Tây Ban Nha: Bắt giữ nhân vật số 1 của Tổ chức ly khai xứ Basque

Thứ Hai, 02/06/2008, 10:15
Bốn nhân vật lãnh đạo cao cấp của Tổ chức ly khai xứ Basque (ETA) đã bị bắt tại thành phố Bordeaux, Pháp, tối 21/5 vừa qua, trong số đó có Javier Lopez Pena, biệt danh Thierry hoặc Zulos, được coi như lãnh đạo cao nhất bộ máy chính trị của ETA.

Vụ bắt giữ này, theo các phương tiện truyền thông Tây Ban Nha, là đòn chí mạng nhằm vào tổ chức vốn bị liệt vào nhóm khủng bố từ sau khi thủ lĩnh của tổ chức này là Mikel Albizu, biệt danh Mikel Antza bị cảnh sát bắt giữ tại vùng tây - nam nước Pháp hồi tháng 10/2004.

Vụ vây bắt diễn ra vào lúc 23h30 giờ địa phương trong một căn hộ tại trung tâm Bordeaux (tây - nam nước Pháp), trong khuôn khổ một chiến dịch phối hợp giữa Cảnh sát Pháp và lực lượng an ninh nội địa Tây Ban Nha.

Ba nhân vật lãnh đạo khác của ETA là Jon Salaberria, Igor Suberbiola và một phụ nữ là Ainhoa Zaeta Mendiondo cũng bị bắt giữ. Theo Cảnh sát Pháp, đã không có bất cứ sự chống trả nào từ phía những kẻ tình nghi. Cảnh sát cũng đã thu giữ được một số vũ khí cầm tay cùng 1 chiếc máy tính. Hiện tại, 4 nghi can đã được dẫn về tạm giam tại Sở cảnh sát thành phố Bordeaux trước khi được dẫn độ về Tây Ban Nha.

Lopez Pena là một trong những nhân vật chính chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ trong lệnh ngừng bắn giữa quân đội Chính phủ Tây Ban Nha và Tổ chức ETA hồi năm ngoái.

Theo cảnh sát nước này, Javier Lopez Pena, năm nay 49 tuổi, chạy trốn khỏi sự truy nã của Cảnh sát Tây Ban Nha trong suốt hơn 20 năm qua, đứng lên nắm quyền điều hành bộ máy chính trị của ETA từ năm 2006, thời kỳ đổ vỡ của những cuộc thương thuyết giữa tổ chức này với chính phủ của thủ tướng thuộc đảng Xã hội José Luis Rodriguez Zapatero.

Javier Lopez Pena lúc đó đã lên thay cho José Antonio Urrutikoetxea, biệt hiệu Josu Ternera. Trước đây, Javier Lopez Pena đã cùng Urrutikoetxea và Aitzol Iriondo, biệt hiệu Gurbitz, điều hành bộ máy quân sự của ETA trong suốt một thời gian dài.

Trốn chạy từ năm 1983, Javier Lopez Pena bị Bộ Nội vụ Tây Ban Nha kết tội chủ mưu trong vụ tấn công khủng bố tại sân bay Barajas Madrid hồi tháng 12/2006 làm 2 người chết và hàng trăm người khác bị thương. Vụ khủng bố này đã đặt dấu chấm hết cho lệnh ngừng bắn vô điều kiện của ETA công bố hồi tháng 3/2006.

Vụ bắt giữ 4 lãnh đạo của ETA trên diễn ra sau hai vụ tấn công khủng bố bằng xe bom tại xứ Basque một tuần trước đây. Vụ khủng bố gần đây nhất xảy ra ngày 14/5 vừa rồi tại một trại lính ở Legutiano làm 1 binh sĩ quân đội chính phủ thiệt mạng cùng 4 người khác bị thương.

Hiện trường vụ đánh bom ngày 14/5 tại Legutiano.

Trước đó (14/8/2007), Cảnh sát Pháp cũng đã phát hiện một kho vũ khí và chất nổ của ETA, trong đó có 150 kíp nổ, 3 khẩu súng ngắn, 40kg chất nổ và 2 quả bom.

Ngoài ra, Cảnh sát Pháp còn bắt được 3 thành viên ETA khác cùng với hơn 100kg chất nổ và đây là vũ khí để bọn chúng chuẩn bị tiến hành các vụ đánh bom khủng bố mới.

Cách đây khoảng 8 tháng (tháng 9/2007), Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Alfredo Perez Rubalcaba thông báo, cảnh sát nước này đã phối hợp thành công với Cảnh sát Pháp trong vụ bắt giữ 4 (3 nam, 1 nữ) thành viên chủ chốt của ETA tại Cahors, gần thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp. Trong số 4 tên kể trên, đáng kể nhất là Luis Ignacio Iruretagoyena, kẻ được mệnh danh là “vua bom” của ETA.

Được báo cáo thông tin trên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Michèle Alliot Marie đã gửi lời chúc mừng tới các lực lượng cảnh sát và nhấn mạnh rằng sự chuyên nghiệp của các lực lượng cảnh sát trong vụ bắt giữ này thể hiện ở chỗ đã làm những kẻ tình nghi không kịp trở tay đồng thời thu giữ tại hiện trường nhiều vũ khí.

Về phần mình, Thủ tướng Pháp François Fillon cũng chúc mừng các lực lượng cảnh sát về chiến công này và cho biết điều này chứng tỏ sự hợp tác chống khủng bố giữa Pháp và Tây Ban Nha đã đạt hiệu quả thực tế. “Paris sẽ tiếp tục hợp tác với Madrid trong cuộc chiến chống khủng bố” - ông Fillon cho biết.

ETA là chữ viết tắt của “Euskadi Ta Azkatasuna” (Tổ quốc Basque tự do) đây là tổ chức theo chủ nghĩa cực đoan. ETA được thành lập từ năm 1959 với mục đích đấu tranh trước sự đàn áp của chính quyền độc tài Franco.

Tuy nhiên, sau cái chết của Franco (1975), mặc dù đã được hưởng những quy chế tự trị rộng rãi như có nghị viện, hệ thống giáo dục, cảnh sát cùng phương thức thu thuế riêng, song ETA và những người ủng hộ vẫn muốn tách xứ Basque để thành lập một quốc gia riêng bao gồm 3 tỉnh miền Nam nước Pháp là Labourd, Basse Navarra, Soule và 4 tỉnh phía bắc của Tây Ban Nha là Vizcaya, Guipuzcoa, Alava, Navarra.

Để hợp pháp hóa việc tranh đấu của mình, năm 1978 ETA đã cho thành lập đảng Herri Batasuna. Ngoài tổ chức chính trị kể trên, ETA còn thành lập “Đoàn thể chính trị EKIN” - phụ trách tiền bạc và lên kế hoạch cho ETA.

Kể từ khi thành lập đến nay, ETA luôn tiến hành những vụ khủng bố, ám sát hòng gây áp lực với chính phủ. Nhưng sau sự kiện 11/9/2001, ETA đã bị các quốc gia châu Âu coi là một trong những tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất.

Đi đầu trong cuộc chiến chống ETA khi đó là Thủ tướng Jose Maria Aznar, người từng bị ETA tổ chức ám sát hụt năm 1995. Vụ khủng bố đầu tiên của ETA diễn ra vào năm 1961 - làm đổ đoàn tàu hỏa chở các chính trị gia Tây Ban Nha. Năm 1968, nạn nhân đầu tiên của ETA là Meliton Manzanas, nhân viên cảnh sát ở thành phố San Sebastian.

Nạn nhân cuối cùng được ETA thừa nhận là một cựu cố vấn thuộc đảng Xã hội xứ Basque, Isaias Carrasco, bị ám sát bởi một thành viên của ETA ngày 7-3 vừa qua, tức là 2 ngày trước khi cuộc bầu cử Quốc hội tại Tây Ban Nha diễn ra.

Ngay sau khi tái đắc cử, và đàm phán thất bại với ETA, Thủ tướng Tây Ban Nha Zapatero tuyên bố, việc xóa bỏ tổ chức này là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới. Theo ông Zapatero, chính sự tái diễn các cuộc khủng bố của ETA đã làm cho nền kinh tế Tây Ban Nha rơi vào khủng hoảng

Nguyễn Thị Lân - Bảo Phương (tổng hợp)
.
.