Tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro – “Donald Trump” của Nam Mỹ

Thứ Ba, 06/11/2018, 10:50
Với kết quả giành được 55% số phiếu trong vòng bầu cử thứ hai diễn ra vào ngày 28-10 vừa qua, chính trị gia cực hữu, đồng thời là cựu quân nhân Jair Bolsonaro đã được bầu chọn làm tổng thống Brazil trong nhiệm kỳ mới.

Bỏ qua rất nhiều những lời cảnh báo trước đây - rằng họ có thể đang lựa chọn một người "căm ghét đồng tính luyến ái", "phân biệt giới tính", "phân biệt chủng tộc" hay thậm chí "theo chủ nghĩa phát xít" -  đa phần những cử tri bỏ lá phiếu cho ông Bolsonaro đều tin rằng, tân Tổng thống của họ sẽ giúp đưa đất nước ra khỏi bóng đen của tệ nạn tham nhũng và chiến thắng đói nghèo.

Nhà lãnh đạo mới của Brazil đã hứa hẹn sẽ đáp ứng mọi kỳ vọng của người dân và tiến hành những bước cải cách quy mô. Về đối ngoại, ông Bolsonaro cũng đang lên kế hoạch cho những "xoay chiều" mới: Không để Trung Quốc "mua sạch" Brazil, xích lại với Mỹ, Israel, các nước châu Âu và Nhật Bản…

Vượt qua thách thức

Ông Jair Bolsonaro và những người ủng hộ đã tổ chức ăn mừng khá linh đình vào đêm muộn ngày 28-10. Pháo hoa được bắn tại nhiều nơi trên khắp đất nước, còn bản thân tân tổng thống sau khi kết quả chính thức được công bố đã ba lần đứng ra gặp gỡ các cử tri để bày tỏ sự cảm ơn cùng với lời kêu gọi hòa giải và đoàn kết.

Bất chấp nỗ lực chống đối từ trong cũng như ngoài nước, đa phần cử tri Brazil do thất vọng với chế độ cũ đã bỏ phiếu cho ông Bolsonaro.

Giới phân tích cũng rất khó dự đoán được kết quả trước vòng bầu cử thứ hai vừa qua, cho dù các cuộc thăm dò trước đó đều có phần nghiêng về cho ông Bolsonaro.

Có thể nói, gần như cả thế giới đã sửng sốt khi ứng cử viên cực hữu - đã dẫn đầu với 46% số phiếu bầu sau vòng đầu tiên - có thể lên nắm quyền tại quốc gia lớn nhất Nam Mỹ. Một loạt các tờ báo tại châu Âu, Mỹ Latinh và cả Mỹ đều đăng những bài viết với những tiêu đề bày tỏ sự hoảng hốt này: Tờ El Pais của Tây Ban Nha còn cảnh báo rằng, ông Jair Bolsonaro coi chính trường như là "một chiến trường", là nơi ông ta cần phải tiêu diệt tất cả những kẻ bất đồng bằng "một cuộc thập tự chinh vì lòng tin, trật tự và kỷ luật quân đội".

Các đối thủ chính trị của ông Bolsonaro cũng đưa ra những viễn cảnh đáng sợ một khi ứng cử viên cực hữu giành được chiến thắng. "Chúng ta đang tiến gần tới đích của một cuộc đua với mối đe dọa đối với cả đất nước, nền dân chủ và nhân dân, những người sẽ phải nhận hậu quả nặng nề hơn cả" - cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người ban đầu đáng ra phải trở thành đối thủ chính của ông Bolsonaro, đã viết những lời như vậy từ trong tù.

Một loạt những nỗ lực khác nhằm ngăn chặn ông Bolsonaro lên nắm quyền cũng đã được triển khai. Lá đơn thỉnh cầu trên trang Change.org đã thu hút được chữ ký của hơn 33 ngàn người - trong đó đáng chú ý có các cựu tổng thống Pháp và Argentina là Francois Hollande và Cristina Kirchner, thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders, nhà hoạt động nhân quyền Angela Davis, chính luận gia và triết gia nổi tiếng Noam Chomsky... Chưa kể chỉ vài ngày trước khi vòng hai diễn ra, Viện Kiểm sát liên bang Brazil đã mở hai cuộc điều tra nhằm vào cố vấn kinh tế Paulo Guedes của Bolsonaro. Nhân vật này bị nghi ngờ có các hành vi gian lận khi điều hành quỹ của các công ty nhà nước, cũng như trong các thương vụ tài chính mạo hiểm.

Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực trên đã không thể thuyết phục những người ủng hộ cho ông Bolsonaro từ bỏ lá phiếu lựa chọn ông. Ông Bolsonaro đã giành thắng lợi với 55% số phiếu, vượt qua ứng cử viên từ Đảng lao động Fernando Haddad (giành được 44,8% phiếu bầu).

Giấc mơ quân đội và chiếc ghế Tổng thống

Jair Bolsonaro bắt đầu mơ ước về sự nghiệp của một quân nhân và sau đó là tổng thống khi còn là một cậu bé 15 tuổi. Vào năm 1970, chính quyền phát hiện ra nơi ẩn náu của Carlos Lamarca - nhà tổ chức phong trào du kích "Popular Revolutionary Vanguard", đồng thời là thủ lĩnh lực lượng kháng chiến chống lại chế độ độc tài tại Brazil khi đó. Trại huấn luyện của lực lượng này nằm tại thị trấn nhỏ Eldorado với dân số gần 15 ngàn người. Đây cũng là nơi cậu học sinh Bolsonaro khi đó đang sống.

Theo người bạn cùng lớp của tân tổng thống là Don Narcis khi trả lời phỏng vấn tờ El Pais, chiến dịch truy lùng quân du kích diễn ra hết sức ác liệt khi đó đã gây ấn tượng mạnh tới Bolsonaro, là nguyên nhân khiến cậu xác định sự nghiệp tương lai của mình. "Cậu ta không ngừng nói với tôi và tất cả mọi người rằng, sẽ rời khỏi Eldorado để gia nhập quân đội" - Narcis nhớ lại. Để có thêm tiền học, Bolsonaro thường xuyên đi đánh bắt cá để bán, ngoài ra chỉ có tập trung vào việc học. 

"Nếu như tất cả thường xuyên tới câu lạc bộ khiêu vũ, thì chúng tôi chỉ biết cắm đầu vào sách vở - người bạn thời phổ thông khác là Gilma Alves kể với phóng viên El Pais - Bạn ấy rủ tôi cùng vào quân đội, do các tổng thống thời đó đều là các quân nhân, trong khi cậu ấy mong muốn trở thành tổng thống". Cuối cùng thì cậu học sinh từ thị trấn nhỏ Eldorado đã đạt được cả hai mục đích của mình: năm 1977 tốt nghiệp Học viện quân sự Agulhas Negras, phục vụ trong các lực lượng pháo binh và đổ bộ; và cuối cùng giành được chiếc ghế tổng thống Brazil vào năm 2018.

Lần đầu tiên tổng thống tương lai Bolsonaro có thể cảm thấy được sự ủng hộ đông đảo của công chúng là vào năm 1986. Quân nhân mới 31 tuổi khi đó đã đăng một bài báo trên tạp chí Veja, trong đó phàn nàn về chuyện lương bổng quá thấp cho các quân nhân, khiến nhiều học viên buộc phải rời bỏ nhà trường quân sự. Chính vì chuyện này, ông bị tống giam suốt nửa tháng. Nhưng bù lại, 150 quân nhân cùng vợ con họ trên khắp đất nước đã gửi những bức điện bày tỏ sự ủng hộ cũng như cảm ơn. Được trả tự do, Bolsonaro tiếp tục đứng ra đấu tranh vì quyền lợi của các quân nhân, trước khi lần đầu tiên được bầu làm dân biểu thành phố Rio de Janeiro vào năm 1988.

Đó cũng là thời điểm bắt đầu sự nghiệp chính trị của Đại úy Bolsonaro. Rất nhanh chóng đến năm 1991, ông đã có chân trong quốc hội Brazil, liên tục tái cử trong các cuộc bầu cử sau đó. Các nhà quan sát chính trị đều đánh giá ông Bolsonaro là một chính trị gia theo chủ nghĩa cá nhân (được bầu vào quốc hội với tư cách thành viên của 7 đảng phái khác nhau), người có không ít lần có những tuyên bố đi ngược lại với quan điểm của đa số. 

Trong thời gian này, ông Bolsonaro là tác giả đề xuất 190 dự luật khác nhau, hơn một nửa trong số này có liên quan đến lĩnh vực quân sự và an ninh xã hội. Ông lên tiếng ủng hộ cho bản án tử hình, áp dụng chế độ lao động cưỡng bức đối với các tù nhân, cho phép sở hữu vũ khí vì các lý do an ninh, kiểm soát tỉ lệ sinh, giảm bớt diện tích sinh sống của thổ dân…  Từng cưới vợ tới 3 lần và có con trong tất cả các cuộc hôn nhân, ông Bolsonaro luôn cổ xúy cho các mối quan hệ gia đình truyền thống, nhấn mạnh lòng sùng đạo của mình, luôn kết thúc các bài phát biểu với câu "Chúa trời cao hơn tất cả".

Những nhận định ban đầu

Những hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử của ông Bolsonaro chủ yếu là sự lặp lại của các sáng kiến do ông nêu ra khi còn là nghị sĩ. Tuy nhiên ngoài những luận điểm về ủng hộ tự do mang vũ khí, bản án tử hình và trách nhiệm hình sự, tân tổng thống còn có nhiều đề xuất đáng chú ý khác. Chẳng hạn ông dự định tăng cường trừng phạt liên quan đến tội tham nhũng, đảm bảo cho cảnh sát có cơ sở pháp lý để sử dụng vũ lực, mở thêm các trường quân sự tại những thành phố lớn, không cho phép các cặp vợ chồng đồng tính nhận con nuôi, tự do hóa đạo luật về ma túy, hợp thức hóa việc phá thai, giảm tỉ lệ hành vi bạo lực với phụ nữ…

Ông Bolsonaro cùng vợ trong buổi lễ ăn mừng chiến thắng.

Đáng chú ý nhất là các kế hoạch quy mô về cải cách chính trị như bãi bỏ khả năng được bầu lại của tổng thống và các quan chức đại diện chính quyền, tăng nhiệm kỳ tổng thống từ 4 lên 5 năm, giảm số lượng nghị sĩ từ 513 xuống còn 400, giảm một nửa số lượng các bộ trong chính phủ. Tân Tổng thống Bolsonaro hứa hẹn trong trường hợp những cải cách trên đều thành công, ông chỉ làm tổng thống trong 4 năm và sẽ không ra tái tranh cử.

Trong lĩnh vực kinh tế, tân tổng thống đề xuất giảm thuế cho tất cả mọi người, trong đó xem xét khả năng miễn thuế cho các công dân có thu nhập từ trung bình trở xuống. Ông Bolsonaro dự kiến sẽ triển khai chương trình tư hữu hóa phần lớn các doanh nghiệp nhà nước của Brazil, kèm theo các biện pháp đề phòng để không rơi vào tay các thương gia Trung Quốc. Chính trị gia này không hề che giấu sự ác cảm đối với Trung Quốc, vì theo như ông, Bắc Kinh không chỉ đang mở rộng buôn bán tại đây, mà còn đang tìm cách "mua cả nước Brazil". Cần nhớ trong thời gian cầm quyền của người tiền nhiệm Dilma Rousseff từ 2010 đến 2016, đầu tư của Trung Quốc vào Brazil đã tăng tới 37%. Bắc Kinh đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Brazil.

Về đối ngoại, tân tổng thống công khai chính sách nghiêng về Mỹ và Israel. Đây cũng là hai quốc gia mà ông dự định đến thăm đầu tiên trên cương vị tổng thống. Ông Bolsonaro hứa hẹn sẽ theo gương Mỹ, chuyển đại sứ quán Brazil tại Israel từ Tel-Aviv tới Jerusalem. Dù không thừa nhận Palestine là một quốc gia, ông cũng khẳng định "không có ý định chống lại nhân dân Palestine". Ông Bolsonaro bày tỏ mong muốn xích lại gần hơn với châu Âu và Nhật Bản.

Bất chấp việc có thiện cảm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nguyên thủ Brazil cho biết sẽ không theo chân tổng thống Mỹ ở tất cả mọi chuyện, chẳng hạn như không có ý định rút khỏi Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu. Thắng lợi của ông Bolsonaro cũng đang đặt một dấu hỏi lớn về tương lai của BRICS (Khối hiệp ước giữa các nền kinh tế mới nổi bao gồm có Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Tất nhiên, việc ông Jair Bolsonaro được tín nhiệm chọn lựa không phải bắt nguồn từ những chính sách đối ngoại của ông. Theo các kết quả thăm dò, tân tổng thống đã thu hút được sự ủng hộ của cử tri trên hết là nhờ những hứa hẹn sẽ cho phép tự do sở hữu vũ khí và thanh toán nạn tội phạm. Brazil đang có một tỉ lệ các vụ tội phạm khá cao. Riêng thống kê trong năm 2017, tại quốc gia này có tới 63.880 người bị sát hại: tính trung bình 7 người mỗi giờ, 175 người mỗi ngày. Thắng lợi của ông Bolsonaro còn nhờ vào sự thất vọng của đa số người dân Brazil đối với Đảng lao động cầm quyền, do chính các cựu tổng thống từ đảng này cũng đã trở thành nhân vật chính của các vụ bê bối tham nhũng.

Dù thế nào, kết quả cuộc bầu cử đã gây ra hàng loạt những vụ xung đột trên khắp Brazil. Ngay sau khi tân tổng thống tuyên bố sẽ thay đổi về cơ bản những chính sách của chính phủ tiền nhiệm, những người ủng hộ và chống đối ông đã có những vụ xô xát lớn tại Sao Paolo, khiến cảnh sát phải sử dụng đạn cao su để ngăn chặn. Đa phần báo chí phương Tây đều bày tỏ mối lo ngại thực sự về tình hình sắp tới tại Brazil, thậm chí còn nhắc tới khả năng về một chế độ độc tài quân sự mới sẽ được thiết lập tại một quốc gia mà chế độ dân chủ mới được khôi phục 30 năm trước đây.

Tờ The New York Times (Mỹ) còn đưa ông Bolsonaro vào đội ngũ một loạt các chính trị gia cực hữu mới lên nắm quyền tại châu Âu - trong đó đáng chú ý có Matteo Salvini tại Italy (hiện đang là Bộ trưởng nội vụ nhưng là thủ lĩnh của một trong hai đảng thuộc liên minh cầm quyền) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Theo tờ báo này, chiến thắng của thêm một chính trị gia trong đội ngũ này có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ châu Mỹ Latinh, cũng như dẫn tới những thay đổi quan trọng tại các quốc gia trong khu vực.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.