Tam giác chiến lược Trung Quốc - Nga - Ấn Độ

Thứ Ba, 22/10/2019, 15:06
Sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố bắt đầu một "kỷ nguyên mới" trong quan hệ với Trung Quốc, bất chấp hiềm khích xưa nay. Mối quan hệ hợp tác giữa Bắc Kinh và New Delhi thay đổi hoàn toàn cục diện tình hình ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và được cho là mở ra những khả năng mới cho ngoại giao Nga.

Theo các nhà ngoại giao và các chuyên gia được phỏng vấn bởi nhật báo Kommersant, Moscow sẽ không còn cần phải lựa chọn giữa hai đối tác chiến lược và tam giác Moscow-Bắc Kinh-New Delhi sẽ là một trong những yếu tố quyết định trên chính trường thế giới.

Sự kiện chính trong chuyến công du châu Á của Chủ tịch Trung Quốc bao gồm các chuyến thăm Ấn Độ và Nepal, là cuộc hội đàm của ông với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Tamil Nadu, bang phát triển nhất về công nghiệp, ở miền Nam Ấn Độ. Điểm đặc biệt nhất ở bang này là thành phố Mahabalipuram, bên bờ Ấn Độ Dương. Đó là một cảng cũ mà theo một số nhà nghiên cứu, có liên kết thương mại với Trung Quốc trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên.

Ngoài ra, Mahabalipuram có một bộ sưu tập các đền thờ di sản thế giới của UNESCO. Tại đây, Thủ tướng Modi, trong trang phục truyền thống của người miền Nam Ấn Độ, đóng vai trò hướng dẫn viên du lịch cho du khách người Trung Quốc lần đầu tiên đến Ấn Độ.

Nỗ lực nghiêm túc đầu tiên nhằm bình thường hóa quan hệ được thực hiện vào tháng 4-2019 tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc theo sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình: đây là cuộc gặp không chính thức đầu tiên của ông với Thủ tướng Narendra Modi. Nhưng sau đó, một mối đe dọa mới quay trở lại: Bắc Kinh đã chặn đề xuất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ Mỹ, Pháp và Vương quốc Anh khi liệt vào danh sách những kẻ khủng bố quốc tế kẻ thù nguy hiểm của Ấn Độ, Masood Azhar, lãnh đạo nhóm Hồi giáo Jaish-e-Mohammed, kẻ đang ẩn náu trên lãnh thổ Pakistan (Bắc Kinh sau đó đã thu hồi sự phản đối này).

Cuối cùng, vào tháng 8 vừa qua, sau quyết định của Chính phủ Ấn Độ nhằm thay đổi tình trạng của bang Jammu và Kashmir giáp biên giới Pakistan, Trung Quốc đã cáo buộc Ấn Độ gây bất ổn khu vực - qua đó ủng hộ Islamabad, đồng minh của Bắc Kinh từ lâu. Theo Reuters, trong cố gắng giảm bớt căng thẳng trên hồ sơ Kashmir, hai ông Modi và Tập Cận Bình đã đồng ý với nhau về một số biện pháp an ninh mới dọc theo đường biên giới hai nước.

Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền trên khoảng 90.000 km2 lãnh thổ nằm ở phía Đông Bắc Ấn Độ, trong khi New Delhi cho rằng Trung Quốc đã chiếm giữ 38.000 km2 lãnh thổ của Ấn Độ trên Cao nguyên Aksai Chin thuộc dãy Himalaya phía Tây Ấn Độ. Quan chức hai bên đã gặp nhau ít nhất 20 lần để thảo luận về vấn đề tranh chấp biên giới mà không đạt được tiến bộ đáng kể nào.

Một ngày trước cuộc gặp lần này giữa hai nhà lãnh đạo, những chính trị gia đối lập ở Ấn Độ đã kêu gọi Thủ tướng Modi thể hiện sự kiên quyết.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, phía chính quyền New Delhi đã thể hiện bằng mọi cách rằng họ không mời Chủ tịch Tập Cận Bình đến để tranh cãi mà bắt đầu một cuộc hòa giải lịch sử. Tại thành phố Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, 2.000 học sinh đã tổ chức một buổi tiếp đón long trọng bằng cách đeo mặt nạ với hình nộm của ông Tập Cận Bình, họ đã tạo thành một chữ tượng hình có nghĩa là tên của Chủ tịch Tập bằng tiếng Trung.

"Chúng tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ khắc phục hợp lý sự khác biệt của mình và không cho phép chúng biến thành xung đột. Chúng tôi sẽ duy trì thái độ tế nhị đối với các vấn đề khiến chúng tôi lo lắng và các mối quan hệ của chúng tôi sẽ thúc đẩy hòa bình và ổn định trên thế giới", Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố, coi hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Tamil Nadu là khởi đầu mới kỷ nguyên trong quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

“Hội nghị thượng đỉnh không chính thức thứ hai giữa hai ông Narendra Modi và Tập Cận Bình là một ví dụ khác về mối quan hệ mạnh mẽ của Ấn Độ với các cường quốc thế giới và một xác nhận rằng Thủ tướng Modi đang nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới một cách bình đẳng. Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo sẽ có ảnh hưởng tích cực đến các mối quan hệ trong tam giác Moscow - Bắc Kinh - New Delhi và sự hợp tác của 3 nước trong BRICS", Đại sứ Ấn Độ tại Moscow, Bala Venkatesh Varma, khẳng định.

"Cuộc gặp không chính thức lần thứ hai của các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc đã diễn ra trong bối cảnh các yếu tố gây khó chịu lâu dài trong mối quan hệ của hai nước, như tranh chấp biên giới hoặc vấn đề Kashmir, đã mất đi tính thời sự và trong khi chúng tôi đã nhận thấy sự xuất hiện của các yếu tố mới. Từ quan điểm quân sự và kinh tế, Ấn Độ đang trở thành một quốc gia ngày càng mạnh mẽ với tầm ảnh hưởng vượt quá giới hạn của Ấn Độ Dương. Trong bối cảnh này, các tranh chấp lãnh thổ trước kia đang lùi lại phía sau vì nhu cầu tìm cơ hội cùng tồn tại trong không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng lớn", Alexander Lomanov, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu châu Á và Thái Bình Dương của Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho biết.

Theo chuyên gia này, cuộc đối đầu hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, được cảm nhận theo cách gay gắt nhất trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, mang đến cho Ấn Độ cơ hội duy nhất để đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về vấn đề kinh tế. "Sự khác biệt Trung-Mỹ đang thúc đẩy Trung Quốc chú ý hơn đến những đòi hỏi của Ấn Độ đối với sự mất cân bằng thương mại song phương và việc đưa các công ty Trung Quốc vào thị trường Ấn Độ cũng như khu vực. Trung Quốc không có hứng thú khi thấy Ấn Độ trở thành đồng minh của Mỹ về kinh tế và quân sự", ông Alexander Lomanov nói.

"Đây là một xu hướng đáng khích lệ đối với Nga vì Moscow sẽ không còn phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa các đối tác chiến lược của mình: Trung Quốc và Ấn Độ. Sự thu hẹp bất đồng giữa hai đỉnh của tam giác Moscow - Bắc Kinh - New Delhi đã biến mối quan hệ Ấn-Trung đang trong quá trình xây dựng trở nên hiệu quả và khả thi hơn, ngay cả khi mối quan hệ Trung Quốc và Ấn Độ cuối cùng có thể dẫn đến giảm dần vai trò của Nga trong tam giác này", ông Lomanov kết luận.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.