Tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển

Thứ Ba, 25/11/2014, 13:45

Theo chương trình, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đây là dự thảo luật được cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi với nhiều thay đổi quan trọng giúp đơn giản hóa nhiều thủ tục…

Điểm thay đổi quan trọng nhất của Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này là tới đây doanh nghiệp sẽ thực sự được làm những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ được làm những gì đã đăng ký. Theo dự thảo luật, doanh nghiệp có quyền: Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

Thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng điểm nhấn quan trọng trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã chuyển được định chế về ngành nghề cấm kinh doanh và đầu tư và ngành nghề đầu tư có điều kiện từ Luật Doanh nghiệp sang Luật Đầu tư để đảm bảo tính thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh doanh để những nội dung này không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp mà tất cả các chủ thể kinh doanh khác.

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng: “Nguyên tắc cao nhất của quyền tự do kinh doanh là doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Theo điều 28 của dự thảo luật có nêu doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi đủ các điều kiện ngành nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh. Nếu không đưa ra các danh mục ngành nghề cấm kinh doanh thì hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Tôi  đề nghị dự thảo luật cần bổ sung danh mục này để định hướng cho hoạt động doanh nghiệp”.

Một điểm mới trong dự thảo Luật Doanh nghiệp lần này là không ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp phải đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó, được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề ghi trong Giấy chứng nhận, khi muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký thì ngoài việc phải thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp còn phải tiến hành thủ tục bổ sung, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định này chỉ mang tính thủ tục hành chính, gây phiền hà không cần thiết và gây rủi ro cho doanh nghiệp. Dự án luật quy định không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của dự án luật, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ kê khai ngành, nghề dự kiến kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; thông báo với Cơ quan đăng ký doanh nghiệp khi thay đổi ngành, nghề kinh doanh và thực hiện báo cáo hằng năm với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có nội dung về ngành, nghề đang kinh doanh.

Ngoài ra, dự án luật cũng bổ sung quy định Cơ quan đăng ký doanh nghiệp trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp theo những nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Quy định như vậy cơ bản đáp ứng yêu cầu về đổi mới công tác hậu kiểm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM) nêu băn khoăn về quản lý doanh nghiệp sau khi thành lập. Theo ông Ánh, trong luật không có chế tài nào ràng buộc doanh nghiệp và vai trò quản lý trong việc thành lập doanh nghiệp để quản lý từ khi thành lập tới khi doanh nghiệp hoạt động. Trên thực tế những năm qua, nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật, họ thành lập ra doanh nghiệp để mua bán hóa đơn, trốn thuế, lậu thuế, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản Nhà nước thông qua hình thức hoàn thuế giá trị gia tăng. Hàng ngàn doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm, nợ hải quan, nợ thuế mà không thể thu hồi được.

“Tại thành phố lớn, nhiều doanh nghiệp kinh doanh các loại hình karaoke, quán bar, khách sạn có vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử phạt hành chính nhưng ngay sau đó, họ giải thể doanh nghiệp hoặc trốn tránh. Nhưng sau đó một tuần, tại địa điểm đó lại có một doanh nghiệp tên khác kinh doanh như cũ mà thực ra vẫn một chủ cũ mà thôi. Vẫn tài sản đó, con người đó, việc này lặp đi lặp lại nhiều lần với nhiều tên khác nhau nhưng không xử lý hình sự được và cũng không tìm ra chủ doanh nghiệp để thi hành quyết định xử phạt hành chính vì không tìm ra chủ doanh nghiệp. Mặt khác, cũng từ sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, các nhà đầu tư luôn muốn thành lập doanh nghiệp khi có dự án mới, sau đó giải thể ngay để tránh thanh tra kiểm tra dẫn tới nhiều hệ quả cho xã hội mà không biết tìm ở đâu để xử lý”.

Một nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là quy định về con dấu doanh nghiệp. Nhiều người cho rằng đã đến lúc phải chấm dứt sự tồn tại của con dấu tại doanh nghiệp, bởi đây là một sự lạc hậu của Việt Nam so với thế giới và gây nhiều hệ lụy, lãng phí cho doanh nghiệp. Thay bằng con dấu cần nâng cao cơ chế để xác thực được chữ ký của người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, đồng thời phải quy định chế tài thật nghiêm khắc trong việc giả mạo chữ ký.

Đề cập tới nội dung này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng ở nhiều nước, việc xác định giá trị pháp lý văn bản giao dịch của doanh nghiệp chỉ cần căn cứ vào chữ ký của đại diện các bên giao dịch; hiện nay, chữ ký số cũng đã được sử dụng. Tuy nhiên, với tập quán, thói quen sử dụng con dấu và điều kiện hạ tầng kỹ thuật ở nước ta, trong thời gian tới vẫn cần giữ quy định về doanh nghiệp phải có con dấu riêng, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu; việc thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử sẽ được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng khi có đủ điều kiện thích hợp.

Dự án luật quy định về con dấu của doanh nghiệp theo hướng cải cách thủ tục hành chính; theo đó, doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải bảo đảm nội dung con dấu thể hiện tên, mã số doanh nghiệp. Mẫu con dấu được doanh nghiệp thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Con dấu của doanh nghiệp được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu. Trường hợp giao dịch với các đối tác không sử dụng dấu thì doanh nghiệp Việt Nam cũng không bắt buộc sử dụng dấu mà các bên giao dịch xác định giá trị pháp lý văn bản căn cứ vào chữ ký của người có thẩm quyền giao dịch.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) con dấu có thể không cần doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng ký nhưng doanh nghiệp phải có con dấu, con dấu đó do doanh nghiệp trực tiếp chịu trách nhiệm và chỉ nên có một con dấu. Doanh nghiệp phải đăng ký con dấu đó và chịu trách nhiệm về con dấu. Doanh nghiệp có thể tự lựa chọn kiểu dáng, màu sắc con dấu nhưng phải có sự đăng ký, quản lý để sau này tránh bị làm giả. Doanh nghiệp được phép tự làm con dấu nhưng phải đăng ký con dấu đó giống như đăng ký thương hiệu, nếu không các đối tác sẽ không biết đó là giả hay thật

Nguyễn Thiêm
.
.