Tam giác chiến lược trong tương lai

Thứ Bảy, 02/07/2005, 07:08
Cuộc gặp lịch sử giữa ba bộ trưởng Ngoại giao của Nga, Ấn Độ và Trung Quốc vừa diễn ra tại Vladivostok (Nga) có những ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đây có thể coi là bước đi đầu tiên trong dự kiến thành lập một "tam giác chiến lược Moskva-Bắc Kinh-New Delhi".

Với kế hoạch này, các lý thuyết gia của liên minh trong tương lai trên đang mong muốn về một đối trọng mới cho một thế giới đa cực trong tương lai.

Một sáng kiến có từ 7 năm trước

Cho dù trên danh nghĩa, cuộc gặp tại Vladivostok được gọi là hội nghị 3 bên không chính thức thứ tư giữa các bộ trưởng Ngoại giao Nga, Trung Quốc và Ấn Độ; nhưng trên thực tế nó vẫn được coi là một “sự kiện đầu tiên” chưa có tiền lệ. Nguyên nhân là từ trước đó, đại diện của 3 quốc gia này chưa bao giờ chuẩn bị cho một cuộc gặp chính thức giữa các bên như thế này.

Các cuộc gặp trước đó chỉ diễn ra theo kiểu “một công đôi việc”, thường đi kèm với những sự kiện quan trọng hơn - như hai lần gặp gỡ tại New York trong khuôn khổ các kỳ họp của Đại hội đồng LHQ, và lần gần đây nhất là vào tháng 10/2004 tại Alma-Ata, trong thời gian hội nghị phối hợp của các quốc gia châu Á. Còn lần này, Moskva, Bắc Kinh và New Delhi cuối cùng đã quyết định bày tỏ những mối quan tâm chung một cách thực sự nghiêm túc.

Trước tiên, đại diện 3 bên đều tuyên bố, “liên minh mới” này nói chung không nhằm để chống lại bất cứ ai. “Cuộc gặp gỡ này không có dự định để chống lại bất kỳ một nước thứ ba nào. Tất cả 3 nước chúng tôi đều có những vai trò rất quan trọng, có những ảnh hưởng đáng kể trên diễn đàn thế giới. Chúng tôi cùng chia sẻ với nhau những quan điểm chung ở mọi mức độ khu vực cũng như quốc tế” - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Triệu Tinh đã giải thích.

Còn theo các nhà quan sát, một trong những mục tiêu chính của liên minh này chính là ý tưởng xây dựng một thế giới đa cực theo sáng kiến của cựu Thủ tướng Nga Evgheny Primakov trước đây. Hồi giữa những năm 1990, chính Primakov là người rất tích cực cổ xúy cho quan điểm “thế giới đa cực”. Cụ thể là vào mùa hè năm 1998, ông đã đưa ra đề nghị thành lập một “tam giác chiến lược Moskva-Bắc Kinh-New Delhi”, dù vào thời điểm đó Nga chưa nhận được sự hưởng ứng mặn mà của hai đối tác còn lại. Nhưng giờ đây, khi tình hình địa lý - chính trị trên thế giới đang có những thay đổi về căn bản, các bên đã bắt đầu nhìn nhận thấy tầm quan trọng của một tam giác chiến lược trên.

Những động cơ riêng biệt

Ngoài những mục đích mang tầm “vĩ mô” như đã nói ở trên, cả 3 bên quan tâm trước hết đến vai trò của việc hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo Moskva, chủ đề sẽ thu hút cả sự chú ý của New Delhi với những vấn đề phức tạp tại Kashmir và cả Bắc Kinh liên quan đến cộng đồng người Ui-gua. Điều này thể hiện trong tuyên bố chung của cả ba bên sau cuộc gặp vừa qua: “Chủ nghĩa khủng bố dưới bất kỳ một hình thức hay biểu hiện nào, không phụ thuộc vào nguồn gốc cũng như động cơ, đều là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Cuộc đấu tranh chống lại chúng cần phải tiến hành trên một cơ sở lâu dài, không có việc vận dụng những tiêu chuẩn theo kiểu lập lờ nước đôi”.

Dù vậy, mỗi bộ trưởng đều tới Vladivostok với những động cơ mang tính ưu tiên riêng của mình. Ví dụ như Ấn Độ quan tâm hàng đầu đến vấn đề cung cấp dầu của Nga, cũng như sự ủng hộ của Moskva và Bắc Kinh cho các nỗ lực của New Delhi nhằm gia nhập vào Hội đồng Bảo an LHQ. Liên quan đến mục tiêu này, các bộ trưởng đều bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tiến hành một cuộc cải cách toàn diện đối với LHQ, trong đó có cả thành phần của Hội đồng Bảo an.

Còn Bắc Kinh và Moskva lại đặc biệt chú ý đến an ninh quốc gia của mình tại khu vực Trung Á. Cũng như Nga, Trung Quốc hết sức lo ngại trước những biến đổi đột ngột tại các quốc gia chung đường biên giới với mình, sau những cuộc “cách mạng màu” và bạo động tại KyrgyzstanUzbekistan.

Thực tế cuộc gặp gỡ tại Vladivostok cho thấy, Nga và Trung Quốc gần như đã thỏa thuận được về việc thành lập một liên minh riêng chống lại những cuộc “cách mạng màu” tại Trung Á. Hành động này cho thấy, Nga đã sẵn sàng “chia sẻ trách nhiệm” với Trung Quốc liên quan đến những biến đổi đang diễn ra trong khu vực này. Theo một số nguồn tin từ Tổ chức hợp tác Thượng Hải, ngoài các căn cứ quân sự đã có sẵn của Nga, rất có khả năng Trung Quốc sẽ có một căn cứ quân sự mới tại miền Nam Kyrgyzstan.

Sự hợp tác giữa ba quốc gia (tuy chưa có được những ảnh hưởng chính trị hàng đầu) nhưng lại có số dân thuộc loại đông nhất thế giới, được chú ý đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Như Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaswant Singh đã đặc biệt nhấn mạnh về khả năng phát triển các mối quan hệ hợp tác thương mại - kinh tế và khoa học kỹ thuật đa phương giữa ba nước. Ông Singh cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của Ấn Độ trong việc xâm nhập vào thị trường dầu mỏ, khí gas của Nga. Rõ ràng là nếu biết quan tâm hợp tác một cách toàn diện và hợp lý, thị trường khổng lồ của cả 3 quốc gia này sẽ có được những lợi ích phát triển rất lớn.

Dù chưa thể nói quá nhiều về khả năng của “tam giác hợp tác chiến lược” trên, nhưng có thể đánh giá triển vọng của nó qua những lời phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Vương Gia Bảo hồi tháng 4 vừa qua: “Chúng tôi có thể xây dựng lại một trật tự thế giới mới!”

Thái Quân (Tổng hợp)
.
.