chương trình tinh luyện uranium và dùng tất cả chất plutonium hiện có để chế tạo bom nguyên tử.

Phát biểu trước đoàn người biểu tình, Thứ trưởng Lực lượng vũ trang CHDCND Triều Tiên Pak Jae-gyong cảnh báo sẽ tấn công phủ đầu Mỹ. Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên trích lời ông Pak tuyên bố dựa trên tình hình hiện tại rằng quân đội CHDCND Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Mỹ, vì Hiệp ước đình chiến đã mất hiệu lực pháp lý nên Bình Nhưỡng sẵn sàng thực hiện quyền tấn công trước để đáp lại bất cứ sự khiêu khích nào dù là nhỏ nhất của kẻ thù.

Khái niệm ô hạt nhân xuất hiện sau khi Mỹ rút toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của mình khỏi Hàn Quốc ngay sau khi Seoul ký một thỏa thuận với Bình Nhuỡng về một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân năm 1992. Chiếc ô hạt nhân là sự bảo đảm của một quốc gia có sở hữu vũ khí hạt nhân bảo vệ một quốc gia đồng minh không sở hữu vũ khí hạt nhân, thường được dùng cho các liên minh an ninh giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong khối NATO và Australia.

Tờ Korea Herald kết luận khi nói đến chiếc ô hạt nhân, ông Obama đã đưa ra thông điệp nhắm đến 3 đối tượng: trước tiên đối với Hàn Quốc, bảo đảm nước này sẽ được bảo vệ. Đối tượng thứ hai là Nhật Bản, thuyết phục Tokyo không nên chế tạo vũ khí hạt nhân. Đối tượng thứ ba là CHDCND Triều Tiên.

Trước những động thái của CHDCND Triều Tiên hiện nay, ngày càng có nhiều chuyên gia đánh giá rằng khó thể tránh khỏi hành động quân sự, khi mà những quan điểm diều hâu đang gia tăng ở Nhật cũng như ở Hàn Quốc và có ý kiến cho là Hàn Quốc phải có chương trình hạt nhân của mình. Đây là lúc Nhật Bản bắt đầu đặt câu hỏi về năng lực quốc phòng của mình.

Cho dù Hiến pháp Nhật nghiêm cấm mọi vũ khí tấn công, nhưng đặt trước tình hình bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, đảng Tự do Dân chủ cầm quyền tại Nhật Bản vừa quyết định xem xét khả năng đánh phủ đầu để phòng vệ. Một ủy ban chuyên gia nghiên cứu đặt dưới sự điều hành của tướng Nakatami, nguyên là Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, đã được giao trách nhiệm thảo ra những đề xuất cho chương trình quốc phòng mà chính phủ sẽ khởi xướng từ đây đến cuối năm

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.