Tại sao Thượng viện Mỹ thông qua Hiệp ước START mới trước lễ Giáng sinh?

Thứ Tư, 29/12/2010, 07:50
Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn Hiệp ước Start mới với tỉ lệ 71 phiếu thuận, 26 phiếu chống hôm 22/12 (theo giờ địa phương) sau 18 phiên điều trần, 7 ngày tranh luận và trả lời hơn 1.000 câu hỏi xung quanh vấn đề này. Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố, sẽ hoãn chuyến đi nghỉ lễ Giáng sinh để thực hiện cam kết với Tổng thống Nga Medvedev - Hiệp ước Start mới sẽ được thông qua vào cuối năm nay.

Việc Thượng viện Mỹ bỏ phiếu chấm dứt các cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề này cho thấy đã có sự thay đổi trong cơ quan lập pháp này về Hiệp ước Start mới. Đây được coi là thành tựu đáng kể trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama, nhất là trong nỗ lực ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí hạt nhân. Đó còn được coi là thắng lợi chính trị đối với Tổng thống Barack Obama bởi gần 2 tháng qua ông liên tục phải vận động đảng Cộng hòa.

Tổng thống Nga Dimitry Medvedev từ cuối tháng 11 cũng có lời khuyến cáo rằng, việc Mỹ không phê chuẩn Hiệp ước Start sẽ mở ra một cuộc chạy đua vũ trang mới. Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Nga đưa ra những tuyên bố kiên quyết như vậy đối với Mỹ kể từ sau Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay.

Đối với Tổng thống Barack Obama, việc trì hoãn hoặc không phê chuẩn Hiệp ước Start mới sẽ làm tiêu tan hy vọng của ông trong việc đạt được một thành tựu đáng kể về lĩnh vực an ninh và đối ngoại. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuy là người của đảng Cộng hòa đã ủng hộ việc phê chuẩn còn Đô đốc Mike Mullen, Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ cũng gửi thư tới các lãnh đạo Quốc hội, kêu gọi họ nhanh chóng thông qua hiệp ước này. Cựu Ngoại trưởng Colin Powell Madeleine Albright, James Baker và Henry Kissinger cùng cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry, William Cohen đã liên tiếp hối thúc các nghị sĩ đảng Cộng hòa phê chuẩn Hiệp ước Start mới.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, trong cuộc điều tra dư luận do Kênh Truyền hình CNN của Mỹ tiến hành mới đây, hơn 70% người Mỹ được hỏi đã ủng hộ Hiệp ước Start mới. Giới truyền thông cho rằng, Hiệp ước Start mới cũng sẽ tạo sự đồng thuận trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân ở Iran và trên bán đảo Triều Tiên thời gian tới giữa Nga và Mỹ.

Thượng viện Mỹ thông qua Hiệp ước Start mới đúng thời điểm Kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu của Tổng thống Barack Obama đang bị giới chuyên môn "sờ gáy". Theo bản báo cáo vừa được Cơ quan điều tra của Quốc hội Mỹ công bố (Văn phòng Giải trình chính phủ - GAO), kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu không đáng tin cậy vì chi phí tăng quá mức và sẽ đối mặt với nguy cơ bị trì hoãn. Được biết, Mỹ đã chi hơn 10 tỉ USD/năm cho các chương trình phòng thủ tên lửa trong tháng 11 vừa qua, các đồng minh của Mỹ trong NATO tại châu Âu đã nhất trí củng cố hệ thống này.

Mỹ từng công bố kế hoạch kết nối các hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển và trên đất liền tại châu Âu theo chương trình "Tiếp cận thích ứng nhóm ở châu Âu". Theo đó, đến năm 2018, các hệ thống chống tên lửa đạn đạo của Mỹ sẽ tạo thành lá chắn bảo vệ châu Âu. Tên lửa đánh chặn SM3 do Hãng Raytheon Co. chế tạo cùng hệ thống vũ khí Aegis do Lockheed Martin Corp sản xuất là 2 nhân tố chính tạo nên hệ thống này.

Thượng viện Mỹ thông qua Hiệp ước START.

Cách đây 8 tháng, tại thủ đô Prague của Cộng hòa Czech, Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Dmitry Medvedev đã đặt bút ký Hiệp ước Start mới. Theo văn bản đã ký, Nga và Mỹ chỉ được phép triển khai 1.550 đơn vị (so với 2.200 đầu đạn của Mỹ và khoảng 2.700 đầu đạn của Nga hiện có), mỗi nước chỉ được triển khai không quá 700 phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân (như tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom chiến lược). Con số này chỉ bằng gần 50% so với 1.600 phương tiện được quy định trong hiệp ước Start cũ, đồng thời cập nhật cơ chế giám sát lẫn nhau về kho vũ khí nguyên tử của 2 nước.

Việc Thượng viện Mỹ thông qua Hiệp ước Start mới đã mở ra một chương mới trong lịch sử vũ khí hạt nhân, không những giúp phần còn lại của thế giới yên tâm hơn sau khi 2 cường quốc nguyên tử có sự nhượng bộ đáng kể, mà còn tạo ra "không gian động" cho những bất đồng xung quanh chủ đề này. Hiệp ước Start mới cũng là văn bản cắt giảm vũ khí hạt nhân quan trọng đầu tiên sau Chiến tranh lạnh, đồng thời đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình kiểm soát vũ khí hủy diệt trên thế giới.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hoan nghênh và nhấn mạnh, hành động này của Thượng viện Mỹ đã phát đi thông điệp vững chắc, rõ ràng đối với việc ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến hạt nhân. Ngày 23/12, Đại diện cao cấp của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh, bà Kathrin Aston đã khẳng định, bước tiến bộ này sẽ góp phần củng cố hệ thống kiểm soát vũ khí và quy chế không phổ biến vũ khí hủy diệt trên thế giới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Guido Westerwelle ngoài việc hoan nghênh còn kêu gọi Nga nhanh chóng thông qua hiệp ước này. Mặc dù hoan nghênh việc Thượng viện Mỹ phê chuẩn Hiệp ước Start mới, nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố, Moskva cần có thời gian để nghiên cứu các văn kiện của Washington trước khi có hành động tương tự. Tuy nhiên, Duma quốc gia Nga cũng đã tuyên bố, có thể thông qua Hiệp ước Start mới ngay trong tuần này.

Ngày 23/12, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Boris Gryzlov tuyên bố, họ có thể thông qua văn kiện này ngay trong ngày 24/12 nếu nhận được nó trong ngày 23/12 bởi Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn Hiệp ước này với một loạt điều kiện đi kèm và nó không ảnh hưởng đến văn bản và nội dung chính của Start mới thì Duma Quốc gia Nga chắc chắn sẽ thông qua

Q.Trang - T.Cường (tổng hợp)
.
.