Tây Ban Nha: Vì sao vùng Catalonia muốn trở thành một quốc gia độc lập?
- 90% người dân Catalan bỏ phiếu độc lập rút khỏi Tây Ban Nha
- Nhà vua Tây Ban Nha cùng nửa triệu người tuần hành rầm rộ chống khủng bố
Ngày 6-9-2017, căn cứ theo sắc lệnh của ông Carles Puigdemont, Thủ hiến xứ Catalonia, Nghị viện vùng Catalonia đã quyết định sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 1-10 để Catalonia trở thành một quốc gia độc lập, gọi là Catalan, tách khỏi Tây Ban Nha, đồng thời kêu gọi 948 thị trưởng trong vùng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cuộc bỏ phiếu. Đã có 712 thị trưởng cam kết sẽ sử dụng trụ sở của mình để phục vụ sự kiện này.
Tuy nhiên, Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố rằng tất cả mọi cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Catalonia đều bất hợp pháp vì hiến pháp quy định Tây Ban Nha là quốc gia không thể chia tách. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết “sẽ làm mọi cách để ngăn chặn cuộc trưng cầu”...
Nguồn gốc cuộc trưng cầu dân ý
Nằm ở phía đông bắc bán đảo Iberia, Catalonia (hay còn được gọi là Catalunya, Catalonha theo ngôn ngữ địa phương) gồm 4 tỉnh là Barcelona, Girona, Lleida và Tarragona. Thủ phủ và cũng là thành phố lớn nhất của Catalonia là Barcelona, đồng thời cũng là thành phố lớn thứ nhì ở Tây Ban Nha. Ngôn ngữ chính thức của Catalonia là tiếng Catalunya, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Occitan.
Hàng nghìn người Catalonia xuống đường đòi quyền tự do trưng cầu dân ý. |
Thế kỷ XIX, Catalonia chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các cuộc chiến tranh do Hoàng đế Pháp Napoleon khởi xướng và cuộc nội chiến Carlos. Năm 1914, bốn tỉnh của Catalonia thành lập khối thịnh vượng chung. Thời Đệ nhị Cộng hòa (1931-1939), những người đứng đầu Catalonia được Tây Ban Nha cho phép tồn tại như một chính phủ tự trị. Tuy nhiên, khi nhà độc tài Francisco Franco lên nắm quyền, ông này đã ban hành các biện pháp đàn áp, bãi bỏ các tổ chức do Chính phủ Catalonia lập ra, cấm sử dụng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Tây Ban Nha.
Khi chính quyền Franco sụp đổ, Thế chiến 2 kết thúc, từ cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970, Catalonia tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, thành phố Barcelona trở thành một trong các đại đô thị công nghiệp lớn nhất châu Âu. Đến khi Tây Ban Nha khôi phục chế độ dân chủ (1975-1982), Catalonia giành lại một số quyền tự trị về chính trị và văn hóa.
Với dân số 7,5 triệu người, vùng này đóng góp hơn 1/5 tổng thu nhập của Tây Ban Nha, chiếm 1/4 lượng hàng hóa xuất khẩu và có trong tay đội bóng nổi tiếng thế giới FC Barcelona, thu nhập tính theo đầu người bình quân 35.000USD/năm. Nếu chỉ đứng riêng một mình, kinh tế Catalonia xếp hạng 34 trên toàn thế giới, còn cao hơn cả Hong Kong lẫn Bồ Ðào Nha.
Tuy nhiên, từ những năm 2000, chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính của Cộng đồng chung châu Âu (EC), nền kinh tế Tây Ban Nha bắt đầu sa sút thì cộng đồng Catalonia xuất hiện ý tưởng muốn ly khai. Hơn nữa, năm 2006, khi việc thỏa thuận một bản hiến pháp mới dành cho vùng Catalonia sắp sửa được thông qua thì đảng Bảo thủ, vốn là phe đối lập lúc đó, đã ngay lập tức đệ trình một dự thảo luật mới lên Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha, và đã được chấp thuận.
Sự kiện ấy khiến làn sóng người Catalonia đòi ly khai ngày càng nhiều. Những cuộc thăm dò ý kiến vào năm 2006 cho thấy phần lớn dân Catalonia - những người nói ngôn ngữ riêng của mình tin rằng tiền thuế của họ đang được Chính phủ Tây Ban Nha dùng để hỗ trợ cho người miền nam nghèo khổ, lười biếng, sống nhờ vào trợ cấp.
Ý tưởng ấy càng sôi sục khi năm 2010, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách công bố một quyết định, nội dung bác bỏ một phần trong điều lệ mới của chính phủ Catalonia tự trị - vốn đã được thông qua bởi một cuộc trưng cầu dân ý với người dân Catalonia..
Quyết không chịu thua, giữa năm 2014, Thủ hiến xứ Catalonia là ông Artur Mas lập kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý “không mang tính ràng buộc về nền độc lập”, dự định diễn ra vào ngày 9-11-2014 dưới hình thức “tham vấn”, trong đó ông đòi lại quyền thu thuế.
Và mặc dù Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã công bố quyết định đình chỉ vì cho rằng nó vi hiến nhưng cuộc trưng cầu dân ý vẫn được ông Mas tổ chức với hơn 80% trong tổng số gần 2 triệu người Catalonia tham gia bỏ phiếu, ủng hộ nền độc lập của Catalonia cho dù về mặt pháp lý, nó không mang lại kết quả nào.
Ngày 11-9-2015, khoảng 1,4 triệu người Catalonia xuống đường tuần hành tại thành phố Barcelona để hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ hiến Artur Mas về việc tổ chức các cuộc bầu cử sớm vào ngày 27-9-2015.
Theo kế hoạch, đảng Hội tụ và Liên minh (CIU) trung hữu cầm quyền của ông Artur Mas và đảng Cánh tả Cộng hòa xứ Catalonia (ERC) sẽ cùng liên kết đề cử các ứng cử viên. Nếu giành được đa số phiếu ủng hộ, Catalonia sẽ đơn phương rời khỏi Tây Ban Nha. Theo giới quan sát chính trị quốc tế thì đây là sự kiện mà ông Artur Mas mong muốn tận dụng như một cuộc trưng cầu dân ý.
Trước sự kiện này, Chính quyền Tây Ban Nha buộc phải “xuống nước”. Ngoại trưởng Tây Ban Nha là ông Jose Manuel Garcia-Margallo tuyên bố sẵn sàng mở các cuộc đàm phán về sửa đổi hiến pháp, trao thêm quyền về tài chính cho vùng Catalonia nhưng nó sẽ chỉ diễn ra sau khi Catalonia tổ chức những cuộc bầu cử theo từng khu vực.
Nhận thấy đây chỉ là kế hoãn binh, ngày 11-9-2016, hơn nửa triệu người Catalonia lại xuống đường tuần hành ở thành phố Barcalonia. Đến ngày 6-9-2017, căn cứ theo sắc lệnh của ông Carles Puigdemont, Thủ hiến vùng Catalonia, Nghị viện Catalonia đã ban hành một đạo luật quy định về khung pháp lý của một nhà nước độc lập, và quyết định sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 1-10 tới đây để Catalonia trở thành Catalan, tách khỏi Tây Ban Nha.
Một phụ nữ Catalonia đứng cạnh một cảnh sát Tây Ban Nha với khẩu hiệu “Tôi muốn bầu cử”. |
Lần này, Madrid phản ứng mạnh. Ngày 13-9, Văn phòng Công tố trung ương Tây Ban Nha ra lệnh tiến hành điều tra hình sự đối với 712 thị trưởng ở Catalonia vì đã ủng hộ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập bằng cách gửi lệnh triệu tập với lý do “là nghi can chính trong vụ điều tra vi phạm hiến pháp”. Lệnh triệu tập cũng đề cập đến việc các nghi can nếu không chấp hành, có thể sẽ bị cảnh sát bắt giữ.
Bên cạnh đó, Cơ quan công tố Tây Ban Nha cũng đã chính thức khởi kiện người đứng đầu vùng Catalonia là ông Carles Puigdemont và các thành viên chính quyền vì đã lập kế hoạch trưng cầu trái phép, đồng thời cảnh sát được lệnh tịch thu các hòm phiếu, phiếu bầu và những phương tiện khác có thể được sử dụng cho cuộc trưng cầu.
Rối như canh hẹ
7 ngày sau khi Văn phòng Công tố trung ương Tây Ban Nha ra lệnh tiến hành điều tra hình sự đối với 712 thị trưởng ở Catalonia vì đã ủng hộ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập, ngày 20-9, Cảnh sát Tây Ban Nha tiến hành lục soát 42 cơ sở, gồm nhà riêng của một số quan chức thuộc chính quyền Catalonia, 6 văn phòng chính phủ địa phương và 3 công ty ở Barcelona, bắt giữ 12 người, trong đó có ông Xavier Puig, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, Quan hệ thể chế và Tính minh bạch của Chính phủ Catalan, ông Josep Maria Jove, Tổng thư ký Kinh tế và ông Lluis Salvado, Giám đốc kinh tế khu vực Oriol Junqueras, đồng thời tịch thu 10 triệu lá phiếu.
Không dừng lại ở đó, Bộ Tài chính Tây Ban Nha cho biết họ đang áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với Chính phủ Catalan để đảm bảo rằng tiền bạc của nhân dân sẽ không được sử dụng cho mục đích trưng cầu dân ý. Theo Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha là ông Cristobal Montoro, tất cả các khoản chi tiêu công của Catalonia sẽ được xử lý ở Madrid, và những khoản thanh toán không thiết yếu sẽ không được Bộ Tài chính duyệt chi.
Người biểu tình cố gắng ngăn chặn chiếc xe chở ông Xavier Puig, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Catalonia bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ. |
Đáp lại, các quan chức vùng Catalan thề sẽ không chấp hành quyết định đình chỉ trưng cầu dân ý vào ngày 1-10 của Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha. Ông Carles Puigdemont, Thủ hiến Catalonia cho rằng các hoạt động của cảnh sát là “bất hợp pháp”, chính phủ Tây Ban Nha đang hành xử bằng “thái độ toàn trị”. Ông cũng cáo buộc Madrid ban bố tình trạng khẩn cấp là một cách “hủy bỏ sự tự trị hiệu quả” của vùng Catalonia”.
Những vụ khám xét và bắt giữ gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng dân cư Catalonia mặc dù ngày 22-9, 6 trong số 12 người bị bắt đã được thả. Hàng chục nghìn người đã tập trung bên ngoài các văn phòng chính phủ ở Barcelona để phản đối. Nhiều người nằm lăn ra đường để chặn xe cảnh sát, dẫn đến một vài cuộc đụng độ.
Tại trường Đại học Barcelona, khoảng 2.000 sinh viên chiếm một nhà thờ gần văn phòng hiệu trưởng rồi kêu gọi tiếp tục tiến hành cuộc trưng cầu. Câu lạc bộ bóng đá Barcelona cũng tham gia vào các cuộc biểu tình. Người đại diện của câu lạc bộ này lên án bất kỳ hành động nào nhằm cản trở việc thực hiện quyền tự do dân chủ, và thề sẽ tiếp tục ủng hộ ý chí của đa số người dân Catalan bằng biện pháp hòa bình.
Ngày 22 rồi tiếp theo là ngày 23-9-2017, lại có thêm hàng trăm cảnh sát được điều đến thành phố Barcelona để phối hợp với lực lượng cảnh sát địa phương nhằm ngăn chặn cuộc trưng cầu trong bối cảnh những người biểu tình đập phá 2 xe cảnh sát. 3 chiếc phà ở cảng Barcelona được trưng dụng để làm chỗ ở cho họ trong lúc lãnh đạo vùng Catalonia khẳng định cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý sẽ vẫn diễn ra. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cảnh báo sẽ có “những tổn hại lớn hơn” nếu Catalonia không từ bỏ ý định này.
Ông nói: “Sự không tuân thủ pháp luật bởi động cơ quyền lực chính trị là đi ngược lại với chế độ dân chủ. Nó có nghĩa là áp đặt, bất công, vi phạm quyền của người dân và là một cuộc tấn công vào nền dân chủ. Nếu bạn quan tâm đến sự bình yên của hầu hết người Catalan, hãy từ bỏ sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan vì không ai có thể chấp nhận việc xóa bỏ chủ quyền quốc gia và hiến pháp...”.
Hiện tại, nội tình Tây Ban Nha vẫn “rối như canh hẹ” khi mà ngày ấn định cho cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia đang đến gần trong bối cảnh cả Barcelona lẫn Madrid đều không ai chịu nhượng bộ.
Về phía Cộng đồng chung châu Âu, các nhà lãnh đạo EU đang quan sát tình hình ở Catalonia với thái độ thận trọng bởi lẽ nếu vùng này trở thành một “quốc gia độc lập” thì rất có thể nó sẽ gây ra phản ứng dây chuyền, nhất là tại một số quốc gia Đông Âu là thành viên của EU, vẫn âm ỉ tồn tại một số bộ phận đòi ly khai, tự trị...