Tái diễn chiến tranh lạnh tại Syria

Thứ Hai, 19/10/2015, 16:00
Có vẻ cuộc chiến tại Syria hiện nay đang là cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Mỹ. Một cuộc Chiến tranh lạnh lần hai đã chính thức mở màn với việc Lầu Năm Góc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy tại Syria.

Ngày 11/10, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đã thả dù 50 tấn đạn dược và vũ khí cho quân nổi dậy ở miền Bắc Syria.

Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu nói rõ: Những vật phẩm được thả dù đã tới tay "những nhóm người Arập đang chiến đấu xóa bỏ IS ở Syria" (ông Warren không cho biết đó là những loại vũ khí gì). Máy bay vận tải C-17 của Không quân Mỹ đã thực hiện vụ thả dù và "tất cả máy bay rời đi một cách an toàn". Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả vụ thả dù là một sự kiện mới "bình thường" mà lực lượng liên quân sẽ tiến hành "khi cần thiết".

Trước đó, Lầu Năm Góc, hôm 9/10, thông báo sẽ chấm dứt chương trình huấn luyện và trang bị cho quân nổi dậy Syria, được xem là thất bại và thay vào đó sẽ tăng cường hỗ trợ khí tài cho những đơn vị được tin tưởng đang chiến đấu trên những chiến trường ở Syria, trong khi chỉ huấn luyện những lãnh đạo phiến quân ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ thả dù gợi nhớ tới một hoạt động vào năm 2014 khi Mỹ thả dù tiếp liệu cho người Kurd ở Syria đang chiến đấu giành lại thành phố Kobani từ tay IS. Nhưng đã có rất nhiều thùng hàng của Mỹ thả xuống rơi vào tay IS. Trong lúc này, Nga vẫn tiếp tục không kích các mục tiêu IS ở Syria mà phương Tây cho rằng có cả những mục tiêu là phiến quân Syria do Mỹ hậu thuẫn.

Tên lửa BGM-71 Tow được Mỹ cung cấp cho phiến quân Syria.

Ngay sau khi Mỹ thả vũ khí cho quân nổi dậy tại Syria để chiến đấu chống lại quân đội chính phủ hiện do Nga yểm trợ bằng không quân, báo chí quốc tế đã lập tức cảnh báo: Mỹ và Nga đang tiến hành cuộc chiến ủy nhiệm tại Syria. Xin mở ngoặc nói thêm rằng "Chiến tranh ủy nhiệm" là một loại hình chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc đối với các quốc gia độc lập, có chủ quyền, được tiến hành bằng cách dùng lực lượng ủy nhiệm nằm ngay trong nội bộ đất nước đối phương và quân đồng minh để để lật đổ chính quyền đương nhiệm lập nên một chính quyền mới đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Loại hình chiến tranh này được sử dụng như một phương thức tiến hành chiến tranh hữu hiệu, vừa đạt được mục đích vừa giảm thiểu tổn thất, thương vong và việc giải quyết hậu quả chiến tranh.

Hãng tin Reuters cũng lên tiếng cho rằng, Washington và Moscow cần nhận ra kỷ nguyên Chiến tranh lạnh đã kết thúc và cần thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Tờ Washington Post thì nói rằng, một loại tên lửa Mỹ cung cấp cho quân nổi dậy Syria đang làm thay đổi chiến trường quốc gia Trung Đông và biến xung đột Syria trở thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ.

Tờ báo này tiết lộ, theo một chương trình bí mật kéo dài hai năm qua, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cung cấp tên lửa chống tăng BGM-71 TOW cho phe nổi dậy thuộc nhóm Quân đội Giải phóng Syria (FSA) để chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Và hiện tại, khi Nga tham chiến ở Syria, vai trò của tên lửa BGM-71 TOW bất ngờ trở nên quan trọng hơn so với những gì Mỹ dự tính.

Các quan chức Mỹ khẳng định tên lửa BGM-71 TOW chính là yếu tố giúp quân nổi dậy Syria đánh chiếm nhiều khu vực ở miền Tây Bắc nước này trong thời gian qua. Quân nổi dậy gọi tên lửa này là "Thuần hóa Assad". Những ngày gần đây phe nổi dậy cũng dựa vào tên lửa BGM-71 TOW để chống lại các đợt tấn công dữ dội của quân đội Syria được máy bay chiến đấu Nga yểm trợ. Hôm 14/10, một máy bay chiến đấu của Nga đã bị trúng loại tên lửa này khi đang tham gia không kích.

Trong khi đó, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, hôm 13/10 tiến hành các cuộc thảo luận ở Nga trong khuôn khổ của một nỗ lực nhằm hình thành một nhận thức chung giữa Nga với Mỹ và hướng tới một tiến trình chính trị để chấm dứt vụ xung đột ở Syria. Theo kế hoạch, ông Mistura sẽ đến Washington sau các cuộc thảo luận ở Nga.

Tại cuộc họp báo ở Geneve hôm 12/10, vị đặc sứ này nói rằng mặc dù việc chiến đấu chống lại IS ở Syria là một việc quan trọng, nhưng phải có một tiến trình chính trị song hành và sự can dự của các nước liên hệ với khu vực này để giải quyết vụ khủng hoảng đã kéo dài từ tháng 3/2011.

Đặc sứ Mistura cho rằng hành động quân sự của Nga đã mang lại điều ông gọi là "những động năng mới" cho tình hình ở Syria. Ông cho biết ông dự định thảo luận về nhiều vấn đề cấp bách liên quan tới vụ xung đột và sự leo thang kể từ khi Nga bắt đầu thực hiện những vụ oanh kích cách nay hai tuần.

Sau những cảnh báo trên, hôm 14/10 phát ngôn viên Nhà Trắng khẳng định, cách tiếp cận của Washington đối với cuộc xung đột Syria xuất phát từ yêu cầu đảm bảo sự an toàn cho các công dân Mỹ, và Washington không có ý định "đấu" với Nga ở Syria. Trước đó, Tổng thống Obama cũng đã nói rằng ông sẽ không để xảy ra cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ tại Syria.

Tuy nhiên, những lời trấn an này không làm giới phân tích yên tâm. "Đây là một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” ngẫu nhiên. Quân nổi dậy Syria có rất nhiều tên lửa TOW. Quân đội chính quyền Syria tấn công quân nổi dậy với sự hỗ trợ của Nga. Đó không phải là “chiến tranh ủy nhiệm” do chủ ý ban đầu" - Jeff White thuộc Viện Chính sách Cận Đông Washington (Mỹ) nói.

Trong một diễn biến mới nhất, phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin cực lực chỉ trích sự thiếu hợp tác của Mỹ trong chiến dịch chống khủng bố ở Syria và cảnh cáo Washington về việc thả dù vũ khí xuống cho lực lượng phiến quân chống tổ chức IS. "500 triệu USD đã được chi ra, 500 phi vụ oanh kích đã được thực hiện từ một năm nay, 11 quốc gia tham gia để đào tạo lực lượng Quân đội Syria Tự do để chống lại tổ chức IS, và kết quả là con số không!".

Trước một cử tọa bao gồm giới kinh doanh, Tổng thống Nga Putin đã mỉa mai như trên, cho rằng phương Tây chỉ có "đầu óc bã đậu" trong vấn đề Syria.

Tổng thống Nga chỉ trích thái độ thiếu hợp tác của Mỹ trong cuộc chiến tại Syria.

Ông Putin cũng tự hỏi về việc Mỹ thả dù vũ khí cho Quân đội Syria Tự do, vì vũ khí đó có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố. Không nói thẳng, nhưng Tổng thống Nga cũng nghi ngờ về hành động của Washington thực sự muốn chống khủng bố: Mỹ từ chối thảo luận với Moscow về những mục tiêu cần tiêu diệt. Tổng thống Nga khẳng định: chỉ có người Syria mới là lãnh đạo duy nhất tại Syria. Ông Putin cho biết, Nga muốn đóng góp vào cuộc chiến chống khủng bố, để tiêu diệt mối nguy hại cho Mỹ, Nga và toàn thế giới.

Ông Putin cũng kêu gọi sự hợp tác từ Mỹ và các nước phương Tây trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, Mỹ chỉ hợp tác với Nga để tránh va chạm máy bay trên bầu trời Syria chứ không cùng Nga chia sẻ cuộc chiến chống IS. Đó là câu trả lời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đưa ra trước lời đề nghị hợp tác của Tổng thống Nga Putin.

Bộ Quốc phòng của Mỹ và Nga hôm 14/10 đã có cuộc họp lần thứ ba thông qua hệ thống video-hội nghị nhằm tìm ra một quy trình tránh sự cố trên không tại Syria. Trước đó cùng ngày, các giới chức Lầu Năm Góc cho biết, tuần trước, các phi công của Nga và Mỹ thực hiện những vụ oanh kích riêng rẽ ở Syria đã bay chỉ cách nhau có 16 km, đủ gần để phi công của máy bay này có thể nhìn thấy những con số trên máy bay của phi công kia. Bộ trưởng Carter cho biết ông dự kiến đôi bên sẽ nhanh chóng đạt được thỏa thuận về việc làm thế nào để tránh xảy ra những vụ va chạm ngoài ý muốn.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hoan nghênh việc giới quân sự Nga và Mỹ đang tìm cách thiết lập được một cơ chế để tránh sự cố trên không. Nhưng ông Lavrov lấy làm tiếc là công cuộc hợp tác không thể đi xa hơn. Trước đó, ông Lavrov đề nghị Mỹ hợp tác sâu hơn nữa trong cuộc chiến chống IS. Cụ thể Mỹ nên cử một phái đoàn quân sự tới Nga để bàn thảo. Sau đó Nga sẽ cử một phái đoàn cấp cao do Thủ tướng Medvedev dẫn đầu qua Mỹ làm việc. Nhưng Mỹ đã một mực từ chối.

Máy bay Nga và Mỹ thấy nhau trên bầu trời Syria trong lúc tham gia chiến dịch không kích IS.

Trong lời bình do Thông tấn xã Interfax công bố hôm 15/10, Tổng thống Putin nói ông không hiểu làm cách nào mà các giới chức Mỹ có thể chỉ trích các hoạt động quân sự của Nga "nếu như họ từ chối không tiến hành đối thoại trực tiếp về vấn đề rất quan trọng này".

Ông Putin nói thêm: "Tôi tin rằng lập trường như thế là không xây dựng".

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.