Tân Bộ trưởng Y tế Libya đối mặt với nạn tham nhũng

Thứ Bảy, 10/12/2011, 15:20

Tân Bộ trưởng Y Tế Libya Fatima Hamroush khẳng định nạn tham nhũng lan tràn và thói gia đình trị ở Libya đã gây "thiệt hại kinh khủng" cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia Bắc Phi này. Bà nhấn mạnh, tham nhũng trên diện rộng không thể nào đi cùng với sự tiến bộ.

Vào cuối tháng 11/2011, Quyền thủ tướng  Libya Abdurraheem al-Keib đã thành lập Nội các bao gồm 24 thành viên, và nữ bác sĩ khoa mắt Fatima Hamroush là một trong hai nữ bộ trưởng trong chính phủ. Hamroush giữ chức Bộ trưởng Y tế còn Mabrouka Jibril đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Xã hội. Nội các của quyền thủ tướng Al Keib sẽ tạm thời điều hành đất nước cho đến khi cuộc tổng tuyển cử quốc gia bắt đầu vào 8 tháng nữa. Bà Fatima Hamruosh cho biết, hệ thống y tế Lybia đang cần một chương trình "đại tu" toàn bộ. Đây không là nhiệm vụ của một người mà là của mọi người. 

Theo tân Bộ trưởng Y Tế, những hợp đồng cung cấp trang thiết bị y tế cho bệnh viện ở Libya thường không được quyết định theo chất lượng mà chỉ căn cứ theo món tiền hối lộ nhiều hay ít. Do đó mà trang thiết bị kém chất lượng trong các bệnh viện đã gây khó khăn không ít cho đội ngũ bác sĩ hành nghề.

Khi đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Y tế, nữ bác sĩ Fatima Hamroush đặt ra một trong số những ưu tiên hàng đầu của mình là chống tham nhũng và thói gia đình trị trong ngành. Nói chuyện trước báo giới, nữ bác sĩ Hamroush cho biết các bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải trước tình trạng hàng ngàn người bị thương trong cuộc bạo loạn nhằm lật đổ chế độ Muammar Gaddafi kéo dài 8 tháng và "tôi không thừa hưởng hoa hồng từ chế độ cũ mà chỉ kế thừa nạn tham nhũng trầm trọng trong hệ thống y tế quốc gia".

Một giải pháp trước mắt mà Hamroush đặt ra là thực thi nghiêm chỉnh pháp luật. Ưu tiên khác của Hamroush là bảo đảm chăm sóc y tế toàn diện cho hàng ngàn người bị thương trong cuộc nổi loạn chống chế độ Gaddafi. Bà đề nghị một biện pháp khẩn cấp là sẽ có một số người bị thương được chuyển đến Ireland, Mỹ và các quốc gia khác để chữa trị những vết thương mà Libya chưa thể đảm nhận và cũng nhằm giảm bớt sức ép cho mạng lưới bệnh viện còn yếu kém của nước này.

Bệnh viện Libya quá tải vì những người bị thương do chiến tranh.

Sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ, cuộc xung đột đẫm máu vẫn còn tiếp tục gây thiệt hại đáng kể cho người dân Libya trong nhiều tuần sau đó. Những quả bom chưa nổ nằm rải rác khắp các tỉnh thành Libya. Tại các thành trì cũ của Gaddafi ở Sirte và Bani Walid, những nơi diễn ra cuộc đọ súng quyết liệt trong những tuần cuối cùng của chiến tranh, người dân tiếp tục bị thương tật nặng nề khi quét dọn những thứ rác rưởi của cuộc chiến để lại. Thậm chí cuộc nội chiến khốc liệt còn sản sinh ra một thách thức khác không kém phần khắc nghiệt - đó là vô số phụ nữ là nạn nhân của tội phạm tấn công tình dục. Số nạn nhân này cũng cần được điều trị trong khi hệ thống bệnh viện ở Libya khó có thể cung cấp đủ mọi dịch vụ cần thiết.

Soaade Messoudi, nữ phát ngôn viên cho Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế, nhận định: "Libya có bác sĩ giỏi nhưng họ gặp vấn đề đối với những vết thương do đạn pháo gây ra. Do đó việc chữa trị cho những người bị thương do chiến tranh này là vấn đề hết sức khó khăn". Và, thực tế cho thấy số người cần được phẫu thuật nhiều lần và ghép chi giả là rất nhiều. Chỉ riêng ở Misrata, con số người bị thương đã vượt quá 13.000 người. Nữ Bộ trưởng Hamroush cho biết hiện đã có hơn 3.000 trường hợp cần phẫu thuật đặc biệt được chuyển ra nước ngoài chữa trị.

Nhiều người Libya bị thương còn phải chịu đựng những vấn đề về tâm lý, bao gồm stress hậu chấn thương. Trong khi đó những biện pháp trừng phạt quốc tế ngăn cấm bán thiết bị y tế cho Libya càng làm cho cuộc khủng hoảng trong mạng lưới bệnh viện khắp quốc gia Bắc Phi này thêm phần tồi tệ. Và đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến nạn tham nhũng lan tràn như bệnh dịch trong ngành này, theo báo cáo của nữ Bộ trưởng Fatima Hamroush.

Bà Hamroush nhấn mạnh: Libya có đủ tiền bạc và tài năng để tạo lập hệ thống chăm sóc sức khỏe theo tiêu chuẩn quốc tế. Bà tuyên bố: "Tôi không nghĩ rằng chúng ta cần sự hỗ trợ về tài chính. Bởi vì Libya là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, trong khi dân số chỉ có vỏn vẹn 6 triệu người". Tuy nhiên, Hamroush cũng nói thêm rằng cộng đồng quốc tế có thể đóng vai trò chủ chốt trong những chương trình huấn luyện đội ngũ bác sĩ và y tá cho Libya.

Fatima Hamroush chào đời ở thành phố Benghazi ngày 14/2/1960 và về sau trở thành công dân của Ireland. Hamroush tốt nghiệp ngành y Trường đại học Garyounis ở Ireland năm 1999 và sau đó là thành viên của Hội Phẫu thuật Hoàng gia Edinburgh của Scotland, Hội bác sĩ khoa mắt Ireland. Ngày 22/11/2011, Fatima Hamroush được bổ nhiệm làm nữ Bộ trưởng Y Tế đầu tiên của Libya thời hậu Gaddafi. Hamroush cũng là Giám đốc của Tổ chức cứu trợ khẩn cấp cho Libya của Ireland. Ngoài ra, Hamroush còn tham gia hoạt động chính trị, đấu tranh cho nhân quyền và ủng hộ "đấu tranh không bạo lực"

Diên San (tổng hợp)
.
.